Đất sét, đặc biệt là đất sét dẻo được loài người sử dụng từ rất lâu đời, chủ yếu được sử đụng để sản xuất đồ gia dụng như ấm chén, bát đã, chum vại… và sản xuất gạch đất sét nung. Theo sự phát triển của xã hội và công nghệ, đất sét được dùng ngày càng nhiều trong sản xuất sứ vệ sinh, sứ kỹ thuật, gạch ốp lát, gạch granite nhân tạo, gạch cotto… Sự tăng trưởng trong tiêu thụ đất sét không chỉ do tăng trưởng chủng loại sản phẩm mà còn do sự tăng trưởng đột biến về khối lượng, chủ yếu tạo ra sản phẩm cho công cuộc đô thị hóa toàn cầu. Trước đây, khi nói đất sét ở Việt Nam, người ta thường quan tâm đến sét trắng, sét dẻo Trúc Thôn, sét Kim Sen, sét Đông Nai…ngày nay các mỏ sét đang dần cạn kiệt mà công nghiệp sản xuất vẫn cần nguyên liệu. Đây là bài toàn cần lời giải vừa cho lâu dài, vừa cho trước mắt.
Trước hết phải nói đến sét để sản xuất gạch ngói nung. Đây là lĩnh vực cần rất nhiều sét. Với công suất sản xuất gần 30 tỷ viên quy tiêu chuẩn mỗi năm, nếu tất cả số gạch đó đều được sản xuất bằng đất sét dẻo, thì hàng năm ở Việt Nam lượng sét sử dụng thật sự khổng lồ, trên dưới 50 triệu mét khối. Để giải quyết việc thiếu hụt nguồn sét để sản xuất gạch nung, để giảm thiểu việc khai thác đất ruộng làm nguyên liệu sản xuất và tăng cường bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải độc hại do nung gạch, các nước và Việt Nam phải chuyển từ sản xuất gạch đất sét nung sang sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) để thay thế gạch nung. Việc sản xuất gạch không nung đã giảm được một khối lượng rất lớn nguyên liệu sét. Mặt khác, hiện nay sản xuất gạch nung là một lĩnh vực có hiệu quả rất thấp, tính ra một kg đất sét qua gia công, chế biến, tạo hình, phơi sấy, nung đốt cũng chỉ đạt trên dưới 500 đồng. Nếu có nguồn sét dẻo chất lượng tốt thì lựa chọn của nhà sản xuất là dùng sét để làm ngói lợp sẽ mang lại hiệu quả gấp nhiều lần. Chính vì tính hiệu quả kinh tế và ý thức tiết kiệm nguồn nguyên liệu sét quý giá mà nhiều nhà sản xuất như Viglacera Hạ Long hay Gốm Đất Việt và nhiều đơn vị khác đã nghiên cứu công nghệ để loại bỏ lớp bao bằng gạch trong công nghệ nung ngói. Trước đây, để nung ngói, phần giữa mặt goòng được xếp ngói mộc bao xung quanh là tường bằng gạch mộc đế chắn lửa. Khi dỡ goòng , gạch được bán dưới dạng gạch xây, hiệu quả thấp. Việc thay đổi công nghệ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà sản xuất mà còn góp phần vào việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn đất sét quý giá.
Cũng theo định hướng giảm sử dụng sét dẻo nung gạch, thậm chí sản xuất gạch cotto, các công ty sản xuất còn áp dụng giải pháp nghiền khô siêu mịn nguyên liệu nhờ đó có thể nghiền và sử dụng cả phiến sét, cả gạch ngói đã qua sử dụng, gạch ngói phế phẩm làm cho nguồn nguyên liệu đa dạng, giảm bớt tỷ lệ sét dẻo trong phối liệu.
Khi nguồn sét dẻo để sản xuất gạch xây ngày càng cạn kiệt, các nhà sản xuất đã ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất gạch bằng đất bãi ven sông, đất đồi. Mặc dầu, sử dụng hiệu quả đất đồi trong sản xuất gạch nung là một điều không dễ, đặc biệt chi phí năng lượng nghiền rất lớn nhưng công nghệ sản xuất gạch bằng đất bãi, đất đồi là một hướng đi nhằm tiết kiệm tối đa nguồn đất sét dẻo. Thậm chí công nghệ này còn có thể gọi là công nghệ sản xuất gạch đất nung không còn gắn với chữ “sét”.
Việc sản xuất gốm xây dựng bằng cách sử dụng một phần tro bay nhiệt điện cũng là một giải pháp vừa xử lý phế thải công nghiệp vừa sử dụng lượng các bon dư thừa trong tro bay dưới dạng nhiên liệu, đồng thời cũng là giải pháp giảm nguyên liệu sét.
Các giải pháp nhằm tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn sét đang diễn ra hàng ngày trong sản xuất gốm sứ xây dựng trên khắp cả nước. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa ý thức trách nhiệm và công nghệ mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Con đường phía trước còn dài, nhu cầu xã hội còn lớn mà nguồn nguyên liệu tự nhiên sẽ ngày càng cạn kiệt. Để có thể sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn sét tự nhiên, yêu cầu bắt buộc đối với ngành là đẩy mạnh công nghệ chế biến nguyên liệu làm cho sản phẩm sản xuất luôn có chất lượng ổn định, tăng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và tăng cường bảo vệ môi trường.