Bối cảnh quốc tế và trong nước đã tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, hệ thống đô thị Việt Nam với khả năng hình thành hệ thống khung hạ tầng xuyên Á và cơ hội cho các đô thị cực tăng trưởng quốc gia, vùng liên tỉnh hợp tác kinh tế, hội nhập quốc tế. Cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đòi hỏi hệ thống đô thị nông thôn Việt Nam có tiếp cận mới từ phương pháp quy hoạch chiến lược, tích hợp đa ngành, thích ứng và có sự tham gia, lồng ghép được các yêu cầu mới trong quy hoạch và phát triển đô thị trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
1. Tổng quan các mục tiêu đô thị hóa quốc gia giai đoạn 2020-2030 và định hướng phát triển đô thị nông thôn toàn quốc
Mục tiêu đô thị hóa quốc gia giai đoạn 2020-2030 sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh, hiệu quả, có chất lượng; bền vững hơn về môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đảm bảo được an ninh lương thực. Trên cơ sở tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh, đổi mới mô hình phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo Mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị Châu Á - Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển KT-XH quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng Xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.
Định hướng quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn Việt nam giai đoạn 2020-2030 kế thừa Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị (Quyết định số 445/QĐ-TTg) phát triển bền vững, góp phần tối ưu vào phát triển chung của toàn quốc. Đáp ứng các mục tiêu sau:
+ Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với BĐKH: Phát triển hệ thống đô thị nông thôn quốc gia đảm bảo bảo tồn nguyên khí, duy trì hệ thống hạ tầng xanh quốc gia, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và đất đai, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, thích ứn BĐKH.
+ Hướng tới mục tiêu “thị trường & tập trung”: Phát triển hệ thống đô thị nông thôn thúc đẩy tăng năng lực hội nhập kinh tế của hệ thống đô thị, nâng cao tính thị trường và quản lý bất động sản hiệu quả.
+ Tập trung phát triển hai vùng kinh tế trọng điểm quốc gia: trong đó vùng đô thị Đông Nam Bộ là vùng có tiềm năng phát triển lớn nhất về đô thị - công nghiệp - dịch vụ, gia tăng dân số mạnh; không gian phát triển vùng đô thị Đông Nam Bộ bao trùm cả khu vực Tây Nguyên và Phan Rang, Phan Thiết và một phần ĐBSCL. Vùng đô thị đồng bằng Sông Hồng là vùng có tiềm năng thứ hai đô thị - công nghiệp - dịch vụ; về cơ bản không gia tăng dân số, chủ yếu tái cấu trúc lại không gian vùng.
+ Hình thành các trục hành lang: Trục hành lang đô thị hóa xuyên Á Bắc Nam (kết nối khu vực Đông Bắc Á với Đông Nam Á theo đường Nam Ninh, Trung Quốc, qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn), chạy dọc trục Bắc Nam của Việt Nam đến TP.HCM rẽ qua Tây Ninh, kết nối sang Phnompenh và Bangkok), hành lang đô thị hóa xuyên Á phía Bắc (tuyến Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng), hành lang đô thị hóa xuyên Á phía Nam (kết nối toàn bộ lãnh thổ rộng lớn vùng đồng bằng Đông Nam Bộ, Nam Tây Nguyên, ĐBSCL sang vùng đồng bằng Campuchia và đồng bằng Thái Lan. Đây là hành lang có thực lực nhất và triển vọng gần nhất).
+ Hướng tới mục tiêu công bằng và bản sắc: Phát triển hệ thống đô thị nông thôn hướng tới xã hội công bằng một cách bền vững giữa các vùng miền, giữa đô thị lớn và đô thị nhỏ, giữa đô thị và nông thôn, giữa các khu vực đô thị. Phát huy bản sắc văn hóa các đô thị dựa trên những bệ đỡ văn hóa lớn là văn hóa sắc tộc văn hóa tín ngưỡng, tâm linh và lịch sử định cư của từng vùng.
- Yêu cầu đô thị hóa vùng ĐBSCL trong định hướng quốc gia
Yêu cầu phát triển đô thị nông thôn vùng ĐBSCL trong định hướng quốc gia là:
+ Bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, giữ gìn hệ sinh thái đa dạng sinh học và thích nghi với BĐKH là yếu tố cốt lõi tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị - nông thôn vùng ĐBSCL;
+ Thúc đẩy không gian liên kết kinh tế vùng ĐBSCL với TP.HCM, các tỉnh trong vùng TP.HCM và khu vực tiểu vùng sông MeKong mở rộng. Hình thành các trung tâm kinh tế tiểu vùng và hành lang kinh tế đô thị hóa, trên nguyên tắc cân bằng giữa môi trường sinh thái và kinh tế. Đô thị hóa vùng ĐBSCL góp phần tái cấu trúc kinh tế hiện tại và thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp và dịch vụ chất lượng cao.
