Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Mở ra các cơ hội phát triển mới để vùng đất Chín Rồng "cất cánh"

Tuesday, 07/02/2024 15:14
Acronyms View with font size

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, cần đề ra các giải pháp phù hợp để Vùng ĐBSCL đón nhận thời cơ mới, vận hội mới thúc đẩy phát triển KTXH, từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển KTXH đất nước. Từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị cho toàn vùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: Từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới của toàn vùng - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Ngày 1/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị có chủ đề: Báo cáo tình hình triển khai Quy hoạch Vùng, báo cáo sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng, rà soát cơ chế, chính sách đặc thù Vùng, tiến độ triển khai một số dự án liên Vùng và Kế hoạch điều phối Hội đồng Vùng năm 2024.

Tình hình phát triển KTXH của Vùng có nhiều kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu phát triển chuyển biến tích cực

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu của các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Sau một buổi làm việc hết sức tích cực, hiệu quả, trách nhiệm cao, Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành các nội dung và chương trình đề ra.

Hội nghị đã nghe báo cáo về 5 nội dung quan trọng: Báo cáo sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 78 của Chính phủ về phát triển Vùng ĐBSCL; Báo cáo tình hình triển khai Quy hoạch Vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về cơ chế, chính sách đặc thù Vùng; Tiến độ triển khai một số dự án liên Vùng và các giải pháp ứng phó để phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Văn phòng Chính phủ, tỉnh Cà Mau và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức chu đáo cho Hội nghị quan trọng này.

Phó Thủ tướng nêu rõ, vùng ĐBSCL là vùng đầu tiên trong sáu vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng và Ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch, 13/13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh và hoàn thành tổ chức công bố quy hoạch.

Đây cũng là vùng đầu tiên được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển Vùng ĐBSCL, mặc dù nền kinh tế trong nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, hậu quả từ đại dịch COVID-19 kéo dài; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát neo ở mức cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả rất nghiêm trọng, tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân nhưng tình hình phát triển KTXH của Vùng có nhiều kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu phát triển KTXH có chuyển biến tích cực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,37%, cao thứ 2/6 vùng trên cả nước; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so năm 2020, đạt 72,3 triệu đồng/người/năm.

Một số công trình quan trọng, trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cầu Mỹ Thuận 2....

Nhiều công trình, dự án quan trọng về lĩnh vực giao thông, thủy lợi, năng lượng, du lịch, hỗ trợ phát triển nông nghiệp... đang trong quá trình thực hiện hoặc nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao được quan tâm tổ chức nhiều hơn tạo không khí vui tươi cho nhân dân. Công tác an sinh xã hội được quan tâm. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, ĐBSCL vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.

Cụ thể, kinh tế của Vùng tuy tăng trưởng khá nhưng còn chưa thực sự bền vững, quy mô còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm 12% quy mô GDP cả nước). Tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương còn chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, hạ tầng KT-XH của Vùng ĐBSCL vẫn còn yếu, thiếu nguồn lực để đầu tư. Năng suất lao động của vùng đạt thấp (136 triệu đồng/lao động, đứng thứ 5/6 vùng, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên). Hoạt động liên kết vùng chưa hiệu quả. Một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Ứng dụng khoa học và công nghệ còn chậm.

Môi trường đầu tư kinh doanh của một số địa phương trong vùng còn chưa thực sự hấp dẫn, chưa thuận lợi để thu hút đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài (vốn FDI đăng ký năm 2023 của vùng chỉ đạt 1,2 tỷ USD đứng thứ 5/6 vùng).

Theo Phó Thủ tướng, chất lượng giáo dục và đào tạo của vùng tuy được nâng lên nhưng chưa đồng đều. Chất lượng nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn lực của các cơ sở khám chữa bệnh công lập còn hạn chế, thiếu trang thiết bị y tế.

Mặt khác, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể của các địa phương dựa trên lợi thế của từng vùng chưa đồng bộ. Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng chưa được xây dựng đầy đủ…

Bên cạnh đó, ĐBSCL hiện đang đối diện với nhiều thách thức. Trong đó có sự xuất hiện các công trình thủy điện ở thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, giảm đáng kể lượng phù sa, cát, suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động tiêu cực đến phát triển KTXH, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.

Từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới của toàn vùng

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Để phát triển Vùng ĐBSCL trong thời gian tới, các Bộ, địa phương cần đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, vận hội mới nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển KTXH nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng.

Từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển KTXH đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị cho toàn vùng, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn.

Về kết quả phát triển chung của cả nước, Phó Thủ tướng cho biết, 6 tháng qua, GDP tăng 6,42% cao hơn kịch bản đề ra, đây là con số "ngoài mong đợi". Ông cho rằng, 6 tháng còn lại của năm 2024, cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ, vùng ĐBSCL phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để góp sức chung cùng với cả nước, 5 vùng còn lại để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Vừa rồi, chúng ta đã thực hiện tăng lương, trước mắt đã thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương, trong thời gian tới sẽ nghiên cứu để triển khai 2 nội dung còn lại. Chính phủ cũng vừa ban hành liên tiếp 3 nghị định về tiền lương, lương hưu,…

Để việc tăng lương đem lại giá trị thực chất cho người lao động, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh trong vùng tập trung tuyên truyền, triển khai các biện pháp quản lý nhà nước về giá, không được chủ quan, không để xảy ra tình trạng tăng lương, tăng giá, "té nước theo mưa".

Về các giải pháp trong thời gian tới đối với vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sau:

Một là , cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL…

Phát triển kinh tế biển, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm

Hai là, tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh như: Phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững gắn với các sản phẩm trọng tâm của vùng là thủy sản, trái cây và lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối.

Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

Phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển.

Ba là, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn, có tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển KTXH của vùng như dự án xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, Hòn Khoai…

Đối với các dự án cao tốc có vướng mắc về giải phòng mặt bằng, vật liệu cát đắp, đề nghị các bộ, ngành, UBND tỉnh có dự án đi qua tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu cát đắp nền để đảm bảo tiến độ cho các công trình này.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trung tâm đầu mối về nông nghiệp

Bốn là, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhất là đất đai và tài nguyên nước; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, trong xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, thoát lũ, vùng trữ - chuyển nước ngọt, hệ thống quản lý và kiểm soát xâm nhập mặn nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động đến từ sự thay đổi nguồn nước thượng lưu sông Mê Kông. Xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh trong vùng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại các tỉnh, nhất là trung tâm đầu mối tổng hợp tại Cần Thơ.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử, văn hóa sông nước, miệt vườn

Năm là, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử, văn hóa sông nước, miệt vườn, văn hóa các dân tộc.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực số gắn với ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo, trợ giúp xã hội.

Kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Sáu là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu tiêu chí, nguyên tắc xây dựng các dự án trọng điểm của vùng và đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để bố trí nguồn lực thực hiện.

Phó Thủ tướng lưu ý cần tập trung cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở, xâm nhập mặn, dự trữ nước ngọt; các dự án của ngành giao thông như: nghiên cứu dự án khả thi đường sắt TPHCM - Cần Thơ; các dự án cao tốc trục đông tây, các sân bay Cà Mau, Phú Quốc...

Bảy là, về kế hoạch triển khai kế hoạch điều phối vùng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương trên tinh thần các nội dung điều phối phải thực chất, hiệu quả, các nhiệm vụ phù hợp triển khai trong năm 2024 sát với thực tiễn và khả thi.

Phó Thủ tướng đề nghị các đồng chí trong Hội đồng điều phối vùng bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng và quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất, báo cáo kết quả theo quy định./.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)