COMPACT CITY - Mô hình thành công tại một số đô thị

Thứ bẩy, 05/01/2019 16:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày nay, khi sự phát triển bền vững được chú trọng và nhân loại phải ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều học giả đã chứng minh một cách thuyết phục rằng đô thị nén còn là hình thái đô thị bền vững, tiêu thụ tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, ít xe hơi nên giảm được khí thải, ứng phó tốt hơn với các thảm họa thiên nhiên. Các khu đô thị nén với các tòa nhà cao tầng được quy hoạch bài bản là giải pháp tất yếu cho các thành phố. Đô thị có mật độ tương đối cao sẽ sử dụng hỗn hợp đất đai một cách hiệu quả, chú trọng giao thông công cộng, khuyến khích đi bộ và xe đạp…Và dưới đây là một số ví dụ thành công về đô thị nén tại các nước.

FREIBURG (ĐỨC)

Từng bị tàn phá tới hơn 80% trong Thế chiến II, nhưng Freiburg ngày nay đã trở thành một trong những thành phố có hệ sinh thái tốt nhất thế giới.

Thành phố gần 900 năm tuổi ở Tây Nam nước Đức này đã hồi sinh mạnh mẽ từ đống tro tàn sau cuộc chiến tàn khốc. Khu trung tâm được xây dựng lại, những kiến trúc thời Trung cổ được phục hồi. Xe điện, xe đạp và người đi bộ là chủ nhân của đường phố. Mức độ tiếng ồn được hạ xuống rất thấp. Những gì được nghe nhiều nhất là chuông cảnh báo, tiếng trượt êm trên các đường ray của xe điện hay sự nhộn nhịp của 24.000 sinh viên trong thành phố đại học này.

Không khí tại Freiburg tinh khiết hơn ở những nơi khác với mức thải CO2 rất thấp. Theo số  liệu chính thức, thành phố này đã giảm được 20% khí thải từ những năm 1990 và hướng tới con số 50% vào năm 2030.

Với điều kiện sống lý tưởng như vậy, Freiburg đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn các thành phố khác. Các tòa nhà, cơ sở kinh doanh, công nghiệp, trụ sở học thuật, thậm chí cả các nhà thờ và sân vận động đều được bao phủ bởi các tấm pin mặt trời nhằm cung cấp điện năng tái tạo. Nhờ năng lượng mặt trời, các nguồn năng lượng xanh khác và nhờ chính sách xây dựng hiệu quả, các tòa nhà ở Freiburg chỉ tiêu tốn trung bình 65 KWh/năm, thấp hơn so với các nơi khác ở Đức và thế giới.

Freiburg sở hữu mạng lưới giao thông tuyệt vời. Để đạt được những thành tựu như vậy, thành phố đã xây dựng một hệ thống giao thông vô cùng thuận tiện. Giá vé sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở đây tương đối thấp so với các thành phố khác là nhờ trợ cấp xã hội, ưu đãi cho sinh viên và người già.

Sở hữu hiệu của phương tiện giao thông công cộng đã khiến tỷ lệ người dùng xe hơi tại Freiburg đã giảm xuống còn 30%. Ngay cả trong số những người dùng ô tô,  nhiều người chủ yếu sử dụng mạng chia sẻ xe tại 70 địa điểm trong thành phố.

Freiburg không chỉ là một thành phố sinh thái mà còn có tiêu chí cộng đồng xã hội cao. Khu phố Weingarten – West là nơi gia đình nghèo, người di cư và tị nạn sinh sống trong những mô hình tòa nhà thụ động đầu tiên của Đức và trên thế giới.

Hiện tại, Freiburg đang có kế hoạch cải tạo ba khu nhà ở xã hội khác với công nghệ xanh mới nhất và dự kiến sẽ bổ sung thêm trong tương lai.

SINGAPORE

Singapore có hơn 700km2 nhưng chỉ phát triển trong 250km2 mà thôi. Và đây là đất nước có 6.428 tòa nhà 20 tầng trở lên. Chính phủ nước này cũng hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp tư nhân về mặt kỹ thuật, vốn và ưu tiên xây nhà cao tầng.

