Thủ đô Hà Nội với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch của cả nước. Với vị thế quan trọng như vậy nên mỗi lần lập quy hoạch là một dấu ấn phát triển quan trọng của thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011) đã thực hiện nhiều đổi mới trong công tác lập quy hoạch so với công tác quy hoạch chung của cả nước. Để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát triển của Thủ đô Hà Nội mở rộng, nhiều đề xuất mới được áp dụng nhằm giải quyết các vấn đề đặc thù của Thủ đô, nhiều bài học kinh nghiệm đã được các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, nhà đầu tư tham khảo. Những đề xuất, và bài học kinh nghiệm này đã được áp dụng trong thực tiễn trên địa bàn của cả nước trong thời gian vừa qua.
1. Nhìn lại quá trình Lập triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau 10 năm
Năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam về việc mở rộng Thủ đô Hà Nội, sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) để lập nên Thành phố Hà Nội với diện tích 3.344km2 và có ranh giới hành chính như hiện nay, gồm: 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, 584 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với TP.Hà Nội và các Bộ, Ngành Trung ương khẩn trương lập đồ án quy hoạch chung (QHC) Hà Nội mở rộng (sau này gọi là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) để chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010). Tuy nhiên, đến tháng 6/2011 đồ án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến nay đã tròn 12 năm mở rộng Hà Nội và 10 năm kể từ Đồ án QHC xây dựng thủ đô được phê duyệt, nhiều bài học kinh nghiệm đã được tích lũy trong suốt quá trình thực hiện đồ án. Có thể nói, mỗi đồ án đều mang tính động của nó, mỗi đồ án đều có điều kiện mang tính đặc thù riêng khác biệt, những bài học kinh nghiệm trước hết phù hợp cho chính bản thân đồ án đó và vận dụng vào các đồ án điều chỉnh quy hoạch sau này. Trước hết, những bài học kinh nghiệm dành cho những người liên quan đến bản đồ án, nay nói cách khác đó là những bài học xương máu và những bí quyết tích lũy được của những người tham gia thực hiện đồ án đó. Với tư cách là người tham gia chính đồ án Lập Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2011, tác giả đã đúc rút những bài học kinh nghiệm sau đây:
Quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng
Với quyết tâm làm đồ án quy hoạch tốt nhất để giải quyết tất cả các vấn đề của Thủ đô Hà Nội mở rộng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, Ngành Trung ương và cả hệ thống chính trị của TP.Hà Nội vào cuộc. Bộ Xây dựng đã lựa chọn liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman - Mỹ, Posco E&C và Jina - Hàn Quốc) thông qua thi tuyển ý tưởng quy hoạch quốc tế, phối hợp với Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện. Các Viện chiến lược đầu ngành phối hợp triển khai các nghiên cứu đề xuất các quy hoạc chuyên ngành, lựa chọn các công ty tư vấn quốc tế (của Úc và Pháp) và các Hội nghề nghiệp (Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam…) góp ý đánh giá phản biện đối với Đồ án quy hoạch.
Quá trình triển khai Đồ án QHC thực hiện đầy đủ quy trình các bước lập quy hoạch đã được quy định trong Luật Xây dựng năm 2003, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Đồ án đã tiến hành báo cáo lấy ý kiến các cấp chính quyền của Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (3 lần), báo cáo Quốc hội, báo cáo Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, quá trình lập quy hoạch đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức như: Lấy ý kiến tổng thể, ý kiến chuyên đề, ý kiến giai đoạn cho công tác lập QHC. Quá trình lập quy hoạch đã huy động được số lượng lớn các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế quan tâm, tham gia ý kiến để Đồ án QHC xây dựng Hà Nội đạt hiệu quả tốt nhất.
