Cấu trúc không gian đô thị Thuận An - Huế trong quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 24/12/2021 15:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tóm tắt

Giống như một thực thể tồn tại, đô thị nào cũng có một quá trình hình thành và phát triển. Quá trình này sẽ luôn đứng trước các thách thức - khó khăn đòi hỏi các đô thị phải thích ứng và vượt qua như nguy cơ về biến đổi khí hậu hiện nay. Với các đô thị ven biển thì quá trình này sẽ còn chông gai hơn nữa, bởi đây là những đối tượng phụ thuộc rất nhiều vào môi trường tự nhiên - là cấu trúc được nhận dạng luôn bất biến đổi theo lý thuyết hình thái học đô thị. Lớp cấu trúc này được hình thành từ trước khi đô thị xuất hiện, nhưng đứng trước tác động của tai biến BĐKH lại vô cùng dễ dàng bị biến đổi. Trên tinh thần đó, bài viết lấy Thuận An là một ví dụ điển hình của một đô thị biển Việt Nam với hệ đầm phá, rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, đặc biệt có địa mạo ven biển và cửa biển luôn biến dịch mạnh sau những thiên tai cực đoan trong lịch sử hình thành. Tại Thuận An, các nhóm cấu trúc tự nhiên - không gian đô thị có sự tương tác, hỗ sinh và cộng sinh lẫn nhau khá rõ ràng, và được đề cập như những nghiên cứu đầu tiên về mối liên hệ cộng sinh này.

Thuộc vùng ven của Thành phố Huế, thị trấn Thuận An nằm ở cuối đoạn sông Hương chảy dài ra biển, kết nối với thành phố Huế bằng đường thủy và quốc lộ 49B.

Khu vực đô thị ven biển của thị trấn Thuận An có nhiều tiềm năng phát triển dựa vào nội lực. Tổng diện tích của đô thị Thuận An khoảng 229,93ha, dân số dự kiến đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 20.400 người.

1. Những thách thức bởi tai biến trong biến đổi khí hậu

Với khởi nguồn là một phố thị nằm ven biển, Thuận An có một lịch sử hình thành và phát triển dày dặn gắn liền với biển. Sử sách có lưu lại rằng cách đây hơn 500 năm, Thuận An với tên gọi là làng Thái Dương Hạ đã được khai hoang bởi ông Thủy Tổ họ Trương (tức Trương Thiều) chuyên nghề đi biển. Lâu dần, khu vực Thái Dương Hạ trở nên đông đúc hơn và ông cũng đã truyền cho người dân tại đây nghề buôn bán ghe mành, nghề cá… Ngày nay, người dân tại Thuận An vẫn còn giữ lại những ngành nghề sinh kế truyền thống liên quan đến hệ sinh thái đô thị biển - đầm phá vô cùng phong phú.

Tuy lợi thế là vậy, các thách thức của Thuận An cũng như các đô thị ven biển khác khá nhiều, đặc biệt là cách thức đến từ tai biến của BĐKH. Một số các tai biến có thể được kể đến như xâm nhập mặn, nước biển dâng, đặc biệt là sự chuyển dịch cửa biển và thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán kéo dài, bão và áp thấp nhiệt đới. Một giả thuyết đặt ra: Liệu có mối quan hệ nào giữa các cấu trúc không gian đô thị với khả năng thích ứng với BĐKH của đô thị đó hay không? Cũng là câu trả lời của bài viết khi sử dụng công cụ phân tích cấu trúc không gian đô thị để lựa chọn các kết nối nổi trội của nó khi thích ứng với BĐKH tại đây.

2. Mối liên hệ giữa cấu trúc không gian đô thị với khả năng thích ứng BĐKH

Cửa biển Thuận An là một cái tên không thể không nhắc đến khi nói về lịch sử hình thành và phát triển của thị trấn, bởi quá trình trưởng thành của ĐT Thuận An đã phải chịu tác động lớn sau mỗi lần cửa biển này thay đổi địa mạo. Quá trình thay đổi của cửa biển Thuận An được trình bày theo bảng 1.

Trước năm 1404

Là cửa biển Tư Hiền (hay cửa Ông tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và cửa Thuận An chưa hình thành

Năm 1404

Một trận lũ lớn đã khiến dòng chảy của sông Hương đổ thẳng ra  biển, tạo ra một đoạn đứt toác chia cắt làng Thai Dương và làng Hòa Duân, tạo ra 2 cửa biển là Tư Hiền và Cửa Eo (hay cửa Hòa Duân)

Cuối thế kỷ XIX

Cửa Eo bị thu hẹp bởi một đợt sóng thần xảy ra vào ngày 15 tháng 10 năm 1897 và đã tạo ra thêm 1 cửa biển mới được gọi là Cửa Sứt. Tồn tại 3 cửa biển là: cửa Tư Hiền, cửa Eo, cửa Sứt.

