1. Giới thiệu về rủi ro trong lĩnh vực xây dựng
Lĩnh vực xây dựng là lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro chỉ xảy ra với xác suất một lần nhưng ảnh hưởng rất lớn, có những rủi ro xảy ra lặp đi lặp lại nhiều lần với nhiều dự án khác nhau. Nhìn nhận , đánh giá và chủ động quản lý ảnh hưởng của rủi ro sẽ đảm bảo sự thành công của dự án xây dựng.
Trong quá trình nghiên cứu về rủi ro, khái niệm rủi ro đang được phân ra thành hai trường phái quan tâm tới nguồn gốc, tần suất xuất hiện các rủi ro. Trong khi đó một trường phái quan tâm tới các kết quả rủi ro gây ra. Dẫu vậy, dù quan tâm tới nguồn gốc hay kết quả rủi ro gây ra thì bản chất rủi ro cũng không có gì thay đổi. Việc quyết định tới các nội dung khi xem xét về rủi ro phụ thuộc vào quan điểm của nhà khoa học về rủi ro.
Trong lĩnh vực xây dựng, có thể tổng kết ba quan điểm nghiên cứu về rủi ro được hình thành từ khi xuất hiện thuật ngữ rủi ro cho đến nay gồm: Quan điểm truyền thống, quan điểm trung lập và quan điểm mở rộng.
(1) Quan điểm truyền thống: Theo quan điểm này, rủi ro được nhấn mạnh tới mặt tiêu cực. Rủi ro có đặc điểm: Rủi ro là các mối nguy hiểm gây ra các thiệt hại, mất mát, suy giảm; Rủi ro gắn với các những điều không chắc chắn; Rủi ro là sự kết hợp giữa khả năng xuất hiện và hậu quả tác động của một sự kiện, một hiểm họa.
(2) Quan điểm trung lập: Quan điểm này nhấn mạnh tới tính chất làm thay đổi mục tiêu của dự án. Rủi ro có các đặc điểm: Rủi ro là sự kiện, điều kiện không chắc chắn tác động làm thay đổi các mục tiêu của dự án. Sự thay đổi mục tiêu có thể tiêu cực hoặc tích cực; Rủi ro là sự kết hợp giữa các xác suất xuất hiện một sự kiện và hậu quả ảnh hưởng của nó đến mục tiêu dự án.
(3) Quan điểm mở rộng: Quan điểm này nhấn mạnh đến kết quả tích cực (các cơ hội) hoặc tiêu cực (các khó khăn) khi xuất hiện rủi ro. Đặc điểm của rủi ro: Rủi ro có cả 2 mặt tích cực và tiêu cực; Rủi ro có thể tính bằng xác suất, tần suất xuất hiện rủi ro nhân với mức độ tổn thất, thiệt hại hoặc lợi ích đạt được do rủi ro gây nên; Rủi ro là một sự kiện hoặc một tình huống không chắc chắn. Ngày nay, khi xem xét một vấn đề, không riêng gì rủi ro, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý có xu hướng xem xét trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Điều này cho thấy cái nhìn lạc quan trong khoa học quản lý.
2. Quản lý rủi ro trong lĩnh vực xây dựng trên thế giới và Việt Nam
2.1. Quản lý rủi ro trong lĩnh vực xây dựng trên thế giới
Hiệp hội quản lý dự án (PMI) ra đời năm 1969 tại Mỹ, đánh dấu bước tiến mới trong QLDA nói chung, QLRR nói riêng. Sau khi thành lập PMI đã đóng góp vào sự thành công của rất nhiều các dự án lớn bằng việc xây dựng các tiêu chuẩn, hướng dẫn về xác định, đánh giá cũng như QLRR.