Ngoài việc lấy ý kiến các chuyên gia, Chính phủ đã chỉ đạo lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên địa bàn cả nước bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội thảo, hội nghị, đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông, tổ chức hai cuộc triển lãm quy mô lớn tại TP.HN và TP.HCM. Nhiều bài báo trao đổi về quy hoạch Hà Nội đã được đăng trên các báo giấy, báo mạng trong suốt thời gian lập QHC xây dựng Hà Nội các năm 2009, 2010 và đầu năm 2011, qua đó thể hiện sự quan tâm của nhân dân đối với công tác lập quy hoạch phát triển của thủ đô.
Rất nhiều ý kiến góp ý đa chiều đã được những người làm quy hoạch tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu. Những ý kiến phù hợp sẽ được áp dụng để điều chỉnh trong giải pháp định hướng QHC. Có thể nói rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Đồ án QHC xây dựng Hà Nội đã thực hiện tối đa các giải pháp để lấy ý kiến và nhận được sự tham gia đông đảo nhiệt tình của cộng đồng, điều này đã mang lại góc nhìn đa chiều hơn, tuy nhiên cũng dẫn tới quy trình lập QHC thủ đô cũng phức tạp hơn. Những người làm quy hoạch phải xử lý khối lượng công việc rất lớn từ việc góp ý của đông đảo các đối tượng trong cộng đồng. Đây là điều không dễ được gặp lại ở một đồ án quy hoạch đô thị thông thường. Cũng từ đây, nhiều bài học cho công tác lấy ý kiến cộng đồng nhân dân, ý kiến của các cơ quan tổ chức, cá nhân đã được rút ra áp dụng cho công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn cả nước sau này.
Quy hoạch tích hợp đa ngành
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Viện đầu ngành như: Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng dự báo tổng thể kinh tế xã hội; Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải - Bộ GTVT phối hợp nghiên cứu các giải pháp giao thông; Viện Khoa học Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp nghiên cứu các vấn đề về phòng chống lũ lụt các tuyến sông thuộc hệ thống sông Hồng và phân tích các vấn đề ngập lụt; Viện Bảo tồn di tích - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp nghiên cứu các vấn đề bảo tồn di sản bảo tồn các di tích văn hóa lịch sử, bảo tồn phố cổ, phố cũ…, các đơn vị đã tham gia phối hợp thực hiện các nghiên cứu chuyên ngành để nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể trong định hướng QHC. Ngoài ra, rất nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học, chuyên gia quốc tế cùng tham gia nghiên cứu, trao đổi về từng lĩnh vực cụ thể để từ đó chuyển hóa thành các giải pháp quy hoạch xây dựng, quy hoạch không gian theo giải pháp thống nhất trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội. Các địa phương cấp quận huyện thị xã, các sở ngành đơn vị thuộc thành phố Hà Nội cũng được yêu cầu cùng vào cuộc tham gia nghiên cứu, góp ý, xây dựng và phối hợp trong quá trình lập quy hoạch. Nhiều vấn đề cụ thể của các địa phương cũng được quan tâm nghiên cứu giải quyết và đề xuất giải pháp cụ thể trong đồ án quy hoạch chung. Đồ án QHC xây dựng Thủ đô đã huy động và xây dựng được khối lượng rất lớn cơ sở dữ liệu quy hoạch. Nhiều giải pháp từ tổng thể tới cụ thể đã được nghiên cứu và cụ thể hóa trong hồ sơ quy hoạch. Lần đầu tiên các lĩnh vực kinh tế xã hội đã được đề cập thành các nội dung cụ thể trong thuyết minh, bản vẽ và các giải pháp quy hoạch, làm cơ sở cho công tác triển khai sau này của các chuyên ngành sâu.
Đến năm 2017, Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch với chủ trương tích hợp rất nhiều các quy hoạch đơn lẻ trên cùng một địa bàn thành một bản quy hoạch thống nhất. Rất nhiều tranh luận để làm thế nào xây dựng được một bản quy hoạch tích hợp như vậy. Nhưng theo tác giả, có thể tham khảo, tổng kết cách làm của QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội để xây dựng bản quy hoạch tích hợp cho các địa phương, đồng thời qua đó cũng đo lường được những khó khăn trong quá trình triển khai và thực hiện quy hoạch tích hợp sau này.
