Xi măng Việt Nam - sự ra đời, phát triển và truyền thống đấu tranh cách mạng của công nhân ngành Xi măng

Thứ sáu, 31/03/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cách đây 106 năm, ngày 25/12/1899, trên mảnh đất ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý, nơi Nhà máy Xi măng Hải phòng được chính thức khởi công xây dựng, một Nhà máy lớn nhất Đông dương lúc bấy giờ, hình thành cái nôi đầu tiên của ngành công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Ra đời và phát triển trên thành phố Hải Phòng, nơi có nhiều cơ sở công nghiệp lớn, có hái cảng giao lưu quốc tế, công nhân Xi măng sớm trở thành một lực lượng tiêu biểu cho tầng lớp cách mạng, có tinh thần đấu tranh kiên cường, tham gia đáng kể vào qúa trình hình thành và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam. Năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được thành lập tại Nhà máy. Tháng 8/1929, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của Xi măng ra đời. Cũng trong thời kỳ này, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và một số đồng chí lãnh đạo của Đảng đã về Nhà máy lãnh đạo phong trào cách mạng. Những sự kiện trọng đại này có ý nghĩa lịch sử và tác động rất lớn, quyết định phong trào đấu tranh của công nhân Xi măng từ tự phát đến tự giác và phát triển thành cao trào rộng lớn và liên tục.
Chính vì ý nghĩa to lớn đó và sau khi nghiên cứu kỹ lịch sử đấu tranh cách mạng của công nhân Xi măng, Công đoàn Liên hiệp các xí nghiệp Xi măng nay là Công đoàn Tổng công ty Xi măng Việt nam với sự đồng ý của cấp trên, tại Đại hội lần thứ nhất họp vào ngày 21-22/3/1984, đã quyết định lấy ngày 8-1 hàng năm làm ngày truyền thống công nhân Xi măng. Từ đó đến nay, ngày 8-1 thực sự đã trở thành Ngày hội truyền thống của công nhân Xi măng Việt Nam. Ngày 31-5-2004, Chính phủ đã có Quyết định số 557/QĐ-TTG cho phép lấy ngày 8-1 hàng năm là Ngày truyền thống toàn ngành Xi măng Việt Nam
Xi măng là một trong những ngành công nghiệp được hình thành sớm nhất ở nước ta cùng với các ngành Than, Dệt, Đường sắt.... Cái nôi đầu tiên của ngành Xi măng Việt Nam là Nhà máy Xi măng Hải phòng, được khởi công xây dựng đến nay đã có 106 tuổi. Sản phẩm Xi măng mang thương hiệu con Rồng của Nhà máy Xi măng Hải phòng đã một thời nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn có mặt ở cả vùng Viễn đông, Vla-đi-vôstốc LB Nga, Java Inđônêxia, Hoa Nam Trung quốc, Xingapo...
Công nhân Xi măng thực sự được toàn quyền quyết định đến sản xuất và xây dựng Nhà máy kể từ sau khi hoà bình lập lại. Với tư thế của người làm chủ, chỉ sau 7-8 năm sản xuất, cán bộ công nhân Nhà máy Xi măng Hải phòng đã đưa sản lượng tăng từ 10 vạn tấn năm 1956 lên 59,2 vạn tấn vào năm 1964, tăng gần gấp 2 lần sản lượng cao nhất thời kỳ thực dân Pháp quản lý 1939. Thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, lực lượng tự vệ của Nhà máy đã phối hợp với lực lượng vũ trang của thành phố Hải Phòng tham gia chiến đấu 65 trận và trực tiếp chiến đấu 33 trận bảo vệ Nhà máy, bảo vệ thành phố. Ngày 22/11/1967, lực lượng tự vệ của Nhà máy Xi măng Hải Phòng đã trực tiếp chiến đấu bắn rơi một máy bay A4D của giặc Mỹ. Trước năm 1975, ngoài các nhà máy Xi măng lò đứng công suất nhỏ của các địa phương, bộ ngành, Xi măng Hải phòng là Nhà máy duy nhất của miền Bắc đảm đương việc sản xuất xi măng chất lựơng cao để xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ cho sản xuất và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đặc biệt, Nhà máy đã sản xuất được xi măng mác cao P600 để phục vụ xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là để thể hiện tấm lòng sâu nặng của công nhân Xi măng Hải phòng đối với Bác Hồ kính yêu và tưởng nhớ kỷ niệm lần Người về thăm Nhà máy vào năm 1957. Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng 30/4/1975, ngành Xi măng Việt nam tiếp quản thêm Nhà máy Xi măng Hà tiên xây dựng từ thời Mỹ-ngụy. Cũng từ đó đội ngũ công nhân Xi măng Việt Nam được bổ sung thêm những người anh em đồng nghiệp từ miền Nam thân yêu để trao đổi, học tập kinh nghiệm, cùng giúp nhau xây dựng phát triển ngành Xi măng Việt Nam ngày một lớn mạnh trên qui mô cả nước.