Năm 1904

Cửa Eo đã bị lấp hoàn toàn bởi 1 trận bão và cửa Sứt lại được đào sâu hơn và trở thành cửa biển Thuận An ngày nay. Tồn tại 2 cửa biển là cửa Tư Hiền và cửa Sứt.

Năm 1999

Trận Đại Hồng Thủy xảy ra vào năm 1999 đã khiến cho cửa Eo xuất hiện trở lại. Hiện nay cả  3 cửa biển tiếp tục tồn tại cùng nhau

Năm 2000

Đập Hòa Duân được xây dựng ngay tại cửa Eo. Tuy nhiên, sau vài năm con đập đã bị cát bồi lắng và trở thành bãi biển Thuận An ngày nay. Tại khu vực: tồn tại 2 cửa biển là cửa Sứt (cửa Thuận An) và cửa Tư Hiền, còn khu vực cửa Eo đã trở thành bãi biển Thuận An.

(Bảng 1: Quá trình biến đổi địa mạo của cửa biển Thuận An)

Thực tế cho thấy rằng với mỗi lần bị đóng hay mở cửa biển, thì hệ sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lại thêm một lần biến động. Môi trường và điều kiện sống của hệ động thực vật bị thay đổi, gây thiệt hại lớn cho dân cư trong hoạt động sinh kế, chất  lượng gen giống loài và thủy hải sản bị giảm sút…từ đó tạo ra trạng thái phát triển không bền vững ở các khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dưới góc độ của hình thái học đô thị, để tìm mối liên hệ với môi trường tự nhiên bao chứa, sẽ phải phân tích cấu trúc không gian đô thị từ điểm nhìn thích ứng BĐKH, gồm hai nhóm: (1) Nhóm thành phần bất biến đổi và (2) Nhóm thành phần biến đổi. Học giả M.G.Couzen - cha đẻ của bộ môn hình thái học đô thị cho rằng các lớp cấu trúc của cấu trúc không gian đô thị được chia thành hai nhóm theo bảng 2.

 

Các yếu tố cấu thành của hình thái học đô thị thích ứng BĐKH

Lý thuyết hình thái học đô thị

Các yếu tố kết nối thông qua quy hoạch xây dựng đô thị với BĐKH

Nhóm thành phần

Các lớp cấu trúc

Bất biến đổi

Thiên nhiên và dịch vụ hệ sinh thái

Địa hình, địa mạo, địa tầng, địa chất, thủy văn, hải văn, khí hậu, thổ dưỡng

Hệ sinh thái tự nhiên: Đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên tạo ra dịch vụ hệ sinh thái bản địa

Di sản lịch sử

Sinh thái nhân văn và sinh thái quần cư tạo nên truyền thống định cư bản địa

Văn hóa, nghề truyền thống và sinh hoạt

Sinh thái nhân văn và sinh thái quần cư tạo nên truyền thống định cư bản địa

Biến đổi

Cấu trúc không gian tổng thể

Tổng hợp từ các cấu trúc thành phần của không gian đô thị

Cấu trúc giao thông và mạng lưới đường

Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật

Cấu trúc sử dụng đất và cách chia lô, ô thửa

Sử dụng đất và cách phân chia đất đai cho các khu vực đặc trưng

Các cấu trúc đặc trưng: Phân khu chức năng đô thị, các khu vực đặc trưng, các thủ pháp thiết kế đô thị đặc thù

Theo năm yếu tố nhận dạng cấu trúc của Kenvid Luynch và xây dựng khung thiết kế đô thị

Các cấu trúc kiến trúc cảnh quan đô thị

Không gian tự nhiên, không gian xanh, mặt nước, cây xanh…

(Bảng 2: Nhóm các thành phần cấu trúc không gian đô thị kết nối thích ứng BĐKH)

Tuy nhiên thực tế cho thấy rằng, dưới tác động của BĐKH và tốc độ đô thị hóa hiện nay thì các lớp cấu trúc trong nhóm bất biến đổi tại các đô thị biển nói riêng và các đô thị có cấu trúc tự nhiên đặc biệt như vùng biển Thuận An lại đang dần bị thay đổi, điển hình như sự thay đổi địa mạo cửa các cửa biển và dịch chuyển dòng chảy tại đây. Mặc dù theo thống kê của lịch sử, thời gian giữa các đợt biến động thường khá lâu, nhưng với sự đột ngột và diễn biến bất ngờ của các tai biến BĐKH như hiện nay thì các lớp cấu trúc tạo nên hình thái đô thị có thể không giữ được hoàn toàn tính chất biến đổi hay bất biến đổi của chúng.