Quy hoạch chiến lược tổng thể
Liên danh tư vấn quốc tế PPJ được lựa chọn lập quy hoạch với ý tưởng chiến lược hành lang xanh (tỷ lệ 70-30), cân bằng hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đây là ý tưởng chiến lược xuyên suốt trong quá trình lập quy hoạch chung thủ đô Hà Nội. Mục tiêu ban đầu mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội để xây dựng phát triển, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, một khối lượng lớn công việc chưa lường phải giải quyết gồm: bảo tồn các giá trị di sản như Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, phố cũ, hệ thống 1.500 di tích đã được xếp hạng, các làng nghề, các dòng sông Hồng, sông Đáy, sông Tích…trải rộng khắp địa giới hành chính của Hà Nội. Vì vậy, nhiều chiến lược chủ đạo để phát triển, nằm trong bối cảnh tổng thể, rồi từ đấy xây dựng các giải pháp cụ thể bằng không gian trên bản đồ, bằng số liệu trong thuyết minh và bằng các cơ chế chính sách nhằm hướng tới sự phát triển đồng bộ, tổng thể và bền vững về dài hạn. Các chiến lược được đề xuất dựa trên cơ sở lựa chọn các bài học kinh nghiệm trên thế giới có điều kiện phù hợp tương ứng với Hà Nội được nghiên cứu thảo luận kỹ để áp dụng cho Hà Nội
Sau khi QHC Hà Nội mở rộng được phê duyệt, TP.HN đã triển khai thực hiện lập hàng loạt các đồ án quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch phân khu và các chương trình dự án…tiếp tục kế thừa và cụ thể hóa các chiến lược phát triển. Đến nay, sau 10 năm nhìn lại, vẫn thấy các chiến lược phát triển phù hợp để giải quyết các vấn đề của đô thị Hà Nội, đáng tiếc không có kế hoạch và lộ trình cụ thể để thực hiện các giải pháp chiến lược. Phải chăng công tác quy hoạch giai đoạn vừa qua mới quan tâm tới việc lập ra bản quy hoạch, còn việc triển khai thể nào để đảm bảo tính thực thi và hiệu quả vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.
Nội dung quy hoạch và sản phẩm quy hoạch
Với yêu cầu đặc thù của thủ đô Hà Nội, quy hoạch chung được lập nghiên cứu từ liên kết vùng với các định hướng gắn kết với vùng Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng nhằm giải quyết các vấn đề liên kết, chia sẻ chức năng vùng (sau này được cụ thể hóa trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Quy hoạch tổng thể phủ kín địa giới hành chính đóng vai trò quy hoạch vùng tỉnh, đồng thời định hướng cụ thể cho các khu vực đô thị, khu vực nông thôn, khu vực bảo tồn, không gian xanh, hành lang xanh, các khu vực trọng tâm của Thủ đô Hà Nội như khu vực Ba Đình, Hoàn Kiếm, trục Hồ Tây - Ba Vì…
Với phương pháp quy hoạch chiến lược và quy hoạch tích hợp đa ngành, với sự tham gia của các bên liên quan, nội dung quy hoạch đã được mở rộng hơn nhiều so với quy định. Nội dung của QHC tiếp tục được cụ thể hóa thành các sản phẩm QHC huyện, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, quy hoạch phân khu các khu vực phát triển đô thị…do chính những chuyên gia từng tham gia lập đồ án QHC thực hiện. Đây là bước cụ thể và mở rộng nội dung của đồ án QHC để giải quyết các vấn đề quy hoạch phát triển thủ đô Hà Nội.
