1. Đặt vấn đề
Luật Trẻ em của Việt Nam ban hành năm 2016 đã nhấn mạnh “Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh…”
Tuy nhiên, theo thống kê gần đây, những vụ tai nạn thương tâm đối với trẻ em trong các nhà ở cao tầng, chủ yếu là do bị rơi từ trên cao xuống. Nguyên nhân của các tai nạn này là do lan can thấp, khoảng cách các thanh đứng của lan can quá rộng, lan can dễ trèo; cửa sổ không có chấn song…
Các tai nạn bởi sự cố sập trần; rơi quạt, đổ cổng, tường rào ở trường học… cũng gây ra những thương vong đáng tiếc. Cụ thể như trường hợp một bé gái rơi từ tầng 12A, chung cư 60B, Nguyễn Huy Tưởng và gần đây là trường hợp một cháu bé rơi từ cửa sổ tầng 24 chung cư HH2A Yên Nghĩa… Đó là một vài trường hợp để chúng ta phải quan tâm, suy ngẫm và cần sớm có giải pháp, nhằm giảm thiểu những tai nạn, thương tích cho các em. Những vụ tai nạn thương tâm từ các nhà ở cao tầng do rơi từ trên cao đã thực sự khiến cho các cư dân sống tại các khu chung cư cao tầng lo lắng. Nhiều người đã đặt vấn đề liệu việc thiết kế chung cư cao tầng và công tác giám sát nghiệm thu đã đảm bảo an toàn cho người sử dụng hay chưa, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ? Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng khi thiết kế nhà ở cao tầng có được tuân thủ một cách chặt chẽ không? Nội dung quy định trong tiêu chuẩn đã hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tế chưa?
Do đó, trong thiết kế lan can, lôgia, ban công, cửa sổ trong chung cư cao tầng nhằm vảo đảm an toàn và giảm thiểu tai nạn, thương tích cho trẻ em rất cần được quan tâm.
2. Những quy định có liên quan trong quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở hiện hành
Theo quy định của Luật Xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động đầu tư xây dựng (bao gồm quá trình lập báo cáo đầu tư xây dựng, tư vấn thiết kế, thẩm định, kiểm tra hồ sơ thiết kế, xét duyệt dự án và nghiệm thu công trình). Các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan đến thiết kế chung cư cao tầng hiện nay đó là: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư - QCVN 04:2019/BXD; QCXDVN 05:2008/BXD - Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khỏe; QCVN 06:2020/BXD là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình; TCVN 4391:2012 là tiêu chuẩn về Nhà và công trình công cộng - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế.
Theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn này, các bộ phận công trình có liên quan đến vấn đề an toàn và tiện nghi sử dụng như lan can, hành lang, ban công, lôgia, cầu thang, thang máy, cửa sổ… đều đã được quy định. Cụ thể:
Theo QCVN 04:2019/BXD, quy định: Nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp phải tuân thủ các quy định về an toàn sinh mạng và sức khỏe theo QCXDVN 05:2008/BXD; Cửa sổ chỉ được làm cửa lật hoặc cửa trượt có cữ an toàn khi mở; Rào, lan can ban công và lôgia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được nhỏ hơn 1,4m; Đối với căn hộ không có ban công hoặc lôgia, phải bố trí tối thiểu một cửa sổ ở tường mặt ngoài nhà có kích thước lỗ cửa thông thủy không nhỏ (600x600) mm phục vụ cứu nạn, cứu hộ.
Theo QCXDVN 05:2008/BXD, quy định: Chiều cao lan can của nhà ở cao từ 9 tầng trở lên phải cao 1,4m; đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm; không làm lan can có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm. Nếu sử dụng kính ở các lan can, cần tuân thủ phải có lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, lôgia, mái (bao gồm cả giếng trời và các lỗ mở khác), và các nơi khác có người đi lại; Khi sử dụng các vật cố định (lan can, tấm chắn…) để bảo vệ kính tại các vùng nguy hiểm thì các vật này cần phải:
a) Không có khe hở nhét lọt quả cầu đường kính 75mm;
b) Chắc chắn;
c) Khó trèo để ngăn ngừa chống rơi ngã.
Theo QCVN 06:2020/BXD, quy định: Lối ra ban công hoặc lôgia, mà ở đó có khoảng tường đặc với chiều rộng (lôgia) tới ô cửa sổ (hay cửa đi lắp kính) hoặc không nhỏ hơn 1,6m giữa các ô cửa kính mở ra ban công (lôgia)
Theo TCVN 4391:2012 - Nhà và công trình công cộng - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế, quy định:
Ở tất cả nơi có tiếp giáp với bên ngoài (như ban công, hành lang bên trong, giếng trời bên trong, mái có người lên, cầu thang ngoài nhà…) phải bố trí lan can bảo vệ và đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Lan can phải làm bằng vật liệu kiên cố; vững chắc, chịu được tải trọng ngang, được tính toán theo quy định trong TCVN 2737;
b) Chiều cao lan can không nhỏ hơn 1,1m tính từ mặt sàn hoàn thiện đến phía trên tay vịn; Chiều cao tối thiểu của lan can lôgia và sân thượng các vị trí cao từ 9 tầng trở lên không nhỏ hơn 1,4m
c) Trong khoảng cách 0,1m tính từ mặt nhà hoặc mặt sàn của lan can không được để hở;
d) Khoảng cách thông thủy giữa các thanh đứng không lớn hơn 0,1m;
Qua những viện dẫn liên quan đến yêu cầu thiết kế lan can, lô gia, ban công và cửa sổ từ các quy chuẩn, tiêu chuẩn trên cho thấy, các yêu cầu đã được quy định khá đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, có một số quy định chưa thật chặt chẽ và đây chính là những kẽ hở trong thiết kế. Có thể đơn cử một số ví dụ:
(i) Trong QCXDVN 05:2008/BXD không có quy định bắt buộc không được làm các thanh phân vị ngang. Nếu không được quy định, đây sẽ là một nguy cơ tiềm ẩn do trẻ nhỏ có thể dễ dàng leo bám và treo leo rất nguy hiểm. Trong thực tế, tại một số khu đô thị, có rất nhiều tòa nhà, ở phía dưới hệ thống lan can được xây là tường kín, phía trên được gắn các thanh sắt nằm ngang hoặc dùng lan can bằng sắt có cả thanh đứng và thanh ngang…
(ii) Trong QCVN 04:2019/BXD có quy định chiều cao bậu cửa, hình thức đóng mở cửa, nhưng lại thiếu quy định về việc bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, như yêu cầu phải có chấn song, khoảng cách giữa các chấn song, yêu cầu kỹ thuật cửa kính, kính an toàn… Hiện tại, ở nhiều chung cư tất cả cửa sổ của các căn hộ đều không có chấn song hay vách kim loại bảo vệ, kính không phải là kính an toàn…
Nhiều người dân bày tỏ, không biết hệ thống các loại lan can, cửa sổ ở đây được thiết kế áp dụng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nào, họ rất lo sợ tai nạn có thể xảy ra.
Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến có những công trình không đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Có những nguyên nhân đến từ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, đó là:
(i) Thiếu những quy định cụ thể;
(ii) Trong thiết kế nhà ở chưa chú ý đến đối tượng là trẻ em;
(iii) Còn có sự mâu thuẫn giữa các tiêu chuẩn;
(iv) Những quy định liên quan đến an toàn chưa quy định là yêu cầu bắt buộc;
(v) Trong tiêu chuẩn thiếu các quy định về bảo trì, bảo dưỡng theo cấp và loại công trình.
Tuy nhiên những nguyên nhân do chủ đầu tư và các cơ quan thẩm định, giám sát chưa tuân thủ các quy định trong quy chuẩn, tiêu chuẩn mới là những căn nguyên cơ bản, đó là:
(i) Do không biết đến có các quy chuẩn, tiêu chuẩn;
(ii) Người thiết kế chủ yếu thiết kế theo kinh nghiệm;
(iii) Người thẩm tra để cấp giấy phép xây dựng bỏ qua các chi tiết nhỏ;
(iv) Các nhà đầu tư mới chỉ quan tâm đến chi phí đầu tư, lợi nhuận, bỏ qua các yêu cầu về an toàn;
(v) Trong quá trình khai thác sử dụng không có chế độ bảo trì dẫn đến hư hỏng gây nguy hiểm;
(vi) Thiếu biện pháp chế tài.
3. Một số kiến nghị đề xuất
Mặc dù đã có quy định chi tiết, đầy đủ về ban công, lôgia trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn, thế nhưng, người thiết kế, người thi công công trình có thực hiện đúng hay không mới là điều quan trọng.
