Nghiên cứu xây dựng chính sách quản lý phát triển không gian ngầm đô thị tại Việt Nam

Thứ năm, 02/11/2023 15:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM.

 

1. Nhu cầu thực tiễn và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với việc phát triển không gian ngầm đô thị

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế, xã hội, sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, áp lực lớn về nhu cầu quỹ đất xây dựng đô thị rất lớn, đặc  biệt đối với các khu vực trung tâm, khu vực lõi đô thị và sự gia tăng nhu cầu về sử dụng không gian ngầm đô thị để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc sử dụng cho các nhu cầu về thương mại, dịch vụ, đặc biệt là việc sử dụng không gian ngầm để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị hiện đang được triển khai tại Hà Nội và TP.HCM. Đứng trước vấn đề này, yêu cầu đặt ra ở Việt Nam là phải tận dụng, khai thác và quản lý phát triển không gian ngầm một cách có hiệu quả góp phần quản lý và phát triển đô thị hiện đại và bền vững.

Để đáp ứng đòi hỏi của quá trình phát triển đô thị, ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TƯ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đén 2045. Nội dung Nghị quyết 06-NQ/TƯ đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho việc quản lý phát triển và sử dụng không gian xây dựng ngầm đô thị nước ta, trong đó xác định rõ nhiệm vụ xây dựng khung pháp lý cho phát triển không gian ngầm đô thị, sử dụng không gian ngầm đô thị

2. Khái quát thực trạng phát triển không gian ngầm và các quy định của pháp luật quản lý không gian ngầm đô thị nước ta

2.1. Khái quát thực trạng về khai thác, sử dụng không gian ngầm đô thị

Theo quy định tại Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị, công trình ngầm đô thị là những công trình được xây dựng dưới mặt đất tại đô thị bao gồm: Công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy nen kỹ thuật. Các công trình ngầm tại các đô thị hiện nay được đầu tư xây dựng, khai thác vận hành bởi nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau thuộc trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau.

- Công trình công cộng ngầm: Tại các đô thị ở nước ta hiện chưa có công trình công cộng ngầm xây dựng độc lập, riêng rẽ với công trình nổi. Chức năng công cộng chỉ xuất hiện tại tầng hầm của công trình xây dựng cao tầng trên mặt đất, tại các tổ hợp công trình có quy mô lớn như tại trung tâm thương mại và chung cư cao tầng tại các thành phố lớn…

- Công trình giao thông ngầm: Hệ thống giao thông ngầm của đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM về cơ bản mới đang bắt đầu hình thành. Hệ thống khung là đường sắt đô thị ngầm đang bắt đầu được xây dựng. Tuy nhiên, các tuyến và ga hiện đang được nghiên cứu và xây dựng khá độc lập. Mặt khác, vấn đề kết hợp các nhà ga đường sắt đô thị với các công trình ngầm xung quanh cũng chưa được nghiên cứu, có quy định, hướng dẫn cụ thể, thiếu sự phối hợp trong triển khai.

Bãi đỗ xe ngầm: Hiện đã có một số bãi xe ngầm được đầu tư xây dựng tại các đô thị lớn như Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM, tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư xây dựng. Nhiều bãi đỗ xe ngầm được xác định trong quy hoạch đô thị, được chuẩn bị đầu tư trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện đầu tư xây dựng.

- Phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất: Công trình xây dựng có tầng hầm tập trung chủ yếu tại khu vực trng tâm của các đô thị lớn. Các công trình công cộng ngầm hoặc tầng ngầm của công trình xây dựng tại đô thị trung tâm đại bộ phận mới có chức năng phục vụ đỗ xe, rất ít các chức năng khác.

- Hệ thống tuy nen, hào kỹ thuật, cống bể kỹ thuật: Do vấn đề vốn đầu tư lớn nên tuy nen kỹ thuật chưa được chú trọng đầu tư tại các đô thị; phần lớn là đầu tư hệ thống cống, bể cáp và hào kỹ thuật để bố trí hạ ngầm cáp điện lực và thông tin.

- Công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm: Hệ thống cáp điện lực: Hệ thống điện trung, hạ áp gồm dây nổi đi trên cột bê tông và cáp ngầm (chôn trực tiếp và trong hào kỹ thuật). Việc ngầm hóa hệ thống đường dây truyền tải điện của các đô thị hiện nay còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ ngầm hóa lưới điện cao áp đạt tỷ lệ thấp, lưới điện trung áp thấp và chủ yếu theo hình thức “chôn lấp” và việc ngầm hóa chưa được triển khai ngăn nắp.

