Quyết định ban hành Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam TCXDVN 357:2005 " Nhà và công trình dạng tháp - Quy trình quan trắc độ nghiêng bằng phương pháp trắc địa"

Wednesday, 01/11/2006 00:00
Acronyms View with font size
Ngày 10/01/2006 Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 02/2006/QĐ-BXD ban hành Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam TCXDVN 357:2005 "Nhà và công trình dạng tháp - Quy trình quan trắc độ nghiêng bằng phương pháp trắc địa".
Tiêu chuẩn này áp dụng để quan sát độ nghiêng của các nhà cao tầng, các hạng mục và các kết cấu trên các công trình công nghiệp như các silô chứa vật liệu rời, các bồn chứa nhiên liệu, ống khói nhà máy, tháp truyền hình, ăng ten vô tuyến viễn thông và các công trình khác trong giai đoạn thi công xây dựng cũng như trong giai đoạn khai thác sử dụng.
Những quy định chung được áp dụng trong Tiêu chuẩn này là:
- Việc đo độ nghiêng được thực hiện đối với tất cả các công trình đã nêu trên theo quyết định của cơ quan thiết kế hoặc Ban quản lý công trình.
- Phương pháp đo độ nghiêng sẽ được lựa chọn tuỳ theo độ chính xác yêu cầu, điều kiện đo ngắm và trang thiết bị của đơn vị tiến hành đo đạc.
- Để biểu diễn độ nghiêng và hướng nghiêng đối với mỗi công trình cần xác lập một hệ toạ độ thống nhất. Hệ toạ độ này có thể là chung cho toàn bộ công trình hoặc cũng có thể là cục bộ đối với từng hạng mục riêng biệt. Việc chọn hệ toạ độ do cán bộ kỹ thuật chủ trì quan trắc quyết định.
- Đối với các công trình có trục đứng duy nhất và rõ ràng như ống khói nhà máy, tháp truyền hình, ăng ten VTVT, silô, bồn chứa nhiên liệu vv.. thì độ nghiêng của công trình được hiểu là sự sai lệch của trục đứng thực tế của nó tạị điểm đang xét so với đường thẳng đứng được xác định bằng đường dây dọi. Độ nghiêng của công trình được đặc trưng bởi véc tơ độ lệch tổng hợp e. Thông thường người ta thường phân tích véc tơ này thành hai thành phần vuông góc với nhau. Thành phần theo trục X ký hiệu là ex và thành phần theo trục Y ký hiệu là ey. Đối với các công trình không có trục đứng duy nhất và rõ ràng như các toà nhà cao tầng thì độ nghiêng của nó được đánh giá qua độ nghiêng của các bức tường và của các cột chịu lực chính.
- Độ nghiêng của công trình còn được thể hiện bằng góc nghiêng ε và hướng nghiêng α.
- Việc quan trắc độ nghiêng phải được thực hiện bằng các máy móc, thiết bị phù hợp với từng phương pháp và độ chính xác yêu cầu. Trước khi đưa vào sử dụng các máy móc thiết bị phải được kiểm nghiệm và hiệu chỉnh theo đúng các qui định của tiêu chuẩn hoặc qui phạm chuyên ngành.
- Trong giai đoạn thi công xây dựng độ nghiêng của công trình xuất hiện do lỗi của người thi công, vì vậy nó cần phải được phát hiện kịp thời để bên thi công có biện pháp chỉnh sửa.
- Độ nghiêng của công trình trong giai đoạn khai thác sử dụng xuất hiện do nhiều nguyên nhân: Do tác động của tải trọng, tác động của gió, do ảnh hưởng của độ lún không đều v.v... Vì vậy việc xác định độ nghiêng của công trình trong giai đoạn này cần phải được thực hiện lặp đi lặp lại theo các chu kỳ để theo dõi và đánh giá sự phát triển của nó theo thời gian. Chu kỳ đo được chọn dài hay ngắn tuỳ thuộc vào tốc độ phát triển của độ nghiêng và do cơ quan thiết kế hoặc Ban quản lý công trình quyết định.
- Sự phát triển của độ nghiêng của công trình trong giai đoạn khai thác sử dụng có liên quan trực tiếp với sự lún lệch của nó, vì vậy song song với sự theo dõi độ nghiêng cần tiến hành theo dõi cả độ lún của công trình bằng phương pháp thuỷ chuẩn hình học chính xác theo TCXDVN 271:2002.
- Khi quan trắc độ nghiêng của các công trình trong điều kiện không có không gian thao tác đủ rộng thì máy kinh vĩ hoặc máy toàn đạc điện tử cần phải được trang bị thêm kính ngắm vuông góc và phải sử dụng loại máy có con lắc điện tử để bù xiên cho hai trục và con lắc này phải được kích hoạt ở chế độ hoạt động.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Nguyễn Thị Đỗ Hạo

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)