Một đóng góp lớn cho thành công của QLRR trong lĩnh vực xây dựng trên thế giới phải kể đến là các nhà khoa học, đồng thời cũng chính là các nhà QLDA. Các kinh nghiệm, các nghiên cứu của họ được tổng kết một cách rõ ràng, đầy đủ về tất cả các vấn đề liên quan tới rủi ro và QLRR. Có thể kể ra các nhà khoa học như Martin Barnes, D.F.Cooper, D.H.MacDonald và C.B.Chapman, H.Ren, He Zhi…đóng góp thành tựu to lớn trong quá trình nghiên cứu về rủi ro và quản lý rủi ro. Đồng thời, theo quan điểm nghiên cứu về rủi ro khi xảy ra, QLRR được xem xét trên khía cạnh dự báo và có khả năng đề phòng được.
2.1.1. Tại các nước phát triển
Có thể nói quản lý dự án nói chung, quản lý rủi ro nói riêng tại các nước phát triển đã đạt được một trình độ cao trong công tác quản lý, có thể kể đến một số nước như:
- Tại Hoa Kỳ: Sự không chắc chắn và rủi ro được phân biệt một cách rõ ràng. Rủi ro là sự không chắc chắn nhưng phải đo lường được. Việc phân tích rủi ro được thực hiện qua việc tác động của nó đến kết quả của việc thực hiện dự án. Từ phân tích tác động của rủi ro giúp nhà quản lý dự án có thể lên kế hoạch chuẩn bị để đối phó với rủi ro dự án.
- Tại Anh Quốc: Rủi ro được xem là các yếu tố gây sai lệch so với kế hoạch đề ra. Các nhà quản lý dự án luôn luôn sẵn sàng đối phó với rủi ro. Rủi ro mang cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực và được xem xét trên nhiều góc độ. Trong các dự án, quá trình quản lý rủi ro được thực hiện liên tục và lặp lại trong suốt vòng đời dự án theo 4 bước: xác định, phân loại, phân tích, phản ứng với rủi ro.
- Tại Pháp: Các dự án đều được đánh giá rủi ro một cách kỹ lưỡng, đặc biệt trong các dự án có tính chất đặc thù như dự án ngoài biển, dự án quốc phòng, dự án xây dựng bệnh viện…Việc đánh giá rủi ro được thực hiện theo các phương pháp định lượng. Có thể kể tới dự án điển hình kênh đào Panama sử dụng phương pháp Monte carlo đánh giá dự toán chi phí và thời gian, có tính đến các rủi ro dự án. Phương pháp này cung cấp kết quả đánh giá ngẫu nhiên về thời gian và tổng chi phí; độ nhạy cảm của các rủi ro. Đồng thời cho phép lập kế hoạch và hỗ trợ QLRR tổng thể dự án.
- Tại Nhật Bản: Việc chia sẻ rủi ro giữa các bên trong dự án được chú trọng. Thay vì chỉ chia sẻ trên từng rủi ro thì các nhà quản lý hướng tới chuẩn hóa việc chia sẻ tất cả các rủi ro bằng quy định cụ thể trong dự án và được quy định chi tiết trong điều khoản hợp đồng. Do đó, sự hợp tác giữa các bên trong dự án tại Nhật Bản có sự gắn kết chặt chẽ.
- Tại Hàn Quốc: Sự an toàn của các công trình xây dựng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như loại và quy mô dự án, phương pháp thi công, quy trình quản lý dự án, phương pháp thi công, quy trình quản lý an toàn, khí hậu, địa điểm…Sự an toàn được xem là tiêu chí hàng đầu trong các dự án xây dựng nói chung, trong các dự án tàu điện ngầm nói riêng. Phương pháp đánh giá độ an toàn dựa trên rủi ro cho các dự án xây dựng được thực hiện và mang lại kết quả hữu ích trong các dự án tàu điện ngầm. Nhờ đó, trong các dự án này vấn đề an toàn được đảm bảo một cách hiệu quả và ít tốn kém.