Tóm lại, việc khai thác sử dụng không gian ngầm tại các đô thị ở nước ta hiện mới bắt đầu, chưa tương xứng cả về số lượng lẫn chất lượng so với nhu cầu phát triển tại các đô thị, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

2.2. Khái quát quy định pháp luật về quản lý không gian xây dựng ngầm

a) Các Luật do Quốc hội ban hành

Hiện nay, chưa có luật riêng điều chỉnh toàn diện về quản lý không gian xây dựng ngầm. Công tác quản lý về xây dựng trong đó có xây dựng công trình ngầm đô thị được lồng ghép trong nội dung của Luật Xây dựng năm 2003, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2020; công tác quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị được quy định trong Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; công tác quản lý đất đai trong đó có đất sử dụng để đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị được quy định trong nội dung Luật Đất đai năm 2013.

- Luật Xây dựng và các văn ban hướng dẫn quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động đầu tư xây dựng trong đó có các hoạt động đầu tư xây dựng công trình ngầm. Phạm vi của Luật điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng từ bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng công trình và đưa công trình vào khai thác sử dụng. Mốt số quy định cụ thể liên quan đến việc xây dựng công trình ngầm như nội dung giấy phép xây dựng (khoản 3 Điều 47 Luật Xây dựng 2014) bao gồm các yêu cầu về khai thác sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên mặt đất, dưới mặt đất…

- Luật Quy hoạch đô thị năm 2009: đã quy định về nội dung quy hoạch không gian ngầm trong các đồ án quy hoạch đô thị và có 2 điều quy định về nguyên tắc quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị (Điều 66 quy định quản lý không gian ngầm, Điều 67 quy định Quản lý xây dựng công trình ngầm).

- Luật Đất đai năm 2013 có quy định về đất để xây dựng công trình ngầm. Trong đó quy định về nguyên tắc đối với việc sử dụng đất xây dựng công trình ngầm, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được thuê đất để xây dựng công trình ngầm (Điều 178); Quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất để xây dựng công trình ngầm (Điều 187)

- Bộ Luật Dân sự 2015, tại Mục 3 chương XIV đã có quy định về Quyền bề mặt, trong đó đã quy định quyền của các chủ thể đối với khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác; hiệu lực, thời hạn của quyền bề mặt và điều tiết mối quan hệ của các chủ thể đối với quyền bề mặt.

- Luật Đường sắt 2017: Quy định về xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng hệ thống đường sắt, trong đó có hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm.

Ngoài các Luật có các nội dung quy định về quản lý xây dựng ngầm nêu trên, hiện nay các quy định về đầu tư; cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quản lý tài sản công (Điều chỉnh chung trong đó có điều chỉnh cả hoạt động đầu tư xây dựng công trình ngầm) được quy định trong nội dung của một số Luật như:

- Luật Đầu tư năm 2020; Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

b) Nghị định của Chính phủ

- Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị (thay thế Nghị định số 41/2007/NĐ-CP về Quản lý công trình xây dựng ngầm đô thị), trong đó đã quy định những vấn đề cơ bản của quản lý xây dựng không gian ngầm đô thị bao gồm các quy định về sử dụng không gian ngầm, quy hoạch xây dựng ngầm, xây dựng cơ sở dữ liệu công trình ngầm đô thị, quy định về hạ ngầm đường dây, đường cáp đi nổi tại các đô thị, các quy định chi tiết liên quan đến khảo sát, thiết kế, thi công, quan trắc, bảo trì công trình ngầm.

- Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, trong đó quy định lồng ghép nội dung quy hoạch xây dựng ngầm trong các đồ án quy hoạch đô thị.

- Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có đường dây, cáp và đường ống bố trí vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đã xây dựng theo quy định (Các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phần lớn là các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm như hào, tuy nen, kỹ thuật, cống bể cáp kỹ thuật, công trình giao thông ngầm…)

3. Những vấn đề bất cập, tồn tại và nguyên nhân trong quản lý phát triển không gian ngầm đô thị

3.1. Những vấn đề bất cập, tồn tại trong quản lý, phát triển không gian ngầm đô thị

a) Công tác quy hoạch

Công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đầu tư xây dựng phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị. Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, việc quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị là một nội dung của đồ án quy hoạch đô thị. Không gian xây dựng ngầm đô thị cần phải được kết nối với không gian trên mặt đất, không gian trên cao để tạo thành một thể thống nhất, khai thác hiệu quả, hài hòa không gian đô thị, những yêu cầu trên cần và phải được thể hiện trong các đồ án quy hoạch đô thị.

