Kiểm soát phát triển vật liệu xây dựng chặt chẽ
Bộ Xây dựng đã trình, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang tổ chức thực hiện 03 Đề án về vật liệu xây dựng. Đó là: Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón làm nguyên liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017; Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định tại số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2019; Đề án an ninh kinh tế trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 09/12/2020. Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 và Nhiệm vụ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc kiểm soát phát triển vật liệu xây dựng ngày càng chặt chẽ thông qua triển khai có hiệu quả các quy hoạch, chương trình phát triển vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng đã được phê duyệt gồm 06 Quy hoạch: (i) Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2030; (ii) Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; (iii) Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020; (iv) Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020; (v) Quy hoạch phát triển vật liệu gốm, sứ xây dựng và đá ốp lát ở Việt Nam đến năm 2020; (vi) Quy hoạch phát triển vôi công nghiệp đến năm 2020; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020. Phối hợp với Bộ Công thương xây dựng Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018, trong đó đưa “Dây chuyền thiết bị hoàn chỉnh xử lý tro, xỉ, thạch cao từ sản xuất công nghiệp” vào Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025.
Kịp thời tổ chức Hội nghị toàn quốc về vật liệu xây dựng; Hội nghị tổng kết chương trình phát triển vật liệu xây không nung và thực hiện Đề án đẩy mạnh xử lý tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất để có định hướng phát triển phù hợp, giải quyết các vướng mắc, tồn kho sản phẩm.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển vật liệu xây không nung
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển vật lệu xây không nung đến năm 2020. Đến nay, đã có 62 tỉnh xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xây dựng Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn; 25 địa phương đã xây dựng và ban hành Chỉ thị về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung. Triển khai một số chương trình, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ, dự án thử nghiệm trong lĩnh vực phát triển vật liệu xây dựng cho vùng ven biển, hải đảo, nghiên cứu sử dụng các phụ gia, chất thải công nghiệp để đưa vào sản xuất vật liệu xây dựng, thay thế nguyên liệu, khoáng sản truyền thống (đá, cát sỏi); thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu không nung, tái sử dụng, xử lý tro xỉ các nhà máy nhiệt điện, gang thép, phân bón để làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, làm đường giao thông, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Hiện cả nước có 25 nhà máy nhiệt điện, phát thải ra tổng lượng tro xỉ khoảng 13 triệu tấn/năm. Tổng lượng tro xỉ, thạch cao tính đến cuối năm 2020 khoảng 34,5 triệu tấn, tương đương 44% tổng lượng phát thải qua các năm.
Các dự án sản xuất vật liệu xây dựng được đầu tư mới theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ngày càng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, sản xuất ra nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường; một số lĩnh vực như sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, kính tiết kiệm năng lượng đã đầu tư áp dụng các công nghệ sản xuất ngang tầm với nhiều nước phát triển trên thế giới. Đã xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh, thân thiện môi trường, cơ bản đã loại bỏ, chuyển đổi công nghệ cũ, lạc hậu. Loại bỏ được hoàn toàn các dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng, chuyển sang công nghệ sản xuất lò quay; cơ bản đã loại bỏ gạch thủ công sang sản xuất gạch không nung và gạch nung theo công nghệ tiên tiến, tiêu hao ít nguyên, nhiên liệu; xóa bỏ được 100% lò vôi thủ công.
Về tổng thể, sản xuất vật liệu xây dựng phát triển ổn định, tăng trưởng khá cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và mở rộng thị trường tiêu thụ ở ngoài nước. Chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm ngày càng được nâng cao. Một số sản phẩm có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Năng lực và công nghệ sản xuất của một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu như sau:
- Xi măng: cả nước có 84 dây chuyền sản xuất với công suất thiết kế là 101,74 triệu tấn/năm. Các dây chuyền sản xuất đều là các dây chuyền lò quay phương pháp khô; từ sau năm 2010 các dây chuyền sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đạt tiêu chuẩn Châu Âu.
- Sứ vệ sinh: Tính đến nay cả nước có 26 doanh nghiệp với 65 dây chuyền sản xuất sứ vệ sinh với tổng công suất thiết kế đạt 26,55 triệu sản phẩm/năm với công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến, mức độ tự động hóa cao, tiêu hao ít nhiên liệu, chủng loại sản phẩm đạt chất lượng cao, đa dạng về hình dáng kích thước, mẫu mã, màu sắc và đặc tính sử dụng; nhiều loại sản phẩm đạt trình độ công nghệ của các nước tiên tiến hàng đầu trong lĩnh vực này như Nhật Bản, Đức, Italia, Tây Ban Nha. Một số đơn vị đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất men phủ nano chống khuẩn, có khả năng làm sạch cao; đầu tư phát triển các phụ kiện đồng bộ hiện đại, góp phần tăng giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ và giá trị của sản phẩm.
