Chương trình thí điểm hỗ trợ hộ nghèo đồng bào vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung xây dựng nhà chòi tránh lũ: Thành công vì hợp lòng dân

Wednesday, 03/27/2013 07:00
Acronyms View with font size
“Chương trình đã rất thành công. Đây là chính sách hợp lòng dân, do đó được người dân đồng tình ủng hộ” - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã nhận định như vậy sau chuyến khảo sát thực địa, kiểm tra việc triển khai Chương trình thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (theo quyết định 716/QĐ – TTg, sau đây gọi là Chương trình 716) ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, ngày 26/3.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đến thăm, tặng quà hộ nghèo, động viên gia đình phấn đấu sớm thoát nghèo.

Bộ trưởng cho rằng, để chương trình 716 được triển khai hiệu quả trong giai đoạn tới, với khoảng 60 nghìn hộ dân ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể các cấp, sự tương thân tương ái của cộng đồng, dòng họ, gia đình, sự chủ động của từng hộ gia đình và nhất là vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ vốn cho người dân. “Chương trình chắc chắn sẽ thành công, góp phần giảm thiểu những thiệt hại lớn về người và tài sản cho đồng bào các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung- một khu vực thường xuyên xảy ra bão lũ, gây thiệt hại lớn về người và của trong thời gian vừa qua” – Bộ trưởng nói.

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho người dân trong vùng. Để giải quyết một cách căn bản vấn đề phòng tránh, giảm nhẹ thiên hại do lũ, lụt gây ra cho người dân trong vùng, đặc biệt là hộ nghèo, đồng thời tạo điều kiện để người dân có cuộc sống an toàn, ổn định, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng đề án hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Nội dung của chương trình là nhà nước hỗ trợ để người dân xây dựng được một diện tích nhà tối thiểu (khoảng 10 m2), có cao độ sàn hơn mực nước cao nhất để người dân trú và cất giữ tài sản ngay tại nhà ở của mình, khi có lũ về. Nguyên tắc của chương trình là “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự thực hiện”.

Nhà chòi tránh lũ, lụt là không gian ở mới khang trang của vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân, anh Cao Thế Anh.

Để chương trình được triển khai hiệu quả, ngày 14/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 716/QĐ – TTg về việc triển khai thí điểm chương trình tại 7 tỉnh, cho 700 hộ nghèo, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai đại trà. Mỗi hộ thuộc diện đối tượng được Ngân sách trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng; được vay vốn ưu đãi với mức 10 triệu đồng, ngoài ra huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng, đóng góp của các hộ gia đình với mức tối thiệu 10 đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường BĐS – cho biết: Sau 6 tháng triển khai, đến nay đã có 697/700 hộ tại 7 tỉnh khởi công xây dựng chòi phòng tránh lũ. Trong số đó có 668 hộ đã hoàn thành công trình, số còn lại đang thực hiện dở dang và sẽ hoàn thành toàn bộ vào tháng cuối tháng 3/2013.

Cũng theo ông Hà, qua kiểm tra thực tế, tất cả các chòi phòng tránh lũ, lụt đã hoàn thành đều có sàn vượt mức ngập cao nhất tại vị trí xây dựng và có diện tích tối thiểu từ 10 m2. Chất lượng chòi phòng tránh lũ, lụt tương đương gian nhà kiên cố (khung bê tông cốt thép, sàn đổ bê tông hoặc làm bằng gỗ, mái đổ bê tông hoặc lợp phibrô xi măng, bao che bằng xây gạch). Các nhà chòi có giá thành từ 30 – 40 triệu đồng. Một số nhà chòi có giá thành cao hơn, tới 50 – 60 triệu đồng, do các hộ dân xây dựng với diện tích rộng hơn, có mức độ hoàn thiện tốt hơn, kết hợp làm nơi ở.