Nội dung quy hoạch không gian ngầm trong các đồ án quy hoạch đô thị hiện vẫn còn sơ sài, mang tính tổng hợp các phần ngầm của các công trình xây dựng hiện hữu, chưa chú trọng chủ động sắp xếp không gian ngầm để bố trí công trình xây dựng ngầm. Do đó, việc sử dụng không gian ngầm hiện nay tại các đô thị chưa ngăn nắp, hiệu quả và thiếu tính liên thông.

Trong thực tế triển khai, việc lập quy hoạch không gian ngầm chủ yếu được lồng ghép vào đồ án quy hoạch đô thị, tuy nhiên, nội dung lồng ghép chưa cụ thể gây khó khăn khi triển khai đầu tư xây dựng các công trình xây dựng ngầm.

Tại Hà Nội và TP.HCM hiện đã và đang triển khai lập riêng đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị; tuy nhiên, công tác tổ chức lập và phê duyệt hiện đang gặp khó khăn do tính chất chuyên môn đặc thù; mặt khác, theo quy định của Luật thì loại đồ án này là khuyến khích thực hiện chứ không phải bắt buộc, do vậy việc  tiến hành quy trình lập, thẩm định và phê duyệt loại đồ án này còn lúng túng trong triển khai. Hiện nay, Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

b) Quản lý sử dụng đất và tài sản gắn với đất xây dựng công trình ngầm

Quy định về quyền sử dụng đất xây dựng công trình ngầm mới chỉ được quy định về nguyên tắc trong Luật Đất đai năm 2013 (Người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất…Bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất theo các quy định khác của pháp luật.

Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn cho đến nay mới chỉ điều chỉnh những hoạt động trên mặt đất là chủ yếu . Trong thực tế còn nhiều vấn đề tồn tại chưa có quy định cụ thể làm cơ sở cho triển khai như:

- Các loại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất không có quy định về sử dụng không gian dưới đất.

- Quyền sử dụng đất theo chiều sâu đến đâu, quan hệ giữa người sử dụng trên mặt đất và quyền sử dụng dưới mặt đất; Khi xây dựng công trình công trình ngầm đô thị có liên quan đến đất đã được cấp quyền sử dụng thì trách nhiệm bên sử dụng và bên có công trình như thế nào? Sử dụng đất, không gain dưới mặt đất lựa chọn theo hình thức nào (giao đất, thuê đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).

- Quy định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường để xây dựng công trình ngầm, chủ yếu trong thời gian thi công công trình ngầm.

- Quy định về nghĩa vụ tài chính đối với sử dụng đất công trình xây dựng ngầm

- Quyền sở hữu công trình xây dựng ngầm liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bộ Luật dân sự đã có quy định quyền bề mặt, tuy nhiên để có thể thực hiện trong thực tế thì vấn phải giải quyết được vấn đề quyền sử dụng đất và tài sản gắn với đất xây dựng không gian ngầm trong nội quy Luật Đất đai.

c) Đầu tư xây dựng phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị

Hiện nay, các công trình công cộng ngầm, tàu điện ngầm trong đó có không gian ngầm tại các nhà ga tàu điện mới đang trong quá trình đầu tư xây dựng ở một số tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, hầu như chưa có công trình nào được hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng. Các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm như cống, bể cáp, đường dây, đường ống ngầm được đầu tư xây dựng tại các khu vực trung tâm đô thị của các thành phố lớn, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng do nhiều tổ chức, cá nhân triển khai đã dẫn đến các hiện tượng đào lên lấp xuống; công tác xây dựng ngầm hệ thống đường dây, đường ống, cống bể cáp kỹ thuật chưa ngăn nắp, khó khăn trong công tác quản lý.

Một số khu vực của Hà Nội như ở các khu chung cư, khu nhà ở cap cấp như Royal City, Times City, Lotte…đã sử dụng không gian dưới mặt đất để xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp đa chức năng tương đối đồng bộ và đã đưa vào sử dụng. Song nhìn tổng thể hầu hết các công trình ngầm đều mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị. Công tác đấu nối không gian, đấu nối kỹ thuật các công trình xây dựng ngầm còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

d) Một số vấn đề khác tồn tại gây khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng, phát triển công trình xây dựng ngầm như:

- Công trình ngầm thường có suất đầu tư lớn hơn so với công trình trên mặt đất; tuy nhiên, cơ chế tài chính để khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình ngầm, nhất là đối với các công trình công cộng ngầm, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm còn chưa cụ thể.