Được Đảng và Nhà nước quan tâm, sau một thời gian tập trung xây dựng, đầu những năm 80, ngành Xi măng Việt Nam có thêm Nhà máy Xi măng Bỉm sơn và Xi măng Hoàng Thạch đi vào hoạt động. Cùng với việc thành lập Liên hiệp các xí nghiệp Xi măng Việt Nam nay là Tổng công ty Xi măng Việt Nam, từ ngày 1/4/1980, đội ngũ công nhân ngành Xi măng Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của cha anh, đã phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện và trưởng thành lên một bước mới.
Trong những năm 1990, Xi măng lò đứng đã được định hướng phát triển và đạt được tổng công suất trên 3 triệu tấn /năm với thiết bị công nghệ tiến tiến hơn, có trang bị điều khiển tự động từng phần đảm bảo chất lượng ổn định, góp phần cân đối cung cầu xi măng trong cả nước.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực hội nhập khu vực và quốc tế, đưa Xi măng trở thành một ngành công nghiệp mạnh, từ năm 1996, Hiệp hội Xi măng Việt Nam ra đời, cho đến nay đã qui tụ gần 100 đơn vị thành viên trực tiếp sản xuất và phục vụ sản xuất xi măng trong cả nước với trên 43.500 công nhân lao động. Với thành phần đa dạng: Từ các nhà máy trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp Nhà nước đến Công ty cổ phần, công ty liên doanh..., từ các nhà máy với công nghệ lò đứng đến công nghệ lò quay và các trạm nghiền xi măng trong cả nước, từ sản xuất theo phương pháp ướt đến sản xuất theo phương pháp khô, từ các đơn vị sản xuất bao bì, cung ứng tiêu thụ đến các đơn vị làm công tác tư vấn, đào tạo ... Hiệp hội Xi măng Việt Nam đang thực sự là một đại gia đình của các nhà sản xuất xi măng cả nước.
Tiếp theo các mốc thời gian, lực lượng công nhân lao động làm xi măng vừa đông đảo về số lượng, vừa có trình độ, khả năng quản lý, vận hành, sữa chữa các nhà máy xi măng có công suất lớn, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại. Và đến hôm nay, chúng ta lại tiếp tục có thêm các nhà máy xi măng mới, hiện đại như Xi măng Bút sơn, Hoàng mai, Tam điệp đã đi vào sản xuất. Đặc biệt, Nhà máy Xi măng Hải phòng mới nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, của các cấp các ngành, sự giúp đỡ của các đơn vị thành viên trong TCTY và sự cố gắng nỗ lực của chủ đầu tư cùng các nhà thầu trong công tác lắp đặt hiệu chỉnh, ngày 30/11/2005, dây chuyền lò nung đã chính thức đi vào hoạt động sản xuất ra mẻ clinker đầu tiên và đến nay đã sản xuất được trên 50.000 tấn clinker chất lượng tốt, đang khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại để dần thay thế Nhà máy cũ đã già cỗi lạc hậu, tiếp nối sự nghiệp vinh quang là sản xuất xi măng mà các thế hệ cha anh đã làm trên 100 năm nay, để sản phẩm Xi măng nhãn hiệu con Rồng được tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mãi mãi trường tồn với non sông đất nước Việt Nam. Tiếp đến là các nhà máy Xi măng mới như: Bình Phước, Hoàng Thạch 3, Bút Sơn 2, Bỉm Sơn mới, Hạ Long, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cẩm phả, Sông gianh, Tây Ninh, Chin-fon 2, Nghi Sơn 2 v.v... Những thế hệ tương lai trong đại gia đình Xi măng Việt Nam sẽ lần lượt ra đời. Sản lượng xi măng của Tổng công ty Xi măng nói riêng và của các thành viên trong Hiệp hội Xi măng nói chung thực hiện hàng năm đều vượt mức KH được giao và liên tục đạt năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2005, cả nước sản xuất và tiêu thụ ước đạt trên 27,9 triệu tấn trong đó: TCY Xi măng đạt 12,9 triệu tấn, Xi măng địa phương đạt trên 7,O triệu tấn, xi măng liên doanh đạt trên 8,0 triệu tấn.