Ghi nhận và tổng hợp ý kiến của người dân, các cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh tại 7 địa phương triển khai chương trình 716, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường BĐS Nguyễn Mạnh Hà cũng đưa ra nhận định: Đây là chính sách hợp lòng dân, được người dân đồng tình, ủng hộ, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương đánh giá cao. Chính sách đã có các quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, giản dị, tạo thuận lợi cho mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân dễ hiểu và dễ thực hiện. Mô hình xây dựng chòi tránh lũ, lụt được chính quyền các địa phương và người dân đánh giá là có nhiều ưu điểm nổi trội so với các mô hình khác, bảo đảm phù hợp với thực tế trong điều kiện hiện nay…

Còn theo quan sát của Báo Xây dựng tại xã Hưng Nhân, mức hỗ trợ và cho vay của nhà nước đã là động lực quan trọng để các hộ nghèo phấn đấu huy động thêm và xây dựng được các chòi chống lũ kiên cố, an toàn. Gia đình anh Võ Văn Sâm, xóm 1 xã Hưng Nhân là một ví dụ. Nhiều năm qua, anh chị cũng muốn dựng một công trình cao hơn mức lũ sông Lam vào tháng mưa Ngâu mà chưa thực hiện được vì nghèo. Nay cùng với sự hỗ trợ của nhà nước và số tiền tích lũy ít ỏi, hai vợ chồng anh vay thêm họ hàng nội ngoại, tổng cộng 85 triệu để hoàn thiện công trình chòi chống lũ lụt, 2 tầng, rộng 48m2, gắn kết hài hòa với khối nhà cũ. Anh cho biết: Tầng 2, ngày thường sẽ là nơi hai con học hành, ngày lũ sẽ là nơi chạy tài sản và người. Chỉ tay lên các thành kèo gỗ áp mái trong gian nhà cũ, anh kể: Ngày trước, trên đấy gia đình lắp một cái chạn. Mỗi khi lũ về, cả người và tài sản đều dồn lên chạn, trật trội nhếch nhác. Chạn từ lâu bị mối mọt nên anh tháo đi rồi. Nay có chòi tránh lũ kiên cố, gia đình đã có giải pháp sống chung với lũ an toàn hơn, đỡ vất vả, khó khăn trong sinh hoạt trong những ngày lũ.

So với nhà chòi của anh Sâm, công trình nhà chòi của vợ chồng Nguyễn Thị Vân, anh Cao Thế Anh (cũng ở xóm 1) được chăm chút hơn trong việc hoàn thiện mặt ngoài. Bởi nhà chòi không chỉ là nơi tránh lũ mà còn là chỗ thường xuyên của gia đình chị. Trước đó, anh chị và 2 đứa con nhỏ ở trong gian nhà tềnh toành, cạnh nhà bố mẹ xưa cũ. Nay nhờ có chương trình 716, anh chị quyết tâm vay thêm, đầu tư đổ trần tầng 1 gian ở cũ, xây cầu thang và 2 tầng, đủ điều kiện vượt lũ. Nhìn vào công trình, chúng tôi vẫn thấy công trình cần phải được hoàn thiện một số chi tiết như tay vịn cầu thang, lan can tầng 2…, nhưng cũng toát lên sự tâm huyết, niềm hứng khởi của đôi vợi chồng trẻ đối với không gian ở mới. Chị Vân cho biết: Anh chị sẽ tiền dành dụm tiền hoàn thành tiếp chòi tránh lũ rộng 48 m2 này để nó thực sự trở thành tổ ấm của 2 vợ chồng. 2 con sẽ được lớn lên trong không gian ở tốt hơn, bền vững hơn. Hai vợ chồng có trẻ tin rằng “an cư lạc nghiệp”, có sức lao động và chăm chỉ làm việc, trong những năm tới anh chị sẽ sớm trả hết nợ vay nhà nước và người thân.

Được biết, tham gia chương trình số 716, Nghệ An có 100 công trình nhà chòi ở 2 xã thường xuyên bị lũ lụt là Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên) và Nam Cường (huyện Nam Đàn). Đến nay, ở cả hai xã hoàn thành 92 chòi, 8 chòi còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 31/3/2013 theo đúng kế hoạch của Chính phủ.

Ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Sơ kết chương trình triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung để đánh giá tình hình thực hiện thí điểm và cho phép tiếp tục triển khai trên diện rộng trong toàn khu vực. Theo tính toán, trong 14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung sẽ có khoảng 60 nghìn hộ nghèo cần được hỗ trợ để nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở trước lũ, lụt.

 


Theo : Báo Xây dựng điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)