+ Phát triển đô thị - nông thôn vùng ĐBSCL hiện đại, duy trì giá trị văn hóa lối sống sông nước miệt vườn và nâng cao chất lượng môi trường sống trong các khu định cư đô thị - nông thôn.
2. Đặc điểm hệ thống đô thị nông thôn vùng ĐBSCL
2.1. Đặc điểm hệ thống đô thị nông thôn vùng ĐBSCL
Quá trình đô thị hóa ĐBSCL đã bằng chính nội lực, hệ thống đô thị theo tầng bậc được hình thành, bước đầu trở thành các trung tâm kinh tế và cung cấp hạ tầng thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp và cư dân. ĐBSCL đã dần trở thành điểm đến mới nổi tại Việt Nam thu hút đầu tư trong các lĩnh vực: nông sản và chế biến nông sản, các ngành công nghiệp nhẹ, dịch vụ hỗ trợ, du lịch, xây dựng. Các khu vực tiềm năng là: Cần Thơ, khu vực phía Nam TP.HCM, khu vực ven biển. Trong đó Cần Thơ có cơ sở hạ tầng: cảng, sân bay, kết nối với TP.HCM, tích tụ lao động và kinh tế, thực sự trở thành thủ phủ vùng ĐBSCL. Trung tâm công nghệ mới. Các tỉnh phía Nam TP.HCM hưởng lợi từ ảnh hưởng vùng TP.HCM như: Công nghiệp nhân công giá rẻ, hạ tầng không tắc nghẽn, chi phí sản xuất thấp. Khu vực ven biển lợi thế phát triển nuôi trồng thủy hải sản và du lịch, sản xuất điện năng lượng tự nhiên.
Khái quát lịch sử đô thị vùng ĐBSCL có thể nhận diện sự khác biệt so với các vùng KTXH khác, đô thị nông thôn ĐBSCL trong các thời kỳ đều gắn với xã hội trồng lúa, thương mại và chế biến lúa gạo. Cấu trúc định cư đô thị ĐBSCL theo dạng “thành thị nông thôn” hay “đô thị nông nghiệp” tạo nên bản sắc đặc trưng vùng sông nước, nhưng đô thị không tích tụ dân số và hoạt động kinh tế đủ mạnh để chủ động hơn trong điều tiết các hoạt động kinh tế nội vùng. Để đô thị hóa vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2030 cần thiết kế thừa lịch sử phân bố dân số, nhưng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, thì mọi hoạt động đô thị - nông thôn cần điều chỉnh. Phân bố dân cư ĐBSCL cần phải tập trung, không dàn trải để tiết kiệm hạ tầng và thích ứng BĐKH, phát huy thế mạnh tự nhiên phát triển giao thông đường thủy. Ứng dụng KHKT mới của CM 4.0 phát triển đô thị tăng cường liên kết vùng, gắn với hoạt động kinh tế nông nghiệp thúc đẩy giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng.
2.2. Cơ hội và thách thức đô thị hóa ĐBSCL trong thời kỳ 2020-2030
Cơ hội
- Nền kinh tế tăng trưởng, quá trình hội nhập quốc tế ĐBSCL từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tự do hóa thương mại;
- Đô thị hóa tạo cho tất cả các tỉnh trong vùng có môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút nguồn vốn FDI, không chỉ ở các tỉnh có lợi thế vị trí chiến lược như hiện nay;
- Vai trò của Cần Thơ và các đô thị tỉnh lỵ nâng cao, tăng kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM dễ dàng hơn, khi vùng có thêm các trọng điểm đô thị và hành lang kinh tế kết nối đến vùng TP.HCM, giúp ĐBSCL xây dựng thương hiệu và tăng hiệu quả đầu tư.
- Đô thị hóa thúc đẩy kinh tế tri thức, sẽ hấp thu lực lượng lao động dồi dào, tạo nên thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, từ đó thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp đang bắt nhịp với xu hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, kinh tế dịch vụ, du lịch có thêm cơ hội phát triển;
- BĐKH tạo nên khai phá tiềm năng mới trong quá trình đô thị hóa ở ĐBSCL đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và phát triển công nghiệp
Thách thức
- Giá trị sản xuất nông nghiệp truyền thống/độc canh lúa đã đi đến ngưỡng không thể tiếp tục tăng. Phát triển công nghiệp nặng còn hạn chế, công nghệ thấp;
- Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, thiếu cảng nước sâu, thiếu giao thông nội vùng và liên vùng, nên còn nhiều khu vực trong ĐBSCL chưa tiếp cận thuận lợi với TP.HCM và các khu vực khác ở Châu Á.
