Điểm sáng xây dựng nông thôn mới trên quê hương “5 tấn”

Thứ năm, 26/01/2012 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, 100% các xã trong tỉnh Thái Bình đã hoàn thành quy hoạch chung. Từ những cánh đồng đến những con đường, ngõ xóm đã được chỉnh trang; những ngôi trường, nhà văn hoá đang dần hoàn thiện... Quê hương “5 tấn” đang có một diện mạo mới, một sức sống mới.

Nông thôn mới, diện mạo mới, sức sống mới trên quê hương Thái Bình. Ảnh Chinhphu.vn

Triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới được 3 năm, thời gian không phải là dài đối với một chủ trương lớn, liên quan đến tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội... nhưng tỉnh Thái Bình đã thu được những kết quả khá tốt, trở thành một trong những điểm sáng trong cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Là một tỉnh đồng bằng ven biển, Thái Bình có trên 100 nghìn ha đất nông nghiệp, dân số gần 1,8 triệu người. Trong đó có gần 90% số dân sống ở nông thôn và hơn 70% lao động làm nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, khu vực nông thôn Thái Bình nhiều năm qua mặc dù đã có những bước phát triển khá toàn diện, đời sống nông dân không ngừng được nâng cao, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực đô thị. Cơ sở vật chất hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đồng bộ và chưa đạt chuẩn về quy mô, chất lượng, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thúc đẩy phát triển sản xuất, đời sống.

Xác định rõ điều đó, trong những năm qua, tỉnh Thái Bình đã có nhiều giải pháp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Do đó, kinh tế nông thôn có sự thay đổi khá mạnh trên từng lĩnh vực: nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá; văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ...

Chủ động thí điểm mô hình nông thôn mới tại 8 xã

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo cho các tỉnh nói chung, Thái Bình nói riêng thêm cơ hội lớn trong phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội. Dù không phải địa phương nằm trong danh sách 11 xã điểm về mô hình nông thôn mới, song ngay khi có Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Thái Bình chủ động bắt tay vào thí điểm mô hình này trên 8 xã.

Sau khi chọn điểm mô hình nông thôn mới, các xã đã khẩn trương ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập quy hoạch, tiến hành lập đề cương quy hoạch; triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo Bộ tiêu chí về nông thôn mới của tỉnh, xây dựng các phương án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã, quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp, thủy lợi và giao thông nội đồng.

Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư, ý kiến các chuyên gia của tổ tư vấn cấp tỉnh và ý kiến các sở, ngành liên quan; báo cáo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, tỉnh cho ý kiến sau đó tiến hành thẩm định trình UBND huyện, thành phố phê duyệt.

Có thể thấy rõ, tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới, bước đầu đã có sự chuyển biến nhanh cả về sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; nhất là việc nhận thức và trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới được nâng cao, thể hiện bằng sự đồng tỉnh ủng hộ, góp ngày công, kinh phí, đất đai.

Sau 3 năm, cả 8 xã điểm đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung, bố trí cây trồng có chất lượng hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế sẵn có. Vì vậy, diện tích và năng suất các loại cây trồng đều cao, có chất lượng tốt hơn. Cụ thể, xã Trọng Quan bố trí vùng sản xuất khoai tây tập trung 100 ha; xã Thanh Tân bố trí cây đậu tương, màu đông 100ha; xã Nguyên Xá bố trí vùng lúa chất lượng cao (Bắc thơm, T10) 100 ha; xã Quỳnh Minh bố trí 52ha ớt; Xã Hồng Minh bố trí 4 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tổng diện tích 533,6ha, vùng lớn nhất 175 ha sản xuất 2 vụ lúa và một vụ đông, vùng nhỏ nhất diện tích 85ha.

Tại các vùng sản xuất hàng hoá, thu nhập của nông dân cao hơn so với những năm trước, trong đó vùng ớt, vùng khoai tây có thu nhập cao hơn từ 2 - 3 lần.

Đồng thời, để thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành đã lồng ghép các chương trình và huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Có lẽ chưa bao giờ tại Thái Bình chỉ trong thời gian ngắn các nguồn vốn được huy động để xây dựng các công trình hạ tầng lớn như thời gian vừa qua. Từ năm 2009 đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho 8 xã điểm đạt 559,452 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp 91 tỷ đồng.

Từ các nguồn vốn trên, các xã tập trung xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi để tạo bước đột phá về sản xuất nông nghiệp và các công trình phúc lợi chung như: Công trình văn hoá, giáo dục, y tế, cấp nước sạch... Cụ thể: Xây dựng hoàn thành 7 trường Trung học cơ sở, tiểu học và 5 trường mầm non; xây mới 1 nhà văn hoá xã, 11 nhà văn hoá thôn; 1 trạm y tế xã…; đào đắp 498.804 m3 bờ vùng, bờ thửa; cứng hóa 45 km kênh mương; xây mới và cải tạo, nâng cấp 8 trạm bơm...

Bên cạnh đó, các phong trào hiến đất, công trình, ngày công lao động diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở các địa phương, như xã Hồng Minh có 31 hộ dân hiến đất làm đường thôn với diện tích là 1.370m2 ; xã Thanh Tân đã phóng tuyến phát quang lộ giới dài 27,6km đường thôn, các hộ dân hiến 1.301m2 đất.

100% xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới

Thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua, Thái Bình đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến tất cả các xã trong tỉnh.

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Đặng Đình Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành lập quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới ở 267/267 xã (đạt 100%); 57 xã đã hoàn thành quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; 188/267 xã cơ bản hoàn thành chi tiết giao thông thuỷ lợi nội đồng; 171 xã đăng ký dồn điền đổi thửa với huyện, thành phố; 116 xã đã xây dựng xong phương án, trên 50 xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp gắn với chỉnh trang đồng ruộng…

Ông Bình cho biết, hiện nay, Vũ Thư là huyện có tiến độ và chất lượng quy hoạch tốt nhất.

Ngoài ra, các xã có tiến độ và chất lượng quy hoạch tốt phải kể đến là: Xã Thanh Tân (Kiến Xương), xã Nguyên Xá (Vũ Thư), xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ), xã Hồng Minh (Hưng Hà), xã Trọng Quan (Đông Hưng), xã An Ninh (Tiền Hải), xã Thuỵ Trình (Thái Thuỵ), xã Vũ Phúc (TP. Thái Bình).

Tâm sự với chúng tôi, ông Bình cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới, trong thời gian tới, Thái Bình còn rất nhiều công việc phải làm.

“Trước hết là hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới và lập đề án nông thôn mới cấp xã hoàn thành vào Quý I/2012.” – Ông Bình nói.

Thái Bình cũng sẽ tập trung cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại. Trước mắt tập trung cho công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Đến năm 2013, 100% số xã hoàn thành dồn điền đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo các vùng đã quy hoạch, hình thành các trang trại và tổ hợp sản xuất ở nông thôn...

Một mùa xuân mới lại về, với sự chủ động, sáng tạo và những kết quả tích cực Thái Bình đã đạt được trong những năm qua, chúng tôi tin chắc rằng, quê hương “5 tấn” sẽ thực hiện tốt những mục tiêu trước mắt và lâu dài, tiếp tục là một trong những điểm sáng về nông thôn mới trong cả nước.

Theo : www.chinhphu.vn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)