Đô thị hóa là một xu thế tất yếu trên thế giới. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại các quốc gia Châu Á nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đô thị hóa là động lực cho sự phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho sự thay đổi về cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng phi nông nghiệp, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân nhưng nó cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy không mong muốn.
Ở các huyện có tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt các huyện vùng ven của các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…là các huyện phải chịu áp lực đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh trên vùng đất nông nghiệp, là nơi chịu nhiều áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học rất lớn…dẫn đến quá tải về các vấn đề quản lý, trường học và môi trường. Quá trình đô thị hóa bởi các dự án hạ tầng, dự án nhà ở, dự án khu công nghiệp…tác động mạnh vào diện tích đất nông nghiệp vốn là tư liệu sản xuất của người nông dân. Hiện nay, trên phạm vi của huyện này, đất nông nghiệp tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn còn diện tích lớn, tuy nhiên theo quy hoạch thì tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp còn lại rất ít, vì không rõ đến khi nào mới triển khai quy hoạch nên những chủ trương của huyện về đầu tư sản xuất nông nghiệp không thể áp dụng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ, làm cho người dân vùng quy hoạch e ngại khi đầu tư dài hạn khiến cho đất nông nghiệp bị bỏ quên, không khai thác hoặc khai thác cầm chừng gây lãng phí, thiệt hại nghiêm trọng.
Đối với các huyện chịu tác động mạnh của quá trình đô thị hóa, nhất là đối với huyện dự kiến sẽ thành quận, thị xã, việc phát triển, xây dựng nông thôn mới tùy từng giai đoạn sẽ trở thành mâu thuẫn với quá trình phát triển đô thị. Đối với các huyện này, quá trình đô thị hóa chủ yếu do yếu tố ngoại lực, rất khó chủ động được, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới không phù hợp sẽ gây đầu tư lãng phí, không thích ứng với định hướng đô thị hóa trong tương lai.
Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới đối với các huyện này cũng góp phần rất quan trọng. Hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới tại đây không được nhìn nhận một cách đúng đắn dẫn đến việc coi nhẹ, không đầu tư, gây lãng phí về đất đai, thiệt hại về kinh tế trong giai đoạn “quá độ” lên đô thị. Chúng ta cũng đang thiếu các cơ chế, chính sách phát triển phù hợp cho các huyện trên trong thời kỳ chuyển giao này. Trong định hướng phát triển của các huyện này, có huyện sẽ thực hiện đô thị hóa ngay (huyện thành thị xã, quận, và các khu vực xã thành phường) thì quá trình xây dựng nông thôn mới không phù hợp; có huyện chuẩn bị lên đô thị (huyện dự kiến thành thị xã, quận, thành phố và các huyện vùng ven các đô thị lớn) thì giai đoạn “quá độ” lên đô thị rất cần được định hướng phát triển nhằm mục tiêu vẫn phát triển kinh tế, sử dụng đất đai hiệu quả, có sự chuẩn bị cho việc lên đô thị. Đối với các huyện này, phù hợp ngay với tình hình hiện trạng, việc xây dựng nông thôn mới là cần thiết để thực hiện được các mục tiêu trên, tuy nhiên cần có sự gắn bó mật thiết với quá trình đô thị hóa tránh đầu tư lãng phí. Các dự án cho xây dựng nông thôn mới cần có sự kế thừa khi phát triển lên đô thị, song song với quá trình này cần có các cơ chế, chính sách phát triển phù hợp như chuyển đổi nghề, đào tạo nhân lực, thích ứng dần thói quen sinh hoạt, liên kết cộng đồng… sẵn sàng cho nâng cấp lên đô thị. Đối với các huyện có định hướng lên đô thị nhưng trong giai đoạn dài hạn thì việc xây dựng nông thôn mới là phù hợp cho giai đoạn phát triển trước mắt. Ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng nông thôn mới có sự kế thừa khi phát triển lên đô thị.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (quá trình đô thị hóa) là quá trình thay đổi tiến bộ về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và về quy mô, trình độ phát triển kinh tế; đồng thời, nó là một trong những hình thái tạo điều kiện đầu tư tập trung mang lại hiệu quả cao. Quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện sẽ thúc đẩy việc tập trung dân cư, tiết kiệm đầu tư hạ tầng; tập trung ruộng đất hỗ trợ, thúc đẩu sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn và nâng cao chất lượng đời sống dân cư nông thôn tiệm cận đời sống người dân đô thị. Đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện đóng vai trò không nhỏ trong tiến trình đô thị hóa chung của cả nước và tái cơ cấu nông nghiệp. Đặc biệt nó tạo điều kiện thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương” của Đảng và Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trở thành vấn đề rất thực tiễn trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn cấp huyện. Để làm được điều này hiệu quả, vai trò của quy hoạch vùng huyện trở thành vấn đề tiên quyết. Quy hoạch sẽ định hướng, xây dựng được lộ trình, kế hoạch thực hiện, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng gắn kết với vùng liên kết sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng nông thôn mới là bước đệm để phát triển đô thị cho những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao.
