Nâng tầm Hà Nội lên đô thị đa cực mô hình 2 thành phố trực thuộc Thủ đô

Friday, 12/22/2023 14:22
Acronyms View with font size

Những đề xuất về mô hình 2 thành phố trực thuộc Thủ đô hay “thành phố trong thành phố” đang dần hoàn thiện tại các đồ án quy hoạch lớn của TP. Hà Nội.

Mô hình hình 2 thành phố trực thuộc Thủ đô được kỳ vọng là giải pháp tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong kêu gọi đầu tư và phát triển đột phá. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Quy hoạch thành phố phải lấy con người làm trung tâm

Nhiều chuyên gia cho rằng, để định hình 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, cần phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội tốt, kết nối giao thông giữa thành phố trực thuộc với khu vực trung tâm thành phố chính, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp.

Nếu không đủ nguồn lực để xây dựng nhà ở giá rẻ thì có thể tính đến bài toán cho thuê, để cư dân từ các quận trung tâm di chuyển đến thành phố mới có được chỗ ở, việc làm, giao thông công cộng thuận lợi, sinh sống ổn định, lâu dài, được đáp ứng nhu cầu về đi lại, giải trí, giáo dục, y tế, có không gian xanh, không gian công cộng…

Đấy là nhiệm vụ của hạ tầng đô thị và chỉ khi chuẩn bị tốt những điều kiện đó mới có thể hút dân từ nội thành di chuyển về thành phố mới.

Khi đã là thành phố, dân số tăng lên thì vai trò của chính quyền đô thị sẽ càng đậm nét. Có thể tham khảo mô hình chính quyền đô thị các quốc gia trên thế giới là người đứng đầu với vai trò thị trưởng thành phố cùng với một Hội đồng thành phố hỗ trợ cho thị trưởng.

Hội đồng thành phố được cư dân bầu ra và vì lợi ích của cộng đồng cư dân, sẽ bao gồm những người tài giỏi, có phẩm chất, văn hóa, tri thức và không phân biệt thành phần, độ tuổi. Sẽ có những người rất trẻ, đại diện cho tiếng nói của thế hệ cư dân trẻ trong xã hội đô thị. Chính quyền thành phố phải tìm ra các biện pháp, phát huy nguồn lực để thành phố phát triển bền vững, nâng cao đời sống cho cư dân, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào thành phố chính.

Vì thế, cần đặt ra bài toán đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho chính quyền đô thị, chứ không phải cho một quận hay một huyện nào. Điều này đòi hỏi đồ án điều chỉnh quy hoạch Thủ đô mới sẽ phải là một đồ án quy hoạch đa ngành, bao gồm cả quy hoạch hạ tầng, quy hoạch kinh tế, quy hoạch xây dựng… đến quy hoạch nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, cần giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nông thôn truyền thống trong quá trình đô thị hóa và thành phố hóa. Bởi đó chính là nét riêng làm nên bản sắc độc đáo của đô thị vốn từ làng lên phố, điều mà không phải chỉ bỏ công sức, tiền bạc, nguồn lực ra là có thể kiến tạo trong ngày một ngày hai. Lớp trầm tích văn hóa làm nên giá trị riêng của đô thị càng được tích lũy thì càng trở nên quý giá.

Những làng nghề sẽ tham gia vào công nghiệp văn hóa và đóng góp vào phát triển du lịch của thành phố, chứ không chỉ còn là sinh kế hằng ngày của nông dân cho dù có lên thành phố. Làng nghề cùng với những di sản kiến trúc là minh chứng để cho con người hiểu được văn hóa địa phương, rộng hơn là văn hóa của cha ông, là lịch sử, ký ức của đô thị, của thành phố.

Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa đô thị. Đây là yếu tố rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển thành phố mới. Văn hóa đô thị sẽ được hình thành từ luật pháp, từ hướng dẫn của chính quyền đô thị với người dân. Điều đó có nghĩa muốn xây dựng đô thị có văn hóa phải có chính quyền đô thị văn hóa.

Đô thị là sản phẩm không gian văn hóa vật chất vĩ đại do con người sáng tạo ra. Do đó, quy hoạch thành phố phải lấy con người làm trung tâm. Sự chuẩn bị để con người biến giấc mơ thành hiện thực cũng quan trọng như chuẩn bị nguồn lực, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất. Việc xây dựng 2 thành phố trong TP. Hà Nội sẽ còn nhiều thách thức. Nhưng khi đã có ý chí, thì sẽ có con đường.