Thực tế cho thấy, Singapore quy hoạch khoa học đến từng m2 đất, hệ thống giao thông nổi và ngầm thông thoáng hợp lý, vỉa hè rộng rãi thông thoáng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh những nhà cao tầng, có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ dân: sân chơi, công viên, bãi đỗ xe kèm với nó là công trình phục vụ dân cư, trường học nhà trẻ…

Song song, luật pháp của Singapore luôn được thượng tôn, quản lý trình độ cao, dân trí tốt.

Dù Singapore có nhiều nhà cao tầng, nhưng nhiều tuyến đường nội ô của họ được chạy tốc độ cao.

Rất nhiều nước cũng tự hào về các dự án nhà ở xã hội mà họ xây dựng được, nhưng có lẽ hiếm quốc gia nào “cuồng” nhà ở xã hội như Singapore, nơi có tới 80% dân số đang sinh sống trong các tòa nhà được xây dựng nhờ sự trợ giúp của Chính phủ. Tất cả là nhờ Cơ quan phát triển nhà ở Singapore (HDB). HDB sẽ khiến bất kỳ ai khi tới Singapore đều cảm thấy ngạc nhiên nếu như họ suy nghĩ rằng Singapore chỉ là một thiên đường thuế dành cho các tập đoàn đa quốc gia và những ngân hàng lớn. HDB chính là điểm mấu chốt trong chính sách kinh tế - xã hội của Singapore. Các nước láng giềng của Singapore luôn muốn học theo mô hình nhà ở xã hội này để đáp ứng nhu cầu về nhà ở gia tăng chóng mặt.

Ngày nay, HDB đang cung cấp khoảng 1 triệu căn hộ, phần lớn tập trung tại khoảng hơn 20 thị trấn mới nằm rải rác và tạo thành 1 hình bán nguyệt xung quanh vùng lõi của thành phố. Mỗi năm, Chính phủ Singapore lại có một đợt mở bán những căn hộ đang xây dở, phần lớn là cho những người mua nhà lần đầu. Tất cả là hợp đồng thuê 99 năm và được bán với giá thấp hơn giá thị trường.

Người mua nhà của những dự án này sẽ phải đợi khoảng 3, 4 năm thì dự án mới hoàn thành. Tuy nhiên, họ có thể lựa chọn cách khác: mua những căn hộ cũ với giá thỏa thuận trực tiếp từ chủ nhà. Mỗi người dân được hỗ trợ tối đa hai lần trong đời, dù đó là mua căn hộ cũ hoặc mới toanh. Ngoài ra, Chính phủ Singapore còn quy định về hạn ngạch để đảm bảo mỗi tòa nhà có tỷ lệ người gốc Hoa, gốc Ấn và gốc Malay được phân bổ đúng như cấu trúc dân số. Điều này giúp tránh việc hình thành những cụm phân biệt gốc gác.

Cung cấp nhà ở giá rẻ cho dân chúng là một trong những lí do giúp Singapore có thể đảm bảo phúc lợi cho người dân mà không cần xây dựng hệ thống hưu trí được tài trợ bởi tiền thuế như các nước khác. Nguyên lý hầu như mọi người dân sẽ được sở hữu căn hộ khi nghỉ hưu, ngoài ra còn có thêm một khoản tiết kiệm. Nếu chọn mua nhà ở cùng khu với bố mẹ, giá còn được chiết khấu nhiều hơn nữa. Điều này khuyến khích con cái chăm sóc cha mẹ, giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

HONGKONG

Hồng Kông được thế giới biết đến là bến cảng và những tòa nhà chọc trời. Hiếm có thành phố nào có bến cảng và rất nhiều tòa nhà chọc trời nằm trong một phối cảnh đẹp như Hồng Kông, giữa biển, giữa núi và giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Hồng Kông có 3 phần đất: Đảo Hồng Kông (78,6 km2), bán đảo Kow-loon (11,3 km2) và vùng lãnh thổ mới, một phần trong lãnh thổ đất liền, một phần ở 230 đảo xung quanh đảo Hồng Kông (975,1 km2), tổng cộng 1.065 km2. Tuy là thành phố có mật độ dày đặc nhà chọc trời nhưng không bị ách tắc giao thông mà được vận hành thông suốt và có hiệu quả. Đó là nhờ hệ thống mạng lưới giao thông vận tải trình độ cao hiện đại và hợp lý chủ yếu dựa vào giao thông công cộng chiếm tới 90% khiến cho thành phố trở thành nơi có tỷ lệ giao thông công cộng cao nhất trên thế giới.

