Số tổng luận: Số 1 năm 2023. Số trang: 63. Cơ quan phát hành: Trung tâm Thông tin – Bộ Xây dựng. Ngôn ngữ: Việt Nam.
Tóm tắt nội dung:
Một công trình nghiên cứu chuyên sâu về quá trình phát triển chính sách nhà ở của các nước Bắc Âu (Bengtsson 2013) với tựa đề là “Tại sao có sự khác biệt như vậy?” đã làm rõ sự khác nhau trong chính sách nhà ở của các nước Bắc Âu.
Mô hình nhà nước phúc lợi xã hội của các nước Bắc Âu được phát triển từ những năm 1900 dưới các thể chế chính trị được thừa nhận là có nhiều điểm tương đồng, ví dụ như vai trò chủ đạo của chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch đô thị, tuy nhiên, chính sách nhà ở của quốc gia này cũng có những khác biệt quan trọng. Trong nghiên cứu của mình, ông Bengtsson (2013) gọi những khác biệt đó là một bí ẩn chưa được giải đáp. Sự thiếu thống nhất về khái niệm là phổ biến trong việc so sánh chính sách nhà ở, và điều này thực sự đúng đối với các nước Bắc Âu. Các nước Bắc Âu không thống nhất về ý nghĩa của khái niệm nhà công cộng hay nhà ở xã hội, họ cũng không thống nhất về vai trò của chính quyền địa phương trong việc cung cấp nhà ở, và có các hình thức sở hữu với tên gọi giống nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau đối với người dân, nhà phát triển và chính quyền địa phương. Do đó, việc thảo luận về chính sách nhà ở của các nước Bắc Âu thường gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, khả năng chi trả cho nhà ở là một vấn đề ở tất cả các nước Bắc Âu, cũng như sự mất cân đối giữa cầu và cung nhà ở hiện nay và trong tương lai. Một điểm chung khác ở khu vực Bắc Âu tiêu chuẩn sở hữu nhà ở rất chặt chẽ. Nhà ở được coi là một loại hàng hóa tư nhân và một khoản đầu tư, đồng thời là một quyền của con người nếu xét ở phạm lớn hơn. Điều này khiến cho các thành phố Bắc Âu, những nơi đang nỗ lực tìm cách tăng cường hòa nhập xã hội, gặp phải những thách thức khi cố gắng quản lý - hoặc không - nguồn cung nhà ở và địa điểm thích hợp để xây dựng nhà ở.
Khi xây dựng báo cáo này, Nordregio - Viện nghiên cứu quốc tế về quy hoạch và phát triển vùng Bắc Âu (có trụ sở tại Thụy Điển) đã mời các học giả am hiểu chính sách nhà ở đưa ra quan điểm về nhà ở cho những đối tượng không có khả năng tiếp cận nhà ở trên thị trường, hay còn gọi là nhà ở giá rẻ, để giải đáp một câu hỏi thường thấy trong các cuộc tranh luận về quy hoạch đô thị: Tại sao giá nhà ở mới quá cao đối với những người có nhu cầu ở thực sự? Quy hoạch đô thị nhằm đảm bảo tính bền vững xã hội, chẳng hạn như bằng cách kết hợp đa chức năng, tăng mật độ và tạo lập không gian công cộng hấp dẫn... dường như là chưa đủ. Vậy tiêu chí của nhà nước phúc lợi Bắc Âu là gì nếu nó chỉ có thể cung cấp nhà ở mới cho những người giàu nhất? .
Báo cáo này tập trung nghiên cứu về nhà ở xây mới dành cho các nhóm thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, thường được gọi là nhà ở giá rẻ, tức là nhà ở cho những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở trên thị trường. Nghiên cứu này đi sâu tìm hiểu về tài chính nhà ở, đặc biệt là vấn đề chi phí xây dựng nhà ở mới, trợ cấp nhà ở, các mô hình nhà ở xã hội và khả năng chi trả. Giữa các thành phố Bắc Âu có sự chênh lệch, việc phát triển nhà ở mới, áp dụng các hình thức sở hữu đa dạng và trợ cấp nhà ở là những ví dụ về các công cụ có thể làm trầm trọng thêm hoặc giảm bớt sự chênh lệch đó tùy thuộc vào cách chúng được sử dụng. Thị trường dường như không thể tự mình cung cấp đủ nhà ở phù hợp cho sinh viên, người trẻ tuổi, nhóm thu nhập thấp và người nhập cư mới đến, cùng những đối tượng khác. Đây là mối quan tâm chính trị vì nó thách thức toàn bộ ý tưởng về mô hình nhà nước phúc lợi Bắc Âu cũng như sự gắn kết và bình đẳng xã hội vốn là những đặc điểm đặc trưng của khu vực Bắc Âu.
Nội dung tổng luận gồm 3 phần:
Phần I: Đan Mạch giải quyết vấn đề nhà ở cho các nhóm đối tượng khó tiếp cận thị trường nhà ở
Phần II: Chính sách nhà ở của Phần Lan
Phần III: Chính sách nhà ở của Na Uy
Nội dung chi tiết xem tệp đính kèm:
Tổng luận số 1 - 2023
Trung tâm Thông tin