Phát triển bền vững là mục tiêu, là thách thức với vật liệu xây dựng

Thứ hai, 13/01/2020 11:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phát triển bền vững, ngày nay, không còn là khẩu hiệu, là cái cửa tương lai mà là một hiện hữu trong đời sống hàng ngày, là mơ ước của toàn nhân loại. Thế nhưng, bối cảnh để mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt xã hội, môi trường đô thị…đang đặt ra nhiều rào cản trước khi loài người đi đến sự phát triển bền vững. Sống trong đô thị hay làng mạc con người mơ ước có không khí trong lành, có nguồn nước sạch, không rác thải, phế thải. Môi trường sản xuất cần công nghệ sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, nhiên liệu, ít năng lượng, tiết kiệm trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí sử dụng phế thải, rác thải của ngành khác làm  nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất của chính doanh nghiệp mình. 

Với những ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có vật liệu xây dựng nhiều giải pháp công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường hướng đến phát triển bền vững đồng thời cũng mang hiệu quả kinh tế. Đây cũng là một trong những động lực để VLXD VN không ngừng phấn đấu, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đã từ nhiều năm trước đây, các lò nung VLXD đã dùng giải pháp thu giữ nhiệt thải cuối lò nung để sản phẩm mộc trước khi đưa vào lò nung. Nhiệt thừa lò nung nung xi măng, trước đây cũng được sử dụng lạ một phần để sấy nóng nguyên liệu trong máy nghiền liệu, ngày nay được sử dụng rộng rãi trong việc tái sử dụng để chạy máy phát điện. Hầu như tất cả các lĩnh vực sản xuất VLXD đều hướng tới công nghệ sản xuất tuần hoàn, tái sử dụng phế thải, rác thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia trong sản xuất sản phẩm chính. Ngành vật liệu xây dựng đang tìm mọi giải pháp để giảm dần từng bước tiêu thụ, năng lượng, tiêu thụ vật liệu, nhiên liệu, giảm thiểu phát thải rắn. Không những giảm thiểu tiêu tốn năng lượng, vật chất, tái sử dụng phế thải của ngành mình, VLXD VN đang vươn ra tiêu thụ rác thải, phế thải của nhiều ngành công nghiệp khác như của nhiệt điện, luyện kim hay rác thải sinh hoạt, phế thải của ngành giao thông, rác thải độc hại của ngành y tế và nhiều ngành khác.

Hiện nay nguồn phế thải xây dựng trong quá trình xây dựng, phế thải do phá vỡ các công trình xây dựng là một nguồn rất lớn. Trước đây phế thải xây dựng chủ yếu để lấp ao, hồ thì hiện nay được phân loại, chế biến làm nguyên liệu để sản xuất nhiều loại sản phẩm VLXD khác nhau. Rác thải xây dựng đang được xử lý sử dụng gần như hoàn toàn.

Xu hướng phát triển công nghệ sản xuất VLXD đang diễn ra theo hướng công nghệ tuần hoàn, công nghệ rất ít phế thải, nghĩa là hướng đến phát triển bền vững. Xu hướng chỉ đạo này nhận được sự hưởng ứng rộng rãi một phần do đòi hỏi của thời đại, tính cấp thiết mang tính toàn cầu, đồng thời nhiều giải pháp công nghệ mang lại lợi ích kép vừa thân thiện môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, VLXD Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ do nhu cầu phát triển bền vững mang lại.

Trước hết là nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và nâng cao việc bảo vệ môi trường nói đúng hơn là công nghệ thân thiện môi trường. Đây là nhu cầu vừa cấp thiết, vừa là khát khao cháy bỏng của doanh  nghiệp nhưng “lực bất tòng tâm”. Trong đó, thiếu nguồn lực tài chính là rào cản lớn nhất, bên cạnh đó là sự bất cân đối cung - cầu trên thế giới, trong khu vực và ngay tại Việt Nam. Hiện nay, nguồn cung VLXD đã vượt quá nhu cầu, cạnh tranh đã hết sức khốc liệt, xuất khẩu gặp khó khăn cả thị phần lẫn giá cả, mẫu mã, chất lượng. Đầu tư công  nghệ  mới hiện nay gắn liền với công suất lớn. Chỉ công suất dây chuyền sản xuất lớn mới hạ được giá thành, mới tăng được năng suất lao động, đồng nghĩa với việc tăng áp lực cạnh tranh. Đây chính là bài toán cần lời giải.

Ngoài ra, theo xu thế thế giới, phí môi trường đánh vào sản xuất công nghiệp ngày càng tăng, điều này đồng nghĩa với việc tăng giá thành sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh khi xuất khẩu. VLXD Việt Nam hiện nay đang là ngành hàng sản phẩm xuất khẩu đi hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả đến các nước công nghiệp phát triển. Phí môi trường hiện nay được chia ra nhiều loại, rất có thể phí sẽ chồng phí. Trước đây phí môi trường đánh chung cho một nhà sản xuất, không phân biệt, tách bạch chất thải khí, chất thải rắn, chất thải lỏng. Gần đây, Chính phủ Đức đã phê chuẩn chế độ thu phí khí thải CO2 lên đến 35 Euro/1 tấn CO2. Ở Việt Nam hiện nay, Chính phủ đang dự kiến thu phí khí thải CO2 theo kiểu CDM cho rừng. Coi rừng là đối tượng thu giữa CO2 từ khí thải công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp xi măng, nhiệt điện. Đồng thời với việc thu phí môi trường cho việc thu giữ CO2 của rừng, Chính phủ cũng đang xây dựng Nghị định thu phí khí thải của các ngành công nghiệp, trong đó có ngành xi măng. Nói đúng hơn, thu phí môi trường đã nổi lên như một phong trào rộng lớn. Thu phí môi trường là chủ trương đúng nhưng tất cả cần lộ trình từng bước, Nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, đặc biệt trong xuất khẩu. Cần có sự tính toán cân đối hài hòa nhiều lợi ích, nếu sản xuất đình trệ, sức cạnh tranh kém thì không còn hiệu quả và làm tổn hại đến sự phát triển của nền kinh tế. Cần lộ trình, quá tình và phải xuất phát từ hoàn cảnh của đất nước Việt Nam, một nước nghèo, doanh nghiệp còn nhỏ bé. Đặc biệt, việc thu phí, thu thuế phải tránh việc thuế trùng thuế, phí trùng phí.

VLXD Việt Nam rất tự hào về những bước phát triển trong thời gian qua, tự hào về sự phấn đấu mạnh mẽ vì mục tiêu phát triển bền vững nhưng cũng đang đứng trước nhiều thách thức, rất cần sự cố gắng của doanh nghiệp và chính sách đúng đắn, hợp lý, có lộ trình của Nhà nước. 


(Nguồn: Tạp chí Vật liệu Xây dựng, Số 10/2019)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)