Kiên Giang: Đầu tư phát triển đô thị tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thứ ba, 03/11/2020 15:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Giai đoạn 2020 - 2025, Kiên Giang duy trì là tỉnh phát triển dẫn đầu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, cùng với nhiều phương án, giải pháp quan trọng khác, tỉnh đẩy mạnh chương trình phát triển đô thị, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 41,45%, xây dựng các đô thị động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hạ tầng đô thị TP. Rạch Giá (Kiên Giang) được đầu tư xây dựng ngày càng hiện đại.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh: Tỉnh huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng các đô thị hiện có, xây dựng mới cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có 23 đô thị, trong đó 2 đô thị loại I là Rạch Giá và Phú Quốc, 1 đô thị loại II là Hà Tiên. Tỉnh tập trung phát triển các đô thị động lực gồm: Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, An Biên, Giồng Riềng, tạo động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh xây dựng thành phố Rạch Giá xứng tầm là một trong 4 đô thị của vùng kinh tế trọng điểm thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Xây dựng thành phố Hà Tiên trở thành đô thị kinh tế cửa khẩu quốc tế, trung tâm văn hóa - du lịch lớn của tỉnh và khu vực. Xây dựng Kiên Lương là đô thị - công nghiệp có quy mô lớn, hiện đại và trung tâm du lịch cấp tỉnh. Xây dựng đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển - đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Hình thành và phát triển các đô thị ở huyện đảo Kiên Hải nhằm thúc đẩy phát triển vùng hải đảo gắn kết với phát triển vùng đất liền. Xây dựng huyện An Biên trở thành đô thị vùng U Minh Thượng và huyện Giồng Riềng là đô thị vùng Tây Sông Hậu.

Theo đó, tỉnh tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang - An Giang. Phát huy tốt vai trò động lực của thành phố Rạch Giá, huyện đảo Phú Quốc, tạo tác động lan tỏa phát triển các vùng khác trong tỉnh, nhất là đã đầu tư phát triển Phú Quốc theo đúng quy hoạch và đạt nhiều kết quả quan trọng, thực sự đã trở thành động lực phát triển của tỉnh.

Điểm nhấn trong phát triển đô thị 5 năm tới (2020 - 2025), Kiên Giang tiếp tục thúc đẩy phát triển Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh, xây dựng đảo ngọc này trở thành thành phố du lịch biển - đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Tỉnh triển khai thực hiện Đề án thành lập thành phố Phú Quốc, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách đột phá cho thành phố Phú Quốc để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự, tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế, với 3 trụ cột chính: Công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển. Huy động mọi nguồn lực, vận dụng các cơ chế, hình thức đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý chất thải, nước thải các khu đô thị mới, trung tâm thương mại... bảo đảm phát triển Phú Quốc đúng hướng, bền vững.

Cùng với đó, tỉnh rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch chung xây dựng Phú Quốc và quản lý tốt quy hoạch. Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị, bảo vệ, phát triển rừng nguyên sinh, bảo vệ môi trường biển... Xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của Phú Quốc trong tình hình mới.

Thực hiện chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Kiên Giang hoàn thiện khung pháp lý cho công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch các cấp, xây dựng các chế tài, cơ chế kiểm soát công tác triển khai thực hiện theo quy hoạch.

Tỉnh đẩy nhanh tiến độ công tác rà soát, lập, thẩm định, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị trình cấp thẩm quyền phê duyệt, tạo hành lang pháp lý để thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển đô thị. Tỉnh huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu cho các đô thị, đảm bảo việc phát triển đô thị đi đôi với việc giải quyết các vấn đề xã hội, an sinh và môi trường. Tỉnh kết hợp ngân sách địa phương và hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo cho việc thực hiện nhưng nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển đô thị. Xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư các lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường, chiếu sáng, công viên cây xanh...

Theo Sở Xây dựng Kiên Giang, hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt gần 30%, phát triển 2 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 10 đô thị loại V và từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đô thị theo quy hoạch.

Phát huy tốt vai trò là đô thị động lực của tỉnh, thành phố Rạch Giá và huyện Phú Quốc đã tạo tác động lan tỏa phát triển các vùng khác trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là vùng Tứ giác Long Xuyên đang phát triển khá tốt về du lịch, dịch vụ, cảng biển, sản xuất và chế biến nông - thủy sản xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng. Vùng Tây sông Hậu phát triển mạnh nông nghiệp, công nghiệp chế biến, cơ khí và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Vùng U Minh Thượng phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, lịch sử - văn hóa. Vùng biển - đảo phát triển mạnh và đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch chất lượng cao, khai thác, nuôi trồng thủy sản./.

Nguồn: Kiengiang.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)