QHC Hà Nội là đồ án quy hoạch đầu tiên xây dựng sản phẩm “Quy định quản lý” theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009, (thay thế Điều lệ quản lý trước đây). “Quy định quản lý” Hà Nội đã được tham khảo mô hình của các nước phát triển trên thế giới. Bản quy định này được nghiên cứu công phu, với sự tham gia của các bên liên quan. Sau một năm QHC được phê duyệt, “Quy định quản lý” mới được ban hành. Đây là sản phẩm được sử dụng chủ yếu trong quá trình quản lý QHC sau này của thủ đô Hà Nội.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, Bộ Xây dựng phối hợp với Thành phố Hà Nội tổ chức công bố công khai rộng rãi tới nhân dân tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia với hệ thống các bản vẽ, thuyết minh, mô hình bằng công nghệ hiện đại. Triển lãm quy hoạch đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn Thủ đô và cả nước quan tâm tới xem và nghiên cứu. Thành phố Hà Nội cũng thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, đào tạo để thông tin quy hoạch được cung cấp đầu đủ tới các đơn vị thuộc Hà Nội để cùng biết, cùng giám sát, cùng thực hiện theo quy hoạch.
2. Thực hiện QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội
Sau 10 năm thực hiện QHC được phê duyệt, nhiều tổng kết đánh giá đã được thực hiện và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dưới góc độ của người làm công tác lập quy hoạch, tác giả có một số đánh giá, nhận xét như sau:
(1) Chậm cụ thể hóa quy hoạch
Mặc dù các cấp chính quyền và các Sở, Ban, Ngành của TP.HN đã nỗ lực thực hiện triển khai phủ kín các QHC và quy hoạch phân khu, nhưng đến thời điểm hiện nay mới phủ kín được QHC, quy hoạch ngành các lĩnh vực, các quy hoạch phân khu chưa phủ kín. Nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực đã phải điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn phát triển. Các khu vực phát triển đô thị, các khu vực nông thôn nằm ngoài ranh giới phát triển đô thị thiếu công cụ quy hoạch để kiểm soát phát triển. Sau 10 năm triển khai QHC cho thấy dù đã nỗ lực cố gắng, việc phủ kín quy hoạch toàn bộ địa giới hành chính là không thể và có nhiều bất cập, cần phải xem xét trong tổ chức thực hiện quy hoạch trong thời gian tới.
(2) Quy hoạch tổng thể không gắn với thực hiện quy hoạch:
Đồ án QHC thực hiện khá đầy đủ nội dung, thể hiện tầm nhìn, giải quyết vấn đề thực tiễn, nhưng sau 10 năm thực hiện quy hoạch cho thấy vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều tồn tại sau:
- Quy hoạch đặt ra định hướng cấu trúc dân số, lao động, cơ cấu chức năng quy hoạch nhưng đến nay vẫn tập trung chủ yếu ở trung tâm;
- Quy hoạch đặt ra phải phát triển hệ thống các trung tâm phân tán của thủ đô, của quốc gia, của thành phố, nhưng đến nay vẫn cơ bản giữ nguyên;
- Quy hoạch đặt ra phải phát triển cấu trúc hạ tầng và vành đai, nhưng chỉ có cải tạo được một phần hạ tầng khu vực nội đô, hạ tầng vành đai mở rộng chưa được thực hiện;
- Chương trình phát triển đô thị thiếu, dẫn tới việc nâng cấp huyện lên quận và thành lập thành phố còn nhiều lúng túng;
- Bộ máy quản lý đô thị các cấp không đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là vấn đề nguồn lực và cơ chế chính sách chưa rõ ràng là rào cản cho thực tế phát triển
Qua đó cho thấy, đề xuất các giải pháp quy hoạch cần phải có những ràng buộc pháp luật. Việc triển khai quy hoạch gắn với khả năng nguồn lực là đặc biệt quan trọng và công tác giám sát thực hiện theo quy hoạch luôn phải được nâng cao.