- Tại Đài Loan: Phân bổ rủi ro, xác định rủi ro ảnh hưởng đến quyết định xử lý rủi ro của nhà thầu. Nhà thầu trong các dự án xây dựng tại Đài Loan luôn hiểu rằng rủi ro và lợi nhuận của dự án có một sự liên hệ theo tỷ lệ nghịch. Tức là các rủi ro càng nhiều thì lợi nhuận thu được càng giảm. Do đó, quản lý rủi ro là một nội dung được xem xét kỹ lượng trước khi đưa ra quyết định có nhận dự án hay không.
Mặc dù mỗi nước có một sự nổi trội riêng trong quản lý rủi ro, nhưng tựu chung nội dung về quản lý rủi ro tại các nước phát triển như sau:
- Các nhà quản lý luôn xem quản lý rủi ro là trung tâm của quản lý dự án. Việc quản lý rủi ro tốt quyết định tới thành công của dự án xây dựng.
- Quản lý rủi ro chính là việc lên kế hoạch dự phòng bên cạnh kế hoạch chuẩn (kế hoạch không xuất hiện rủi ro). Trong quá trình thực hiện dự án, nhà quản lý sẽ phải thực hiện dự án, nhà quản lý sẽ phải thực hiện mọi biện pháp để thực hiện các kế hoạch dự phòng nhằm đối phó với rủi ro. Kế hoạch này càng tiệm cận với kế hoạch chuẩn càng tốt.
- Có thể nói rủi ro là điều không tránh khỏi trong dự án xây dựng. Bên trong dự án sẵn sàng chấp nhận và đối phó với rủi ro thay vì bỏ qua chúng. Thậm chí tại Anh Quốc các nhà quản lý còn đối phó với rủi ro một cách chủ động, lạc quan khi xem chúng có thể mang đến các cơ hội cho dự án.
2.1.2. Tại các nước đang phát triển
Tại các nước đang phát triển, quản lý rủi ro mới bắt đầu được quan tâm và vận dụng trong thực tế. Có thể kể ra một số nước như:
- Tại Trung Quốc: Quản lý rủi ro xét chung cho các doanh nghiệp xây dựng được chú trọng hơn các dự án đơn lẻ. Kết quả cho thấy có thể cải thiện khả năng và hiệu quả của QLRR thông qua việc kiểm soát rủi ro dự án ở cấp độ doanh nghiệp, dựa trên bốn thành phần chính: phòng ngừa rủi ro; quy trình QLRR; dịch vụ bên ngoài và văn hóa doanh nghiệp.
- Tại Ấn Độ: Nhận thức về quản lý rủi ro đã được nâng lên trong các dự án xây dựng tại Ấn Độ. Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đã bước đầu xây dựng được chiến lược ứng phó với rủi ro. Trong đó, việc quản lý hợp đồng một cách chặt chẽ được chú trọng nhằm giảm thiểu tác động rủi ro trong các dự án.
- Tại Srilanka: Nghiên cứu về rủi ro tài chính tại các dự án hạ tầng cơ sở cảng biển ở Srilanka được chú ý nhiều hơn các loại hình dự án khác. Phương pháp mô phỏng Monte Carlo được sử dụng để đánh giá rủi ro trong dự án. Từ đó các vấn đề tài chính của dự án được phát hiện.
- Tại Pakistan: Trong một số dự án xây dựng cầu, việc nghiên cứu phân tích rủi ro chi phí và tiến độ được thực hiện. Những phát hiện chính cho thấy rủi ro tài chính là yếu tố quyết định làm ảnh hưởng đến các mục tiêu về chi phí và thời gian dự án. Tuy nhiên, quản lý rủi ro trong các dự án mới chỉ dừng ở các nhận định về rủi ro, chưa thực sự vận dụng được các biện pháp quản lý cụ thể.