- Việc quản lý chiều sâu phần mềm của công trình một cách có hệ thống chưa được thực hiện mà mới chỉ quản lý theo hồ sơ đơn chiếc cùng với giấy phép xây dựng. Việc phát triển xây dựng ngầm gắn với công nghệ quản lý số để khai thác sử dụng cũng là một đòi hỏi lớn trong thời điểm hiện nay.

3.2. Nguyên nhân của các vấn đề bất cập, tồn tại trong quản lý, phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị

a) Về cơ chế, chính sách

- Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 chưa quy định bắt buộc phải lập đồ án riêng quy hoạch không gian xây dựng ngầm. Do vậy, tại các đô thị lớn, đô thị đặc biệt, muốn lập riêng đồ án quy hoạch không gian xây dựng ngầm sẽ gặp khó khăn trong công tác tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch.

- Khái niệm và các quy định sắp xếp sử dụng không gian ngầm theo chiều sâu chưa cụ thể dẫn tới việc bố trí quy hoạch không gian xây dựng ngầm, đầu tư xây dựng công trình ngầm thiếu tính tổng thể và ngăn nắp, khó khăn trong khai thác sử dụng và giảm hiệu quả nguồn lực đầu tư, hiệu quả sử dụng đất.

- Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi năm 2020 và các văn bản hướng dẫn, bao gồm cả hệ thống quy chuẩn kỹ thuật chưa có quy định cụ thể về chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ đối với công trình xây dựng ngầm, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

- Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định cụ thể về sử dụng đất xây dựng công trình ngầm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xây dựng công trình ngầm gây khó khăn trong thực tế triển khai.

- Công trình xây dựng ngầm có tính chất khác biệt với công trình trên mặt đất (đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn, yêu cầu về an toàn, môi trường…), tuy nhiên, cơ chế tài chính trong đầu tư, xây dựng và khai thác sử dụng công trình ngầm (đối với công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình ngầm có yếu tố phục vụ cộng đồng, công cộng) vẫn chưa được quy định rõ ràng trong Luật Đầu tư năm 2020; Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Thiếu cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xây dựng ngầm đô thị.

Trong thời gian tới, khi các công trình ngầm có tính chất công cộng lớn như nhà ga tàu điện ngầm, công trình công cộng ngầm có tính liên thông thì cần sớm có các quy định bảo đảm an toàn, an ninh và điều tiết mối quan hệ của các chủ thể sử dụng không gian ngầm (khi có nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia đầu tư, xây dựng và khai thác vận hành không gian ngầm có tính liên thông với nhau).

b) Về công tác triển khai thực hiện

- Công trình ngầm đô thị gồm nhiều loại công trình khác nhau và thuộc sự quản lý của nhiều tổ chức, cá nhân cũng như thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan quản lý nhà  nước nên trong  thực tế triển khai gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, quản lý theo quy hoạch, cấp phép, xây dựng, cơ sở dữ liệu về công trình xây dựng ngầm đô thị (ví dụ: công trình giao thông ngầm do ngành giao thông vận tải quản lý, công trình hạ tầng viễn thông thụ động do ngành thông tin truyền thông quản lý…)

+ Hệ thống các công trình xây dựng ngầm, đặc biệt là các công trình công cộng ngầm, tàu điện ngầm, nhà ga tàu điện ngầm (các công trình ngầm có không gian liên thông) mới chỉ được chú ý phát triển trong những năm gần đây, đến nay vẫn chưa có công trình nào đưa vào khai thác sử dụng. Do vậy kinh nghiệm trong công tác quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng của các cơ quan liên quan còn thiếu, đồng thời với việc có nhiều nguồn vốn của các nước khác nhau đầu tư vào hệ thống tàu điện ngầm cũng gây khó khăn trong công tác thực hiện trong thực tế.

