Đô thị nén - Giải pháp quy hoạch sử dụng đất hiệu quả

Thứ hai, 17/12/2018 16:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặt vấn đềCùng với quá trình CNH-HĐH đất nước, tốc độ đô thị hóa của nước ta cũng ngày càng tăng nhanh, hệ thống đô thị quốc gia được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đô thị, điểm dân cư nông thôn, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, kết cấu hạ tầng…đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, hoặc cải tạo mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước. Năm 1998, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 24%, năm 2013 đạt 32%, năm 2015 đạt 35,7%...và đến năm 2017 đã đạt 37,5%. Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị, kể cả khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhìn chung, diện mạo kiến trúc, đô thị, nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc… Quy hoạch xây dựng đã thực sự góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển KT-XH của đất nước. Trong đó, kinh tế đô thị góp 70% GDP cả nước, các chỉ số thu ngân sách của các vùng tỉnh và các đô thị lớn cho thấy nhìn chung tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 đến 15%, cao gấp 1,2-1,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đô thị Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Số lượng đô thị tăng nhanh nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn thiếu, không đồng bộ và quá tải. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp như hệ thống giao thông đô thị chậm phát triển, thiếu đồng bộ; hệ thống cấp nước sạch và thoát nước của nhiều đô thị đã xuống cấp và lạc hậu, tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do rác thải, nước thải chưa được xử lý; đặc biệt, quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên đất đai, môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải lớn, gây mất cân bằng sinh thái… Bên cạnh đó, đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề toàn cầu  như cạnh tranh đô thị, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng…Đây là những thách thức lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo đô thị, điều kiện môi trường sống của người dân và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị hiện nay.

2. Đô thị nén - Giải pháp quy hoạch sử dụng đất hiệu quả

Cuối năm 2011, cùng với Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về “Đánh giá Đô thị hóa ở Việt Nam”, ông Dean Cira, người phụ trách thực hiện báo cáo, đã nhận xét: “Dường như các đô thị ở Việt Nam đang phát triển theo chiều rộng thay vì theo chiều sâu. Chẳng hạn Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố rộng nhất thế giới…Khi mở rộng như vậy, chính quyền sẽ phải đầu tư rất nhiều vào các đô thị vệ tinh khi nhu cầu chính nằm ở Hà Nội”… Còn Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa thì đưa ra khuyến nghị: “Với nguy cơ biến đổi khí hậu thì Việt Nam nên chuyển hướng tập trung phát triển thành phố gọn, mật độ cao, tiết kiệm năng lượng mà vẫn đảm bảo nhu cầu nhà ở và việc làm cho mọi người”.

Theo TS.Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (THXD), trên quan điểm sử dụng đất, đô thị trong từng giai đoạn phát triển có thể tăng trưởng theo một trong ba loại hình thái đô thị (urban form) như sau: Tăng trưởng gắn với mở rộng diện tích đất đô thị; Tăng trưởng gắn với tăng mật độ dân cư trên diện tích đất hiện có; Tăng trưởng bằng cách kết hợp hai loại hình thái trên… Loại hình thái đô thị thứ hai gọi là “đô thị nén”, theo tên gọi do Dantzig và Saaty đưa ra từ năm 1973 và được sử dụng nhiều tại Châu Âu…Đặc điểm chính của đô thị nén là có mật độ tương đối cao (mật độ cư trú, xây dựng, hệ số sử dụng đất…), với chức năng sử dụng hỗn hợp, khuyến khích đi bộ và xe đạp, chú trọng giao thông công cộng, giao thông xanh. Đô thị nén thông thường được hiểu là đô thị nhỏ gọn có mật độ định cư cao, diện tích nhỏ nên chủ yếu phát triển theo chiều cao và không gian phía trên (như Portland - Hoa Kỳ, Freiburg - Đức, Hồng Kông - Trung Quốc…), có ranh giới rõ ràng với các khu vực xung quanh, sử dụng hỗn hợp đất đai một cách đa dạng, phát triển các khu vực đô thị tích hợp, đa chức năng…

Mật độ có thể tương đối cao nếu so với tiêu chuẩn quy hoạch đô thị hiện hành nhưng mức độ bao nhiêu lại tùy theo điều kiện cụ thể của từng đô thị, đánh giá chủ yếu bằng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng hoặc bằng phương pháp phân tích “dấu chân sinh thái” (Eco-Footprint). Sử dụng hỗn hợp đất đai tức là phát triển các khu vực đô thị đa chức năng, mang tính tích hợp như ở, làm việc, học hành, mua sắm và nghỉ ngơi, giải trí… để tạo điều kiện cho phần lớn người dân hàng ngày có thể đến các nơi cần thiết chỉ bằng đi bộ, đi xe đạp hay giao thông công cộng theo hướng xanh, thân thiện với môi trường…