II. Thực trạng quá trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị trên địa bàn cấp huyện
Đối với các huyện thuần nông hay các khu vực thuần đô thị, việc định hướng xây dựng phát triển rất rõ ràng theo các tiêu chí về nông thôn mới hoặc các tiêu chí về đô thị. Nhưng đối với các huyện đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, việc xây dựng nông thôn mới và việc xây dựng phát triển đô thị có những mâu thuẫn nhất định trong việc quản lý, đầu tư xây dựng.
Hiện không có công cụ quản lý riêng cho các khu vực chịu tác động mạnh bởi quá trình đô thị hóa này. Công tác quy hoạch và quản lý hiện nay theo không gian hành chính. Quận/thị xã/phường theo quy hoạch đô thị và huyện/xã theo quy hoạch nông thôn. Nên nhiều trường hợp bị xung đột bởi 2 công cụ quản lý này.
Đối với các huyện dự kiến lên quận, thị xã nhưng được quản lý kiểu nông thôn: Vấn đề của khu vực này là: hạ tầng kỹ thuật chính không đấu nối; thiếu những tiện ích đô thị mang tính liên vùng; quỹ đất sản xuất bị xé nhỏ; không xác định quỹ đất đô thị thiếu sự chuẩn bị; không có khả năng kêu gọi đầu tư vào cả lĩnh vực phát triển đô thị và sản xuất; công trình xây dựng thiếu kiểm soát; những tài sản như thiên nhiên, sinh thái, văn hóa xã hội có quy mô lớn hơn quy mô nông thôn cục bộ nhưng không được phát huy đúng mức.
Đối với các quận mới nơi còn nhiều làng xã nông thôn được quản lý kiểu đô thị: Vấn đề của khu vực này là: Xu hướng đẩy giá đất lên cao và mở rộng xây dựng đô thị, mặc dù nhu cầu chưa chắc có, dẫn tới quy hoạch treo, đầu tư hạ tầng lãng phí; những dự án phát triển làm phá vỡ cấu trúc hạ tầng nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu, trong khi việc phát triển đô thị lại không như dự kiến; vấn đề san lấp, nâng nền gây ảnh hưởng rộng trong vùng và liên vùng; chuyển đổi sinh kế không bền vững; phá hủy cảnh quan, sinh thái; phá hủy bản sắc không gian nông thôn.
Các mối quan hệ tương tác lẫn nhau về mặt kinh tế của hệ thống nông thôn - đô thị được thể hiện ở chỗ nông thôn là nơi cung cấp thường xuyên, lâu dài lương thực, thực phẩm, nguồn nguyên liệu và nguồn lao động cho đô thị. Ngược lại, đô thị tạo ra thị trường để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm và nơi ở cho các dòng di dân từ nông thôn đến đô thị và cung cấp hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Sự phát triển của các đô thị, hạ tầng và khu công nghiệp tạo ra một động lực mạnh trong phát triển một số vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng nông thôn ở xung quanh các đô thị lớn và các khu công nghiệp tập trung cấp quốc gia, cấp tỉnh. Dưới tác động của tăng trưởng kinh tế chung, chính bản thân các khu vực nông thôn này cũng có các chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, tiến lên một nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở các trang trại và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp. Từ đó mức sống nông dân được nâng cao, bộ mặt làng quê được biến đổi, đặt cơ sở cho tiến trình đô thị hóa nông thôn. Trên thực tế, tại nhiều khu vực nông thôn ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và khu vực nông thôn xung quanh các khu công nghiệp, khu kinh tế, các khu vực cửa khẩu biên giới thuận lợi cho thông thương hàng hóa xuyên biên giới, tiến trình đô thị hóa nông thôn đã hình thành rõ nét.