(3) Hệ thống quy hoạch khá cồng kềnh:
Với khoảng 30 quy hoạch chuyên ngành, 19 quy hoạch chung các huyện, các đô thị, rất nhiều quy hoạch phân khu và khoảng 700 đồ án quy hoạch chi tiết, 300 quy hoạch nông thôn mới các xã… Hệ thống quy hoạch của Hà Nội quá cồng kềnh, thiếu đồng bộ, chồng chéo, không thống nhất. Đây là rào cản trong công tác quản lý của Hà Nội. Có thể nói tất cả những vấn đề tồn tại của hệ thống quy hoạch trong cả nước đã hiện diện trong hệ thống quy hoạch của thủ đô Hà Nội. Trong khi đó, quy hoạch để khai thác được tiềm năng thế mạnh, để thu hút đầu tư, để tạo nên động lực phát triển không nhiều. Hơn nữa, các quy hoạch gắn với các quy định pháp luật chuyên ngành đã gây nhiều cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Khi Hà Nội triển khai điều chỉnh QHC, cần phải tính đến việc điều chỉnh hệ thống quy hoạch hiện hành, nếu không sẽ lại là những rào cản lớn cho giai đoạn 10 năm tiếp theo sau khi điều chỉnh QHC.
(4) Chậm triển khai các định hướng chiến lược:
Tại Hà Nội, có nhiều yếu tố mới, chưa được quy định cụ thể trong QHC được triển khai như: Không gian đi bộ Hồ Gươm, chương trình trồng một triệu cây xanh Hà Nội…mang lại hiệu quả nhất định cho hình ảnh thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều định hướng chiến lược chưa được quan tâm phát triển theo quy hoạch như: Hệ thống hạ tầng khung, nhất là các tuyến đường vành đai 4; 4,5; 5; cải tạo hệ thống sông hồ; phát triển các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái để tái cấu trúc đô thị, hay cải tạo phố cũ, các khu tập thể cũ, các làng xóm đô thị hóa; hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện…gắn với phân bố dân cư dẫn tới chất lượng đô thị nhiều yếu kém, môi trường đô thị không được cải thiện, công trình cao tầng phát triển ô ạt trong khu vực nội đô, làm mất nhiều thời gian cho điều chỉnh cục bộ quy hoạch và thậm chí làm thay đổi các định hướng chiến lược của Thủ đô.
(5) Vận dụng cứng nhắc các nội dung quy hoạch: Việc hiểu cứng nhắc một số nội dung thể hiện trong bản vẽ, thuyết minh, quy định quản lý và quy định pháp luật có liên quan đã dẫn tới quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, phát sinh quá nhiều thủ tục không cần thiết trong quá trình triển khai. Trong 5 năm qua không có nhiều quy hoạch được duyệt so với quy mô của Thủ đô Hà Nội, không có nhiều dự án đầu tư mới, những dự án được triển khai phần lớn dựa theo các cơ sở pháp lý cũ. Nhiều quy định pháp luật được ban hành nhưng mâu thuẫn với thực tiễn, khó thực hiện cũng tác động không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội và công tác quy hoạch phát triển đô thị - nông thôn của Thủ đô Hà Nội trong những năm vừa qua.
3. Những bài học cho đổi mới công tác lập quy hoạch và phát triển đô thị
Từ thực tiễn của công tác lập quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch và phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, đây là những bài học có thể tham khảo cho đổi mới công tác lập quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn trên địa bàn cả nước, đặc biệt là trong công tác nghiên cứu điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan tới lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị trong thời gian tới như sau:
(1) Phương pháp tiếp cận chiến lược thay vì phương pháp quy hoạch tổng thể
Đồ án QHC xây dựng Hà Nội mở rộng thực hiện phương pháp quy hoạch tổng thể với sự tham gia đông đủ của các bên liên quan, được sự đồng thuận của cộng đồng, nhưng thực tế triển khai đã không đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn quản lý của chính quyền các cấp và không thu hút được nguồn lực đầu tư. Đến thời điểm hiện nay, các phương pháp quy hoạch tích hợp đa ngành đã được quy định cụ thể trong Luật Quy hoạch, các yêu cầu đổi mới sáng tạo trong công tác quy hoạch đã được đặt ra, trong đó bài học kinh nghiệm cho thấy cần thực hiện quy hoạch theo phương pháp quy hoạch chiến lược. Theo từng tầng bậc, quy hoạch chỉ là định hướng, quy định, giải pháp cho một số vấn đề cụ thể, cần thiết, không quy hoạch cho tất cả vấn đề, lĩnh vực. Các chiến lược cần phải rõ nét, được kế thừa qua các thời kỳ quy hoạch, từng bước tạo nên các quy định pháp luật riêng cho rừng đô thị trong quá trình phát triển.