Thời gian qua, có thể nói nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Vì vậy để giảm thiểu các tai nạn, thương tích trong thiết kế nhà ở cần:
(i) Đảm bảo an toàn sinh mạng cho mọi đối tượng sử dụng, đặc biệt là trẻ em;
(ii) Tiến hành rà soát lại hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện có để bổ sung, sửa đổi những quy định chưa phù hợp, tránh có sự mâu thuẫn giữa các quy chuẩn, tiêu chuẩn;
(iii) Trong quá trình thiết kế và xây dựng cần tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn;
(iv) Những quy định liên quan đến an toàn và tính mạng của con người trong công trình phải là những quy định bắt buộc;
(v) Nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc xây dựng các công trình bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng;
(vi) Có biện pháp chế tài trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Các công trình, dự án không tuân thủ quy định sẽ không được cấp phép xây dựng;
(vii) Có chế độ bảo trì, bảo dưỡng thiết bị;
(viii) Ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Như vậy, để đảm bảo an toàn khi trẻ em sống trong các chung cư cao tầng, tại các lôgia hay ban công phải lắp lưới an toàn. Lưới an toàn phải là vật liệu bền chắc nhưng dễ cắt mở, dễ dàng tháo dỡ khi có sự cố cháy nổ; vì ban công hay lôgia là không gian an toàn và là đường tiếp cận khi cứu hộ cứu nạn. Tại các khu vực lôgia, ban công chung cư cần tránh làm nơi để đổ, kê bàn, ghế trồng hoa, cây cảnh…tạo điều kiện để trẻ em leo trèo, dễ dàng leo qua lan can… Bên cạnh đó cần hướng dẫn người dân cần cẩn trọng trong quá trình sử dụng, sinh hoạt ở nhà chung cư.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xem xét lại quy định: Nhà từ tầng 6 trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lôgia, đã được quy định trong tiêu chuẩn thiết kế nhà ở cao tầng trước đây. Theo QCVN 04/2019/BXD, ban công là không gian có lan can bảo vệ, nhô ra khỏi mặt tường bao của nhà chung cư, còn lôgia không gian có lan can bảo vệ, lùi vào so với mặt tường bao của nhà chung cư.
Đối với cửa sổ, cần có quy định lắp đặt chấn song hoặc lắp lưới an toàn để giữ an toàn cho bé khi chơi đùa gần cửa sổ của chung cư cao tầng.
Với công nghệ như hiện nay, các lưới an toàn được thiết kế thoáng mát và có tính thẩm mỹ cao, dễ dàng dỡ bỏ và cấm cắt khi có sự cố như cháy nổ.
Ngoài ra, không chỉ hệ thống lan can mà tại các tòa nhà cao tầng, các nhà chung cư hiện nay, hệ thống cầu thang thoát hiểm cũng cần phải được quan tâm. Chúng ta mới chỉ quy định về chiều cao bậc, bề rộng mặt bậc, chiều rộng vế thang, chiều cao đợt thang hoặc quy định độ cao bố trí tay vịn mà chưa quy định đến khoảng cách giữa các thanh đứng của tay vịn cầu thang hoặc chưa quy định khoảng cách giữa hai vế thang. Để lấy sáng hoặc thông gió tự nhiên từ tum xuống, người ta thường thiết kế khoảng cách giữa hai vế thang có chiều rộng tối đa trong điều kiện có thể.
Chính điều này là một kẽ hở trong thiết kế vô tình gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Do tính hiếu động của trẻ, trẻ em thường hay leo trèo lên cầu thang để tụt xuống, thò đầu qua các thanh chắn đứng của tay vịn cầu thang hoặc bị trơn trượt, bước hụt, dẫn đến bị ngã hoặc kẹp chân vào khoảng cách giữa hai vế thang. Hơn thế, tại hành lang ngoài, hành lang trong, giếng trời, mái có người lên, cầu thang ngoài nhà…cũng đều phải bố trí lan can bảo vệ, bảo vệ an toàn sinh mạng con người trong công trình.
Song điều quan trọng vẫn là ý thức của con người. Để đảm bảo an toàn, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiệm thu các công trình xây dựng theo các yêu cầu bắt buộc. Hơn ai hết, bản thân mỗi gia đình sống ở chung cư cao tầng phải cẩn trọng hơn trong việc trông nom, bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ.
Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Theo đó, Bộ Xây dựng cần rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em ở các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tàng. Tích cực triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn theo quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH của bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em.