Nghiệm thu đề tài khoa học: Thiết kế chế tạo cần trục leo - Mã số RDN 07-04

Monday, 12/12/2005 00:00
Acronyms View with font size
Ngày 09/12/2005, Tại Bộ Xây dựng, Hội đồng khoa học công nghệ Bộ Xây dựng đã nghiệm thu đề tài : Thiết kế chế tạo cần trục leo V17-2T do Tổng công ty LILAMA chủ trì thực hiện. Chủ nhiệm đề tài là kỹ sư Nguyễn Đương Hoà, Phòng Kinh tế kỹ thuật của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam.
Trong những năm gần đây và những năm sắp tới, số lượng các cột tháp cao đến 150 mét do chúng ta thiết kế chế tạo sẽ được xây dựng phục vụ cho các ngành: phát thanh, truyền hình, tải điện hoặc nhà cao tầng có kết cấu thép làm khung, các thiết bị của các nhà máy xi măng, nhiệt điện... nằm ở vị trí mà các thiết bị thi công khác không thực hiện được, do vậy nhu cầu sử dụng cần trục leo là rất lớn. Từ trước tới nay, các thiết bị thi công cho tháp, cột cao đều phải nhập ngoại mặc dù khả năng chế tạo của nhiều cơ sở trong nước có đủ điều kiện thiết kế và chế tạo. Cần trục leo, một thiết bị có độ phức tạp trong thiết kế và chế tạo không cao; Với khả năng của mình, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam có đầy đủ khả năng để thiết kế, chế tạo được thiết bị này.
Đề tài "Thiết kế và chế tạo cần trục leo V17-2T" do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam chủ trì với mục tiêu là: Xác lập phương pháp tính toán thiết kế, thiết kế chi tiết một cần trục leo có thông số phù hợp, để cẩu lắp các tháp và cột cao tới 150 m, phù hợp với các cơ sở sản xuất cơ khí trong Tổng công ty Lắp máy Việt Nam chế tạo được với chất lượng cao, giá thành hạ; Lập quy trình vận hành, phương pháp lắp dựng, tháo dỡ cần trục leo để các đơn vị thi công thực hiện trong quá trình sử dụng.
Phương pháp nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài là dựa trên các loại cần trục leo nhập từ Liên Xô trước đây và các tài liệu kỹ thuật kèm theo để tham khảo, nhóm đề tài đưa ra một mẫu máy phù hợp, có thể triển khai công tác chế tạo toàn bộ, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với thiết bị nhập ngoại.
Nội dung của Đề tài gồm những nội dung chủ yếu sau: Nghiên cứu cơ bản về cần trục leo phục vụ lắp cột và tháp cao; Tính toán kiểm tra khả năng tải cần trục leo V17-2T; Công nghệ chế tạo một số chi tiết điển hình và tính toán sơ bộ chi phí chế tạo V17-2T; Kết luận; Bản vẽ chế tạo cần trục leo; Hướng dẫn sử dụng cần trục leo V17-2T; Phần phụ lục.
Đề tài đã hoàn thành với các nội dung sau:
- Giới thiệu các phương pháp lắp dựng cột và tháp cao đã thực hiện tại Việt Nam, những ưu khuyết chính của từng phương pháp thực hiện, xu thế hiện nay sử dụng các biện pháp này ở trong nước cũng như thế giới.
- Giới thiệu nguyên lý, cấu tạo các loại cần trục leo để lắp tháp và cột cao của Liên Xô trước đây chế tạo, các đặc tính cơ bản của các loại cần trục leo đã nhập vào Việt Nam.
- Thiết kế kỹ thuật, vẽ các bản vẽ chế tạo một cần trục leo thoả mãn các yêu cầu đặt ra của đề tài, các cơ sở sản xuất của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đủ điều kiện sản xuất và đưa vào sử dụng.
Quá trình tính toán thiết kế, nhóm đề tài tuân thủ đúng các tiêu chuẩn thiết kế máy nâng của Nhà nước qui định hiện hành, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn của Liên Xô trước đây theo nguyên tắc tăng độ an toàn.
Đề tài đã được Hội đồng khoa học chuyên ngành Bộ Xây dựng nghiệm thu, đánh giá cao và xếp loại xuất sắc./.

Nguyễn Thị Đỗ Hạo
Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)