Mặc dầu còn những ý kiến khác nhau về vấn đề xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam, nhưng nhìn vào bức tranh tiến độ đầu tư phát triển ngành không thể không đánh giá các bước phát triển ngoại mục đó.
Đến năm 2010 của thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Việt Nam vẫn là nước triền miên nhập khẩu xi măng, clinker. Nguồn nhập cũng không phải từ đâu xa lạ mà chủ yếu từ Thái Lan và các nước Đông Nam Á. Trước khi trở thành nước xuất khẩu xi măng, clinker, nhu cầu xi măng cho xây dựng trong nước còn rất nhỏ bé. Đến những năm cuối của thập niên đầu thế kỷ mới, nhu cầu xi măng vẫn còn dưới 20 triệu tấn/năm. Trải qua 15 năm, tính từ khi quyết định số 108/2005/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xi măng Việt Nam hiện nay đã có tổng công suất thiết kế 100 triệu tấn, năng lực sản xuất có thể đạt 113 triệu tấn, xuất khẩu xi măng của Việt Nam đạt trên 30 triệu tấn/năm và là nước có tổng công suất sản xuất xi măng lớn hàng thứ ba, thứ tư thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, tương đương Indonesia và là nước xuất khẩu xi măng, clinker số 1 thế giới từ năm 2018.
Thành quả này là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp bao gồm Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), các công ty liên doanh giữa doanh nghiệp nước ngoài với Việt Nam và các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Sự phát triển đó được bắt đầu, bắt nguồn từ các chủ trương, chính sách của Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương và của các địa phương, các tỉnh thành phố. Xâu chuỗi các chính sách đó là một hệ thống từ nghị quyết, các quyết sách, chính sách cụ thể và hệ thống quản lý.
Song hành cùng với các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng khác, xi măng đã sớm có các quy hoạch phát triển. Đây là công cụ quản lý ngành và cũng là chỗ dựa để các doanh nghiệp xác định hướng đi cho mình trong hành lang tổng thể của ngành, của cả nước, thậm chí nhìn ra cả thế giới. Bản quy hoạch chính là bức tranh toàn cảnh của ngành, trong đó nêu lên hiện trạng, tiềm năng, lợi thế về nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, nhu cầu tiêu thụ…Quy hoạch đưa ra lộ trình đầu tư phát triển các vùng miền theo các mốc thời gian phù hợp theo dự báo nhu cầu. Có thể nói, trong các quy hoạch phát triển xi măng được phê duyệt, công tác dự báo nhu cầu rất sát, rất đúng, trừ các thời điểm đất nước bị khủng hoảng kinh tế, các biến động lớn về bất động sản mà quy hoạch không dự báo được. Trong các quy hoạch phát triển xi măng, đáng nhớ nhất là quy hoạch số 108/2005/QĐ-TTg, khi mà đất nước thiếu xi măng, tất cả trông chờ vào doanh nghiệp nhà nước và một vài liên doanh. Quy hoạch 108/2005/QĐ-TTg là quy hoạch xã hội hóa trong đầu tư phát triển xi măng mở ra thời ký phát triển rộng khắp, làm thay đổi không chỉ về số lượng mà còn giúp cho việc đầu tư phát triển xi măng tăng nhanh về tiến độ và hiệu quả.
Nhà nước quản lý phát triển xi măng không chỉ dựa vào quy hoạch phát triển xi măng, quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng, mà còn thông qua luật, nghị định, thông tư, các chính sách quản lý phát triển đồng bộ về công nghệ sản xuất, về bảo vệ môi trường, về quản lý thông qua hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông, cảng biển…Hệ thống quản ý luôn đổi mới, bổ sung phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế xã hội.
Một điều rất đáng ghi nhận của công nghiệp xi măng Việt Nam chính là định hướng nhập khẩu công nghệ tiên tiến, hiện đại. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi thế giới đang trong giai đoạn đứng giữa ngã ba đường của sự lựa chọn sản xuất xi măng theo công nghệ lò quay phương pháp ướt truyền thống hay công nghệ lò quay phương pháp khô mới được áp dụng chưa nhiều, thì Việt Nam đã chọn đầu tư dây chuyền một nhà máy xi măng Hoàng Thạch theo phương pháp khô và sau đó tiến thẳng theo hướng lò quay phương pháp khô có trao đổi nhiệt, hệ thống tiền nung và ghi quay làm nguội clinker. Nhờ sự lựa chọn đúng đắn đó, có thể nói, xi măng Việt Nam về công nghệ đã vượt qua nhiều nước trên thế giới trong đó có các nước xã hội chủ nghĩa anh em ở Đông Âu và Liên Xô.
Trong tiến trình phát triển của xi măng Việt Nam không thể không nhắc đến chính sách phát triển 3 triệu tấn xi măng theo công nghệ lò đứng cơ giới hóa. Đây là công nghệ có một thời là đề tài tranh cãi lớn ở trong nước. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và năng lực của doanh nghiệp đầu tư. Thực sự, đây là bước đi quan trọng và xi măng lò đứng đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế của nhiều địa phương, giảm bớt việc tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu xi măng, clinker, đổi mới hệ thống giao thông nông thôn và xi măng lò đứng đã hoàn thành sứ mệnh và cũng lùi vào hậu trường một cách êm dịu.
Cùng với nhiều lĩnh vực Vật liệu xây dựng khác, xi măng Việt Nam đã trải qua giai đoạn thiếu nguồn cung sang giai đoạn thừa xuất khẩu. Nói đúng hơn, tiến trình phát triển xi măng đã chuyển giai đoạn từ kêu gọi đầu tư sang đầu tư hạn chế có chọn lọc theo chiến lược phát triển tầm vĩ mô quốc gia. Vì vậy, chính sách phân cấp quản lý đầu tư cho địa phương không còn phù hợp. Cần có chính sách quản lý mang tầm vĩ mô toàn quốc, điều mà từng địa phương không có điều kiện bao quát.
Hơn nữa, khi luật quy hoạch mới năm 2017 ra đời, trong đó có quy hoạch phát triển xi măng thì cần có chính sách quản lý mới trong lĩnh vực xi măng của Việt Nam.
Vai trò của chính sách, vai trò của quản lý vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển xi măng, vì vậy đây phải là vấn đề rất cần được Nhà nước quan tâm, đặt nó đúng vị trí mà nó cần có.