- Thiếu lao động có tay nghề cao, chảy máu chất xám. Chính sự ưu đãi của thiên nhiên đã hình thành lối sống cư dân an phận phụ thuộc vào thiên nhiên, nên khi chuyển mình theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn lực tại chỗ không đáp ứng được;
- Rủi ro môi trường & khí hậu, dịch vụ hỗ trợ còn kém. Áp lực về môi trường làm cho vùng ĐBSCL dễ bị tổn thương tạo nên các luồng dịch cư lớn.
Do vậy, đô thị hóa ĐBSCL trong thời kỳ 2020-2030 đặt ra yêu cầu cấp bách cần giải quyết là chuyển đổi cấu trúc không gian đô thị đáp ứng các yêu cầu phát triển hệ thống đô thị nông thôn quốc gia về lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội và quản trị đô thị.
2.3. Điều chỉnh QHXD vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (QĐ số 68/2018/QĐ-TTg), các vấn đề đạt được và tiếp tục nghiên cứu
Đạt được
Điều chỉnh QHXD vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Xây dựng lập quy hoạch với tầm nhìn phù hợp với cam kết quốc tế về PTBV và thích ứng với BĐKH. Đồ án quy hoạch đã đề cập đến tái cấu trúc vùng ĐBSCL, các không gian đô thị hóa phù hợp với 6 vùng sinh thái là: Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, dọc sông Tiền - sông Hậu, Tây Sông Hậu, Bán đảo Cà Mau và ven biển Đông. Không gian đô thị và các hình thái định cư tương lai hướng đến phát triển bền vững, phát huy giao thông đường thủy, vừa thích ứng với BĐKH vừa tạo nên động lực phát triển kinh tế dịch vụ - nông nghiệp và bảo vệ sinh thái.
Trong đó, vai trò của TP.HCM đối với ĐBSCL quan trọng đến tiến trình hội nhập quốc tế, đô thị hóa và chuyển đổi tái cấu trúc nền kinh tế. Trong thời kỳ tới, TPHCM tiếp tục là trung tâm vùng KTTĐPN, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia và khu vực ASEAN, đầu mối giao thương quốc tế, trung tâm tri thức sáng tạo và thương mại tài chính của khu vực Đông Nam Á. Hai tỉnh của ĐBSCL (Long An và Tiền Giang) là cửa ngõ kết nối TP.HCM với ĐBSCL, đảm nhận nhiều chức năng hỗ trợ TP.HCM và vùng TP.HCM.
Vai trò của Cần Thơ, tiếp tục là trung tâm vùng ĐBSCL, trung tâm kinh tế thương mại, đào tạo tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nền kinh tế từ nông nghiệp truyền thống chuyên canh lúa sang nông nghiệp chất lượng cao, đa dạng sản phẩm. Hành lang kinh tế quốc gia kết nối Cần Thơ - TP.HCM đặc biệt quan trọng thông qua hệ thống kết nối nhanh, đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không sẽ đi qua 2 tỉnh Long An và Tiền Giang.
Điều chỉnh QHXD vùng ĐBSCL (quyết định số 68/2018/QĐ-TTg), đã đặt ra nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước, gìn giữ hệ sinh thái đa dạng sinh học và thích nghi với BĐKH là yếu tố cốt lõi tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị - nông thôn vùng ĐBSCL; phát triển đô thị - nông thôn vùng ĐBSCL hiện đại, duy trì giá trị văn hóa lối sống sông nước miệt vườn và nâng cao chất lượng môi trường sống trong các khu định cư đô thị - nông thôn.
Tiếp tục nghiên cứu
Để thúc đẩy không gian liên kết kinh tế vùng ĐBSCL với các tỉnh trong vùng TP.HCM và khu vực tiểu vùng sông Mê Kong mở rộng, vấn đề trước hết đối với vùng ĐBSCL là phát triển mạng lưới logictics cấp vùng trên cơ sở thiết lập hạ tầng giao thông kết nối liên vùng.
Phát triển mạng lưới logictics cấp vùng ĐBSCL trong đó cơ bản đóng góp bởi 2 yếu tố: (1) Tuyến: gồm đường bộ và đường thủy; (2) Nút: gồm hệ thống đô thị và cảng. Việc phát triển hệ thống này ở ĐBSCL đặc biệt khó khăn hơn hẳn các vùng khác bởi đây là vùng trũng thấp, nền đất yếu và nhiều vùng sụt lún, đồng thời, các tác động từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm cho tình hình thêm nghiêm trọng.
