Một số nội dung tiếp cận sản xuất mới quản trị thông minh ứng dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong ngành Xây dựng Việt Nam

Tuesday, 06/08/2021 09:25
Acronyms View with font size

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại Quyết định số 1717/QĐ-BCT ngày 28/12/2018. Để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, những ưu tiên khi triển khai của Bộ Xây dựng trong thời gian qua đã tập trung tháo gỡ những khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo hiểu biết và nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đối với doanh nghiệp ngành Xây dựng. Trong giai đoạn đầu, các hội thảo/diễn đàn ở quy mô lớn đã được tổ chức góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức chung của cấp lãnh đạo, quản lý và doanh nghiệp về CMCN 4.0. Bên cạnh đó, các tập đoàn/Tổng Công ty, doanh nghiệp đã thực hiện việc quán triệt nội dung, nhiệm vụ của Chỉ thị 16/CT-TTg từ cấp lãnh đạo tới người lao động, từ đó đã tạo ra những chuyển biến trong nhận thức cũng như hành động của các đơn vị. Trên cơ sở những nhận thức đầy đủ về CMCN 4.0, các đơn vị đã triển khai những chương trình và kế hoạch cụ thể nhằm tiếp cận với cuộc cách mạng này.

Ngành Xây dựng cần tăng cường thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ 4.0, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Các văn bản của Bộ Xây dựng đã thể hiện rõ điều này, cụ thể như: Quyết định số 1004/QĐ-BXD ngày 31/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1533/QĐ-BXD ngày 7/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Xây dựng giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 219/QĐ-BXD ngày 28/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Quyết định 1735/QĐ-BXD ngày 31/12/2020 về Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của cơ quan Bộ Xây dựng năm 2021.

1. Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày 31/7/2020, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 1004/QĐ-BXD về việc phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Xác định chuyển đổi số ngành Xây dựng là nội dung rất quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của Bộ Xây dựng.

Chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể, có lộ trình phù hợp, tiến tới toàn diện và đồng bộ trong mỗi lĩnh vực của ngành Xây dựng; xác định phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý Nhà nước là trung tâm của chuyển đổi số. Xác định nguồn lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số; thực hiện các giai đoạn toàn diện để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Đối tượng, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số gồm: Cơ sở dữ liệu (CSDL) trong đó bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá để phục vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; Thực hiện Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng; Hoạt động xây dựng (tư vấn thiết kế; tư vấn thẩm tra, thẩm định; thi công xây lắp; nghiệm thu công trình); Khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; Nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.

Mục tiêu của Kế hoạch đặt ra là hoàn thiện thể chế để phục chuyển đổi số của ngành Xây dựng, đồng thời vận hành và cập nhật Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng. Hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu số: Văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn; định mức và giá xây dựng; nhà ở, thị trường bất động sản; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; quy hoạch xây dựng; nâng cấp đô thị; thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng; nghiệm thu các công trình đưa vào sử dụng; thanh tra, kiểm tra; hồ sơ cán bộ, viên chức ngành xây dựng; chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của tổ chức và cá nhân; phòng thí nghiệm chuyên ngành Xây dựng; đề tài, dự án sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học công nghệ và môi trường.

2. Một số ứng dụng sản xuất mới ngành Xây dựng

Nếu không có sự hợp tác xuyên suốt chuỗi giá trị, việc số hóa ngành công nghiệp xây dựng có thể xảy ra. Sự hợp tác này phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và khả năng chia sẻ lượng lớn dữ liệu lớn. Đây sẽ là một thách thức đối với nhiều công ty nhưng đặc biệt đối với những công ty nhỏ hơn. Trong mọi trường hợp, chúng ta không chắc chắn rằng các hệ thống và định dạng dữ liệu hiện tại sẽ tương thích với các hệ thống được phát triển trong tương lai. Các mô hình BIM hiện tại có thể đọc được sau 50 năm khi kết thúc vòng đời của tòa nhà hoặc tại thời điểm sử dụng của nó sẽ bị thay đổi? Hoặc trong 15 năm khi một tòa nhà được xây dựng bằng BIM chuẩn bị nâng cấp và cần có dữ liệu chính.

