Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/12/2024-3/1/2025

Monday, 01/06/2025 14:56
Acronyms View with font size

Chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan nhà nước; chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/12/2024-3/1/2025.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/12/2024-3/1/2025.

Thủ tướng chỉ thị chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 1/CT-TTg ngày 3/1/2025 về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch và Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc tập trung thực hiện nhiệm vụ cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2025 - 2030, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với yêu cầu là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở đó, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy và khẩn trương hoàn thành nhanh nhất các công trình, dự án nguồn điện, truyền tải điện trong phạm vi quản lý của cơ quan mình. Tuyệt đối không để các dự án, công trình ách tắc do việc xử lý chậm trễ các thủ tục hành chính của bộ, ngành, cơ quan, địa phương...

Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2025.

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức tối đa là 200.000.000 đồng.

Quy định trình tự đầu tư xây dựng

Chính phủ ban hành Nghị định số 175/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xây dựng về quản lý hoạt động xây dựng. 

Theo đó, trình tự thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Xây dựng năm 2014 được quy định cụ thể như sau:

a- Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài (nếu có); lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có); khảo sát xây dựng phục vụ lập dự án; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng làm cơ sở lập dự án; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng; các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án.

b- Giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc: chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có); khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng); ký kết hợp đồng xây dựng; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành; vận hành, chạy thử; nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng; quyết toán hợp đồng xây dựng; giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng; các công việc cần thiết khác liên quan đến thực hiện dự án.

c- Giai đoạn kết thúc xây dựng gồm các công việc: quyết toán hợp đồng xây dựng, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, xác nhận hoàn thành công trình; bàn giao công trình đưa vào sử dụng; bảo hành công trình xây dựng, bàn giao các hồ sơ liên quan; giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng; các công việc cần thiết khác.

Quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định 176/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. 

Nghị định này quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; nội dung chi, mức chi cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi

Chính phủ ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng. 

Trong đó, Nghị định nêu rõ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi gồm:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 2 Nghị định này không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm theo quy định của cấp có thẩm quyền hoặc còn đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nhưng thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 2 hoặc thuộc đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định này;

b) Tính đến ngày nghỉ hưu có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (bao gồm cả thời gian tập sự, thử việc) để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm hưởng chế độ. Tuổi nghỉ hưu được xác định theo quy định của pháp luật về lao động tại thời điểm thôi việc, nghỉ hưu;

c) Có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi và được cấp có thẩm quyền đồng ý.

Chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy 

Chính phủ ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. 

Trong đó, Điều 9 Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định cụ thể chính sách nghỉ thôi việc đối với cán bộ, công chức quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định này. Theo đó, cán bộ, công chức có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định này, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng các chế độ như sau:

1. Được hưởng trợ cấp thôi việc:

a) Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

b) Đối với người nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

2. Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

3. Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

4. Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.

Chính sách nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP được quy định cụ thể tại Điều 10. Theo đó, viên chức và người lao động có tuổi đời từ đủ 02 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và không đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi quy định tại Điều 7 Nghị định này, nếu nghỉ thôi việc thì được hưởng các chế độ như sau:

1. Được hưởng trợ cấp thôi việc:

a) Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

b) Đối với người nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền thì được hưởng bằng 0,4 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng tính hưởng trợ cấp thôi việc.

2. Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

3. Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

4. Được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan nhà nước 

Chính phủ ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. 

Nghị định nêu rõ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương phải ưu tiên bố trí biên chế để tuyển dụng đối tượng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức, viên chức chịu trách nhiệm xác định cụ thể vị trí việc làm cân sử dụng người có tài năng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Việc tuyển dụng vào làm công chức, viên chức đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định được thực hiện thông qua xét tuyển. Nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục xét tuyển được thực hiện theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức.

Giảm thuế giá trị gia tăng đến 30/6/2025 

Chính phủ ban hành Nghị định số 180/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Nghị định nêu rõ, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

c- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

Quy định mới về quản lý vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ

Chính phủ ban hành Nghị định số 181/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ. 

Nghị định nêu rõ: Vật liệu nổ công nghiệp được bảo quản trên phương tiện vận chuyển, vị trí trung chuyển và tại khu vực nổ mìn phải bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Kho vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng, an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Chỉ các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn được sử dụng, quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp. Việc đầu tư, xây dựng, mở rộng, cải tạo kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình, quy chuẩn kỹ thuật và quy định pháp luật liên quan.

Quy định thành lập, quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư

Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. 

Nghị định này quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư (Quỹ); áp dụng đối với Quỹ, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam đáp ứng tiêu chí và điều kiện tại Nghị định này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ.

Hằng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải báo cáo lượng gạo tồn kho

Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP: Định kỳ vào Thứ 5 hàng tuần thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.

Thay vì phải báo cáo hàng tuần, quy định trên được Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi như sau: Định kỳ trước ngày 05 hàng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành.

Quy định mới về mức hưởng bảo hiểm y tế áp dụng từ ngày 1/1/2025

Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm y tế, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023. 

Theo quy định, từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, khi khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản đạt số điểm dưới 50 điểm hoặc được tạm xếp cấp cơ bản, người tham gia bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% mức hưởng.

Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch). 

Quy hoạch xác định cấu trúc phát triển đô thị là vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm: Vùng đô thị phía Nam sông Hồng, gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô lịch sử mở rộng, khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam - Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín.

Vùng đô thị phía Đông gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

Vùng đô thị phía Bắc gồm huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (dự kiến hình thành thành phố phía Bắc).

Vùng đô thị phía Tây gồm thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, trong đó có dự kiến hình thành thành phố phía Tây trong tương lai, nâng loại đô thị thành phố Sơn Tây.

Vùng đô thị phía Nam gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, có tính đến nghiên cứu thành phố phía Nam trong tương lai.

Hệ thống đô thị vệ tinh và sinh thái được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm.

Phê duyệt Phương án sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đến năm 2030

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Phương án sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đến năm 2025, giai đoạn 2026 - 2030. 

Theo Quyết định, Bộ Y tế trực tiếp quản lý một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện đảm nhiệm nhiệm vụ đảm bảo an ninh y tế tại vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế - xã hội trọng điểm, phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia.

Chuyển về các địa phương quản lý hoặc sáp nhập vào các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế đối với bệnh viện không thuộc quy định nêu trên.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của Chiến lược nhằm phát triển giáo dục Việt Nam hiện đại, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn minh nhân loại, phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên mới, chủ động tham gia và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các tiến bộ mới nhất của khoa học và công nghệ; chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc...

Phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát là phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là Thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Nâng cao hiệu quả của trung tâm học tập cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1716/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Chương trình nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030. 

Mục tiêu của Chương trình nhằm tạo chuyển biến trong việc tổ chức các chương trình và hoạt động giáo dục của trung tâm học tập cộng đồng tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đảm bảo đến năm 2030, người chưa biết chữ được theo học các lớp xóa mù chữ có chất lượng; người lớn tuổi, người lao động có cơ hội theo học chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học, cập nhật kiến thức kỹ năng chuyển giao công nghệ một cách thiết thực, hiệu quả; góp phần vào nâng cao dân trí, tìm việc làm và tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, xây dựng xã hội học tập.

Phê duyệt Đề án xây dựng và quản lý Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 2/1/2025 phê duyệt Đề án xây dựng và quản lý Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Mục tiêu của Đề án là hình thành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương trên môi trường điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về quy hoạch, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, giúp đơn giản hóa, thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quy hoạch, bảo đảm thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng thông tin quy hoạch. 

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)