Tác động dễ nhận thấy của đô thị hóa đến kinh tế của các huyện đô thị hóa cao là việc chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang mục dích phi nông nghiệp như xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch và vui chơi giải trí. Cơ cấu kinh tế của huyện thường biến đổi theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sinh thái. Sự thay đổi quy mô và nội dung hoạt động sản xuất nông nghiệp dẫn tới việc đòi hỏi phải có một cơ cấu ngành nghề thích hợp ở huyện này. Quá trình này không chỉ làm thay đổi cấu trúc không gian và vật chất của huyện mà quan trọng hơn, còn làm thay đổi điều kiện sống, sinh kế, di động xã hội và đặc biệt là làm biến đổi lối sống của cư dân.
Đô thị hóa đã tạo ra sự thay đổi trong việc dụng đất ở các huyện. Việc chuyển một phần lớn diện tích đất nông nghiệp sang xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư đô thị đã làm mất đi nguồn sống chính của những người nông dân, buộc họ phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang các hoạt động phi nông nghiệp. Đây là một thách thức đối với nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo vì nó đòi hỏi phải có thời gian và sự đầu tư cả về tiền bạc lẫn trí tuệ thì mới có thể thích ứng được với điều kiện mới. Ở những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh và không kiểm soát được thường dẫn đến những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng như thất nghiệp, nghèo khổ, sự bất ổn xã hội.
Trong định hướng phát triển cấp huyện, đặc biệt là các huyện có tốc độ đô thị hóa cao, các huyện dự kiến trở thành quận, thị xã…việc xác định rõ dự án ưu tiên đầu tư để đạttiêu chí huyện nông thôn mới trước mắt nhưng có tính hiệu quả, kế thừa khi phát triển lên đô thị còn gây nhiều lúng túng cho các địa phương.
III. Vai trò quy hoạch xây dựng vùng huyện trong quản lý, định hướng phát triển cấp huyện
Kể từ khi Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 của Quốc hội ngày 24/11/2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 của Quốc hội ngày 20/11/2018 có hiệu lực, trên địa bàn cấp huyện có rất nhiều các quy hoạch chuyên ngành bị lược bỏ, ban đầu gây khó khăn, lúng túng cho các đơn vị quản lý nhà nước trong sự định hướng, triển khai đầu tư các dự án. Theo đó, hiện nay chỉ còn 2 loại hình quy hoạch tồn tại ở cấp huyện, đó là Quy hoạch xây dựng vùng huyện và Quy hoạch sử dụng đất.
Vai trò của Quy hoạch xây dựng vùng huyện trong tình hình hiện nay rất quan trọng. Xu thế tất yếu các định hướng chuyên ngành kỹ thuật khác sẽ được tích hợp trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, vì vậy đồ án mang tính chất tổng hợp rất cao. Nó là công cụ quan trọng trong việc định hướng, quản lý phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
IV. Đánh giá thực trạng quy hoạch xây dựng vùng huyện
Việc triển khai đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đã bổ sung sự thiếu hụt tính liên kết vùng cho các đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, hạn chế các định hướng phát triển kinh tế các xã bị trùng lặp hoặc độc lập với mô hình kinh tế của các xã khác mà không có sự hỗ trợ liên kết với nhau, có định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn các xã gắn với chiến lược chung của toàn huyện… Đồ án được các địa phương đánh giá đáp ứng nhu cầu quản lý, phát triển của địa phương, đặc biệt trong định hướng phân vùng phát triển đô thị, phát triển về công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung.
Tuy nhiên, về chất lượng đồ án có một số nội dung còn tồn tại như sau:
a. Phương pháp thực hiện quy hoạch xây dựng vùng huyện
Về phương pháp lập quy hoạch, hiện nay chưa có văn bản luật hướng dẫn cụ thể cho đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nên khi triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Cách làm không thống nhất giữa các địa phương, đơn vị tư vấn.
Giai đoạn 2010-2015, theo Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành bộ tiêu chí quốc gia về NTM, các huyện được công nhận là huyện NTM trên cơ sở tỷ lệ phần trăm (%) số xã trên địa bàn huyện được công nhận xã chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, việc lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chưa được chú ý tới.
Giai đoạn 2016-2020, kể từ khi có Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM thì ngoài việc 100% số xã trên địa bàn phải đạt chuẩn xã nông thôn mới, các đơn vị hành chính cấp huyện trên phải đạt 09 nhóm tiêu chí trong bộ tiêu chí huyện NTM ban hành theo quyết định trên, trong đó tiêu chí số 01 là tiêu chí về quy hoạch phải đạt. Các huyện bắt đầu chú ý hơn về việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện để vừa đảm bảo có cong cụ định hướng, quản lý phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, vừa hoàn thành tiêu chí số 01 của bộ tiêu chí huyện NTM.
