Vai trò của quy hoạch xây dựng trong việc giảm phát thải tại các đô thị Việt Nam

Thứ sáu, 04/01/2019 12:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại. Những ảnh hưởng của BĐKH đến con người và các thay đổi của hệ thống khí hậu cũng đã được ghi nhận từ những năm 1950. Nguyên nhân chính của BĐKH là do gia tăng lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sinh sống và sản xuất của con người. Tiếp tục phát thải khí nhà kính sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của nó lên tự nhiên và con người. Mặc dù không phải là nguồn phát thải chính gây ra BĐKH, nhưng các nước đang phát triển lại là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH do có GDP và tăng trưởng kinh tế thấp, đồng nghĩa với việc có ít nguồn lực để ứng phó với những tác động của BĐKH. Theo Kịch bản BĐKH toàn cầu, Việt Nam là 1 trong 5 nước sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng.  

Con người là nạn nhân của BĐKH nhưng cũng chính là nguyên nhân gây ra nó. Đô thị - nơi tập trung hơn một nửa dân số thế giới là nguồn phát thải khổng lồ cần được kiểm soát trước tình trạng gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh như hiện nay. Theo Báo cáo toàn cầu về Định cư con người 2011 “Thành phố và biến đổi khí hậu” của Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc đã công bố, các thành phố phải chịu trách nhiệm tới 70% lượng phát thải khí nhà kính trong khi chỉ chiếm có 2% diện tích. Năm lĩnh vực phát thải chính trong đô thị được xác định là: năng lượng, giao thông, chất thải, quá trình công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, nông lâm nghiệp và sử dụng đất khác. Trong đó, giao thông và năng lượng là hai nguồn phát thải lớn nhất (Theo Quy ước toàn cầu về kiểm kê phát thải khí nhà kính cho quy mô cộng đồng GPC)

1. Vấn đề phát thải khí nhà kính trong các đô thị Việt Nam

Trong những năm qua, đô thị Việt Nam đã và đang tăng trưởng với tốc đô nhanh chóng, tiếp cận được nhiều thành tựu về khoa học, công nghệ hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, phát triển với tốc dộ quá nhanh, tỷ lệ đô thị hóa từ 23,7% (1999) đã đạt tới mức 36,6% (2016), mạng lưới đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức như: sự gia tăng nhanh chóng của dân số đô thị (chủ yếu do di dân nông thôn và thành thị) dẫn tới hình thành các đô thị cực lớn và vùng đô thị lớn thiếu kiểm soát, thiếu kết nối giữa các đô thị trong hệ thống, giữa đô thị với nông thôn, gia tăng khoảng cách kinh tế, hạ tầng đô thị không đầy đủ, thiếu nhà ở, thiếu không gian xanh, tỷ lệ chất thải rắn được xử lý thấp, định hướng quy hoạch chưa phù hợp, môi trường ô nhiễm, xuống cấp…Những hệ lụy này đã và đang là những nguyên nhân làm gia tăng lượng phát thải khí nhà kính của đô thị - dẫn tới gia tăng BĐKH, đồng thời, ảnh hưởng của BĐKH cũng làm sâu sắc hơn những bất cập hiện tại và tạo ra thách thức mới cho đô thị.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký và phê chuẩn Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto (KP). Theo đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ từ quốc tế. Để đạt được cam kết này, Chính phủ cần có chương trình kế hoạch hợp lý cho việc phát triển đô thị nhằm giảm thiểu tối đa lượng phát thải khí nhà kính trong các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn. Tại Việt Nam, quy hoạch đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp về cấu trúc đô thị, tổ chức không gian, sử dụng đất, hệ thống các công trình hạ tầng cơ sở.

2. Vai trò của quy hoạch đô thị trong việc giảm phát thải khí nhà kính của đô thị

- Cấu trúc đô thị:

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của quy hoạch đô thị đó là xác định cấu trúc đô thị phù hợp với các điều kiện hiện trạng của đô thị. Đồng thời, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cấu trúc hình thái của đô thị, giải pháp tổ chức không gian và sử dụng đất quyết định các luồng giao thông đô thị và nhu cầu năng lượng, từ đó có ảnh hưởng quyết định tới lượng phát thải khí nhà kính.