Portland, Hoa Kỳ có diện tích khoảng 376,5 km2 (trong đó đất liền là 347,9 km2, mặt nước là 28,6 km2); dân số năm 2009 khoảng 582.000 người, mật độ cư trú 1.655,31 người/km2. Hồng Kông, Trung Quốc có diện tích 1.103 km2, dân số năm 2009 khoảng 7.055.000 người; mật độ cư trú 6.076,4 người/km2…Trong khi đó, tiêu chuẩn phân loại đô thị nước ta quy định đô thị loại đặc biệt và loại 1 phải có mật độ bình quân tối thiểu là 150-120 người/ha. Thông thường mật độ cư trú tại khu trung tâm đô thị thường cao nhất rồi giảm dần ra các khu vực xa hơn…Ví dụ như mật độ cư trú tại các quận trung tâm của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM là rất cao so với các khu vực lân cận.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA), hiện nay việc phát triển các tòa nhà cao tầng (phát triển theo chiều cao) trong khu vực trung tâm các đô thị Việt Nam (nhất là các đô thị lớn như thủ đô Hà Nội, TP.HCM) là quy luật tất yếu của quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Việc phát triển công trình cao tầng, nhất là các công trình cao tầng đa chức năng có thể làm giảm sự dịch chuyển về khoảng cách giữa các chức năng trong đô thị và làm tăng giá trị sử dụng đất, tiết kiệm tài nguyên đất đai, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái…Phát triển đô thị theo chiều cao cũng là môt trong những chỉ tiêu của đô thị phát triển bền vững. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc phát triển đô thị theo chiều cao là một trong các giải pháp khai thác hiệu quả không gian đô thị cũng như chính sách trong chuyển nhượng quyền phát trển không gian. Cách làm này vừa phù hợp với chiến lược tái cấu trúc không gian đô thị mà vẫn không thay đổi diện tích lô đất và quan trọng là giải pháp này sẽ hướng tới cấu trúc một đô thị nén, không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là về giao thông…khi mạng lưới giao thông công cộng được xây dựng đồng bộ, hiện đại và tiện dụng, có khả năng kết nối nhanh với các khu chức năng khác của đô thị…

Nhận thức, hiểu biết sâu sắc về đô thị nén có tầm quan trọng cho việc định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam (nhất là các đô thị cực lớn và lớn), hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, tăng chất lượng sống không gian đô thị. Trong đó có việc phát triển không gian ngầm tại các khu vực đã xây dựng, trước hết là tại khu trung tâm dịch vụ thương mại (CBD), khu vực đầu mối giao thông tích hợp trọng yếu của đô thị theo hình thức TOD (Transit Oriented Development). Mô hình TOD đã được nhiều nước áp dụng để phát triển đô thị, gắn kết giữa GTCC với sử dụng đất và đã mang lại nhiều thành công. Những kinh nghiệm này hi vọng cũng sẽ được những người làm chính sách, chính quyền các đô thị, các nhà quy hoạch, phát triển hạ tầng nghiên cứu xem xét, áp dụng cho phù hợp trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và một số đô thị khác của Việt Nam, để khai thác có hiệu quả quỹ đất có thể nghiên cứu áp dụng mô hình đô thị nén tại một số khu vực trọng tâm, nhất là các khu vực trung tâm có chức năng tích hợp như CBD, TOD…Mỗi khu vực của các đô thị trên, tùy theo sự phân bổ chức năng trong cấu trúc tổng thể theo quy hoạch chung mà có mật độ và chất lượng không gian sống đô thị cũng khác nhau. Đặc biệt, đối với một số địa điểm tại khu vực Đô thị trung tâm mở rộng của thủ đô Hà Nội (Theo QĐ 1259) có thể nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch để áp dụng mô hình đô thị nén với mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng đất, không gian mở và tăng diện tích đất các nêm xanh trong cấu trúc đô thị tổng thể, giảm sức ép về dân số vào khu vực nội đô lịch sử vốn đang bị quá tải.

3. Thay cho lời kết

Với tốc độ đô thị hóa nhanh như Việt Nam, để đáp ứng tốt nhu cầu nhà ở ngày càng cao của người dân (đáp ứng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong thời gian tới, trung bình mỗi năm cần xây dựng ít nhất 100 triệu m2 nhà ở) đồng thời tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai vốn ngày càng eo hẹp, hướng tới sự phát triển bền vững, giải pháp quy hoạch đô thị theo mô hình đô thị nén, đô thị vươn theo chiều cao. Đây cũng là xu hướng chung, tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới. Với tác động cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, đô thị phát triển theo mô hình đô thị nén sẽ càng phát huy vai trò của nó, an toàn hơn, tiện nghi hơn, tiết kiệm, hiệu quả sử dụng đất cao hơn, diện mạo kiến trúc đô thị văn minh, hiện đại, đô thị thông minh hơn, thân thiện và sinh thái hơn…


Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 94/2018

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)