3. Nguyên tắc kết nối cấu trúc không gian hướng đến tăng khả năng thích ứng BĐKH tại Thuận An

Trong giai đoạn hình thành đô thị, nhóm cấu trúc tự nhiên là yếu tố đầu tiên quyết định cho việc hình thành và phát triển của nhóm cấu trúc quần cư và nhóm hình thái đô thị. Ba nhóm cấu trúc này cũng được xem là một hệ sinh thái của các đô thị dựa vào tự nhiên để phát triển như Thuận An.

Sau đó, trong quá trình phát triển, dưới tác động của đô thị hóa thì nhóm cấu trúc quần cư và nhóm cấu trúc hình thái đô thị sẽ tạo ra nhiều tác động đến khí hậu và cấu trúc tự nhiên. Từ đó làm nặng nề thêm các tai biến BĐKH. Các tai biến BĐKH này sẽ gây ảnh hưởng ngược lại đến nhóm cấu trúc tự nhiên và tạo nên một vòng tuần hoàn chịu tác động lẫn nhau giữa BĐKH và cấu trúc không gian đô thị.

Như vậy, lớp cấu trúc tự nhiên vô cùng quan trọng đối với các đô thị biển của Việt Nam và cũng là nhóm cấu trúc sẽ chịu tác động bởi tai biến BĐKH nặng nề nhất trong các nhóm cấu trúc không gian đô thị. Đây cũng là một trong các nhận định của các chuyên giao thông qua kết quả nghiên cứu được công bố tại các hội thảo về Hệ sinh thái đô thị biển đa chiều - Lấy Vịnh Cần Giờ làm khu vực nghiên cứu . Với đô thị biển Cần Giờ, lớp cấu trúc tự nhiên này chính là hệ sinh thái rừng ngập mặn của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tại ĐT Thuận An, lớp cấu trúc tự nhiên quan trọng này chính là hệ sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, một khu đầm phá lớn nhất của Đông Nam Á.

Quy hoạch phát triển đô thị là một công cụ quan trọng trong việc tích hợp BĐKH vào quản lý phát triển đô thị, bởi lẽ công cụ này có tính tổng thể, tính dài hạn và có khả năng bao chứa các lớp cấu trúc không gian đô thị trong nội dung quy hoạch. Hiện nay, Quy hoạch phát triển đô thị đang được thể hiện qua 3 loại hình chính là (1) Quy hoạch cung; (2) Quy hoạch phân khu và (3) Quy hoạch chi tiết. Với cấp độ của từng loại hình mà các nhà quy hoạch có thể tác động để thích ứng BĐKH: Nếu quy hoạch chung là đánh giá tác động của BĐKH thì quy hoạch phân khu sẽ đưa ra giải pháp - định hướng, và đến quy hoạch chi tiết sẽ là triển khai thực hiện.

Ở một góc nhìn khác, cấu trúc không gian đô thị là kết quả cuối cùng của bản quy hoạch, việc lồng ghép các giải pháp thích ứng BĐKH vào các lớp cấu trúc này sẽ giúp nâng cao tính khoa học và khả thi cho tích hợp giữa quy hoạch và BĐKH. Nhiệm vụ quy hoạch phân khu của ĐT Thuận An còn xem nhẹ tác động của BĐKH, đây là thiếu sót chung trong xây dựng các đô thị có tính chống chịu, thích ứng với BĐKH tại Việt Nam. Bởi bên cạnh các tác động thay đổi địa mạo của cửa biển thì các tai biến như nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói lở cũng đã và đang xảy ra tại các đô thị ven biển như Thuận An.

Trong tương lai gần, khi BĐKH tăng cao ĐT Thuận An cũng như các đô thị biển Việt Nam cần có chiến lược thích ứng mạnh. Bởi đô thị biển đang bảo lưu nhiều giá trị văn hóa bản địa, là tài nguyên du lịch biển, dễ tiếp nối và phát triển trong các chuỗi đô thị biển như Thuận An - Huế, nơi đây sẽ trở thành một trong bốn đô thị vệ tinh của thành phố Huế theo định hướng phát triển tương lai.

Định hướng 04 đô thị vệ tinh của thành phố Huế

Thuận An với các tiềm năng phát triển du lịch dựa vào các giá trị di sản văn hóa như Lễ hội Cầu Ngư, các công trình kiến trúc truyền thống, kiến trúc tôn giáo và các lối sống bản địa của nhóm dân cư làm nghề truyền thống như đánh bắt cá, làm mắm, đóng tàu… Đây có thể là các giá trị thường thấy ở bất cứ một đô thị ven biển nào của Việt Nam, nhưng những giá trị văn hóa này sẽ luôn là vô giá với mỗi vùng miền khác nhau, là vô giá với chính những địa phương, và là vô giá với chính những người dân sống tại đây. Việc sớm tích hợp các giải pháp thích ứng BĐKH vào Quy hoạch phát triển đô thị cho các đô thị ven biển và đô thị biển của Việt Nam là một việc làm cần thiết cần được đặc biệt quan tâm hiện nay trong quy hoạch đô thị.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Số 236/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)