Rickaby (1987) trong nghiên cứu của mình đã kết luận rằng mô hình đô thị “tập trung phi tập trung” (đô thị có trung tâm thứ cấp với kích thước trung bình) là cấu trúc giải quyết tiết kiệm năng lượng cho đô thị.

Banister (1992) chỉ ra rằng tiêu thụ xăng trên đầu người ở Anh giảm theo quy mô thành phố, và ở London cao hơn so với các thành phố lớn khác.

Breheny (1995) đã chứng minh rằng khi dân cư ở Anh và Wales chưa tập trung vào các khu vực ngoại thành khoảng giữa những năm 1961 và 1991, tổng năng lượng tiết kiệm được có thể cao hơn 3%.

Bản ghi chú thứ Tư (bổ sung) về Phát triển không gian của Hà Lan năm 1990 ghi rằng: “Cơ sở đầu tiên của việc phát triên bền vững linh hoạt là các chính sách tập trung phát triển các khu dân cư, khu công nghiệp và các công trình công cộng. Trong một cấu trúc không gian tập trung, khoảng cách cần di chuyển là ngắn nhất, các phương tiện di chuyển như xe đạp hay giao thông công cộng được thúc đẩy”.

Ngày nay, mô hình đô thị nén được nhiều nhà khoa học trên thế giới chứng minh là hình thái đô thị tiêu thụ tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, ít xe hơn nên giảm được khí thải, ứng phó tốt hơn với các thảm họa tự nhiên…Đô thị nén hay đô thị có khoảng cách ngắn là ý tưởng quy hoạch đô thị với mật độ cao và sử dụng đất hỗn hợp. Dựa trên việc sử dụng hiệu quả hệ thống giao thông công cộng, hình thành thói quen đi bộ hoặc xe đạp của người dân, từ đó giảm nhu cầu sử dụng năng lượng và ô nhiễm môi trường.

- Tổ chức không gian:


Tổ chức không gian trong đô thị là xác định hệ thống các khu vực chức năng, các vùng và khu vực chức năng khác trong toàn thành phố (các trung tâm hành chính, thương mại, đào tạo, văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, công nghiệp, du lịch, sinh thái, bảo tồn…); các khu dân cư nông thôn; xác định các trục không gian, hành lang phát triển của thành phố; định hướng cải tạo các khu vực đô thị hiện hữu.

Việc tổ chức không gian đô thị hợp lý có thể làm giảm phát thải khí nhà kính của đô thị thông qua các lĩnh vực sau:

+ Kiểm soát phát triển đô thị. Hạn chế mở rộng đô thị tự phát. Tạo khả năng di chuyển dễ dàng và nhanh chóng giữa các điểm đến như nhà ở, nơi làm việc, chỗ mua sắm…từ đó giảm lưu lượng giao thông, đảm bảo giao thông hiệu quả, tăng cường sử dụng các loại hình giao thông công cộng, giảm sử dụng năng lượng, mà chủ yếu là nguồn nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm lượng phát thải khí nhà kính.

+ Đảm bảo sự tiếp cận năng lượng mặt trời và năng lượng gió, tận dụng tối đa nguồn năng lượng thiên nhiên để phục vụ nhu cầu chiếu sáng, sưởi ấm và làm mát, từ đó giảm nhu cầu sử dụng năng lượng.

+ Vị trí quy mô các không gian xanh trong đô thị đóng vai trò là nguồn thu giữ cacbon, giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính của đô thị. Không gian xanh đô thị có thể giúp cải thiện chất lượng không khí, hấp thụ mưa lớn, và làm giảm nhiệt độ bề mặt.

- Định hướng giao thông:

Giao thông vận tải nói chung vừa là chủ thể phát thải gây BĐKH vừa là đối tượng chịu hậu quả do BĐKH đặc biệt là hạ tầng giao thông đô thị. Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu giao thông cũng tăng nhanh. Năng lượng dành cho giao thông chiếm tỷ trọng lớn trong nhu cầu năng lượng của toàn thế giới và sẽ còn gia tăng mạnh trong tương lai trước sự phát triển của các loại hình giao thông và nhu cầu di chuyển của con người, đồng thời với việc gia tăng lượng phát thải khí nhà kính cũng như các vấn đề ô nhiễm của đô thị sẽ trầm trọng hơn.