- Trong tương lai gần, khi các công trình tàu điện ngầm được xây dựng cùng với các ga ngầm, các không gian công cộng ngầm đô thị được xây dựng thì việc quản lý vận hành khai thác các không gian này rất cần phải có quy định nhằm bảo đảm sự an toàn, thuận lợi trong quá trình sử dụng. Các quy định cần phải điều tiết quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến không gian ngầm

- Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định cho xây dựng công trình ngầm chưa hoàn thiện

- Việc thiếu nguồn vốn đầu tư cũng gây nhiều khó khăn trong công tác phát triển công trình xây dựng ngầm.

c) Yêu cầu từ thực tiễn phát sinh mà chưa có quy định điều chỉnh

Không gian ngầm có do nhiều ngành, nhiều thành phần cùng phát triển, khai thác sử dụng. Do vậy, để bảo đảm hiệu quả, an toàn trong đầu tư xây dựng phát triển không gian ngầm thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung các quy định để việc phát triển không gian ngầm phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông.

Trong thời gian tới, khi các công trình ngầm có tính chất công cộng lớn như nhà ga tàu điện ngầm, công trình công cộng ngầm có tính liên thông thì cần sớm có các quy định bảo đảm an toàn, an ninh và điều tiết mối quan hệ của các chủ thể sử dụng không gian ngầm (khi có nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia đầu tư, xây dựng và khai thác vận hành không gian ngầm có tính liên thông với nhau).

4. Đề xuất sửa đổi, bô rsung các quy định về quản lý không gian ngầm

4.1. Sửa đổi, bổ sung nội dung quản lý không gian ngầm trong các Luật

Hiện nay, các luật có nội dung điều chỉnh liên quan đến quản lý không gian ngầm gồm: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo đối tác công tư, trong đó, có một số Luật đang sửa đổi, bổ sung như Luật Đất đai, một số luật đang được đề xuất xây dựng như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị. Các quy định về quản lý không gian ngầm cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ở cấp độ luật để thống nhất, đồng bộ làm công cụ cho công tác triển khai, như sau:

- Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến quy hoạch không gian ngầm trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Trong đó, dự kiến sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch không gian ngầm; quy định cụ thể về quản lý quy hoạch theo chiều sâu.

- Xây dựng quy định quản lý không gian ngầm trong nội dung Luật Quản lý phát triển đô thị, trong đó dự kiến sẽ quy định tổng thể, liên kết thống nhất các quy định về quản lý không gian ngầm trong các luật liên quan; đồng thời xây dựng các quy định quản lý phát triển không gian ngầm, đầu tư xây dựng quản lý khai thác sử dụng công trình ngầm đô thị.

- Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 (đang trình Quốc hội xem xét thông qua) : Dự thảo Luật đã có sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến đất đai để xây dựng công trình ngầm.

- Luật Xây dựng năm 2014: Sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép xây dựng, bổ sung khái niệm chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ cho công trình xây dựng ngầm.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế chính sách tài chính, khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực ngoài ngân sách trong đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng không gian, công trình xây dựng ngầm đô thị trong các Luật Đầu tư năm 2020; Luật Đầu tư công năm 2009; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020.

4.2. Các vấn đề chính trong dự thảo đề cương phần quản lý phát triển không gian ngầm trong nội dung Luật Quản lý phát triển đô thị

Cùng với việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định quản ly đất đai không gian ngầm, quy định về quy hoạch không gian ngầm, các hoạt động đầu tư, xây dựng công trình ngầm đô thị trong Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các nội dung chính quản lý phát triển không gian ngầm trong dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị gồm các vấn đề như sau:

- Quy định nguyên tắc quản lý phát triển không gian ngầm tạo sự thống nhất, liên kết các quy định quản lý phát triển không gian ngầm ở các Luật liên quan, bảo đảm thuận lợi trong cho quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động phát triển không gian ngầm đô thị.

- Định nghĩa và phân loại không gian ngầm, công trình ngầm đô thị làm cơ sở cho công tác quản lý.

- Quy định các yêu cầu đối với xây dựng , phát triển không gian ngầm đô thị theo đặc thù của công trình xây dựng ngầm đô thị trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, bảo đảm an toàn, kết nối liên thông, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

- Quy định về kế hoạch phát triển mới, cải tạo, nâng cấp, tái phát triển không gian xây dựng ngầm

- Quy định về quy chế khai thác sử dụng không gian ngầm, công trình ngầm Điều tiết quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi cùng tham gia quản lý, khai thác sử dụng công trình xây dựng ngầm, cơ chế tài chính duy trì, duy tu khai thác vận hành công trình ngầm.

- Quy định về xây dựng và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu không gian ngầm, công trình ngầm đô thị

- Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước trong phát triển không gian ngầm, công trình xây dựng ngầm.

 

Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng

(Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, Số 124+125/2023)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)