Cho đến nay, chuyên ngành Kiến trúc cảnh quan vẫn thường bị nhiều người hiểu lầm là chỉ liên quan đến thiết kế vườn cảnh, cũng có một số ý kiến lại cho rằng nó đồng nghĩa với thiết kế đô thị. Hiện nay, hầu hết các sinh viên chuyên ngành Kiến trúc cảnh quan vẫn chưa hiểu rõ vai trò và mục tiêu chính ngành học của mình. Quả thật các mối quan hệ này có sự gần gũi và những điểm tương đồng nhất định. Nhưng thực chất Thiết kế cảnh quan lại có phạm vi rộng và có tính chất bao trùm hơn rất nhiều, có thể nói đó là 1 chuyên ngành rộng nhất liên quan đến việc xây dựng môi trường sống cho con người hài hòa thiên nhiên.
Để làm rõ vai trò của kiến trúc cảnh quan trong xây dựng, trước tiên, chúng ta sẽ xét đến khái niệm “Kiến trúc cảnh quan” – Iandscape architecture. Về mặt ngữ nghĩa, “Cảnh quan” là 1 phạm trù của thiên nhiên, luôn biến đổi theo không gian và thời gian – đó là cấu trúc của hệ sinh thái. Còn “Kiến trúc” là khoa học và nghệ thuật xây dựng công trình, nó đề cao tính ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, cả hai khái niệm này đều có sự liên hệ mật thiết với văn hóa, địa lý từng vùng.
Chuyên ngành kiến trúc cảnh quan kết hợp tính đa dạng về mục tiêu và thể loại của đồ án thiết kế cảnh quan với sự biến đổi không ngừng của các điều kiện môi trường. Đây là chuyên ngành làm đầy khoảng trống giữa Kiến trúc Công trình và Quy hoạch không gian.
Chính vì thế, các nhà thiết kế cần được trang bị những kiến thức về sinh thái, văn hóa, các kiến thức tổng hợp của các chuyên ngành liên quan như Kiến trúc công trình, Quy hoạch không gian, hội họa, điêu khắc…để thực hiện nhiều loại đồ án khác nhau, như: quản lý cảnh quan, quy hoạch vùng, quy hoạch và thiết kế cảnh quan, quy hoạch đất đai, quy hoạch và thiết kế đô thị, quy hoạch và thiết kế khu ở, xây dựng cảnh quan và điều hành các hoạt động liên quan đến môi trường.
Nhiệm vụ của kiến trúc sư cảnh quan liên quan đến nhiều chuyên ngành khác, phụ thuộc vào phạm vi của đồ án và tính chất thực hiện. Đối với các đồ án chuyên ngành liên quan Kiến trúc sư Cảnh quan cần có những đóng góp có giá trị làm tiền đề cho giai đoạn đầu của một số đồ án để tạo ra các ý tưởng với sự hiểu biết kỹ thuật và sự tinh tế sáng tạo trong tổ chức, thiết kế và sử dụng không gian. Họ cũng có thể xem xét các phương án để phê duyệt và giám sát hợp đồng cho các công trình xây dựng. Các kỹ năng khác bao gồm việc chuẩn bị đánh giá tác động thiết kế, tiến hành đánh giá và kiểm định môi trường và làm việc như một chuyên gia về các vấn đề sử dụng đất. Đối với các đồ án Kiến trúc cảnh quan, kiến trúc sư cảnh quan dựa trên tính chất dự án, nhu cầu của chủ đầu tư để đưa ra giải pháp thiết kế tổng thể, từ đó triển khai các bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công.
Theo quan điểm trên thì Kiến trúc Cảnh quan là một lĩnh vực đa ngành, một môn khoa học tổng hợp, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành (Quy hoạch không gian, Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc công trình, điêu khắc, hội họa…), tham gia vào việc quy hoạch môi trường sống cho con người và thiên nhiên. Tuy nhiên, điều khác biệt cơ bản từ khi kiến trúc cảnh quan ra đời (giữa thế kỷ XIX), đó là nó đặt khái niệm “môi trường” làm trung tâm nghiên cứu , hác với quan điểm của nhà quy hoạch và kiến trúc sư.
