Số tổng luận: Số 2 năm 2021. Số trang: 53. Cơ quan phát hành: Trung tâm Thông tin – Bộ Xây dựng. Ngôn ngữ: Việt Nam.
Tóm tắt nội dung:
Rác thải là sản phẩm tất yếu của cuộc sống, được sản sinh từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người. Cùng với mức sống của con người hiện đại và công nghiệp hóa ngày càng phát triển, lượng rác thải ra môi trường ngày một nhiều, với các thành phần phức tạp và đa dạng hơn. Xử lý rác thải đang là vấn đề nóng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Rác thải chỉ thực sự là mối nguy khi công tác quản lý, thu gom và xử lý rác không được quan tâm đúng mức. Nếu nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, giúp người dân làm quen với công nghệ xử lý rác thân thiện môi trường thì rác thải sẽ biến thành nguồn tài nguyên quý giá để tái sử dụng phục vụ con người.
Ở các nước phát triển, việc thu gom và phân loại rác để tái sử dụng đã trở thành một việc làm bình thường. Người dân coi rác không phải là phế thải đổ bỏ mà cố gắng tận dụng những thành phần có ích nhằm đem lại lợi ích và làm trong sạch môi trường sống của mình.
Để làm được điều này, trước hết cần có chính sách nhất quán và những giải pháp đồng bộ. Nghiên cứu của tác giả Y.Nikulichev (Viện Thông tin Khoa học về các khoa học xã hội, thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga) đã đưa ra cái nhìn tổng quan về hệ thống quản lý rác thải của Liên minh châu Âu (EU) - các cơ sở tiêu chuẩn pháp quy do các chỉ thị của EU đề ra, hệ thống phân cấp quản lý rác thải hiện có, sự chuyển động của các quốc gia thành viên EU hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu cũng phân tích kinh nghiệm quản lý rác thải tại 04 quốc gia EU (Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Hà Lan).
Thông qua việc nghiên cứu tài liệu nói trên và một số tài liệu khác liên quan, Trung tâm Thông tin đã biên dịch, biên soạn thành cuốn Tổng luận “Chính sách quản lý rác thải của một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU)” với hy vọng cung cấp cho các nhà quản lý, những người làm công tác chuyên môn một tài liệu tham khảo hữu ích về lĩnh vực quản lý rác thải.
Nội dung tổng luận gồm IV phần:
I: Phần mở đầu
II: EU hướng tới nền kinh tế tuần hoàn
III: Hướng tới xã hội không rác thải – Kinh nghiệm của một số quốc gia EU
IV: Khoảng cách về trình độ quản lý rác thải của Nga và các nước EU