Đã từ nhiều năm, mỗi khi có sự biến động tăng cao chi phí đầu vào, tăng thuế, phí…ngành vật liệu xây dựng luôn nhắc nhau phải nâng cao năng suất, cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí về nhiều mặt. Đây là điệp khúc được nhắc đi, nhắc lại nhiều và lúc nào cũng đúng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi doanh nghiệp và không cần phải chờ đến lúc biến động chi phí đầu vào. Kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn là giá, chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào, chi phí năng lượng ngày càng tăng và nếu có giảm thì chỉ giảm một phần nhỏ, sau khi đã tăng quá cao, nghĩa là chi phí ngày càng tăng. Mặt khác, về chính sách tiền lương thì cũng tăng do điều kiện xã hội, chi tiêu của người lao động ngày càng tăng.
Tuy nhiên, nhiều người lại nghĩ rằng “nước nổi thì bèo nổi”, nghĩa là chi phí sản xuất tăng thì giá bán sản phẩm tăng theo. Thực ra, trong cơ chế thị trường, trong hội nhập quốc tế toàn cầu, việc tăng giá bán sản phẩm là điều tối kị, khi không còn con đường nào khác thì doanh nghiệp mới tính đến tăng giá bán sản phẩm. Trong khi có hàng ngàn nhà sản xuất vật liệu xây dựng trong nước cạnh tranh lẫn nhau, nếu một đơn vị tăng giá bán sản phẩm của mình thì đồng nghĩa với việc giảm thị phần thị trường. Với quốc tế, nếu giá bán sản phẩm cùng loại tăng cao, thì hàng hóa nước ngoài có thể tràn sang cạnh tranh.
Trong bối cảnh giá than tăng cao, giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, nhiều dây chuyền sản xuất clinker xi măng phải tính đến giải pháp tạm dừng sản xuất. Nếu tiếp tục sản xuất, có thể dẫn đến lỗ. Nhưng dừng sản xuất thì vẫn phải khấu hao tài sản, vẫn phải trả lãi vay ngân hàng và trả lương cho người lao động.
Trong sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, đặc biệt sản xuất xi măng và một vài lĩnh vực khác thì chi phí năng lượng chiếm tỷ trọng rất cao trong giá thành sản xuất, bên cạnh đó chi phí tài chính, lãi vay, nợ ngân hàng chiếm tỷ trọng không nhỏ. Nhiều người nói vui rằng sản xuất các lĩnh vực này chủ yếu để “phục vụ ngân hàng”. Nếu doanh nghiệp nào trả nợ vay ngân hàng theo tiến độ đặt ra hoặc trả nợ trước hạn được thì gánh nặng này trong quá trình sẽ giảm, sức cạnh tranh cao. Vì vậy, hơn lúc nào hết, trong thời buổi khó khăn này, doanh nghiệp cần biết thắt chặt chi tiêu, giảm những chi phí chưa thật cần thiết, cố gắng dành dụm trả nợ ngân hàng thì sẽ giảm bớt khó khăn.
Có một điều rất đang suy ngẫm, xảy ra không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới, đó là sự bất hợp lý trong chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Nhà đầu tư sản xuất vô cùng vất vả để xây dựng nên một cơ sở sản xuất quy mô, hiện đại nhưng lợi nhuận thu về rất khiêm tốn so với các khâu khác trong chuỗi. Hiện nay, mô hình phân phối, bán sản phẩm rất khác nhau. Đây là khâu quan trọng, quyết định đến sự tồn tại của nhà đầu tư sản xuất. Khoa học, tiến bộ khoa học trong lĩnh vực này cũng rất nhiều, nhưng doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam rất ít khi tổ chức hội thảo về chuyên đề này. Hầu hết hội thảo chỉ tập trung vào công nghệ sản xuất, bỏ ngỏ khâu ứng dụng công nghệ trong quản lý, tiêu thụ sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất chỉ quan tâm đến sản phẩm của mình trước khi giao hàng cho nhà phân phối. Sau khi giao hàng cho nhà phân phối, đại lý bán hàng, mặc cho nhà bán hàng “tự tung, tự túc”, nhiều sản phẩm bán giá rất cao ngoài thị trường, đặc biệt là giá bán lẻ.
Rõ ràng, trong chuỗi này, nếu không được quản lý tốt thì người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi, nhà sản xuất cũng thu được khoản lợi nhuận, có thể không tương xứng với công sức bỏ ra. Nhiều doanh nghiệp đã quản lý chặt chẽ chuỗi cung ứng này, nhưng phương thức chưa tương xứng, chưa áp dụng những công nghệ mới nhất trong quản lý, cập nhật thông tin muộn, gây ra hiện tượng thiếu chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp bỏ rơi chuỗi và cẩm thấy như khả năng của mình không quản lý nổi chuỗi và chịu thiệt thòi. Có trường hợp thì lợi dụng sơ hở quản lý và sử dụng chuỗi là “tay chân” để trục lợi cho một nhóm người. Tất nhiên, đây là hiện tượng và chưa có cơ sở pháp lý để xem xét và tìm cách khắc phục.
Rõ ràng, lĩnh vực phân phối sản phẩm, bán hàng của ngành là một vấn đề rất lớn, các doanh nghiệp cần quan tâm, coi trọng. Hiệu quả sản xuất kinh doanh không chỉ ở khâu cải tiến trong sản xuất mà cần quan tâm đến cả chuỗi cung ứng, phân phối sản phẩm và cung ứng nguyên, nhiên liệu, vật tư đầu vào. Quản lý tốt chuỗi này chắc chắn sẽ mang đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích và nhà đầu tư thu được thành quả theo như mong đợi và tương xứng với công sức đầu tư, vận hành cả hệ thống.