Có thể nhận thấy nhận thức của các nhà quản lý, các kỹ sư xây dựng về quản lý rủi ro tại các nước đang phát triển đã có những thay đổi mới. Các kiến thức về rủi ro đã bắt đầu được quan tâm và vận dụng vào các dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, quản lý rủi ro chưa được phổ biến sâu rộng trong các loại hình dự án khác. Đồng thời, việc ứng phó với rủi ro mới chỉ được bó hẹp trong các giải pháp hợp đồng và quan tâm tới sự tác động của rủi ro lên chi phí dự án.
2.1.3. Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á
Có thẻ nêu một số đặc điểm nổi trội về quản lý rủi ro tại các nước trong khu vực như dưới đây:
- Tại Malaysia: Quản lý rủi ro được quan tâm trong các dự án xây dựng công trình công cộng. Tuy nhiên, quản lý rủi ro mới dừng ở mức nhận thức của các nhà quản lý, các kỹ sư trong dự án, các hoạt động thúc đẩy quản lý rủi ro chưa được ứng dụng nhiều trong thực tế các dự án.
- Tại Thái Lan: Quản lý rủi ro được quan tâm hơn trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có quy mô lớn và kỹ thuật phức tạp. Trong các dự án này rủi ro có ảnh hưởng lớn đến thành công của dự án. Các nhà quản lý đã tổng kết được 9 rủi ro quan trọng trong dự án thông qua điều tra khảo sát tại các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
- Tại Indonesia: Một số dự án đã được xem xét về rủi ro như dự án đường Toll hay các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng áp dụng hình thức PPP. Các nhà quản lý dự án đã nhận thấy rằng khi trì hoãn các rủi ro sẽ khiến chi phí dự án tăng lên. Đồng thời việc phân bố rủi ro không hợp lý sẽ phát sinh mâu thuẫn giữa các bên trong dự án. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thành công của dự án.
- Tại Philippines: Philippines quan tâm tới rủi ro tại các dự án BOT bởi trong các dự án này mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự rõ ràng. Tác động của rủi ro được xem xét thông qua đánh giá tài chính bằng cách sử dụng mô phỏng Monte Carlo và lý thuyết thương lượng. Hai dự án đường bộ theo dạng BOT ở Philippines đã được sử dụng làm nghiên cứu điển hình. Kết quả là giai đoạn ưu đãi dài hơn thời gian thực hiện ưu đãi cho tư nhân. Kết quả phân tích rủi ro đã giúp chính phủ đưa ra chiến lược đầu tư các dự án theo hình thức BOT với sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân trong việc phát triển cơ sở hạ tầng.
- Tại Campuchia: Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng đã để ý tới các yếu tố trì hoãn trong các dự án xây dựng đường ở Campuchia. Rủi ro xảy ra trong dự án đã có ảnh hưởng tiêu cực tới thời gian, chi phí và chất lượng của dự án. Các chuyên gia đã phát hiện 10 rủi ro liên quan tới nhà thầu và 2 rủi ro bên ngoài dự án có tác động mạnh mẽ tới mục tiêu dự án. Từ đó các chuyên gia nhận định được rằng, xử lý rủi ro chính là cách nhanh nhất đưa dự án về đích thành công.
Có thể thấy, trong lĩnh vực xây dựng tại các nước phát triển quản lý rủi ro đã đạt được nhiều thành tựu trên một thời gian tích lũy lâu dài thì tại các nước đang phát triển, các nước khu vực Đông Nam Á quản lý rủi ro mới chỉ ở những bước đầu của nhận thức. Vì vậy các nước đang phát triển, các nước khu vực Đông Nam Á quản lý rủi ro mới chỉ chú trọng ở loại hình dự án cơ sở hạ tầng, dự án giao thông. Đây được xem là các dự án nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, xã hội và được chính phủ quan tâm hơn các loại hình dự án khác.
Mặc dù được kế thừa kinh nghiệm từ các nước phát triển, nhưng việc vận dụng các giải pháp quản lý rủi ro tại các nước đang phát triển, các nước khu vực Đông Nam Á vẫn còn hạn chế. Các nhà quản lý đang dồn sự tập trung vào giải pháp hợp đồng và giải pháp làm giảm chi phí cho dự án.
