Ở nước ta, những thành tố của thành thị trong lịch sử, lại hòa tan trong nông thôn, đặc biệt ở đồng bằng sông Hồng. Từ thế kỷ XV cho đến đầu thế kỷ XX, nền kinh tế hàng hóa mang yếu tố đô thị gắn liền với nông nghiệp và bộ phận thị dân. “Làng quê và thành thị kết hợp với nhau ra một thể thống nhất về kinh tế, xã hội”. Bên cạnh đó, đô thị đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện khá muộn so với các nước trên thế giới. Sự phát triển hay lụi tàn của các đô thị Việt Nam mang nhiều dấu ấn hành chính - chính trị hơn là thương mại, dịch vụ bởi các đô thị cổ sau khi hình thành cũng không có sự phát triển liên tục mà thường thăng trầm cùng với sự thay đổi địa điểm kinh đô của các triều đại.
Đô thị ở Việt Nam hiện nay được tổ chức rải đều cả nước, chủ yếu theo không gian chùm đô thị. Khu vực nông thôn vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với đô thị về mặt đất đai (khoảng 90% diện tích đất cả nước); trong khoảng 10% diện tích đất thuộc ranh giới hành chính đô thị, khu vực nội thị chỉ chiếm khoảng 4,4% dân số chiếm trên 60%. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng” và đưa ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Và “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…”. Như vậy, quá trình đô thị hóa của nước ta trong giai đoạn tới sẽ diễn ra vô cùng mạnh mẽ ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn. Qua đó cho thấy đặc điểm nổi bật của những thập niên tiếp theo của thế kỷ 21 ở nước ta là cả hai khu vực thành thị và nông thôn song hành phát triển trong một môi trường phức tạp, năng động và đầy thách thức, hướng đến sự hiện đại, hướng ngoại và tham gia vào thị trưởng quốc gia, quốc tế. Trong giai đoạn phát triển sôi động và mạnh mẽ này, cả hai khu vực nông thôn và thành thị không thể tách rời, cùng tồn tại, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Tính liên kết qua lại có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả hoạt động kinh tế - xã hội.
Để đổi mới nông thôn Việt Nam, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ XII, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện. Đến tháng 6 này, cả nước đã có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã so với cuối năm 2019. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã. Có 127/664 đơn vị cấp huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 14 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 19,1%). Theo đánh giá của Đảng, Nhà nước, chương trình Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Môi trường nông thôn đổi mới mang lại rõ nét sự vận động của các quan hệ không thể tách rời giữa thành thị - nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.
Mối liên kết trong ngành nông nghiệp và dịch vụ: Môi trường nông thôn là môi trường nông nghiệp, con người sống ở nông thôn phần lớn là những người nông dân. Chương trình NTM mang lại nhiều thành công về mặt hạ tầng kỹ thuật cơ sở nhưng chưa mang lại thay đổi nhiều thành công về mặt hạ tầng kỹ thuật cơ sở nhưng chưa mang lại thay đổi nhiều cho ngành nông nghiệp. Tỷ lệ người nông dân chuyển từ nền nông nghiệp năng suất thấp sang nền nông nghiệp năng suất cao, công nghệ cao rất ít và đang diễn ra rất chậm chạp. Ngành nông nghiệp cũng rất khó thu hút đầu tư và không có đầu tư lớn, 96% số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên tiềm lực còn hạn chế. Sự chênh lệch trong đầu tư giữa thành thị và nông thôn còn một khoảng cách rất lớn cần được rút ngắn trong tương lai. Dồn điền đổi thửa là một chính sách đúng đắn được thực hiện trong thời gian vừa qua đã mang đến thay đổi tích cực về giá trị môi trường đất nông thôn, mở ra đường đi mới cho sản xuất nông nghiệp thâm canh lớn, giúp nông dân đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…từ đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuyên canh, người nông dân có điều kiện tiếp cận các cơ hội việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nông thôn là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho các thành phố. Việc cải thiện chất lượng thực phẩm vừa sạch, vừa có giá trị dinh dưỡng cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm. Nhiều trang trại nhỏ đã được thành lập trong thời gian qua. Mô hình này sẽ kêu gọi sự trở về xây dựng quê hương của một lớp thanh niên. Tăng cường liên kết nông thôn - thành thị qua thế hệ trẻ có kiến thức và hiểu biết về công nghệ là con đường không chỉ phát triển nông nghiệp mà còn phát triển con người lâu dài và bền vững.
