Song song với việc nguồn lao động khan hiếm vì sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng tại các tỉnh thành phải chịu áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào. Giá sắt thép tăng cao (hơn 35%), xi măng, gạch, ngói, kính, nhôm… đồng loạt tăng “phi mã” khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ lỗ vốn nặng.
Theo Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, hầu hết chủ đầu tư sử dụng hình thức hợp đồng trọn gói ở thời điểm thương thảo và ký kết hợp đồng, nên khi trúng thầu các nhà thầu không thể thay đổi và điều chỉnh giá vậy nên phải tự bù lỗ.
Cho đến nay, giá thép xây dựng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc các nguyên nhiên liệu sản xuất thép tăng cao khiến giá thép liên tục đẩy lên cao. Tính từ giữa năm 2021 và đầu năm 2022, giá thép tăng 9 lần, tổng mức tăng lên từ khoảng 6 đến 8 triệu đồng. Từ đơn giá 12,5-13,5 triệu đồng/tấn. Mức giá chênh lệch nhỏ từ các loại phổ biến: Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Ddanaa-Ý, thép Miền Nam…Trong khi đó các loại vật liệu xây dựng khác như: Cát, sạn, xi măng, gạch ngói… đều tăng đáng kể, những tháng đầu năm 2022 việc tăng giá vượt đỉnh, chẳng hạn như xi măng tăng 100 nghìn đồng/tấn, gạch ngói tăng từ 8-10%, gạch ốp lát tăng đến 15%... từ các thông báo giá ở Sở Xây dựng và Sở Tài chính luôn luôn điều chỉnh nhưng không khớp với thị trường.
Từ những đánh giá chung của Hiệp hội xây dựng Việt Nam, xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng nguyên nhiên liệu. Cụ thể giá than nhập khẩu vẫn giữ mức cao do ảnh hưởng từ thị trường khu vực và thế giới.
Mặc dầu đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu, nhưng các công ty vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào như hiện nay, (Công ty xi măng Đồng Lâm, Kinh Đỉnh, Long Thọ…) Do đó các doanh nghiệp đã xem xét tăng giá để bù chi phí nguyên vật liệu cũng như chất lượng sản phẩm, họ đã điều chỉnh tăng giá bắt đầu từ 01/4 đối với các loại xi măng là 100.000 đồng/tấn đã bao gồm thuế VAT.
Ông Hoàng Ngoc Tú - Phó Tổng Giám đốc nhà thầu Delta nói: Giá xăng dầu, giá thép, giá xi măng, cát xây dựng tăng làm cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Áp lực tăng giá khiến giá nhân công tăng, trong khi tiến độ các công trình xây dựng không thể chậm lại chờ giảm giá.
Đồng quan điểm này, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng tư lệnh, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh Đoàn 12) cho biết, chưa bao giờ các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn như lúc này. Trong tình trạng bão giá vật liệu xây dựng, các nhà thầu xây dựng lâm vào tình trạng “càng làm nhiều, càng lỗ nhiều”.
Trong thực tế, việc tăng giá vượt ngoài khả năng dự báo và tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng việc thực hiện các hợp đồng theo đơn giá cố định, trọn gói…dẫn đến tình trạng một số gói thầu có hiện tượng các nhà thầu thi công cầm chừng, trường hợp dừng thi công do không đủ nguồn lực để thực hiện, làm chậm tiến độ công trình dự án…giá vật liệu tăng gây hệ lụy cho các dự án đầu tư xây dựng vì có khả năng đội vốn, chi phí vượt khung tổng đầu tư của dự toán được phê duyệt. Thậm chí có những nhà thầu đã chọn giải pháp huy động vốn vay, cổ đông để đẩy nhanh tiến độ tránh thất thoát nhanh chóng hoàn thiện công trình để tiết kiệm chi phí.
Trước tình trạng giá vật liệu xây dựng có nhiều biến động, tăng khó giảm nhiều địa phương đã tổ chức xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng bám sát diễn biến của thị trường và công bố kịp thời, theo định kỳ hàng tháng, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý, công bố chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát với giá thị trường. Ngoài ra, nhiều danh mục công bố còn thiếu một số vật liệu xây dựng chủ yếu… Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng của các chủ thể liên quan, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án.
Hầu hết doanh nghiệp ở các tỉnh, thành “kêu cứu” chủ đầu tư nhằm thực hiện xin nâng vốn so với dự toán phê duyệt ban đầu. Để kịp thời giải quyết những tác động tiêu cực do biến động giá nhiên nguyên, vật liệu xây dựng lên các dự án đầu tư xây dựng, công trình giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguyên vật liệu xây dựng cung ứng cho các công trình giao thông.
Tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình xây dựng nói chung và đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.
Sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương một cách kịp thời mong rằng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước thực trạng giá cao điểm như vậy. Để bình ổn giá và tránh những hệ lụy từ việc đội vốn, Nhà nước ta cần có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa ở tầm quản lý vĩ mô, cần chiến lược lâu dài phát triển bền vững nhằm kích thích cho doanh nghiệp có động lực xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn thịnh.