Ngoài các phương tiện giao thông thông dụng như taxi, xe buýt và phà, giao thông công cộng trong thành phố còn bao gồm các loại xe buýt nhẹ, tàu điện trên cao, xe điện nhẹ, đường sắt vận chuyển khối lượng lớn (Mass Transit Railway – MTR) và MTR đã trở thành giải pháp giao thông hiệu quả, giá cả phải chăng, chiếm tới 42% thị phần giao thông vận tải công cộng trở thành lựa chọn giao thông vận tải thông dụng nhất ở Hồng Kông.

Kỹ thuật giao thông bao giờ cũng là một tác nhân chủ yếu trong cách phát triển và hình thành các thành phố.

Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị luôn là vấn đề được các thành phố quan tâm để có giải pháp giảm thiểu. Đối với thành phố có mật độ nhà chọc trời dày đặc như Hồng Kông thì giảm hiệu ứng nhiệt sinh là vấn đề bức xúc hơn cả, để giảm thiểu hiệu ứng nhiệt sinh ra do đô thị xây dựng trên đảo cần có nhiều giải pháp về quy hoạch cụ thể:

- Phân cách các nhà cao tầng nhằm nâng cao chất lượng khí lưu thông và môi trường dành cho người đi bộ.

- Khoảng lùi tòa nhà – áp dụng cho người đi bộ tiếp giáp với các đường phố hẹp, cũng nhằm tăng chất lượng khí lưu thông và môi trường dành cho người đi bộ và để giảm hiệu ứng “hẻm phố sâu”.

- Phủ xanh khu vực từ 20-30%. Mang đến màu xanh cây xỏ cho khu vực địa điểm khác nhau, nhằm tăng chất lượng môi trường cho không gian sống. Ngoài ra, trồng cây gần khu người đi bộ mang lại lợi ích trên diện rộng, và trồng tại nhiều địa điểm khác tại các tầng trệt, các bậc thềm, mái nhà và các tầng khác.

Hình ảnh thành phố toàn cầu Hồng Kông được biết đến bởi hải cảng nhộn nhịp nhất thế giới với những nhà chọc trời, các đường cao tốc và giao thông không ngớt. Tuy nhiên cảnh quan đặc trưng của Hồng Kông vẫn là cảnh quan về bản sắc đang phát sinh nhằm tái tạo lại bản sắc địa phương.

Đằng sau những dãy nhà chọc trời dùng làm các công trình thương mại là các khối nhà ở sử dụng hỗn hợp có hình thù, số tầng và quy mô khác nhau được xây dựng gần nhau. Những doanh nghiệp quy mô nhỏ từ các quầy thực phẩm ở phía ngoài đến những trung tâm chăm sóc trẻ em, theo nguyên tắc bao giờ cũng chiếm những tầng dưới. Các cư dân thành phố đã thích nghi rất tốt đối với hình thức gọn như thế của cuộc sống đô thị và đa số thấy nó thuận tiện và rất hợp lý với lối sống của họ. Rốt cuộc là loại nhà đa năng và tận dụng đất ấy đã được tái tạo ở nhiều bộ phận khác nhau và đã trở thành một nét đặc trưng của cuộc sống Hồng Kông.

Các ngõ và đường phố chật hẹp bởi chợ búa và các quầy hàng cũng không bị giải tỏa và di chuyển đi nơi khác mà được phép phục vụ cho các gia đình ở khu trung tâm thành phố. Thêm vào đó, các quán giải khát, cà phê, câu lạc bộ, quán rượu và tiệm ăn phục vụ cho người lao động của thành phố rất hợp với các nhà ở mọi ngóc ngách ở các hẻm.

Khu trung tâm chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chỉ là một khu thương mại được vạch ra một cách cứng nhắc. Về cơ bản đó là nơi có người ở đầy ắp những kỷ niệm và mong ước của các cư dân.

Kinh nghiệm của Hồng Kông chắc chắn sẽ rất hữu ích cho các thành phố lớn tại các nước đang phát triển.


Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 94/2018

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)