Việc lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện được triển khai trên cơ sở hướng dẫn tại Luật Xây dựng 2014, Nghị định 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng và thông tư 12/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng v/v Quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù. Trong thông tư này hướng dẫn một cách tổng quan các nội dung yêu cầu của đồ án quy hoạch xây dựng vùng, trong đó có vùng huyện. Tuy nhiên, sự lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 chưa được đề cập.
Như vậy, để lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giải pháp được sử dụng để triển khai các đồ án quy hoạch đó là bám theo hướng dẫn đối với đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện được quy định theo Luật Xây dựng 2014, Nghị định 44/NĐ-CP và Thông tư số 12/TT-BXD, sau đó có sự lồng ghép, bổ sung thêm các nội dung đảm bảo phù hợp với Bộ tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg và Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định 676/QĐ-TTg. Ngoài ra, các bộ, ngành ban hành các thông tư hướng dẫn về việc thực hiện các tiêu chí thành phần trong Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, lấy làm cơ sở để từ đó triển khai đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, đáp ứng được Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
b. Nội dung đồ án quy hoạch vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Việc lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện chủ yếu được triển khai trên cơ sở hướng dẫn tại Luật Xây dựng 2014, Nghị định 44/2015/NĐ-CP và Thông tư 12/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Trong đó đã quy định, hướng dẫn một cách tổng quan các nội dung yêu cầu của đồ án quy hoạch xây dựng vùng, có vùng huyện. Tuy nhiên, sự lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 chưa được đề cập. Chính vì cậy, phần lớn các đồ án đã triển khai chưa thể hiện hoặc thể hiện mờ nhạt nội dung này.
Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện chưa đánh giá, rà soát tình hình phát triển của huyện theo các nhóm tiêu chí huyện nông thôn mới, trong dự báo và xác định định hướng phát triển vùng huyện chưa gắn kết nối nội dung theo tiêu chí huyện nông thôn mới, ngoại trừ một số đồ án do Viện quy hoạch Đô thị - nông thôn quốc gia lập gần đây.
Một số ít đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được lập sau này, giải pháp được sử dụng để triển khai các đồ án quy hoạch đó là bám theo hướng dẫn đối với đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện được quy định theo Luật Xây dựng 2014, Nghị định 44/NĐ-CP và Thông tư số 22/TT-BXD, sau đó có sự lồng ghép, bổ sung thêm các nội dung đảm bảo phù hợp với Bộ tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg và Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định QĐ 676/QĐ-TTg. Ngoài ra, dựa trên cơ sở các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành về việc thực hiện các tiêu chí thành phần trong Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, để từ đó, đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện có cơ sở triển khai đáp ứng được Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, nội dung đồ án QHXD huyện đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu đặt ra, tuy nhiên cần có văn bản luật hướng dẫn để có sự thống nhất chung về yêu cầu nội dung sản phẩm, thuận lợi cho việc lập, thẩm định và phê duyệt đồ án.
c. Nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa thể hiện rõ
Tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất để có giá trị tăng cao hơn, tăng thu nhập của người làm nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa người dân nông thôn và người dân đô thị. Tái cơ cấu nông nghiệp thành công cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, nội dung tái cơ cấu nông nghiệp sẽ được thể hiện qua việc tổ chức không gian khu vực nông thôn như: Tổ chức các vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp; Tổ chức các điểm sản xuất công nghiệp dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông sản; Tổ chức các điểm dịch vụ khuyến nông và KHCN trong nông nghiệp (Trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn); Tổ chức các điểm dịch vụ thị trường sản phẩm nông nghiệp; Tổ chức hệ thống các đô thị nhỏ, thị tứ, điểm dân cư tập trung hoặc cụm dân cư và cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ dân cư nông thôn theo hướng dẫn đô thị hóa tại chỗ; Tổ chức hạ tầng kỹ thuật khung phục vụ đời sống sinh hoạt và sả xuất dân cư nông thôn.
V. Những thuận lợi, khó khăn trong việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện
- Một số thuận lợi
Vì đây là công cụ quy hoạch có thể nói là duy nhất liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển dài hạn trên địa bàn cấp huyện nên trong quá trình triển khai nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ rất cao từ địa phương và các sở, ban ngành chuyên môn.