(2) Gắn quy hoạch với thực hiện quy hoạch:
Thực hiện quy hoạch chung Hà Nội cũng cho thấy việc lập quy hoạch gắn với thực hiện quy hoạch đóng vai trò quan trọng, khả thi trong huy động nguồn lực về tài chính đô thị, nhân lực đô thị và phù hợp với hệ thống thể chế, pháp luật hiện hành.
Từ lúng túng trong công tác áp dụng luật Quy hoạch đô thị, luật Xây dựng, luật Đất đai…trong thực tiễn triển khai quy hoạch quản lý phát triển đô thị, nông thôn của Hà Nội cho thấy, cần có luật chung cho công tác xây dựng (có thể gọi là Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn), với các quy định cụ thể, cách hiểu thống nhất, áp dụng thuận lợi cho các khu vực hiện trạng đô thị, làng xóm đô thị hóa, các khu vực bảo vệ, bảo tồn…Thực tế cho thấy công cụ quy hoạch thuần túy không đủ đáp ứng công tác quản lý phát triển đô thị hiện nay, Luật Quản lý phát triển đô thị nếu được xây dựng cần gắn với phân cấp, phân quyền để chính quyền có nhiều thực chất hơn, có trách nhiệm hơn với vấn đề của đô thị, và người dân được tham gia nhiều hơn trong công tác phát triển đô thị.
Quy hoạch gắn với định hướng phát triển đô thị, nông thôn, luật hóa công tác thực hiện quy hoạch, có các ràng buộc cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác thực hiện quy hoạch để có cơ sở giám sát, đánh giá. Cùng với đó, trong nội dung sản phẩm lập quy hoạch cần xây dựng chương trình dự án cụ thể, đề xuất các cơ chế chính sách thực hiện và phân công trách nhiệm rõ ràng cho các bên liên quan trong quá trình thực hiện quy hoạch.
(3) Quy định pháp luật về công tác quy hoạch cần linh hoạt, gắn với thực tiễn, vấn đề cần giải quyết của từng đô thị:
Với sự phát triển đa dạng hiện nay, nhiều vấn đề đặc thù, vấn đề riêng biệt nảy sinh không phù hợp với các vùng miền, khu vực phát triển đô thị, thời kỳ phát triển đô thị, quá trình các bước phát triển các dự án đô thị dẫn tới các quy định cần phải linh hoạt, phù hợp với thực tiễn phát triển hơn. Nội dung Luật không nên quy định tất cả mà chỉ đưa ra các quy định cần thiết, còn lại nên đề cập trong các hướng dẫn, quy trình để các bên tham khảo thực hiện.
(4) Nâng cao nguồn lực và nguồn nhân lực lập, thực hiện quy hoạch
Từ thực tế triển khai quy hoạch cho thấy chính quyền đô thị các cấp còn hạn chế về nguồn lực tài chính, phần lớn hiện nay huy động từ đất đai, không có kinh tế đô thị để đủ duy trì hoạt động đô thị và vận hành đô thị theo quy hoạch được duyệt. Bên cạnh đó, lực lượng nhân sự tham gia công tác quản lý đô thị và vận hành đô thị các cấp còn rất mỏng, không đủ năng lực chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu cơ bản của công tác quản lý phát triển đô thị. Trong thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa về cả hai nguồn lực này mới đáp ứng được công tác hoạt động sôi động phong phú của đô thị và nông thôn.