Đội ngũ công nhân Xi măng ngày một trưởng thành và lớn mạnh. Riêng trong Tổng công ty Xi măng Việt Nam, số cán bộ công nhân hiện nay đã lên tới trên 18.900 người, trong đó 4.250 người có trình độ đại học và trên đại học, 950 người biết giỏi từ một ngoại ngữ trở lên, 2.057 người sử dụng thành thạo máy vi tính, có trên 10.000 công nhân kỹ thuật, trong đó 4.665 người có bậc thợ từ bậc 5 trở lên, 295 lượt người đã được tặng bằng và huy hiệu Lao động sáng tạo về thành tích sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Hàng nghìn sáng kiến và nhiều đề tài khoa học đã được cán bộ công nhân trong ngành nghiên cứu áp dụng đưa vào sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Chất lượng sản phẩm xi măng Việt Nam nhiều năm nay đã khẳng định được đẳng cấp của mình, hầu như không còn thấy các trường hợp khách hàng đến khiếu nại về chất lượng. Từ công tác quản lý, vận hành, sữa chữa được làm một cách khoa học nề nếp, đến nay các nhà máy xi măng đã xây dựng và thống nhất áp dụng được hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000, đã có một số đơn vị hoàn thành và nhiều đơn vị khác đang tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000. Đặc biệt nhiều kỹ sư và công nhân Việt Nam đã thay thế được các vị trí quan trọng trong vận hành và sửa chữa mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài, góp phần tiết kiệm một số lớn về ngoại tệ cho đất nước.
Bên cạnh những người trực tiếp sản xuất, xi măng còn đội ngũ hùng hậu đó là những người làm công tác cung ứng tiêu thụ sản phẩm, những người làm công tác cung ứng vật tư nguyên, nhiên vật liệu như vỏ bao, than, xỉ, thạch cao, phụ gia, VLXD... phục vụ sản xuất, những người làm công tác tư vấn đầu tư xây dựng, công tác xuất nhập khẩu; những người tham gia làm việc trong các công ty liên doanh với nước ngoài và các công ty cổ phần; những người làm Xi măng Lò đứng ở các địa phương... Họ là những người lao động sáng tạo, không ngừng học tập nâng cao trình độ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong một môi trường sản xuất kinh doanh hoàn toàn mới mẻ và đóng góp công sức xây dựng ngành Xi măng ngày càng phát triển lớn mạnh.
Nhìn lại lịch sử 106 năm xây dựng và phát triển của ngành Xi măng Việt Nam và 76 năm truyền thống đấu tranh cách mạng của công nhân Xi măng, ta có quyền tự hào về sự trưởng thành lớn mạnh của đội ngũ cán bộ công nhân ngành Xi măng Việt Nam. Họ đã tiếp nối và phát huy một cách xứng đáng truyền thống đấu tranh cách mạng, đoàn kết gắn bó, kiên cường, lao động sáng tạo của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nên những kỳ tích chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành. Để ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quí cho đội ngũ công nhân lao động ngành Xi măng như: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng CBCNVC Công ty Xi măng Hải phòng.Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tặng thưởng cho CB CNVC các Công ty XM: Bỉm sơn, Hoàng Thạch, Sài Sơn, Đông Trường Sơn. Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tặng cho 2 tập thể: Phòng điều hành trung tâm Công ty XM Hoàng thạch và Phân xưởng Sản xuất chính Công ty XM Hà Tiên 2.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì và hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì. 01 tổ sản xuất và 5 cá nhân được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động và hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng Huân chương lao động, Bằng khen Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhiều danh hiệu cao quí khác. Đặc biệt, ngày 01/9/2005 Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và xây dựng CNXH. Đây là những phần thưởng cao quí và hết sức vinh dự tự hào đối với toàn thể CB CNVC lao động của ngành Xi măng Việt Nam.
Với truyền thống vẻ vang của mình, bước vào những ngày đầu năm mới, ngành Xi măng Việt Nam đang phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn thử thách, phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ tay nghề, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng ngành Xi măng ngày càng phát triển lớn mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN, ''Hãy sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc'' nhằm thực hiện mục tiêu: Dân giàu, Nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà Đảng và Nhà nước đang lãnh đạo toàn dân hướng tới .

Nguồn tin: T/C Đảng Cộng sản Việt nam, số 1/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)