Bên cạnh đó, những chương trình tham quan thực tế về nông thôn và tìm hiểu lịch sử văn hóa, bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, tạo cơ hội vận động thân thể và thư giãn tâm trí cho những người dân thành phố đang là một nhu cầu. Vì vậy, chiến lược bảo tồn các di sản kiến trúc vùng nông thôn, đầu tư vào phát triển du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép vừa giữ gìn phát triển văn hóa vừa phát triển kinh tế.
Thành thị là nơi đào tạo và cung cấp khoa học kỹ thuật, công nghệ cho nông thôn. Các làng nghề thủ công truyền thống hiện nay hầu hết đã đầu tư máy móc công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất. Việc bảo tồn các nghề thủ công truyền thống kết hợp sử dụng khoa học kỹ thuật cao góp phần hình thành rõ nét chuỗi giá trị sản phẩm. Kinh tế nông thôn phát triển kích thích kinh tế tập thể làng nghề phát triển. Từ đó sử dụng được tối ưu các nguồn lực của làng, kéo gần khoảng cách giữa làng và phố. Đồng thời, việc hiện đại hóa các kỹ thuật xây dựng truyền thống về vật liệu, cấu trúc và chức năng, bảo tồn các kích thước và hình thức chuẩn mực của các công trình truyền thống làng quê sẽ góp phần cải tiến nâng cao chất lượng và hình thức công trình kiến trúc nông thôn. Nông thôn cần trồng lại cây xanh, quản lý hệ thống sông, hồ, làm sạch ô nhiễm không khí tạo môi trường tốt, cảnh quan đẹp sẽ có sức lan tỏa và mời gọi. Các lễ hội và các điểm đến tham quan học tập dễ dàng được truyền thông, cũng có thể tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, các cuộc triển lãm nghệ thuật ngay từ các làng nghề truyền thống hoặc các trang trại thực phẩm công nghệ cao. Để đạt được như vậy, đòi hỏi sản xuất và lối sống sinh thái xanh cần được tuân thủ trong toàn bộ quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Mối liên kết trong lao động việc làm. Sự đầu tư thích đáng vào cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn theo chuỗi liên kết nông thôn - đô thị đã tạo mối liên hệ hai chiều thuận lợi cho thành thị và nông thôn. Các ngành sản xuất ở thành thị phát triển và hấp thụ được lao động dư thừa từ nông thôn và chính việc đầu tư sẽ tạo ra các lực hút, khuyến khích lao động nông thôn di cư ra đô thị. Tuy nhiên, nếu người nông dân đổ lên thành phố quá mức sẽ dẫn đến gánh nặng cho đô thị. Mối liên kết trong lao động việc làm đang là các tác động lớn nhất hiện nay cho cả hai khu vực. Phía thành thị không đáp ứng đủ hạ tầng kỹ thuật cơ sở cho sự gia tăng dân số, thiếu nhà ở…dẫn đến việc hình thành các khu nhà trọ chất lượng môi trường sống thấp. TP.HCM trong đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã phải trải qua những ngày cam go khốc liệt và phải trả giá đắt vì có rất nhiều khu vực có mức độ tập trung quá đông người trên một địa bàn. Về phía người lao động, khi dịch bệnh đến bị mất việc, không có thu nhập, không nhà cửa dẫn đến tình trạng hàng triệu người quay trở về quê hương bằng các phương tiện cá nhân dẫn đến nguy hiểm về tính mạng và nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Qua đó, cho thấy công tác quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp vẫn thiếu tính khoa học, chưa sát thực tiễn, chưa chia sẻ cho các vùng lân cận. Chính sách nhà ở còn nhiều bất cập, nhất là nhà ở cho công nhân, vì vậy, việc sắp xếp lại các quy hoạch là rất cần thiết.
