Hội nghị kiểm điểm công tác năm 2005 và bàn biện pháp thực hiện kế hoạch năm 2006 ngành Xây dựng

Tuesday, 01/10/2006 00:00
Acronyms View with font size
Trong 2 ngày 6-7/1/2005, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm công tác năm 2005 và bàn biện pháp thực hiện kế hoạch năm 2006 dưới sự chủ trì của Đồng chí Nguyễn Hồng Quân, ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Các đại biểu tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban ngành Trung ương và Hà Nội, lãnh đạo các Tổng công ty, công ty, các đơn vị hành chính, sự nghiệp của Bộ, các sở xây dựng địa phương. Đồng chí Vũ Khoan, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và phát biểu với Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2005 và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch năm 2006 do Thứ trưởng Nguyễn Văn Liên trình bày. Theo báo cáo, năm 2005 là năm toàn ngành có những nỗ lực phấn đấu cao và đã thu được những kết quả quan trọng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, chỉ đạo sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Cụ thể trong các lĩnh vực như sau:
1.Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
Năm 2005, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, tổ chức soạn thảo để trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Nhà ở đã được QH thông qua tại Kỳ họp thứ 8 QH XI và Luật Kinh doanh Bất động sản dự kiến sẽ được QH thông qua vào kỳ họp thứ 9, các Nghị định, Nghị Quyết, Quyết định, Thông tư hướng dẫn... Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra thực hiện pháp luật vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều lớp tập huấn Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn Luật đã được tổ chức tại các địa phương trên cả nước.
Hệ thống Quy chuẩn Xây dựng, Tiêu chuẩn Xây dựng trong năm 2005 tiếp tục được soát xét, hoàn thiện. Các đối tượng tiêu chuẩn hóa đã bao quát hết các hoạt động xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây lắp, thử nghiệm, nghiệm thu đến khâu khai thác, vận hành, sử dụng, bảo quản, sản xuất VLXD, cấu kiện, sản phẩm cơ khí, thành phẩm xây dựng.
Bộ cũng đã ban hành Quy chế 09/2005/QĐ-BXD ngày 7/4/2005 về việc áp dụng Tiêu chuẩn nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam.
Đến hết năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành khoảng 8000 danh mục định mức thuộc các loại công tác trong hoạt động xây dựng. Hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật vừa được soát xét sửa đổi, bổ sung đã thay thế được hầu hết các định mức cũ, phù hợp với công nghệ và biện pháp thi công tiên tiến, với chủng loại vật tư, thiết bị thi công mới; hệ thống định mức xây dựng chuyên ngành đang được thu hẹp và thống nhất dần vào một hệ thống chung góp phần tiết kiệm kinh phí đầu tư của nhà nước.
Trong lĩnh vực quản lý kiến trúc quy hoạch, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch vùng biên giới Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia, nghiên cứu quy hoạch xây dựng vùng Đông Bắc, Tây Bắc, vùng Duyên Hải Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Trung Bộ, chỉ đạo công tác lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn cho toàn bộ các địa phương trên cả nước. Đến nay đã có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập xong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn; toàn bộ 93 thành phố, thị xã đã lập quy hoạch xây dựng chung; có 589/622 95% thị trấn cả nước có quy hoạch xây dựng. Năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24/1/2005 về quy hoạch xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 15/2005/TT-BXD ngày 19/8/2005 hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch vùng. Cùng với việc xây dựng quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo rà soát, đánh giá việc xếp loại và phân cấp đô thị theo Nghị định 72/2001/NĐ-CP ngày 5/10/2001 của Chính phủ, từng bước sắp xếp lại mạng lưới đô thị quốc gia theo Định hướng quy hoạch phát triển đô thị toàn quốc đến năm 2020.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2243.213' />
Về quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong năm 2005 Bộ đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu, soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Nghị định quản lý xây dựng ngầm đô thị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp, Ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý cây xanh đô thị, sửa đổi Thông tư 05/2002/TT-BXD ngày 30/12/2002 hướng dẫn, quản lý chi phí dịch vụ công ích, ... Bộ cũng đã trình Chính phủ phê duyệt đề án Đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực cấp nước. Trên cơ sở đó, Bộ đã thành lập Tổng Công ty đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam.
Về quản lý và phát triển nhà, Bộ đã chỉ đạo hoàn chỉnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý phát triển nhà, bao gồm Luật Nhà ở, Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/7/1991. Bộ cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lụt Đồng bằng sông Cửu Long, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chỉ đạo phát triển nhà ở theo Định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020. Việc đầu tư phát triển nhà ở, khu đô thị mới đạt kết quả cao, trong 5 năm 2001-2005, số lượng các dự án phát triển nhà ở đô thị tăng nhanh, bình quân hoàn thành và đưa vào sử dụng mỗi năm khoảng 20 triệu m2 nhà ở đô thị.
