Lilama - vóc dáng một đơn vị anh hùng

Thứ tư, 30/11/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 1/12/2005, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama - Bộ Xây dựng, kỷ niệm tròn 45 tuổi, đón nhận phần thưởng cao quý của Ðảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng XHCN và bảo vệ Tổ quốc.
Chặng đường và dấu ấn
Ngày 1/12/1960, Tcty Lắp máy Việt Nam ra đời, hình thành từ 3 đơn vị là: Công trường lắp máy Hà Nội, Hải Phòng và Việt Trì Phú Thọ. Sau chặng đường 45 năm, Lilama phấn đấu trở thành nhà tổng thầu EPC, với hướng đi của một tập đoàn công nghiệp xây dựng Việt Nam.
Thời kỳ miền Bắc xây dựng CNXH, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tên tuổi của những người thợ lắp máy Lilama đã gắn liền các công trình trọng điểm: nhiệt điện Uông Bí, Vinh Nghệ An, Hàm Rồng Thanh Hoá..., Nhà máy đường Vạn Ðiểm, Phân đạm Hà Bắc, Hoá chất Việt Trì, Supe phốt phát Lâm Thao Phú Thọ, Nhà máy cơ khí Hà Nội, Dệt 8-3, Nam Ðịnh, Xi măng Hải Phòng... Bác Hồ vui mừng sự trưởng thành của Cty, sáng ngày 2/2/1965, Người đã thăm và nói chuyện với CBCNV trên công trường xây dựng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí. 15 năm chiến tranh khốc liệt 1960-1975, Cty còn tham gia xây dựng nhiều công trình phục vụ an ninh, quốc phòng, như lắp cầu, phà..., trong đó có cột cờ Tổ quốc bên bờ Hiền Lương. Giai đoạn này, Cty phát triển từ 300 người lên 10.000 CBCNV, tham gia lắp đặt, di dời hàng vạn tấn thiết bị phục vụ sản xuất và chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ðất nước hoà bình, tên tuổi của Lilama lại gắn liền với sự ra đời các các công trình lớn, như: Thủy điện Hoà Bình, Trị An, nhiệt điện Phú Mỹ, Yaly; các nhà máy xi măng: Bỉm Sơn, Sao Mai, Hoàng Thạch, ChinFon.... , đến những công trình phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao như: lắp đặt dây chuyền II, Nhà máy xi măng Hà Tiên, chân đế giàn khoan dấu khí, thiết bị xây dựng đường dây 500 kV...., từ năm 1993, trở thành đối tác tin cậy trong lĩnh vực xây lắp các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Tcty vươn xa, lắp đặt thiết bị cho nước ngoài, như: ở Angiêri, Irắc, Bungari, Liên bang Nga...; hợp tác đầu tư với các tập đoàn kinh tế Mỹ, Nhật Bản, EU... để lại ấn tượng mạnh. Họ nhận xét, Lilama là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Hướng tới một tập đoàn công nghiệp xây dựng
Anh hùng lao động Phạm Hùng, tổng giám đốc Tcty cho biết, từ năm 1995, sau khi trở thành Tcty, Lilama đặt mục tiêu đến năm 2010, xây dựng thành một tập đoàn công nghiệp. Theo đó, chuyển từ đơn vị lắp máy đơn thuần sang chế tạo thiết bị; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đa dạng hoá ngành nghề, sản phẩm; tích luỹ vốn, tham gia đầu tư xây dựng các dự án. 10 năm qua, Lilama đã thực hiện thành công mục tiêu chính, trở thành đơn vị tổng thầu EPC: E là thiết kế; P là chế tạo và mua sắm thiết bị; C là tổ chức thi công xây lắp đầu tiên của Việt Nam. Trước đó, TCty đơn thuần thực hiện nhóm C xây lắp thì chiếm 15% tổng giá trị công trình; khi tham gia tổng thầu EPC, thì khối lượng thực hiện chiếm 60 đến 75% tổng giá trị công trình. Hãng MHI Nhật Bản, giao Tcty chế tạo, lắp giáp 14.000 tấn thiết bị Nhà máy xi măng Nghi Sơn, trị giá 22 triệu USD... là một trong những ví dụ. Lilama đã trúng thầu EPC các dự án lớn, như Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; Nhà máy nhiệt điện mở rộng Uông Bí, công suất 300 mW, trị giá đầu tư 300 triệu USD, Nhà máy điện Cà Mau 2, công suất 750 mW... tổng giá trị các gói thầu mà TCty đảm nhận tổng thầu EPC là 1,7 tỉ USD. Tcty còn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện, thuỷ điện, kim loại màu, thép, xi măng, đóng tàu thuỷ... với tổng trị giá hàng tỉ USD và hàng chục nghìn tỉ đồng Việt Nam.
Hiện nay Lilama có trên 22.000 CBCNV, gồm 15 đơn vị thành viên hạch toán độc lập, 4 Cty phụ thuộc, 3 Cty liên doanh, 2 trường đào tạo. Tcty và một số đơn vị thành viên đã thực hiện quản lý theo tiêu chuẩn ISO- 9001/2000 và ISO-9002. Năm 2000, giá trị sản lượng của Tcty là 1.500 tỉ đồng, thu nhập bình quân 1.23 triệu đồng/người/tháng; con số này năm 2004 là 6.400 tỉ đồng, thu nhập 2,3 triệu đồng/người/tháng; năm 2005, dự kiến đạt 8.000 tỉ đồng. TCty được đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập...; 4 tập thể, 7 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nguồn tin: Theo Hanoinet, ngày 30/11/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)