Chỉ thị: Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành sản xuất, nỗ lực khắc phục tháo gỡ khó khăn, chặn đà suy giảm sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2013 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng

Thursday, 11/28/2013 09:06
Acronyms View with font size
Ngày 27/11, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BXD về việc tăng cường công tác chỉ đạo điều hành sản xuất, nỗ lực khắc phục tháo gỡ khó khăn, chặn đà suy giảm sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2013 của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch năm 2013 và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2015 một cách hiệu quả, ổn định và bền vững, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các Tổng công ty 100% vốn nhà nước và Người đại diện phần vốn nhà nước tại các Tổng công ty cổ phần tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng: số 01/CT-BXD ngày 23/01/2013 về tăng cường việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, số 02/CT-BXD ngày 14/10/2013 về tăng cường thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng quản lý vốn, tài sản và lao động tại các doanh nghiệp thuộc Bộ.

2. Tiếp tục rà soát tình hình sản xuất kinh doanh trên cơ sở kế hoạch đã được giao từ đầu năm; điều hành quyết liệt, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2013; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và theo nguyên tắc: có tăng trưởng hợp lý, ổn định, hiệu quả và đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu: doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu. Thực hiện tốt các giải pháp lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính tại các doanh nghiệp, tiếp tục rà soát, đối chiếu và phân loại các khoản nợ (nợ phải trả, nợ phải thu) đồng thời tập trung xử lý các khoản nợ, sản phẩm tồn kho… cũng như cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thực hiện đúng các quy định tại các Nghị định của Chính phủ: số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 về Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với các doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước; số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

4. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng các nguồn vốn và gắn với việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng. Phát hiện, ngăn chặn và không để xảy ra tình trạng tham nhũng tại doanh nghiệp, đơn vị.

5. Tiếp tục rà soát kỹ các dự án đang triển khai và dự án chuẩn bị đầu tư, kiên quyết dừng triển khai các dự án không có hiệu quả, không khả thi và không đủ điều kiện thực hiện.

6. Tập trung đầu tư nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư sắp hoàn thành, các dự án có khả năng phát huy hiệu quả sớm như: Đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị: cần tính toán lại hiệu quả, tính khả thi của từng dự án cụ thể, trên cơ sở đó xem xét lại tiến độ thực hiện, khả năng huy động các nguồn vốn để có biện pháp đầu tư thích hợp, phát huy được hiệu quả đầu tư; Đối với các dự án vật liệu xây dựng: Đánh giá lại toàn diện thực trạng công nghệ sản xuất, khả năng quản lý và hệ thống tiêu thụ (có so sánh với thực tế hiện nay trên thế giới); mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào (năng lượng. nguyên liệu) đến khả năng tiêu thụ sản phẩm. Không đầu tư mới, không đầu tư mở rộng các dự án nếu không có đánh giá cụ thể và tính khả thi cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong giai đoạn hiện nay và dự báo trong các năm kế tiếp; Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (bao gồm vốn đầu tư phát triển, chương trình mục tiêu, sự nghiệp kinh tế, khoa học, ODA sửa chữa thường xuyên,…): căn cứ kế hoạch vốn đầu tư năm 2013 đã được giao, khẩn trương tổ chức, triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm đúng tiến độ.

7. Tập trung chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ thanh toán, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giảm nợ đọng vốn tại các dự án. Kịp thời báo cáo Bộ tình hình công nợ các công trình, dự án hiện có vướng mắc về thủ tục thanh toán để có hướng xem xét, giải quyết.

8. Thực hiện nghiêm các quy định, trình tự thủ tục và phân cấp trong quản lý đầu tư xây dựng. Làm tốt công tác giám sát đánh giá đầu tư bảo đảm có chất lượng hiệu quả và gửi báo cáo định kỳ về Bộ. Nêu rõ những khó khăn và vướng mắc trong quá trình thực hiện. Báo cáo về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 và tờ trình xin phê duyệt Danh mục các dự án đầu tư của các đơn vị phải gửi về Bộ trước ngày 30/11/2013 để Bộ Xây dựng có ý kiến trước khi Hội đồng thành viên (Hội đồng quản trị) các đơn vị phê duyệt theo thẩm quyền. Quyết định phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2014 các đơn vị phải gửi về Bộ để theo dõi, kiểm tra và đánh giá theo tinh thần Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ.

9. Thực hiện nghiêm túc nội dung Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt; định kỳ báo cáo Bộ kết quả thực hiện theo quy định.

10. Rà soát, kiện toàn công tác cử người đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp khác, phù hợp với nội dung quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 của Chính phủ về việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu (trong đó quy định Thành viên Hội đồng thành viên không là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc các chức vụ quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thành viên).

11. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung để trình Bộ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty phù hợp với các quy định hiện hành.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Chỉ thị 04/CT-BXD.
 

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)