Về quản lý vật liệu xây dựng, năm 2005, dự án Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch VLXD của địa phương. Công nghiệp VLXD đã được đầu tư và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng các sản phẩm có chất lượng và hàm lượng KHCN cao, thay thế hàng nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu.
Về quản lý xây dựng, công tác cấp giấy phép xây dựng GPXD đã phân cấp mạnh cho các cấp chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người xin GPXD và công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thuộc quyền quản lý của chính quyền cơ sở, giảm tỷ lệ số công trình không có GPXD.
Năm 2005 là năm các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Xây dựng về quản lý chất lượng công trình xây dựng như Nghị định 209/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn đã có hiệu lực đầy đủ. Nhận thức của xã hội về vai trò kiểm định độc lập chất lượng công trình xây dựng do các tổ chức tư vấn được chuyên nghiệp hóa thực hiện đã bắt đầu chuyển biến, mạng lưới kiểm định quốc gia đã phát huy hiệu quả, hiệu lực trong việc kiểm soát chất lượng công trình xây dựng.
Công tác quản lý nhà nước về khảo sát thiết kế xây dựng tập trung vào việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực các tổ chức khảo sát thiết kế xây dựng, giảm bớt thủ tục hành chính và phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động khảo sát, thiết kế xây dựng.
Thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa IX và nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã thành lập ban soạn thảo đề án chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Qua khảo sát và nghiên cứu thực tiễn, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/2005/CT-TTg ngày 15/6/2005 về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước và chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng.
2.Thực hiện nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp
Giá trị sản xuất kinh doanh SXKD năm 2005 của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng ước đạt 64.067,447 tỷ đồng, bằng 103,5% kế hoạch năm, tăng 16,2% so với thực hiện năm 2004. Hầu hết các đơn vị đều có mức tăng trưởng so với năm 2004 về giá trị SXKD. Các chỉ tiêu chính đạt được như sau:
- Giá trị xây lắp đạt 29.002,928 tỷ đồng, bằng 104,9% kế hoạch năm, tăng 19,3% so với năm 2004. Giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu kể cả TCT xi măng Việt Nam thực hiện năm 2005 đạt 21.464,594 tỷ đồng, bằng 101,1% kế hoạch năm, tăng 11,7% so với thực hiện năm 2004. Xuất nhập khẩu năm 2005 đạt 666,937 triệu USD, bằng 100,6% kế hoạch năm, tăng 8,9% so với năm 2004. Giá trị tư vấn đạt 1.086,783 tỷ đồng, đạt 110,2% kế hoạch, tăng 12,5% so với năm 2004. Tổng doanh thu năm 2005 đạt 55.532,686 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2004.
- Các khoản nộp ngân sách nhà nước đạt 2.678,992 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2004.
Tổng số dự án đầu tư do các đơn vị thuộc Bộ quản lý đăng ký thực hiện trong năm 2005 là 550 dự án với tổng mức kế hoạch vốn đầu tư là 16.246 tỷ đồng, tăng 16,2% so với thực hiện đầu tư năm 2004, trong đó có 264 dự án chuyển tiếp và 286 dự án khởi công mới, gồm 76 dự án nhóm A, 334 dự án nhóm B và 140 dự án nhóm C. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp năm 2005 vẫn tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở đạt 5.644,219 tỷ đồng với 313 dự án; xi măng đạt 3.379,6 tỷ với 30 dự án, các nhà máy điện đạt 1.662,1 tỷ với 37 dự án.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2243.214' />
Năm 2005, Bộ đã hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp cho 99 đơn vị gồm 75 doanh nghiệp và 24 bộ phận doanh nghiệp, trong đó đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa cho 93 đơn vị, phê duyệt phương án sắp xếp lao động cho 82.703 người.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành xây dựng trong năm 2005, và chỉ đạo phát huy những thành tựu đã đạt được, trong năm 2006, toàn ngành cần chú trọng hơn đến chất lượng tăng trưởng để đảm bảo phát triển bền vững. Trong công tác quản lý nhà nước cũng như sản xuất kinh doanh cần có những đổi mới phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, phù hợp với quy luật của thị trường. Các đơn vị cần đề ra những giải pháp cụ thể trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát nhằm đẩy lùi các tiêu cực trong xây dựng. Để thực hiện những nhiệm vụ đó, các đơn vị trong Bộ cần hoàn thiện và xác định rõ các chức năng nhiệm vụ, đổi mới cơ chế quản lý và kiện toàn bộ máy, tăng cường trách nhiệm đối với các công trình trọng điểm, cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước bằng các quyết định của địa phương, của doanh nghiệp, xây dựng các chương trình hành động của riêng mình để thực hiện chương trình hành động của Bộ về phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính.

Bạch Minh Tuấn
Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)