Theo quan điểm của ASLA (American society of landscape architects), nguồn gốc của chuyên ngành bắt đầu từ sự phát triển không gian công cộng bên ngoài ngôi nhà xuất hiện từ thời Trung cổ và được khôi phục lại trong các thiết kế vườn, biệt thự, quảng trường thời kỳ Phục Hưng. Tên gọi Kiến trúc sư Cảnh quan được dùng đầu tiên bởi Frederik Law Olmsted kết hợp với Calvert Vaux xuất hiện vào cuối những năm 1850, đó là thiết kế Công viên trung tâm ở New York và vào những năm 1870 là đồ án thiết kế khu vực ngoại thất của tòa nhà Capital-Washington. Đồ án thiết kế Columbian Exposition của Olmsted năm 1893 đã đánh dấu 1 sự nhìn nhận rõ ràng hơn của công luận về 1 chuyên ngành mới trong thiết kế: Kiến trúc cảnh quan.
Những thiết kế của Olmsted có quan điểm chủ đạo là sử dụng những không gian xanh công cộng làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn, tách biệt với sự ngột ngạt, thiếu không khí, ánh sáng của các nhà máy, công xưởng (sản phẩm của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa) đáp ứng nhu cầu của đa phần tầng lớp lao động (tầng lớp mang tính đa số, mới xuất hiện). Trong nửa cuối thế kỷ XIX, chuyên ngành kiến trúc cảnh quan phát triển khá chậm về chuyên sâu nhưng lại rất mở rộng về phạm vi ảnh hưởng.
Những nhu cầu đang tăng lên không ngừng của xã hội Mỹ bất giờ như: quy hoạch, thiết kế môi trường đô thị, hệ thống công viên các không gian công cộng của văn phòng, khu công nghiệp, trường học, các cộng đồng khu ở ở ngoại ô… đã tạo ra một sự phát triển toàn diện cho chuyên ngành kiến trúc cảnh quan. Nó giữ vai trò chính trong việc thiết kế và quy hoạch đô thị với mong muốn tạo dựng những thành phố đẹp, tiện nghi của nước Mỹ. Những kiến trúc sư cảnh quan như Olmsted, Jens Jensen, và Horace Cleveland là những người đi đầu trong quá trình định hướng phát triển của hệ thống công viên, cảnh quan của cả nước Mỹ.
Từ góc độ chuyên môn, kiến trúc cảnh quan coi khu đất xây dựng như một hệ thống. Dòng chảy của nước, mối quan hệ với lưu vực hay sự tương tác giữa ánh sáng và điều kiện khí hậu địa phương đều là những yếu tố quan trọng tạo nên đặc tính của khu đất.
Trong tiêu chuẩn LOTUS của Việt Nam một số hạng mục yêu cầu sự tham gia của các Kiến trúc sư Cảnh quan, đồng thời mang tới cái nhìn toàn diện về quy mô của dự án. Vai trò của Kiến trúc sư Cảnh quan được thể hiện rõ ràng và cụ thể tại các hạng mục như: Năng lượng, nước, Vật liệu & Tài nguyên, Sức khỏe & Tiện nghi, Địa điểm & Môi trường (thiết kế sân vườn sử dụng nước hiệu quả).
Kiến trúc sư Cảnh quan đã thực hiện các giải pháp xanh từ trước khi khái niệm công trình xanh trở nên phổ biến. Nhiệm vụ của họ chủ yếu tập trung vào các giải pháp thực tiễn hiệu quả nhất áp dụng cho thảm thực vật, đa dạng sinh học, kiểm soát nước mưa và những ảnh hưởng vi khí hậu, dựa theo các nguyên tắc sinh thái học đúng đắn.
Kiến trúc sư Cảnh quan có thể sử dụng kiến thức về Kiến trúc cảnh quan để tham gia dự án thông qua một số biện pháp cụ thể như:
- Thiết kế mái xanh
- Xác định độ cao các mặt bằng
- Thiết kế giải pháp cảnh quan chịu hạn
- Thiết kế hệ thống kênh thoát nước nhằm hạn chế nước mưa chảy tràn
- Đề xuất phương án duy trì lớp phủ
Trong hầu hết số dự án, thiết kế kiến trúc cảnh quan được xem xét đến khá muộn. Thậm chí có người quan niệm Kiến trúc sư Cảnh quan giống như những người làm vườn, có nhiệm vụ đơn thuần là trang trí cho khu đất bằng các loại cây trồng. Trong khi đó, Kiến trúc sư Cảnh quan mong muốn được tham gia ngay từ những giai đoạn đầu của quy trình thiết kế nhằm xác định rõ các giải pháp và điều chỉnh ngân sách cho phù hợp với công năng nhưng vẫn đảm bảo sự bền vững về sinh thái. Khi tham gia dự án từ những giai đoạn đầu, Kiến trúc sư Cảnh quan còn có thể phối hợp với các chuyên ngành khác, đưa ra những ý tưởng thiết kế đảm bảo thẩm mỹ và giải pháp thi công sáng tạo.