Vật liệu xây dựng với tiến trình phát triển đất nước

Thứ năm, 16/01/2020 08:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian gần đây, cả nước tưng bừng kỷ niệm, tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đây là một thành quả quan trọng của quốc gia, của sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, chính quyền nhân dân các tỉnh thành trên cả nước. Trong các tiêu chí đánh giá nông thôn mới, không thể không nói đến cơ sở hạ tầng đường xá, cầu cống, sân vườn, nhà ở, cảnh quan. Bộ mặt nông thôn thực sự thay đổi, đường làng ngõ xóm trải thảm bê tông, bờ tường, nhà xây gạch, trong đó nhiều nơi xây bằng gạch xây không nung, điện sáng thâu đêm ở nhiều nẻo đường thôn quê. Tuy nhiên, những người sản xuất VLXD ngoài niềm vui, hạnh phúc với sự đổi thay của đất nước vẫn đọng lại trong mình nỗi niềm vì sự đóng góp của mình không được nhắc đến trong mọi cuộc hội nghị, hội thảo và cả trên những phương tiện thông tin đại chúng. Trong sự đóng góp của nhiều lĩnh vực sản xuất ngoài ngành nông nghiệp được đánh giá rất cao thì may chăng có sự an ủi cho ngành điện lực, được nhắc đến với công lao mang lại ánh sáng cho bản làng. Không phải VLXD không được đánh giá công lao trong xây dựng nông thôn mới mà như tất cả các hoạt động xây dựng dựng khác, kể cả trong việc phát triển đô thị. Điều mà những người sản xuất VLXD suy nghĩ, ưu tư không phải công lao của mình không được đánh giá, công nhận mà chính là ngành VLXD và rất nhiều ngành sản xuất khác hình như là ngành không có “chủ”. Nếu ở đâu đó, ở nhà máy sản xuất nào đó có sơ xuất, có xảy ra những chuyện không được chuẩn thì ngay lập tức nhận được chỉ trích, phê phán từ nhiều phía. Phải chăng, các ngành sản xuất cũng cần đòi hỏi sự công bằng, được đánh giá, khen chê, được ghi công và bị phê phán. Điều chính yếu vì không có tổ chức. Nên chăng về mặt Nhà nước cần có tổ chức mà thực chất có Bộ quản lý ngành nhưng thiếu đi trách nhiệm đánh giá hàng năm, ít nhất cũng quy định một thời hạn nhất định cần có những đánh giá tổng kết những thành quả và những hạn chế cần khắc phục, đặt ra các mục tiêu của “nông thôn mới”.

Điều thực sự đáng ghi nhận là sự đổi thay của nông thôn Việt Nam trong những năm qua. Từ đường làng lầy lội bùn đất mỗi khi mưa xuống, nhiều nơi đến xe đạp cũng không đi nổi chứ không nói gì đến xe máy, ô tô. Ngày nay, hầu như các đường làng, ngõ xóm, lối vào đến tận sân vườn từng gia đình đều phủ hết bê tông xi măng. Một loại hình sản xuất xi măng bị xã hội lên án nhiều nhất là xi măng lò đứng. Thực ra xi măng lò đứng là giải pháp tình thế, là bước quá độ lên công nghiệp hóa. Thế nhưng, rất nhiều tỉnh đã vay xi măng được sản xuất bằng công nghệ lò đứng để làm đường giao thông nông thôn. Các cơ sở sản xuất xi măng lò đứng, thời bấy giờ là các công ty nghèo, ít vốn, kinh doanh có lãi ít nhưng cũng phải mở “hầu bao” ra để giúp địa phương. Có nơi nói là vay nhưng là nợ khó đòi. Ngày nay hầu hết nông thôn Việt Nam nhà, ngõ, cũng xây tường gạch, mái ngói. Nhà tranh, vách đất đang lùi về dĩ vãng. Biết bao doanh nghiệp sản xuất VLXD đã dang rộng cánh tay cứu, giúp nhân dân địa phương tại nơi xây dựng nhà máy, mà trong đó chủ yếu là cung cấp VLXD do mình sản xuất, nhất là khi có thiên tai, lũ lụt.

VLXD Việt Nam, mặc dầu còn có sự đan xen về công  nghệ giữa tiên tiến, hiện đại và kém tiên tiến, thậm chí còn có cả công nghệ lạc hậu, nhưng đã không ngừng vươn lên, đầu tư công nghệ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để sản xuất sạch hơn, sản xuất thân thiện môi trường, sản phẩm chống cháy, cách âm, cách nhiệt góp phần xây dựng nên những làng mạc, đô thị theo hướng văn minh, bền vững, hiện đại. Bản thân doanh nghiệp cũng áp dụng mọi giải pháp để giảm chi phí vật chất đầu vào, giảm tiêu hao năng lượng, thực hiện sản xuất theo tuần hoàn ít phế thải, sử dụng rác thải, phế thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tận dụng tối đa, bằng nhiều cách tạo ra và sử dụng năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp VLXD ý thức sâu sắc phát triển bền vững phải bắt đầu ngay trong doanh nghiệp của mình đồng thời sản xuất ra vật liệu xây dựng, trang trí nội, ngoại thất đảm bảo thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, bền vững với thời gian cho mọi công trình xây dựng ở nông thôn, miền núi, đô thị, công trình ven biển, trên biển, hải đảo.

Đô thị Việt Nam ngày nay, có thể nói đã và đang chứng minh sự lớn mạnh, sự bền vững, sự khang trang thân thiện với môi trường, đang dần tiến đến đô thị thông minh, đô thị sinh thái, sánh vai với các đô thị hàng đầu thế giới. Đóng góp của VLXD Việt Nam kể cả về khối lượng, chủng loại, chất lượng cao rất lớn. VLXD Việt Nam thực sự đã trưởng thành, có sức cạnh tranh với khối lượng xuất khẩu lớn đến hàng trăm quốc gia trên thế giới, đến cả với các bạn hàng xa xôi, bạn hàng khó tính.

Trên con đường phát triển của mình, đặc biệt là điểm xuất phát quá thấp, doanh nghiệp lúc ra đời quá nhỏ bé, thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu năng lực quản trị, thiếu môi trường, chưa được tập sự trong cạnh tranh nhưng đã vươn lên, đã góp phần to lớn trong công cuộc phấn đấu phát triển theo hướng bền vững.

Những người sản xuất VLXD trên cả nước mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cáp, các ngành, của Chính phủ và sự mong muốn hàng năm được Nhà nước đánh giá mặt được, mặt chưa được cần bổ sung sửa đổi để tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, lâu dài. 


(Nguồn: Tạp chí Vật liệu Xây dựng, Số 10/2019)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)