Xây dựng 4.0 có gì khác? Việc số hóa ngành công nghiệp xây dựng có nhiều khía cạnh, quy trình và công nghệ tiên tiến. Bao gồm: Sản xuất công nghiệp; Tiền chế, tự động hóa, in 3D; Lắp ráp nhiều hơn, xây dựng truyền thống ít hơn; Thay đổi kỹ năng - kỹ thuật viên chứ không phải lao động; Robotics, máy bay không người lái để khảo sát và nâng/di chuyển/định vị các hoạt động xây dựng.

Xây dựng 4.0 có thể sẽ yêu cầu các mô hình kinh doanh mới. Các công ty xây dựng trong tương lai có khả năng làm những việc khác nhau, so với các hoạt động hiện tại của họ. Thay đổi không phải là một sự lựa chọn, nó là điều cần thiết; nhưng các công ty và quốc gia khác nhau đang đi với tốc độ khác nhau và điều này đặt ra một thách thức lớn. Hơn nữa, ngành Xây dựng được cấu thành từ chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các công ty lớn hơn có nhiều nhà thầu phụ và chuỗi giá trị bao gồm các doanh nghiệp và thợ  thủ công lớn nhất và nhỏ nhất. Các công ty lớn hơn sẽ cần phải giúp đỡ đơn vị nhỏ hơn. Những lợi ích kinh doanh của công nghiệp 4.0 là rất nhiều. Ngày càng có nhiều dữ liệu từ xa và từ thiết bị trang web để hỗ trợ các nhà thầu. Mọi công việc được kết nối để đảm bảo thông tin chính xác trong thời gian thực, dẫn đến mượt mà hơn, ít có lỗi, trong quá trình xây dựng nhanh hơn.

Đối với dịch vụ cấp thoát nước, quản lý và xử lý chất thải

Dịch vụ cấp thoát nước, quản lý và xử lý chất thải đã và đang xây dựng ngày càng nhiều quy trình và công cụ quản lý nước trong quá trình số hóa. Nhờ tự động hóa trong lưới điện thông minh, dịch vụ nước có khả năng củng cố hơn nữa năng lực cạnh tranh trong tương lai so với các ngành khác.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cấp thoát nước, quản lý và xử lý chất thải có 8 thách thức chính thúc đẩy nhu cầu phải áp dụng công nghệ kỹ thuật số. Đó là: dự báo nhu cầu và hư hỏng công trình, trang thiết bị; Hạ tầng xuống cấp; Thất thu nước; Giám sát tình trạng công trình, trang thiết bị; Tiêu thụ điện và tối ưu hóa chi phí trong hoạt động xử lý nước; Hợp đồng và lập hóa đơn; Mô hình tiêu thụ và tính tiền cho khách hàng; lập kế hoạch sản xuất nước.

3. Quản trị đô thị thông minh

Các đô thị ở Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Sự phát triển đô thị gắn với thông minh để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người, việc xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) ngày càng trở nên bức thiết đối với Việt Nam.

Quản trị ĐTTM đơn giản là việc quản trị của một thành phố, nghĩa là đưa ra các lựa chọn chính sách đúng đắn và thực hiện việc quản trị một cách hiệu quả. Quản trị thông minh là việc thúc đẩy các sáng kiến ĐTTM, tức là không cần chuyển đổi cấu trúc hay quy trình của bộ máy chính quyền.

Quyết định thông minh: Quan điểm này nhấn mạnh sự cần thiết của quá trình ra quyết định thông minh và thực thi các quyết định này. Theo đó, không cần phải cơ cấu lại tổ chức đối với bộ máy quản lý chính quyền mà phải cơ cấu lại việc ra quyết định. Các công nghệ mới được sử dụng để củng cố tính hợp lý của Chính phủ bằng cách sử dụng thông tin sẵn có, đầy đủ và dễ tiếp cận hơn cho các quy trình ra quyết định quản trị.

Trạng thái quản trị thông minh là một hình thức mới của Chính phủ điện tử sử dụng các công nghệ thông tin tinh vi để kết nối và tích hợp thông tin, các quy trình, tổ chức và cơ cấu hạ tầng vật chất để phục vụ cư dân và cộng đồng tốt hơn. Cách quản trị thông minh này ở mức độ chuyển đổi cao hơn vì nó đòi hỏi phải tái cấu trúc tổ chức nội bộ của chính quyền. Đây là một cấu trúc tập hợp các chức năng truyền thống của Chính phủ và doanh nghiệp. Với nội dung này, quản trị thông minh nghĩa là phải tạo ra một chính quyền thông minh.

