Tập trung nguồn lực thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống

Thứ hai, 08/07/2024 14:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Một điểm đáng chú ý trong Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua là tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lấy sông Hồng là trung tâm phát triển, gắn với lịch sử văn hóa Thủ đô là điểm nhấn quan trọng. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Theo đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch chung Thủ đô) phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Thành phố.

Đồng thời, phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô và cả nước.

Khai thác hiệu quả quỹ đất các bãi sông theo đúng quy định

Liên quan đến các con sông trên địa bàn Hà Nội, cụ thể hơn, Luật Thủ đô năm 2024 cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan.

Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.

Trong khu vực nội đô lịch sử, không mở rộng diện tích đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.

Cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo luật Thủ đô năm 2024, UBND Thành phố phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô và các quy hoạch khác có liên quan. HĐND Thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng các công trình ở bãi sông, bãi nổi.

Những quy định trên là điều kiện thuận lợi, khung pháp lý quan trọng để vừa bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai, vừa khai thác hiệu quả quỹ đất các bãi sông trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đúng quy định. Bởi thực tế, Hà Nội có hệ thống sông chảy qua địa bàn và hệ thống đê điều quy mô lớn, ở nhiều cấp độ khác nhau.

Nhiều vướng mắc sẽ được giải quyết theo luật định

Hà Nội hiện có 2 hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Thái Bình, với 7 con sông chảy qua địa bàn là: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy.

Ngoài ra, thành phố còn có hệ thống các sông nội địa như sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà… Toàn thành phố có hơn 626km đê được phân cấp và trên 132km đê chưa phân cấp, đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã.

Cùng với hệ thống sông và đê điều là diện tích đất bãi sông, bãi nổi trên các dòng sông khá lớn, có quy mô khác nhau. Để khai thác các bãi bồi màu mỡ được phù sa bồi đắp hằng năm, trong lịch sử đã hình thành các làng ngoài đê ở nhiều địa phương.

Trong đó, phải kể đến những khu vực dân cư sinh sống lâu đời ngoài đê sông Hồng chảy qua địa bàn các huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên…

Kèm theo đó là làng mạc với hệ sinh thái cộng đồng làng xã về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, đời sống sinh hoạt hằng ngày…

Nhiều chuyên gia cho rằng, với điểm mới trong Luật Thủ đô năm 2024, nhiều vướng mắc về sử dụng bãi sông, bãi nổi trên sông sẽ được xem xét, giải quyết theo luật định. Vấn đề quan trọng hiện nay là các địa phương nằm trong diện này cần sớm tuyên truyền cho người dân hiểu và đồng thuận, từ đó có định hướng khảo sát, đánh giá hiện trạng để áp dụng khi luật chính thức có hiệu lực.

Đặc biệt, với vấn đề khai thác bãi sông, bãi nổi trên sông, ngoài bảo đảm nghiêm ngặt yêu cầu phòng, chống thiên tai; các địa phương cần sớm có những định hướng, kế hoạch cụ thể để tăng cường quản lý việc đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai.

Quá trình khai thác các quỹ đất bãi sông, bãi nổi cần tính toán để bảo đảm sự kết nối, phù hợp với không gian hình thái tổng thể đô thị, làng xóm trong khu vực cũng như các khu vực phố phường, làng xóm liền kề.

Song hành là vấn đề phòng, chống lũ, cần căn cứ các dữ liệu hành lang thoát lũ, tính toán kịch bản lũ lụt để bổ sung công viên, cảnh quan hai bên sông, phát triển sản xuất, dịch vụ phù hợp…

Luật Thủ đô năm 2024 đã tạo khung khổ pháp lý mới, từ đó giúp hình thành không gian mới cho hệ thống bãi sông, bãi nổi trên địa bàn thành phố Hà Nội đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới là vừa bảo đảm phòng, chống thiên tai, vừa phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế cho người dân.

Trước đó, Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng đã nhấn mạnh, cần chú trọng nghiên cứu phương án phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hoà các không gian hai bên bờ sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, với mục tiêu không gian phát triển sông Hồng sẽ là "biểu tượng phát triển mới" của Thủ đô.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào các quy hoạch và quyết định quy hoạch định hướng để sử dụng hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là cho phát triển du lịch, dịch vụ.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thực hiện những chỉ đạo cụ thể trong Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị, TP. Hà Nội cần tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô và đồ án Quy hoạch chung Thủ đô, nâng cao chất lượng quy hoạch để đáp ứng những yêu cầu lần đầu tiên đặt ra. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cần tập trung nguồn lực để thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống, đồng thời phải có những động thái mạnh mẽ, quyết liệt hướng tới môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Thành phố.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)