Thái Nguyên chú trọng phát triển đô thị

Thứ tư, 05/01/2022 15:07
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Những năm gần đây, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh, thu nhập bình quân tăng nhanh, năm 2021 đạt hơn 90 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,17%. Một trong những “đầu kéo” lan tỏa là tỉnh chú trọng thu hút đầu tư, phát triển đô thị để vừa xây dựng xã hội theo hướng văn minh, vừa tạo nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động.

Tốc độ đô thị hóa ở thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) diễn ra nhanh chóng, đến nay tỷ lệ đô thị đạt 80% diện tích.

Vốn là một huyện thuần nông, chỉ với một thị trấn, nhưng nhờ phát triển bứt phá, năm 2015, Phổ Yên trở thành thị xã, năm 2018 là đô thị loại III. Vừa qua, Bộ Xây dựng chủ trì thẩm định 9 xã trên địa bàn thị xã Phổ Yên đáp ứng tiêu chí trở thành phường, tỷ lệ đô thị hóa đạt 80% diện tích, Phổ Yên đạt các tiêu chí là thành phố trực thuộc tỉnh Thái Nguyên vào cuối năm 2022.

Như vậy, từ khi là thị xã, sau đó là đô thị loại III, Phổ Yên trở thành thành phố chỉ sau khoảng 8 năm. Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên Bùi Văn Lương chia sẻ, có được bước chuyển mình này, trước hết là Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm; Phổ Yên phát huy lợi thế sát các trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang và tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế và đô thị.

Từ đầu những năm 2010, Phổ Yên thu hút Tổ hợp Samsung và các doanh nghiệp phụ trợ sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử với số vốn đầu tư khoảng 7 tỷ USD. Từ năm 2015 đến nay, địa phương này thu hút khoảng 50 nghìn tỷ đồng đầu tư vào các ngành sản xuất, hạ tầng đô thị. Có được kết quả này, Phổ Yên đã làm tốt công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng nhanh, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Kết quả là những năm gần đây, Phổ Yên luôn tăng trưởng ở mức rất cao, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng năm 2021 giá trị các ngành sản xuất tăng hơn 20%, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên đạt gần 20 tỷ USD thì Phổ Yên đóng góp 97%, thu ngân sách đạt 7 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 40% tổng thu của tỉnh. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 2,6%, cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại và đô thị hóa đạt 80% diện tích.

Cùng với Phổ Yên, thành phố Sông Công bên cạnh cũng có bước chuyển mình ấn tượng, đến nay cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại II. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên Hoàng Đức Khánh, với diện tích tự nhiên hơn 3.500km2, dân số gần 1,3 triệu người, Thái Nguyên hiện có 13 đô thị, trong đó có 3 đô thị loại I và loại III, 10 đô thị loại IV và V, tỷ lệ đô thị đạt hơn 36% diện tích, đến năm 2025 các đô thị hiện hữu sẽ không ngừng mở rộng và sẽ có thêm 6 đô thị mới. Các đô thị của tỉnh đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng

Với quy hoạch đô thị đi trước một bước để tạo cơ sở giải phóng mặt bằng, đầu tư, thu hút đầu tư các công trình hạ tầng, khu đô thị, khu dân cư, thương mại, dịch vụ không những thúc đẩy phát triển không gian đô thị, sắp xếp lại dân cư, phát triển thương mại, dịch vụ mà còn tạo ra nguồn thu lớn từ nguồn lực đất đai. Năm 2021, nguồn thu từ đất đai đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, đóng góp gần 30% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị khu vực phía nam tỉnh gồm thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình. Trong đó, trọng tâm là Phổ Yên để phát huy vai trò đô thị vùng, thúc đẩy phát triển đô thị quy mô lớn.

Cùng việc mở rộng, thúc đẩy đô thị hóa, tỉnh Thái Nguyên chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, đó là xây dựng hạ tầng đồng bộ, thu gom và xử hết rác thải, tăng tỷ lệ cây xanh, xây dựng đô thị thông minh nhằm tạo môi trường sống tốt hơn và tiện ích cho người dân.

Tỉnh Thái Nguyên coi trọng quy hoạch, thu hút và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển đô thị.

Để nâng cao chất lượng đô thị, thị xã Phổ Yên đang và chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian đô thị với tổng vốn đầu tư rất lớn, trong đó có quần thể văn hóa, thể thao, công viên, cây xanh với vốn đầu tư 400 tỷ đồng, tỉnh đầu tư trên địa bàn đường kết nối Bắc Giang-Thái Nguyên-Vĩnh Phúc đi qua Phổ Yên vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng. Phổ Yên trồng mỗi tuyến phố một loại cây xanh nhằm tạo cảnh quan, tăng tỷ lệ cây xanh; vừa đưa Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) vào hoạt động nhằm tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử và xã hội số.

Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên Bùi Văn Lương cho biết, tới đây sẽ mời tư vấn nước ngoài quy hoạch Phổ Yên ổn định lâu dài, làm cơ sở xây dựng đô thị theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đẹp, thông minh, sinh thái, tiện ích, tạo môi trường, chất lượng cuộc sống cho người dân.  

Nâng chất lượng đô thị, thời gian qua, thành phố Thái Nguyên và Sông Công đầu tư lớn để chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, nâng cấp hạ tầng, như thảm lại mặt đường, mở rộng và lát gạch vỉa hè, từng bước hạ ngầm đường điện, hạ tầng viễn thông. Trong đó, thành phố Thái Nguyên đầu tư thay thế, nâng cấp hệ thống cây xanh nhằm tạo cảnh quan, tăng tỷ lệ che phủ.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, tỉnh Thái Nguyên chủ trương làm tốt công tác quy hoạch đô thị, làm cơ sở thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng các khu đô thị, như khu đô thị Danko, Thái Hưng ở thành phố Thái Nguyên và hàng loạt khu đô thị hiện đại, hạ tầng đồng bộ ở Phổ Yên.     

Tỉnh Thái Nguyên đang chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, xử lý các dự án khu dân cư, khô đô thị chậm tiến độ; điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2035 và tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển cây xanh nhằm góp phần nâng cao chất lượng đô thị trên địa bàn.

Nguồn: Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)