Với nguồn lực đầu tư hạn chế cho hạ tầng vùng, ít khả năng hoàn vốn ngắn hạn, vùng ĐBSCL cần chọn ra các ưu tiên cốt lõi để đầu tư xây dựng khung logictics này, thay vì trình bày bức tranh viễn cảnh toàn dân, xa vời, với một mạng lưới hoàn chỉnh.
- Một số gợi ý quan điểm phát triển liên kết không gian vùng đô thị vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2030
+ Quan điểm thứ nhất: Phát triển vùng tự chủ, thịnh vượng
Không thể phủ nhận rằng Vùng Đông Nam Bộ có vai trò lớn đối với ĐBSCL. Song ĐBSCL là một vùng lãnh thổ lớn, do đó phải là một vùng kinh tế tự chủ - thịnh vượng. Một khi hầu hết nông sản phải dựa vào Miền Đông để phân phối tiêu thụ, tri thức và công nghệ đều chờ lan tỏa từ phía Đông; các trục đường hướng Đông sẽ đóng vai trò chính, các tỉnh gần phía Đông sẽ giàu có hơn phía Tây. Sự mất cân bằng kinh tế vùng đang kéo theo dòng người dịch cư về Đông ngày càng lớn. Đó là một xu hướng không bền vững cần sớm có biện pháp phòng ngừa.
Chỉ có thể là các đầu mối hạ tầng quốc gia lớn mới đủ khả năng kéo lại sự cân bằng về phía Tây. Trong đó 1 cảng biển nước sâu tại trung điểm của bờ biển Đông (ở Sóc Trăng) và 1 cảng biển nước sâu tại trung điểm bờ biển vịnh Thái Lan (ở Kiên Giang). 2 đầu mối này ít nhất sẽ đưa 1/2 nông sản của vùng ĐBSCL trực tiếp ra thị trường quốc tế, thay vì vận chuyển đến các cảng Hiệp Phước, Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải. 2 đầu ra này sẽ là điểm đến của các trục giao thông - kinh tế nội vùng, san sẻ lượng giao thông đi về Đông, hiện đang dồn tụ tại Tân An, ra các cạnh phía Nam và Tây. Từ đó, các đô thị trên các trục kinh tế hướng Tây và Nam sẽ có nhiều động lực hơn để phát triển, lan tỏa ảnh hưởng xa hơn đến các vùng nông thôn lân cận, khiến cho sức “tự tại” của toàn vùng mạnh lên.
+ Quan điểm thứ hai: Phát triển vùng không lùi bước trước biển dâng
Vùng ĐBSCL đang “chìm” dần trước nguy cơ nước biển dâng. Song điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta phải di dân phần lớn ra khỏi lãnh thổ để nhường chỗ cho biển. Trái lại, chúng ta phải chuẩn bị cho một tương lai sống chung với nước mặn nhiều hơn. Hệ thống đô thị sẽ là hậu phương vững chắc giữ đất, giữ nước; làm căn cứ cho nông thôn trong quá trình chuyển dịch kinh tế phù hợp điều kiện mới. Bởi vậy, chính tại lúc này những hoạch định tiến ra gần hơn với biển tại các vị trí thuận lợi lại là cần thiết hơn bao giờ hết.
Hệ thống đô thị, cộng với các tuyến giao thủy bộ kết nối chằng chịt giữa chúng, sẽ tạo dựng bộ khung xương cốt lõi. Bộ khung ấy cần đảm bảo hoạt động tốt ở các kịch bản thấp và cao khi nước biển dâng trong 100 năm tới. Bởi vậy, yếu tố căn bản để lựa chọn hình thái của bộ khung này là cao độ nền. Nói cách khác, bộ khung cần được hoạch định với phương châm “thuận thiên” tối ưu, căn bản dựa trên hình thế tự nhiên của vùng. Một khi có được hệ thống đô thị và giao thông liên kết chúng đứng vững trên các “rồng” đất cao, ngay cả trong trường hợp xấu nhất của kịch bản nước biển dâng, hệ thống đó vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, cung ứng các dịch vụ phân phối, lưu thông, khoa học kỹ thuật, công cụ cho vùng sản xuất nông nghiệp xung quanh. Các đô thị gần nhau có thể liên kết, hỗ trợ nhau trong các giải pháp thích ứng tình hình mới như xây dựng đê ngăn mặn, chuyển đổi mô hình kinh tế, đẩy mạnh giao thông thủy. Như vậy, mạng lưới đô thị không chìm sẽ là nền tảng căn bản để trong tương lai, chúng ta có thể giữ được đất, lấy lại đất, hoặc thích ứng một cách có lợi nhất trong tình hình mới.