Hà Nội hướng tới xây dựng thương hiệu ‘Thành phố sáng tạo’

Monday, 01/04/2021 14:39
Acronyms View with font size

Hà Nội ngày càng khẳng định vị trí xứng đáng là “trái tim của cả nước”. Sau khi được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới, Hà Nội đang nỗ lực phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của mình.

Thiết kế “Cổng ánh sáng” được trao giải nhất thi thiết kế mẫu “Cột mốc Km 0”. Ảnh: Hà Nội Mới

Từ Thành phố vì hòa bình đến Thành phố sáng tạo

Mạng lưới “Các thành phố Sáng tạo UNESCO” được thành lập năm 2004, hiện có 246 thành viên, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” Hà Nội vinh dự trở thành 1 trong 246 thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế. Từ đó, Hà Nội đứng trước cơ hội lớn trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa; thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư; kích thích tái tạo đô thị; phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững.

Phát biểu tại tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội-Thành phố sáng tạo” tổ chức mới đây, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ: “Đã 11 thế kỷ kể từ mùa thu Canh Tuất 1010, đức Vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô, quyết định dời kinh đô Đại Việt từ Hoa Lư về định đô tại đất “Rồng bay”, Thăng Long-Hà Nội vẫn luôn là một vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài bốn phương để kiến tạo nên Thăng Long-Hà Nội rạng ngời trong lịch sử, vẫn lắng đọng hồn núi sông ngàn năm, với những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc. Hà Nội đã được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định Hà Nội mang trong mình nhiều tiềm lực to lớn cần được thúc đẩy hơn nữa cho phát triển bền vững, trong đó sự kiện được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo là sự ghi nhận và nguồn động lực cho những nỗ lực của Thủ đô Hà Nội.

Theo ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, việc trở thành thành phố sáng tạo là một sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội, bên cạnh danh hiệu Thành phố vì hòa bình. UNESCO cũng đã xây dựng đề án hướng tới mục tiêu tiếp theo là đưa Hà Nội từ thành phố sáng tạo thành trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới.

Hà Nội ngày nay, mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích, 8,5% dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là Thủ đô của đất nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước…

Để cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường sinh thái,… trong hơn 20 năm qua, nhiều mục tiêu, chương trình, công trình đã được hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân. Nhờ sự nỗ lực đó, trong hơn 20 năm qua, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt công trình tiêu biểu như: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường vành đai 3 và vành đai 3 trên cao, đường vành đai 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài,… đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Hình ảnh Thủ tướng Australia John Howard thong thả chạy bộ buổi sáng ở hồ Hoàn Kiếm; Tổng thống Pháp Francois Hollande thong thả tản bộ trong khu phố cổ; Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngồi ăn bún chả cùng người dân; tháng 2/2019, Hà Nội đã được Hoa Kỳ và Triều Tiên chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa hai bên và gần đây nhất, ngày 20/10/2020, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đi dạo một vòng quanh Hồ Gươm vào sáng sớm trước khi kết thúc chuyến công du ở Việt Nam. … càng thể hiện rõ tinh thần hòa bình, thân thiện có sẵn ở mảnh đất này.

Tất cả khẳng định, sức hấp dẫn từ sự phát triển ổn định, niềm tin vào Hà Nội - Thành phố vì hòa bình.

Hiện thực hóa tầm nhìn một thành phố sáng tạo

Trong đơn đệ trình UNESCO ghi danh Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh khát vọng vị thế thành phố sáng tạo về thiết kế, đồng thời khẳng định di sản văn hóa trù phú của Hà Nội là sự kế thừa của gia tài sáng tạo và đổi mới, là mảnh đất màu mỡ để phục hưng văn hóa trong thời đại mới với sự dẫn dắt của thanh niên - những công dân tài năng và năng động của Hà Nội.

Hà Nội cũng là địa phương có tiềm lực khoa học công nghệ rất lớn với 82% trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nhằm trên địa bàn. Cả nước có 5 khu công nghiệp công nghệ cao thì 2 khu ở Hà Nội. Ngoài ra, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm giáo sư, tiến sĩ) quy tụ ở Hà Nội. Riêng Đảng bộ các trường Đại học và cao đẳng trực thuộc Thành uỷ có đến 13.000 Giáo sư, Phó Giáo sư.

Đây là nguồn lực rất lớn để Hà Nội hiện thực hóa tầm nhìn, phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung đánh giá trên thực tế, Hà Nội có thể đáp ứng tất cả các tiêu chí về sáng tạo. Việc Hà Nội đã chính thức trở thành một trong những thành phố sáng tạo của UNESCO, tạo điều kiện để Hà Nội có thể biến sáng tạo và công nghiệp văn hóa trở thành một trong những cốt lõi của phát triển; tạo cơ hội để Hà Nội tăng cường hội nhập quốc tế, tham gia các hoạt động do các thành phố thành viên khác tổ chức; huy động được nguồn lực, tri thức, học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố thành viên và của UNESCO...

Ông Michael Croft đề xuất sau Hà Nội, có thể thiết lập một mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trải dọc từ Bắc vào Nam ở Việt Nam. Ngoài những lợi ích kinh tế - xã hội, “vành đai” sáng tạo này sẽ cung cấp một cách biểu đạt đầy sức mạnh cho một Việt Nam hiện đại, năng động và sáng tạo hơn với nền kinh tế hội tụ, tạo cảm hứng cho sự ra đời của những thực hành và sản phẩm văn hóa mới.

“Cam kết của chúng tôi là dài hạn và toàn diện, vì điều đó chúng tôi tin tưởng rằng sáng kiến này không chỉ hỗ trợ sự phát triển bền vững của thành phố mà còn bảo đảm người dân Hà Nội sẽ cảm nhận được sự gắn kết đặc biệt với thành phố của mình và giữa những người dân thành phố với nhau, một mối quan hệ mà chính chúng ta trân trọng, lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ mai sau”, ông Michael Croft cho biết.

Mảnh đất ươm mầm sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp

Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh, triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo góp phần hình thành cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Hiện nay, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, Hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội...  Bên cạnh đó, Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh xây dựng trung tâm sáng tạo, thành phố thông minh, quỹ văn hóa… nhằm khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, để phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Thủ đô, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản. Trong đó cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân Thủ đô về phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”; nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của sáng tạo, phát triển không gian sáng tạo, ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển Thủ đô trên nền tảng chuyển hóa các “nguồn lực văn hóa” thành “sức mạnh” góp phần phát triển bền vững Thủ đô. Từ đó lồng ghép sáng tạo trong tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, mỗi người dân Hà Nội cũng cần phát huy hơn nữa tính sáng tạo trong mọi lĩnh vực, để sự sáng tạo trở thành chất liệu, động lực phát triển Thủ đô trong những năm tới…

Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo lĩnh vực thiết kế, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)