Đối với khu vực nông thôn, nếu ngành nghề nông nghiệp không phát triển sẽ dẫn đến thực trạng người đông, đất ít nhưng nông dân vẫn bỏ ruộng. Theo thống kê năm 2012, tỉnh Thái Bình có diện tích ruộng bỏ hoang hơn 400ha; Nam Định, trên 1.800ha không cấy; Hà Nam, hơn 300ha đất hai vụ lúa bỏ hoang; Vĩnh Phúc, hơn 1.000ha ruộng bỏ hoang và diện tích gieo trồng vụ đông giảm tới 6.000ha. Để giữ an ninh lao động, an ninh lương thực bền vững, ổn định thu nhập và việc làm, khu vực nông thôn phải xây dựng những chính sách kéo người nông dân trở về với đất đai. Con đường duy nhất chính là đổi mới nền nông nghiệp, cải thiện chất lượng sống. Khu vực nông thôn có lợi thế về nguồn nhân lực lao động sẵn có, tài nguyên đất đai còn nhiều tiềm năng chưa khai thác và ít nhất mỗi một hộ nông dân đều có một số vốn nhất định, nếu có chính sách hợp tình hợp lý sẽ giữ chân người dân, lúc đó tính thực chất của chương trình NTM mới có ý nghĩa đầy đủ hơn. Vì vậy, chỉ khi cả khu vực thành thị và nông thôn đều làm tốt, hai khu vực này trở thành đối tác liên kết bình đẳng song song mới được coi là thành công bền vững.
Mối liên kết trong phát triển nâng cao chất lượng sống: Chương trình xây dựng NTM hướng đến mục tiêu phát triển nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực nông thôn, đặt phúc lợi của người dân lên hàng đầu. Trong giai đoạn tiếp theo (2020-2025), chương trình hướng đến phát triển sự đa dạng của các địa điểm kinh tế - xã hội - văn hóa đặc thù vùng, miền. Như vậy, xây dựng nông thôn mới không chỉ hướng đến việc làm mới nông thôn bằng các công trình dự án đầu tư xây dựng mà phải song hành cùng việc phát triển dựa trên thế mạnh địa phương. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính thức đưa ra thông điệp “Quốc gia Khởi nghiệp”, rất nhiều chính sách, đề án, kế hoạch, chương trình đã được ban hành nhằm tạo đột phá trong công tác của thanh niên, sinh viên trong cả nước. Chương trình này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ mối liên hệ giữa thành thị và nông thôn trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp.
Xây dựng nông thôn mới phải gắn với đô thị hóa bền vững: Xây dựng NTM là cơ hội định hình lại bản sắc và thế mạnh của các vùng nông thôn, có thể thúc đẩy sự cân bằng và tương tác giữa nông thôn và thành thị. Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ tập trung nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”. Đổi mới là chìa khóa phục hồi của xã hội và nền kinh tế khi đối mặt với các xu hướng toàn cầu. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng công nghiệp 4.0) là sự kết hợp các công nghiệp giúp xóa nhòa ranh giới giữa các khu vực, lĩnh vực khác nhau. Khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận công nghệ cao sản xuất thực phẩm sạch, tiếp cận vốn, tiếp cận kiến thức mới, tìm kiếm sự hợp tác để tăng khả năng kết nối mạng internet toàn cầu, xây dựng thương mại điện tử và kinh doanh số nhằm thu hẹp khoảng cách đô thị và nông thôn, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường. Những thành quả của NTM sẽ tạo điều kiện lưu thông tương tác mạnh mẽ hơn nữa giữa thành thị và nông thôn.
Những thách thức do quá trình đô thị hóa nhanh chóng mang lại khiến chúng ta phải suy ngẫm về tầm quan trọng của khu vực nông thôn. Nông thôn là không thể thiếu trong sự phát triển chung của đất nước nói chung và của các đô thị nói riêng. Một số quốc gia và khu vực trên thế giới đã bắt đầu tìm hiểu các phương thức phục hồi nông thôn. “Du lịch và phát triển nông thôn” là chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2020 đã dành nhiều quan tâm hơn đến các điểm du lịch làng mạc, thôn xóm. Văn hóa nông thôn được coi là “gốc” và “linh hồn” của một vùng đất. Văn hóa có thể đánh thức tình yêu của mọi người đối với cuộc sống nông thôn và lấy lại niềm tin của họ ở các vùng nông thôn.
Thành thị và nông thôn đều là nơi định cư của con người, cả hai không thể thiếu trong phát triển bền vững. Chương trình NTM góp phần thúc đẩy sự tương tác giữa hai khu vực này như một chỉnh thể hữu cơ, tối ưu hóa quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành. Đây cũng là con đường mang đến sự phát triển cân bằng trong môi trường đô thị hóa, góp phần hỗ trợ địa phương trong phát triển hợp lý và hiệu quả giữa hai chiều nông thôn - thành thị.