a) Bị ảnh hưởng bởi thiên tai như động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn, địch họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác;
b) Xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án;
c) Khi quy hoạch xây dựng thay đổi trực tiếp ảnh hưởng đến địa điểm, quy mô, mục tiêu của dự án.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Long An nhiều công trình vượt tổng mức đầu tư (do yếu tố trượt giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công, ca máy, chính sách tiền lương thay đổi…) nhưng không thuộc các trường hợp được điều chỉnh theo khoản 3, Điều 1 của Nghị định số 83/2009/NĐ-CP. Cho nên, UBND tỉnh Long An đã có báo cáo số 762/UBND-KT ngày 11/3/2013 gửi đến Văn phòng Chính phủ và đã nhận được công văn số 2462/VPCP-KTN ngày 29/3/2013 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn UBND tỉnh Long An thực hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án theo quy định.
Đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình đấu thầu (giá dự toán các gói thầu trong dự án vượt tổng mức đầu tư), triển khai thực hiện và thanh quyết toán dự án (nhiều dự án đã hoàn thành nhưng không thể quyết toán được gây nợ đọng trong XDCB, làm mất uy tín của chủ đầu tư đối với nhà thầu và là nguyên nhân để các nhà thầu kéo dài thời gian thi công, làm chậm tiến độ thực hiện dự án…)”.
Bộ Xây dựng đã nhận được công văn số 2462/VPCP-KTN ngày 29/3/2013 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình phê duyệt sau ngày Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 có hiệu lực theo đề nghị của UBND tỉnh Long An nêu tại công văn số 762/UBND-KT ngày 11/3/2013, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời UBND tỉnh Long An với các nội dung như sau:
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại văn bản số 10417/VPCP-KTN ngày 19/12/2012: giao Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định hiện hành, ngày 22/01/2013 Bộ Xây dựng đã có văn bản số 126/BXD-KTXD gửi các địa phương, các Bộ, ngành và đơn vị có liên quan về hướng dẫn điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình, với nội dung chính như sau:
1. Đối với các dự án phê duyệt trước ngày Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ có hiệu lực thì việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 900/BXD-KTXD ngày 01/6/2012 của Bộ Xây dựng.
2. Đối với các dự án phê duyệt kể từ ngày Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ có hiệu lực thì trường hợp dự án bị vượt tổng mức đầu tư do biến động giá xây dựng thì xem xét cắt giảm những hạng mục công việc không cần thiết (nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu, quy mô của dự án) hoặc nghiên cứu thay thế vật tư, thiết bị nhập khẩu bằng vật tư, thiết bị sản xuất trong nước, những vật tư, thiết bị bắt buộc phải nhập khẩu nghiên cứu xem xét thay đổi nguồn gốc, xuất xứ (nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án) nhằm giảm chi phí đầu tư. Sau khi thực hiện các giải pháp này mà vẫn vượt tổng mức đầu tư nhưng cần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thì các địa phương, đơn vị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
Theo báo cáo của một số địa phương thì sau khi đã thực hiện cắt giảm chi phí đầu tư theo hướng dẫn tại văn bản số 900/BXD-KTXD và văn bản số 126/BXD-KTXD của Bộ Xây dựng nhưng vẫn vượt tổng mức đầu tư do trong dự án chưa tính đúng, tính đủ chi phí dự phòng cho yếu tố khối lượng phát sinh và yếu tố trượt giá theo độ dài thời gian thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Đây là khoản mục chi phí bắt buộc (thứ 7) trong tổng mức đầu tư của dự án.
Vì vậy, để đảm bảo dự án tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các chủ đầu tư tính toán bổ sung chi phí dự phòng cho khối lượng và trượt giá do biến động giá cả nguyên, nhiên, vật liệu; do nhà nước thay đổi chế độ, chính sách tiền lương; tăng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng do chính sách, chế độ, giá cả đền bù thay đổi để bổ sung vào tổng mức đầu tư mà khi lập tổng mức đầu tư đã tính chưa đúng, chưa đủ theo quy định
Sau khi tính toán bổ sung khoản mục chi phí dự phòng này thì chủ đầu tư phải tổ chức thẩm tra, thẩm định và báo cáo người Quyết định đầu tư xem xét, quyết định.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1106 /BXD-KTXD.