Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc gửi tới kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII

Thứ sáu, 07/06/2013 10:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 06/6,Bộ Xây dựng đã có công văn 1068/BXD-QLN trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc với nội dung kiến nghị:“Có ý kiến cử tri cho rằng việc Nhà nước đầu tư kinh phí để tháo gỡ cho thị trường bất động sản là không hợp lý, người dân không được hưởng lợi từ chính sách này. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp.”“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại chính sách giải cứu thị trường bất động sản, cử tri cho rằng chính sách hiện nay thực chất là lấy tiền của người nghèo để hỗ trợ người giàu.” Bộ Xây dựng xin được trả lời như sau: 

Trong năm 2011 và năm 2012 thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, giá cả bất động sản nhà ở sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch không nhiều, một số dự án không có giao dịch. Nhiều doanh nghiệp bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản thực sự gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường bất động sản đóng băng không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, giảm thu ngân sách nhà nước, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp xây lắp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng trang trí nội thất. Tồn kho vật liệu xây dựng, nhất là kính xây dựng, xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh theo đó cũng tăng lên, dẫn đến các doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, không phát huy hết công suất, thậm chí dừng sản xuất. Một số không nhỏ doanh nghiệp rơi vào tình trạng kinh doanh thua lỗ, phá sản đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo việc kiểm tra, đánh giá tình hình và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 06/12/2011 về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường phát triển bền vững. Tiếp đó, Bộ đã tiến hành kiểm tra tại 11 địa phương trọng điểm, đồng thời yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát các dự án nhà ở, phân loại dự án cần tạm dừng, dự án cần điều chỉnh cơ cấu, dự án được tiếp tục triển khai. Tháng 12/2012, Bộ đã tổng hợp, báo cáo đánh giá thực trạng tình hình thị trường bất động sản, trong đó phân tích rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng “đóng băng” của thị trường như: thị trường bất động sản phát triển thiếu quy hoạch, chưa có kế hoạch, lệch pha cung - cầu; cơ cấu hàng hóa mất cân đối; hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện; năng lực doanh nghiệp bất động sản hạn chế; công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập…

Một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là phải khắc phục được sự lệch pha cầu cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người dân. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng xác định quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, hướng tới người nghèo để người nghèo có nhà ở, trên cơ sở đó Bộ đã đề xuất 06 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, bao gồm cả giải pháp trước mắt và cả giải pháp lâu dài, cụ thể là: (1) hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm thị trường phát triển ổn định theo quy hoạch, kế hoạch, cân đối cung - cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; (2) rà soát, điều chỉnh cơ cấu các dự án bất động sản; (3) giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng; (4) điều chỉnh chính sách tài khóa; (5) các giải pháp cho doanh nghiệp bất động sản; (6) cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thông tin, củng cố niềm tin cho thị trường.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng đề xuất được các Bộ, ngành liên quan ủng hộ và đã được Chính phủ nghiên cứu, xem xét, đưa vào Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.

Sau khi có Nghị quyết 02, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cụ thể: 1) Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý đô thị, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản; 2) Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP và hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thực hiện, Bộ đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BXD ngày 08/3/2013 hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ; 3) Phối hợp với các địa phương rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng và các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; 4) Tập trung triển khai Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia: Chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương xây dựng chương trình phát triển nhà ở của địa phương phù hợp với nội dung Chiến lược và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội để từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của nhân dân. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng (trong đó có: 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ, với tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng).

Đặc biệt là phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành các Thông tư quy định về đối tượng, điều kiện cho các đối tượng là người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực luợng vũ trang vay để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích sàn nhỏ hơn 70m2 , giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 và cho chủ đầu tư vay để triển khai các dự án nhà ở xã hội hoặc các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội (Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 15/5/2013), nhằm triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với quy mô 30.000 tỷ đồng.

Đánh giá chung tình hình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, cho thấy:

- Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết số 02/NQ-CP được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay, được các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và đa số người dân đồng tình ủng hộ, bước đầu đã phát huy hiệu quả, củng cố niềm tin cho thị trường.

- Nghị quyết số 02/NQ-CP đã được Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành và các địa phương tích cực triển khai. Một số địa phương có nhiều dự án bất động sản như Hà Nội, TP.HCM đã thành lập Tổ công tác riêng để thường trực giải quyết nhanh các thủ tục cho doanh nghiệp.

- Qua việc thực hiện Nghị quyết, các địa phương đã tổng hợp được số liệu cơ bản về các dự án phát triển nhà ở và những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bước đầu đã phân loại các dự án cần tạm dừng, các dự án được tiếp tục triển khai và các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

- Nhiều doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước... để giảm giá thành; bán hạ giá để cắt lỗ; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mại. Thị trường bất động sản đã hướng tới người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của thị trường.

- Giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá năm 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Đây cũng là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, gần đây thị trường bất động sản đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP.HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên.

- Sắp tới, khi Quốc hội thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi và Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi với nhiều cơ chế ưu đãi như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho nhà ở xã hội; đồng thời, khi gói hỗ trợ tín dụng cho người thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP được thực hiện, chắc chắn những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ từng bước được tháo gỡ.

Có thể nói, hệ thống giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ chủ yếu tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách và hỗ trợ tín dụng cho người có thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị có điều kiện cải thiện nhà ở. Nếu các giải pháp này được triển khai tốt thì không chỉ thị trường bất động sản có điều kiện phát triển ổn định trở lại mà một bộ phận lớn người có thu nhập thấp có được nhà ở tốt hơn, góp phần phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từ đó mọi người dân cũng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống cũng cần phải có thời gian. Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu đề xuất Chính phủ điều chỉnh linh hoạt các giải pháp phù hợp để thị trường bất động sản phát triển ổn định, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đồng thời đạt được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1068/BXD-QLN.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)