- Gạch ốp lát: Tính đến nay, cả nước có 93 đơn vị sản xuất, trong đó: 66 cơ sở sản xuất gạch ceramic với tổng công suất thiết kế là 608,6 triệu m2/năm; 22 cơ sở sản xuất gạch granite với tổng công suất thiết kế là 182 triệu m2/năm; 5 cơ sở sản xuất gạch coto với tổng công suất thiết kế là 31 triệu m2/năm. Thiết bị và công nghệ sản xuất gạch gốm ốp lát được đầu tư đồng bộ, tiên tiến từ các nước phát triển như Đức, Italia, Tây Ban Nha với quy mô mỗi nhà máy lên tới hàng chục triệu m2, modul công suất, mỗi dây chuyền từ 5-8 triệu m2/năm. Cùng với việc đầu tư các thiết bị công nghệ trang trí bề mặt như các loại máy in kỹ thuật số, in rulô, in phun, trang trí men khô, công nghệ ecoprep, nano… đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm gạch ốp lát với chủng loại đa dạng như gạch ceramic, gạch grenit, gạch cotto, gạch mosaic có kích thước lớn.
- Kính xây dựng: Tính đến nay, cả nước có 4 đơn vị sản xuất kính nổi xây dựng, 01 đơn vị sản xuất kính siêu trắng, 03 đơn vị sản xuất kính cán. Tổng năng lực sản xuất của toàn ngành ước đạt 4.420 tấn/ngày tương đương 308 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm. Việt Nam đứng trong nhóm 5 nước có sản lượng kính lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm kính đặc biệt như: Kính làm pin năng lượng mặt trời, kính làm màn hình cảm ứng, kính tiết kiệm năng lượng, kính solar control, kính Low-E, kính hộp, kính dán an toàn, kính cường lực… Hiện đã có trên 100 đơn vị gia công kính có công suất lớn nhỏ trên toàn quốc. Đã tôi nhiệt được kính có chiều dày 5÷19mm, khổ lớn nhất 2.800mmx700mm; kính dán an toàn có chiều dày 6,38÷25,52mm, khổ lớn nhất 2.134mmx3.048mm, kính siêu trắng có chiều dày 2÷19mm, khổ lớn nhất 2.134mmx4.600mm.
- Gạch nung: Cả nước có 3.969 cơ sở sản xuất với tổng công suất thiết kế đạt 26,874 tỷ viên/năm; trong đó có 662 lò tuy nen với công suất thiết kế đạt 14,523 tỷ viên chiếm 54,03% công suất gạch đất sét nung, năm 2018, gạch nung cả nước sản xuất đạt 18 tỷ viên QTC.
- Vật liệu xây không nung: Số lượng cơ sở sản xuất gạch bê tông trên toàn quốc khoảng trên 2.500 dây chuyền, trong đó khoảng 140 dây chuyền có công suất thiết kế từ 10-45 triệu viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, còn lại là công suất nhỏ (dưới 10 triệu viên/năm), tổng công suất thiết kế khoảng 12,6 tỷ viên QTC/năm.
- Đá ốp lát: Tính đến nay cả nước có khoảng 221 đơn vị khai thác đá khối và chế biến đá ốp lát các loại với tổng công suất thiết kế khoảng 26,17 triệu m2/năm, trong đó chế biến đá ốp lát tự nhiên là 216 cơ sở với công suất 22,14 triệu m2/năm. Các cơ sở khai thác và chế biến đá ốp lát đã được đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại và đảm bảo các yêu cầu về môi trường.
- Vôi công nghiệp: Tổng công suất các lò vôi công nghiệp (33 lò) với công suất lò đứng và lò quay là 2,495 triệu tấn/năm. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt trên 2,5 triệu tấn.
- Tấm lợp fibro xi măng: Cả nước có 24 đơn vị sản xuất tấm lợp amiăng xi măng đang hoạt động. Về công nghệ sản xuất tấm lợp amiăng xi măng mà hầu hết các cơ sở sản xuất tại Việt Nam hiện nay đang sử dụng là công nghệ xeo cán “ướt”. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ bình quân từ năm 2016 đến năm 2020 khoảng hơn 40 đến 50 triệu m2/năm. Bộ Xây dựng thường xuyên đôn đốc kiểm tra các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có sử dụng amiăng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường và thực hiện Quy chuẩn Việt Nam.
Trong giai đoạn tiếp theo, nhiệm vụ đặt ra là từng bước phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, sinh thái. Tiếp tục rà soát, đề xuất để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với giải pháp phát triển ổn định bền vững. Ưu tiên phát triển những công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hóa cao sử dụng tối đa công nghệ số, công nghệ nano, sử dụng nhiên liệu tái chế, các loại chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu; các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung, sản phẩm tái chế. Chú trọng đầu tư cải tạo, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, loại bỏ công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu.