Chất thải rắn sinh hoạt sau khi được xử lý, tái chế thành các loại phân bón hữu cơ; các sản phẩm nhựa, nylon, kim loại; chất thải đốt phát điện; các sản phẩm gạch không nung, bê tông tái chế...
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cùng đoàn công tác làm việc tại Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Ngày 11/4, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã đi khảo sát, làm việc với Công ty Cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương (BIWASE) về tình hình xử lý rác thải đô thị và công nghiệp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương; đồng thời lên phương án xây dựng kế hoạch nghiên cứu xử lý triệt để rác thải cho đô thị thông minh của tỉnh.
Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương có quy mô 100 ha với công nghệ xử lý đồng bộ, hiện đại vào loại bậc nhất Việt Nam, tạo ra các sản phẩm phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
Khu liên hợp có công suất tiếp nhận và xử lý hơn 3.511 tấn chất thải sinh hoạt, 1.204 tấn chất thải công nghiệp thông thường, 1.732 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, 60 tấn chất thải xây dựng mỗi ngày.
Chất thải rắn sinh hoạt sau khi được xử lý, tái chế thành các loại phân bón hữu cơ; các sản phẩm nhựa, nylon, kim loại; chất thải đốt phát điện; các sản phẩm gạch không nung, bê tông tái chế...
Cụ thể, từ 2 nhà máy băm, ủ, phân loại rác thải sinh hoạt để sản xuất phân compost công suất 420 tấn/ngày đêm, đến nay BIWASE đã phát triển và đưa vào vận hành thêm 2 nhà máy, tổng công suất sản xuất, tái chế lên 2.520 tấn/ngày đêm. Dự án còn kết hợp tạo ra điện tuần hoàn phục vụ cho khu xử lý rác, đồng thời nâng công suất để hòa mạng lưới điện quốc gia.
Với hệ thống nhà máy trên, toàn bộ chất thải rắn hữu cơ trong rác thải sinh hoạt tại Bình Dương đều được tái chế, tạo ra nguồn lợi về kinh tế lớn, riêng năm 2022 đạt 939 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao những kết quả đạt được của Khu liên hợp xử lý rác thải Bình Dương với việc tái chế đạt 100%. Đây là thành tựu quan trọng trong ngành xử lý mà BIWASE đã làm chủ, qua đó có thể mở rộng ra các tỉnh để góp phần bảo vệ môi trường.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, đón đầu xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công tác xử lý rác cũng phải ứng dụng chuyển đổi số, làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất. BIWASE cần nâng cao chất lượng môi trường khu vực xung quanh; phấn đấu thực hiện lộ trình xử lý rác thải tại nguồn theo quy định; tập trung cung cấp nước sạch cho tỉnh và khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các tổ chức tín dụng ưu tiên để Công ty Cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng quy mô sản xuất, ưu đãi đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm góp phần xử lý triệt để các nguồn rác thải ở "thủ phủ" công nghiệp này thành nguồn lợi kinh tế, xây dựng tỉnh trở thành đô thị đáng sống, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đến năm 2030, Bình Dương phấn đấu trở thành thành phố thông minh, dự kiến có 3,5 triệu dân, quy mô chất thải và xử lý môi trường tăng gấp đôi. Do đó, Công ty Cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương, đơn vị đi đầu về xử lý rác thải phải đáp ứng hơn nữa việc xử lý môi trường, làm chủ công nghệ hiện đại, xây dựng cuộc sống xanh trên địa bàn./.