2.2. Quản lý rủi ro trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam
QLRR bắt đầu được chú ý trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam có thể được lấy dấu mốc từ năm 2007. Thời điểm năm 2007 Việt Nam chính thức hội nhập quốc tế, các ngành kinh tế được mở cửa tự do cạnh tranh phát triển. Các dự án xây dựng được tiến hành ở khắp mọi nơi và có thêm yếu tố nước ngoài: Chủ đầu tư nước ngoài, tư vấn nước ngoài, nhà thầu nước ngoài…Điều đó đã tác động tới ngành xây dựng trên hai phương diện:
- Ngành xây dựng được du nhập công nghệ xây dựng tiên tiến, học tập trình độ QLDA chuyên nghiệp.
- Đồng thời, ngành xây dựng cũng chịu sức ép từ chính sự phát triển nhanh chóng và ồ ạt của các dự án đầu tư xây dựng. Các rủi ro xuất hiện với tần suất và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh đó, các nghiên cứu về rủi ro được tiến hành ngày càng nhiều hơn với mong muốn khắc phục được hậu quả mà rủi ro gây ra, Tuy vậy, các nghiên cứu này cũng chưa thực sự được áp dụng hiệu quả trong thực tế do các nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Cũng có thể nói trước năm 2007, quản lý rủi ro là nội dung hoàn toàn mới tại Việt Nam. Sau năm 2007 quản lý rủi ro mới bắt đầu được để ý, các quy định của pháp luật từ đó mới có những cập nhật về quản lý rủi ro, mặc dù các cập nhật này vẫn còn rất hạn chế.
- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Một số nội dung có liên quan tới quản lý rủi ro, được xem xét. Điều 66: Nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng. Văn bản này dã chỉ rõ quản lý rủi ro là một nội dung quan trọng của quản lý dự án.
- Nghị định số 59/2015/NĐ-CP và Nghị định số 42 đưa ra các giải thích rõ hơn về quản lý dự án đầu tư xây dựng cho Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Một số nội dung có liên quan tới quản lý rủi ro được nêu ra tại Điều 34: Quản lý an toàn lao động trên công trường cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn lao động cần được bố trí phù hợp với quy mô công trường, mức độ rủi ro xảy ra tai nạn lao động của công trường cụ thể.
- Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm phòng tránh các rủi ro khách quan.
Ngoài ra còn một số quy định khác như:
- Quyết định số 79/QĐ-BXD đưa ra các quy định về định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng. Trong quyết định này thì chi phí quản lý rủi ro được tính toán thông qua các hình thức hợp đồng, bảo hiểm, bảo đảm.
- Thông tư số 26/2016/TT-BXD đưa ra quy định một số nội dung chi tiết về quản lý chất lượng và bảo trì công trình. Thông tư này quy định về sự cố công trình, rủi ro khách quan ảnh hưởng tới chất lượng công trình.
- Quyết định 725/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về việc công nhận ban vận động thành lập Hiệp hội QLDA đầu tư xây dựng Việt Nam đã cho thấy lĩnh vực QLDA, cũng như QLRR dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam đang được nhìn nhận đúng vai trò của nó. Quản lý rủi ro trong xây dựng của Việt Nam đã bắt đầu được thể hiện qua các văn bản pháp luật.
3. Các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước về quản lý rủi ro trong lĩnh vực đầu tư xây dựng
3.1. Các nghiên cứu nước ngoài
Trong bài viết này, tác giả đã tổng hợp 20 nghiên cứu đã thực hiện về rủi ro, QLRR cho các dự án đầu tư phát triển đô thị trên thế giới để làm cơ sở thực tiễn cho nghiên cứu. Cụ thể:
- Alberto De Marco; Giulio Mangano; Anna Corinna Cagliano; and Sabrina Grimaldi, Public Financing into Build-Operate-Transfer Hospital Projects in Italy, Journal of Construction Engineering and Management
- Cheng Siew Goh; Hamzah Abdul-Rahman; and Zulkiflee Abdul Samad, Applying Risk Management Workshop for a Public Construction Project: Case Study in Malaysia, Journal of Construction Engineering and Management.