Nội dung tích hợp trong đồ án quy hoạch đã được triển khai từ trước đây trong đồ án quy hoạch xây dựng (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, sử dụng đất…) nên bắt kịp nhanh với nhu cầu thực tiễn của yêu cầu quy hoạch, là công cụ giúp các đơn vị quản lý nhà nước quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng.
- Khó khăn:
Vì xu thế mới của đồ án theo hướng tích hợp phục vụ quản lý nhà nước nên khối lượng cần xử lý trong đồ án lớn, số liệu nhiều, yêu cầu đơn vị tư vấn có các chuyên gia đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm về vấn đề quy hoạch. Trong quá trình làm việc phải phối hợp với rất nhiều các đầu mối đơn vị chuyên môn khác nhau.
Nội dung của đồ án quy hoạch vùng huyện nhiều hơn trước đây do có sự lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa…
VI. Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện trong giai đoạn thực hiện tiếp theo
Thay đổi phương pháp làm quy hoạch theo hướng tích cực
Từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, trên địa bàn cấp huyện, các đồ án quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực bị giảm lược đi rất nhiều như quy hoạch sản xuất, quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch thương mại, quy hoạch xăng dầu… và một số quy hoạch khác. Để đáp ứng nhu cầu quản lý, kiểm soát phát triển thực tế tại các địa phương, đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện trở thành quy hoạch chủ đạo, chiến lược, là công cụ quản lý đắc lực cho địa phương. Vì vậy nội dung của đồ án cần mang tính chất tích hợp, đặc biệt là nội dung quy hoạch sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Sự thay đổi này vừa phù hợp với xu hế tất yếu, vừa phù hợp với nhu cầu quản lý nhà nước của địa phương về quản lý quy hoạch.
Lồng ghép các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ban hành Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, rất nhiều các văn bản luật hướng dẫn thực hiện và cũng đã đạt được những kết quả quan trọng, thành công trong giai đoạn 2010-2020. Việc bổ sung nội dung liên quan Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong đồ án Quy hoạch xây dựng vùng là việc làm cấp bách, phù hợp với tình hình phát triển.
Nội dung đồ án cần làm nổi bật mối liên kết đô thị - nông thôn, xây dựng nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa.
Quá trình phát triển đô thị - nông thôn phải được xem là một quá trình không tách rời. Đô thị tạo hạt nhân cho phát triển nông thôn, và nông thôn hỗ trợ cho sự phát triển đô thị. Trong quá trình phát triển, đô thị hóa là một quá trình tất yếu không thể đảo ngược. Vì vậy, để tránh đầu tư lãng phí nguồn lực, tạo tiền đề cho việc phát triển đô thị theo xu hướng chung, việc xây dựng NTM cần phải phù hợp với quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện.
Hình thành các Trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn là hạt nhân tái cơ cấu ngành nông nghiệp, yếu tố “tạo thị” cho khu vực.
VII. Kết luận
Công tác quy hoạch xây dựng cũng đã có những bước tiến rất tích cực trong phương pháp, nội dung và chất lượng của các đồ án quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng vùng huyện. Là tiền đề đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Về phương pháp lập quy hoạch, bước đầu thay đổi sang tư duy quy hoạch tích hợp và có phương pháp luận rõ ràng mối quan hệ đô thị - nông thôn, có các kế hoạch, định hướng rõ cho khu vực xây dựng nông thôn mới nhưng dự kiến hình thành đô thị phù hợp, đã xác định được các Trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, là yếu tố tạo thị cho vùng huyện. Xác đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đã triển khai cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển, là công cụ quản lý, định hướng phát triển của các địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Để nâng cao chất lượng hơn nữa các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện trong giai đoạn tiếp theo, kiến nghị tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, thực hiện một số các nội dung sau:
- Ban hành các hướng dẫn, văn bản luật có liên quan thống nhất các nội dung trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các yêu cầu xây dựng nông thôn mới phù hợp với quá trình đô thị hóa, lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện theo hướng tích hợp đa ngành.
- Điều chỉnh định mức kinh phí lập quy hoạch vùng huyện theo hướng nâng cao tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức liên quan tiến hành lập đồ án quy hoạch vùng huyện đảm bảo chất lượng theo xu thế tích hợp.
- Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về nông thôn mới, tạo thuận lợi cho việc triển khai lập đồ án quy hoạch vùng huyện cho giai đoạn tiếp theo.