Vai trò của quy hoạch định hướng phát triển giao thông đối với việc giảm phát thải khí nhà kính trong đô thị:

+ Định hướng mạng lưới giao thông hợp lý, rút ngắn khoảng cách giữa các khu chức năng, giảm mật độ giao thông, tối ưu hóa hiệu suất.

+ Mạng lưới đường bộ là mạng lưới chủ yếu và có sự phối hợp của các loại hình giao thông khác. Vì vậy, xác định khung đường bộ là rất quan trọng trong thiết kế quy hoạch giao thông. Các báo cáo thống kê về phát thải cũng cho thấy lượng phát thải của giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng lượng phát thải của lĩnh vực giao thông, do vậy, cần nghiên cứu khai thác triệt để các loại hình giao thông khác trong đô thị như đường thủy, đường sắt nội đô để giảm bớt áp lực lên giao thông đường bộ.

+ Phát triển, khai thác tối đa các loại hình giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân.

+ Quy hoạch các tuyến đi bộ, không phương tiện cơ giới, giảm sử dụng năng lượng.

- Quy hoạch quản lý chất thải:

Rác thải liên quan chặt chẽ đến dân số và tình trạng đô thị hóa. Khối lượng rác thải toàn cầu đang tăng lên những năm gần đây, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với tốc độ tăng dân số, tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh.

Quy hoạch quản lý chất thải đô thị hợp lý có thể giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính một cách rõ rệt:

+ Lựa chọn vị trí tập kết rác hợp lý, không ảnh hưởng tới khu dân cư;

+ Cải tiến công nghệ quản lý và xử lý rác thải;

+ Tổ chức sản xuất năng lượng từ rác thải;

+ Tái sử dụng rác thải là một trong những biện pháp hứa hẹn làm giảm lượng phát thải khí nhà kính cùng với việc tăng sử dụng năng lượng và tài nguyên một cách hiệu quả.

- Thiết kế đô thị:

Việc gia tăng không gian mặt nước, mặt đất tự nhiên và cây xanh không chỉ có tác dụng tăng cường hiệu quả thoát nước mặt đô thị, hạn chế lũ lụt, bảo tồn nguồn nước ngầm và tạo cảnh quan đô thị mà còn có tác dụng làm giảm thiểu khí nhà kính phát sinh cũng như hiện tượng tăng nhiệt độ đô thị. Đồng thời, các hồ chứa nước tạo cảnh quan cũng chính là các bể chứa nước khi mưa lớn, giảm ngập lụt và đồng thời là nguồn dự trữ cấp nước.

3. Kết luận

Giảm nhẹ BĐKH là một quá trình, đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó, các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn – những nguồn phát thải chính đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong những năm gần đây, các đô thị trên thế giới đều đang cùng nhau thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới đô thị không phát thải trong tương lai. Ngoài các giải pháp phi kỹ thuật như xây dựng và thực hiện các chính sách về tiết kiệm năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, công trình xanh, kinh tế xanh, các chương trình hành động của cộng đồng, đẩy mạnh giao thông công cộng…có thể thấy rằng, quy hoạch đô thị đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính của đô tị khi giải quyết vấn đề từ gốc rễ. Các đô thị ở Việt Nam cũng như ở các nước đang phát triển hiện nay đang tập trung vào việc thích ứng với BĐKH thay vì giảm nhẹ, do các tác động của BĐKH lên đô thị là quá rõ ràng và ngày một nặng nề, trong khi khả năng chống chịu với BĐKH của đô thị còn kém và năng lực tài chính của quốc gia này là giới hạn. Tuy nhiên, trước các diễn biến của BĐKH, việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần được thực hiện ngay. Cần có sự đẩy mạnh hơn nữa việc lồng ghép các tiêu chí về giảm nhẹ BĐKH vào Quy hoạch đô thị, từ đó lựa chọn được các định hướng phát triển tối ưu cho đô thị trong điều kiện BĐKH hiện nay.


Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 94/2018

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)