- Terry Lyons and Martin Skitmore, Project risk management in the Queensland engineering construction industry:a survey, International Journal of Project Management.
- D F Cooper, D H MacDonald and C B Chapman trong bài báo Risk analysis of a construction cost estimate/Phân tích rủi ro về dự toán chi phí xây dựng đã thực hiện nghiên cứu rủi ro trong dự toán xây dựng, nghiên cứu điển hình cho dự án phát triển thủy điện.
- Bruce R E, trong ấn phẩm Risk-informed condition assessment of civil infrastructure: state of practice and research issues/Đánh giá điều kiện thông tin về rủi ro của dự án hạ tầng kỹ thuật.
- Ang S-AH and Leon De D Modeling and analysis of uncertain-ties for risk-informeddecisions in infrastructures engineering/Mô hình hóa và phân tích những bất ổn về quyết định rủi ro trong các dự án hạ tầng kỹ thuật, tác giả đề xuất một bộ khung cho phương pháp xử lý rủi ro trong các dự án hạ tầng kỹ thuật.
- Sanchez.P, trong ấn phẩm Neural-Risk Assessment System for Construction Projects/Hệ thống đánh giá rủi ro tri thức cho các dự án xây dựng.
- Sid Ghosh và Jakkapan Jintanapakanont, Identifying and assessing the critical risk factors in an underground rail project in Thailand: a factor analysis approach, International Journal of Project Management.
- Martin Th. van Staveren, ấn phẩm Uncertainty and Ground Conditions: A Risk Management Approach/Sự không chắc chắn và các điều kiện nền móng.
- Xiao-Hua Jin and Hemanta Doloi, Modeling Risk Allocation in Privately Financed Infrastructure Projects Using Fuzzy Logic/Sử dụng lý thuyết tập mờ để phân bổ rủi ro trong các dự án hạ tầng kỹ thuật nguồn vốn tư nhân.
- Alan Powderham and Mott MacDonald, Mansion House London: Rick Assessment and Protection, Journal of Contruction Rngineering and Management.
- Simon. B , Piotr. O , Theunis. H& Peter M, bài báo A risk and monitoring/Phương pháp tới hạn và rủi ro nhằm giám sát và thu thập dữ liệu thi công cầu đã giới thiệu phương pháp tiếp cận và chiến lược tổng hợp dữ liệu kết hợp với rủi ro để quản lý các dự án cầu.
- Ryuji Kakimoto and Prianka N. Seneviratne, Financial Risk of Port Infrastructure Development in Srilanka, Journal of Waterway, Port, Coastal, and Ocean Engineering đã nghiên cứu về rủi ro tài chính tại các dự án hạ tầng cơ sở cảng biển ở Srilanka.
- Tran. D, and Molenaar. K, bài báo Impact of Risk on Design-Build Selection Projects/Nhân tố rủi ro trong hình thức Xây dựng - Thiết kế trong dự án xây dựng, thiết kế đường cao tốc nghiên cứu rủi ro trong hình thức hợp đồng thiết kế - xây dựng. Bài báo nghiên cứu 39 yếu tố rủi ro liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu.
- Luis F. Alarcón David B. Ashley; Angelique Sucre de Hanily; Keith R. Molenaar; and Ricardo Ungo, Risk Planning and Management for the Panama Canal Expansion Program, Journal of Construction Engineering and Management.
- J.W. Seo và Hyun Ho Choi, Risk-Based Safety Impact Assessment Methodology for Underground Construction Projects in Korea, Journal of Construction Engineering and Management.