4. Ngành vật liệu xây dựng trong cuộc CMCN 4.0

Cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và mở ra nhiều cơ hội đổi mới, phát triển. Sự bùng nổ của các công nghệ thế hệ mới đang mở ra một thời đạt phát triển mới với trí tuệ nhân tạo trong nền kinh tế số. Cuộc cách mạng này đang tạo ra cơ hội và cả thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. CMCN 4.0 tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có cơ hội bứt phá bằng việc ứng dụng công nghệ để nghiên cứu và sản xuất ra các loại vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để phát triển nếu không muốn bị đào thải.

Lợi thế của doanh nghiệp ngành sản xuất vật liệu xây dựng chính là ứng dụng thành công giá trị khoa học công nghệ sản xuất trong CMCN 4.0, tự động hóa, gắn với đổi mới hoàn thiện quản trị doanh nghiệp, giữ ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra các loại sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn, mẫu mã cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành vật liệu xây dựng cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm giảm chi phí đồng bộ các khâu, từ giao dịch, vận chuyển để hạ giá thành, tăng năng lực cạnh tranh, triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ thông minh mũi nhọn, vật liệu mới, xây dựng đô thị thông minh gắn với sử dụng vật liệu thông minh… Để phát triển, các doanh nghiệp VLXD cần tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ tiên tiến hiện đại, loại bỏ công nghệ lạc hậu, đầu tư với quy mô hợp lý, phát triển sản xuất có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển VLXD, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân được đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Ngành VLXD Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, các sản phẩm VLXD cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài như xi măng, kính xây dựng, sứ vệ sinh… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong ngành VLXD. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ, tiêu hao năng lượng, nhiều doanh nghiệp chưa khai thác, ứng dụng được công nghệ mới, chưa có sản phẩm mới mang tính đột phá, bắt kịp xu hướng của CMCN 4.0.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, một số doanh nghiệp VLXD đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kiểm soát, sử dụng vật liệu mới để tăng tính cạnh tranh. Nhiều hãng sản xuất sứ vệ sinh lớn như Inax, Viglacera, Hảo Cảnh… đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất men phủ nano chống khuẩn, có khả năng làm sạch cao. Hay các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kính, áp dụng công nghệ kính nổi tiên tiến. Ngoài ra, nhóm sản phẩm gạch, ngói đất sét nung, cát, đá xây dựng…với dòng sản phẩm có ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thân thiện với môi trường. Một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (AR, VR) vào việc kinh doanh và nắm bắt tâm lý khách hàng. Một số công nghệ sản xuất được nghiên cứu, ứng dụng vào lĩnh vực VLXD được dự báo phát triển nhanh trong thời gian tới như vật liệu bền, vật liệu bao che nhẹ, cách âm, cách nhiệt, chống thấm nước, thi công, lắp ghép nhanh…

CMCN 4.0 được kỳ vọng sẽ mở ra cho ngành VLXD nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc nắm bắt kịp thời những công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong quá trình sản xuất và chế tạo VLXD hiện nay là một cơ hội để đổi mới và phát triển ngành này trong tương lai.

Trong những năm gần đây, ngoài việc cho ra đời các sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD, đặc biệt là các hãng sản xuất ống nước, gạch men, sứ vệ sinh lớn như: Inax, Viglacera, Hảo Cảnh, Catalan, Dekko…đã kịp thời ứng dụng công nghệ thời CMCN 4.0 vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp biết nắm bắt các công nghệ mới, nhiều doanh nghiệp trong ngành VLXD vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ, tiêu hao năng lượng. Nhiều DN chưa khai thác ứng dụng được công nghệ mới, quản trị mới…

Hiện nay, lợi thế tuyệt đối của doanh nghiệp chính là ứng dụng thành công chuỗi giá trị khoa học công nghệ sản xuất trong CMCN 4.0, tự động hóa, gắn với đổi mới hoàn thiện quản trị doanh nghiệp, giữ ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm tạo ra các loại sản phẩm ngày càng có chất lượng cao hơn, mẫu mã cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy trong thời gian tới, ngành VLXD cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm giảm chi phí đồng bộ các khâu, từ giao dịch, vận chuyển để hạ giá thành tăng năng lực cạnh tranh, triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn, vật liệu mới, xây dựng đô thị thông minh gắn với sử dụng vật liệu thông minh…theo kịp cuộc CMCN 4.0 đang hiện hữu.

Source: Tạp chí Xây dựng & Đô thị, Số 76/2021

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)