I. Đặt vấn đề
Tại một nước có điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam, vai trò của cây xanh là rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường sống, đặc biệt là trong các không gian đô thị, nơi có mật độ xây dựng cao. Cây xanh giữ vai trò thanh lọc không khí, giảm tiếng ồn, tạo bóng mát, điều tiết lượng gió, lọc nước và chống xói mòn đất… Ngoài những tác dụng về cải thiện môi trường, cây xanh còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên phương diện tạo lập không gian cảnh quan và cải thiện mỹ quan đô thị. Vì vậy, việc phối kết, sắp xếp và tổ chức cây xanh thành một tổng thể hài hòa có tính thẩm mỹ cao cũng cần có những nghiên cứu chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
II. Nghệ thuật thiết kế cây xanh trong kiến trúc cảnh quan
1. Phân loại cây xanh
Có nhiều tiêu chí để phân loại cây xanh, như căn cứ vào mục đích sử dụng, có thể chia ra thành các loại cây hoa, cây ăn quả, cây công trình… Hoặc có thể căn cứ theo hình tán cây để phân loại như hình elip, hình nón, hình trụ, hình cầu, dáng cọ, dáng tự nhiên… Hoặc có thể phân loại căn cứ theo chiều cao của cây và độ rộng của tán lá như cây bóng mát (chiều cao từ 6m-20m hoặc trên 20m) các loại cây trang trí (chiều cao từ 2m đến 6m hoặc cao dưới 2m).
2. Các nguyên tắc thẩm mỹ trong thiết kế cây xanh
- Màu sắc: Do ảnh hưởng của các phong cách hội họa cổ điển của phương tây và phương đông, các thủ pháp phối kết màu sắc cây xanh bị ảnh hưởng của hội họa cổ điển phương tây thì thường sặc sỡ, sử dụng nhiều màu cơ bản, trong khi đó hội họa phương đông thì sử dụng các gam màu trầm, đơn sắc và đồng nhất.
- Hình thái: Phối kết cây xanh tùy thuộc vào ý đồ tổ chức không gian cụ thể để phân loại thành các hình thái khác nhau như Điểm (đặc trưng là sự tập trung, là trung tâm thu hút thị giác) Tuyến (đặc trưng là tính định hướng) Diện (đặc trưng là tính hoàn chỉnh, ổn định, thể hiện bề mặt) Khối (đặc trưng là tính lập thể)
- Quy luật: trong thiết kế cây xanh, các quy luật về tạo hình và thẩm mỹ luôn được chú trọng như Tương phản (tương phản về hình dáng, kích thước, màu sắc, đặc rỗng, sáng tối, không gian đóng mở), Đối xứng - Cân bằng (tạo cảm giác thống nhất và cân bằng thị giác), Vần luật - Tiết tấu - Nhịp điệu (tạo cảm giác phong phú và biến hóa).
3. Các thủ pháp bố trí mặt bằng trong thiết kế cây xanh
Trong thiết kế cây xanh, các thủ pháp bố trí mặt bằng quyết định cấu trúc và đặc tính của không gian cảnh quan, các thủ pháp thường được sử dụng là:
- Bố trí cây độc lập: trồng một cây giữ vai trò chủ cảnh trong một không gian cảnh quan, thường là cây có hình dáng lớn, hình thức tán và màu sắc nổi bật và được đặt ở vị trí trung tâm cảnh quan.
- Bố trí cây đôi: hai cây được trồng theo một trục nhất định, hình dáng mang tính hô ứng, nhấn mạnh cảm giác đối xứng và cân bằng.
- Bố trí trồng cây theo hàng: cây được trồng theo hàng lối ngay ngắn, nhấn mạnh tính vần luật, đồng nhất, thường được ứng dụng trồng ở ven các tuyến đường giao thông, trồng trong quảng trường, công viên.
- Bố trí cây trồng theo nhóm: gồm một số cây được tổ hợp trong một bố cục trọn vẹn. Thành phần của nhóm có thể là cây thân gỗ, cây bụi hay hỗn hợp cây thân gỗ và cây bụi, thường bố cục nhóm 2,3,4,5 cây và nhiều hơn, tính thẩm mỹ của nhóm cây không phải là hiển thị vẻ đẹp của từng cây đơn lẻ mà nhấn mạnh tính hài hòa tổng thể của cả nhóm.