Hoàn chỉnh cấu trúc Thủ đô Hà Nội

Tại hội thảo về quy hoạch diễn ra mới đây, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho biết, Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo mô hình chùm, đa cực, đa trung tâm gồm: Đô thị trung tâm (đô thị phía Nam sông Hồng; đô thị Long Biên, Gia Lâm); thành phố phía Bắc (các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn); thành phố phía Tây (đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai); cùng các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và thị trấn sinh thái...

Trong đó, thành phố phía Bắc có diện tích 633km2 (gồm 385km2 đất xây dựng đô thị và 248km2 khu vực ngoại thị), định hướng chức năng dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Thành phố phía Tây có diện tích 251km2 (khoảng 135km2 đất xây dựng đô thị và 116km2 đất ngoại thị), là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.

Về mô hình thành phố phía Bắc, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương cho biết, đây là vùng áp dụng các cơ chế đặc thù tạo sự phát triển đột phá nhờ thu hút doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài bố trí cơ sở sản xuất, nghiên cứu. Tư vấn đánh giá, đến năm 2030 sẽ khả thi trong việc đô thị hóa khu vực Đông Anh, khu vực Mê Linh tương đương đô thị loại 3 và vùng Sóc Sơn tương đương đô thị loại 4. Về dài hạn, khu vực này sẽ là đô thị tập trung, loại 1. Với các khu vực còn lại, đơn vị tư vấn đề xuất giữ không gian xanh, nêm xanh và không đô thị hóa toàn bộ.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định sân bay thứ 2 tại Hà Nội với công suất 50 triệu hành khách/năm, được nghiên cứu sau năm 2030, thực hiện vào năm 2040.

Với sân bay này, trong thời kỳ 2045-2065, Hà Nội hình thành một thành phố phía Nam. Đối chiếu với Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra nhiệm vụ xây dựng 2 thành phố phía Bắc và phía Tây với mốc thời gian tới năm 2045 thì việc hình thành thêm thành phố thứ 3 trong giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn chỉnh cấu trúc không gian của Thủ đô Hà Nội.

Tạo ra cực phát triển để nâng tầm lên đô thị đa cực

PGS, TS, KTS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc hình thành các "thành phố trong thành phố", mở ra một định hướng mới cho Hà Nội khi đi kèm kỳ vọng nguồn lực đầu tư sẽ được đặt vào đúng trọng điểm, đúng thời điểm. Từ đó, sự phát triển của Thủ đô không chỉ đè nặng lên khu vực trung tâm như hiện nay.

"Thành phố trong thành phố" vẫn là những đô thị có khoảng cách, có nêm xanh để phân cách với thành phố trung tâm. Do đó, về bản chất vẫn là đô thị vệ tinh, đến lúc "đủ lớn", "đủ khỏe", đáp ứng đủ chỉ tiêu thì đô thị sẽ được công nhận là "thành phố trong thành phố". Mô hình này chỉ khác đô thị vệ tinh ở cơ chế quản lý về hành chính, về chính sách phát triển, về phân cấp phân quyền để tạo ra động lực phát triển.

Còn theo TS, KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mô hình đại đô thị (mega city) với một trung tâm đơn nhất đã trở nên lạc hậu, bởi quá tải về dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo… Một số đô thị lớn ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản hay Hàn Quốc đã chuyển các mô hình đô thị đơn cực này sang mô hình đô thị đa trung tâm. Ý tưởng phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" cũng được hình thành từ đây.

TS, KTS Trương Văn Quảng cho rằng, mô hình này đã phát triển ở nhiều quốc gia và đã thu được những kết quả đáng khích lệ khi làm thay đổi cấu trúc thành phố "mẹ", khai thác tiềm năng hiệu quả hơn trong quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị… Tuy là thành phố "con" nhưng là cơ hội tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là hạt nhân, động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dẫn dắt sự phát triển chung của toàn thành phố và phụ cận.

Tại Việt Nam, mô hình "thành phố trong thành phố" chưa có tiền lệ. Do thực tiễn quá trình đô thị hóa đòi hỏi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9-12-2020 về việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Đây là bước đi ban đầu của quá trình phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" tại Việt Nam nên cần có thời gian để khẳng định tính hiệu quả.

Tuy nhiên, từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy, mô hình "thành phố trong thành phố" phù hợp với quá trình đô thị hóa, sẽ tạo ra cực phát triển, tạo thế và lực có tính đột phá mới, năng động, có sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển chung của toàn thành phố và cả vùng.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)