(5) Đổi mới nội dung, sản phẩm quy hoạch
Từ thực tế công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện theo quy hoạch của Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, nội dung hướng đến của công tác nghiên cứu lập quy hoạch cần có những yêu cầu căn bản, nghiên cứu, đề xuất giải pháp chiến lược, trọng tâm và cụ thể. Cùng với đó, cần có các thay đổi về sản phẩm quy hoạch như ứng dụng sản phẩm số, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, xây dựng hệ thống các quy định riêng, cụ thể cho từng đô thị, từng khu vực.
4. Đề xuất đối với điều chỉnh tổng thể QHC xây dựng thủ đô Hà Nội
Từ những phân tích đánh giá về công tác lập, thực hiện quy hoạch của Thủ đô trong thời gian qua, tác giả xin đề xuất một số kiến nghị đối với công tác Điều chỉnh tổng thể QHC xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:
(1) Thực hiện rà soát đánh giá cụ thể để nhận diện các vấn đề tồn tại thực sự của bản Quy hoạch chung năm 2011, từ đó lựa chọn cách thức nghiên cứu triển khai điều chỉnh quy hoạch phù hợp với yêu cầu thực tế, không bố trí nguồn lực để triển khai các công việc không cần thiết làm ảnh hưởng tới tiến độ và nội dung của quy hoạch
(2) Giới hạn nội dung quy hoạch chung ở các chiến lược phát triển, không quy hoạch, quy định các nội dung quá cụ thể, gây khó khăn cho công tác triển khai, dành các nội dung cụ thể cho bước triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Có những nội dung cần được quy hoạch và giải pháp thực hiện riêng như quy hoạch phát triển sông Hồng; cải thiện môi trường cảnh quan các tuyến sông; cải tạo các khu tập thể cũ, di dời các cơ sở gây ô nhiễm; bảo tồn phố cổ, bảo tồn phố cũ, bảo tồn làng nghề…
(3) Cần đối mặt và xem xét lại các vấn đề di dời dân cư, di dời cơ sở trường học, bệnh viện, công nghiệp, xây dựng đô thị vệ tinh…Vì vậy đều là các vấn đề cần có chương trình hành động cụ thể và khả năng huy động nguồn lực của đô thị.
(4) Xây dựng bản quy hoạch tổng thể, thống nhất với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung, chương trình phát triển đô thị, điều chỉnh luật Thủ đô và các cơ chế chính sách cụ thể để gắn quy hoạch với thực hiện quy hoạch. Nên có một bản quy hoạch chung tổng thể thủ đô Hà Nội, không gây khó khăn cho công tác quản lý và thực hiện quy hoạch.
5. Lời kết
Đổi mới quy hoạch đô thị và quản lý đô thị, gắn giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch là cần thiết, bắt buộc mới đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Công tác quy hoạch Thủ đô Hà Nội từ trước đến nay luôn là khó khăn, phức tạp. bài học từ quy hoạch Thủ đô Hà Nội luôn là bài học tốt áp dụng cho công tác quy hoạch chung của cả nước.
Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, luôn đòi hỏi phải có bản quy hoạch xứng tầm, với sự tham gia, nỗ lực của các bên liên quan; sự tham gia xây dựng tâm huyết của các chuyên gia quy hoạch hàng đầu tronbg nước và quốc tế. Điều chỉnh QHC xây dựng Thủ đô Hà Nội cần được kế thừa quy hoạch phát triển Thủ đô trong suốt quá trình lịch sử phát triển. Điều chỉnh QHC cần tập trung giải quyết thấu đáo các vấn đề tồn tại của phát triển đô thị, nông thôn trên địa bàn, hướng tới bản quy hoạch tạo nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế xã hội trong các giai đoạn sắp tới.