4. Các thủ pháp bố trí mặt đứng trong thiết kế cây xanh
- Thiết kế đường viền (đường chân trời): trong trường hợp địa hình bằng phẳng cần bố trí cây tạo thành đường viền có hình thức phong phú, biến hóa, tăng tính thẩm mỹ của bối cảnh. Trong trường hợp địa hình nhấp nhô không bằng phẳng thì tùy theo ý đồ thiết kế có thể bố trí các cây cùng chiều cao nhấn mạnh nhịp điệu của địa hình hoặc sử dụng các cây cao thấp khác nhau làm giảm nhịp điệu nhấp nhô của địa hình.
- Thiết kế lớp không gian: các lớp không gian trong thiết kế cảnh quan từ thấp đến cao bao gồm lớp hoa, cỏ, cây bụi, cây thân gỗ (cây cao) ít lớp cây sẽ tạo ra không gian thoáng đãng, càng nhiều lớp cây sẽ tạo ra không gian phong phú, tầng lớp.
- Nhấn mạnh chủ cảnh: chủ cảnh hình thành thông qua thủ pháp tương phản, khi phối kết các loại cây sẽ định vị một hoặc một nhóm cây có kích thước nổi bật hoặc hình thái khác lạ làm điểm nhấn (chủ cảnh)
5. Các thủ pháp tổ hợp không gian trong thiết kế cây xanh
Thiết kế cây xanh giữ vai trò quan trọng trong việc phân chia, dẫn dắt và tạo chiều sâu cho không gian cảnh quan, cây xanh cao thấp, mật độ mau thưa đan xen sẽ tạo ra những không gian với đặc tính khác nhau như đóng, mở, bao phủ, thẳng đứng… ứng dụng những nguyên lý này chúng ta sẽ tạo ra những tổ hợp không gian cảnh quan cây xanh khác nhau như:
- Tổ hợp kiểu tuyến: là một hệ thống các không gian được tạo ra bởi cây xanh sắp xếp với nhau theo một phương hướng nhất định, chia thành không gian tuyến xuyên tâm hoặc tuyến song hành.
- Tổ hợp kiểu tập trung: Là một số không gian thứ yếu bao quanh một không gian chủ đạo.
- Tổ hợp kiểu tia: Là kết hợp giữa 2 hình thức tổ hợp kiểu tuyến và kiểu tập trung, nhấn mạnh hình thức và vị trí của không gian chủ đạo.
- Tổ hợp kiểu nhóm: Khác với tổ hợp kiểu tập trung là không có không gian trung tâm giữ vai trò chủ đạo, thông qua hình thức, phương hướng, kích thước của các nhóm phản ánh cấu trúc tổng thể không gian.
- Tổ hợp kiểu lồng ghép: là một trong không gian lớn chứa một hoặc vài không gian nhỏ, có mối liên hệ chặt chẽ về không gian thị giác, sự khác biệt về kích thước giữa các không gian càng lớn thì tính chất lồng ghép không gian càng rõ.
- Tổ hợp kiểu mạng lưới: Là sử dụng một hệ thống mạng lưới nhất định khống chế hình thức cấu trúc không gian, áp dụng hình thức tổ hợp này dễ đạt được tính thống nhất trong tạo hình, hình thức mạng lưới có thể có không gian trung tâm, có thể cục bộ xoay hướng hoặc dịch chuyển vị trí để tăng tính biến hóa.
III. Kết luận
Trong thiết kế cây xanh ngoài những khía cạnh về sinh thái và môi trường thì chúng ta cần đặc biệt chú trọng đến khía cạnh không gian cảnh quan, vấn đề này cần sự phối kết hợp liên ngành giữa những nhà thực vật học, sinh thái học và kiến trúc sư cảnh quan, trong tương lai chúng ta cần bổ sung rất nhiều những nghiên cứu chuyên sâu về các phương diện bố cục, màu sắc… để hỗ trợ trong việc tổ chức cây xanh thành một tổng thể không gian hài hòa có tính thẩm mỹ cao.
TS.KTS. Nguyễn Ngọc Anh - Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Quy hoạch đô thị - nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội)