40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn

Tuesday, 09/01/2009 00:00
Acronyms View with font size
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân bản Di chúc lịch sử. Người căn dặn những việc cần phải làm để hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu  nước, thống nhất Tổ quốc, hàn gắn các vết thương chiến tranh, xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn... Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.

Đội ngũ công nhân ngành Xây dựng đã góp phần xây dựng đất nước đàng hoàng hơn to đẹp hơn. Ảnh: Ngụy Hoàng Sơn

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm Cách mạng Tháng Tám, tiến hành các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng ta, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước  thắng lợi thì Đảng cần phải có kế hoạch thật chu đáo để phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Trong bản Di chúc Bác viết:

Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Bác yêu cầu  Đảng và Nhà nước chăm lo cuộc sống của nhân dân từ cái ăn, nơi ở, phát triển kinh tế, văn hoá, xây dựng đời sống mới để không ngừng cải thiện và nâng cao dần đời sống người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ ra rằng: Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân: Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Người từng trả lời các nhà báo trong và ngoài nước: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân để thực hiện ham muốn tột cùng ấy. Người căn dặn Đảng ta, sau khi kết thúc chiến tranh thì công việc đầu tiên là đối với con người mà trước hết là thương binh, gia đình thương binh và thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng, miễn thuế nông nghiệp cho nông dân, chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ để kế thừa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội…  Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện tình cảm thương dân, tự hào vô hạn về nhân dân ta và trách nhiệm nặng nề của Đảng với nhân dân khi viết: Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Năm 1968, Người còn viết thêm mấy điểm vào Di chúc, căn dặn Đảng ta cần chú trọng xây dựng lại các TP, làng mạc đàng hoàng hơn trước chiến tranh, thay đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với  hoàn cảnh mới của nhân dân, ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… 

Bốn mươi năm qua, thực hiện Di chúc của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo nhân dân làm tốt nhiều điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàn gắn các vết thương chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng lại các thành phố, từng bước đô thị hóa các vùng nông thôn, bộ mặt đất nước ta từ thành thị đến thôn quê ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đặc biệt là từ năm 1986, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi khủng hoảng, thực hiện CNH, HĐH đất nước, mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế thế giới, xã hội ổn định, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Có thể nói, với đường lối đổi mới và các chính sách kinh tế phù hợp, được sự ủng hộ và thực hiện sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, từ một nước nghèo, chậm phát triển trong mấy chục năm qua Việt Nam đã vượt lên thoát khỏi nước nghèo, có tốc độ phát triển kinh tế khá cao ở châu Á. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những thành tựu to lớn, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở tốp các nước hàng đầu thế giới. Kinh tế phát triển gắn liền với thực hiện các chính sách xã hội, chăm lo cho con người. Đời sống của đại đa số nhân dân có mức tăng trưởng, ngày càng cải thiện và nâng cao. Trong quá trình đổi mới nhiều phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá đã lan toả và phát triển mạnh mẽ tạo ra những thay đổi nhanh chóng trên mọi vùng, miền của đất nước.

Nhìn lại 40 năm thực hiện Di chúc của Bác, chúng ta nhận thấy việc thực hiện tâm nguyện và lời dặn của Bác về phát triển kinh tế và văn hoá để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân có những phát triển mới và vẫn còn phải tiếp tục lâu dài . Trong đó ngành Xây dựng đã có những thành tựu to lớn và nhiệm vụ còn rất nặng nề. Trước tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới bên cạnh những khó khăn cũng có cơ hội để ngành Xây dựng có thể nắm lấy để cơ cấu lại và tập trung vào đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế quản lý và giảm giá thành, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)