- Sameh M. El-Sayegh và Mahmound H.Mansour, Risk Assessment and Allocation in Highway Construction Projects in the UAE, Journal of Management in Engineering.
- Andreas Wibowo và Bernd Kochend#rfer, Financial Risk Analysis of Project Finance in Indonesian Toll Roads, Journal of Construction Engineering and Management.
- A.Sadeghi, A. R. Fayek, W.Pedrycz, Fuzzy Monte Carlo Simulation and Risk Assessment in Construction/Mô phỏng monte carlo, lý thuyết tập mờ và đánh giá rủi ro trong xây dựng.
- Vilventhan. A, và Kalidindi. S, Approval Risks in Transportation Infrastructure Project in India/Các rủi ro chấp nhận trong các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông tại Ấn Độ.
3.2. Các nghiên cứu trong nước
Bên cạnh các nghiên cứu trên thế giới thì không thể không kể đến một số các nghiên cứu trong nước. tác giả đã tổng hợp 19 nghiên cứu đã thực hiện về rủi ro:
- Đỗ Thị Mỹ Dung, Luận án tiến sĩ “Nghiên cứu và phân tích các yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến dự án đầu tư xây dựng, tác giả đã làm rõ các lý thuyết về rủi ro và QLRR, các rủi ro ảnh hưởng tới dự án đầu tư xây dựng. Trường nghiên cứu điển hình cho thi công cọc Barret tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Đinh Tuấn Hải, nghiên cứu QLRR trong thi công xây dựng tầng hầm nhà cao tầng là công việc thực sự cần thiết trong tình hình phát triển hiện nay. Tác giả xây dựng các bước QLRR và đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng tầng hầm nhà cao tầng trong quá trình thi công sáu bước: xác định rủi ro; lập kế hoạch QLRR; tiến hành phân tích rủi ro định tính; tiến hành phân tích rủi ro định lượng; lập kế hoạch ứng phó rủi ro; và Quá trình QLRR trong thi công xây dựng công trình.
- Phạm Hồng Luân và Nguyễn Minh Trực, nghiên cứu QLRR trong quá trình thi công tầng hầm các dự án nhà cao tầng là giai đoạn chứa nhiều rủi ro và gây ra hậu quả lớn. Nghiên cứu trình bày và xếp hạng bốn mươi hai yếu tố.
- Nguyễn Thế Chung, Lê Văn Long và cộng sự, trong đề tài Nghiên cứu rủi ro khi đánh giá hiệu quả tài chính các dự án đầu tư tập trung xác định rủi ro hiệu quả tài chính dự án đầu tư xây dựng nói chung, ứng dụng trên một số dự án đầu tư sản xuất xi măng ở Việt Nam.
- Lê Văn Long, trong bài báo “Một số vấn đề về quản lý rủi ro trong dự án đầu tư xây dựng công trình” đã tìm hiểu 3 vấn đề cần thực hiện trong quá trình QLRR dự án đầu tư xây dựng công trình.
- Tô Nam Toàn, luận án tiến sĩ Government’s risk management for attracting private investement in BOT infrastructure projects in Vietnam/Quản lý rủi ro của Nhà nước trong việc thu hút vốn đầu tư tư nhân trong các dự án hạ tầng kỹ thuật BOT tại Việt Nam, thực hiện tại Đại học Tokyo đã nghiên cứu sâu về rủi ro trong các dự án HTKT xây dựng theo hình thức BOT.
- Phạm Hồng Luân và Lý Thanh Tùng, nhận thấy các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đầu tư PPP tại Việt Nam thường có tổng mức đầu tư lớn, vòng đời dự án kéo dài và gặp nhiều rủi ro cần nghiên cứu, xem xét.
- Phạm Văn Thứ , trong bài báo Rủi ro hư hỏng các công trình xây dựng và phương pháp tiếp cận/Failure risk of construction and the evaluation method, tiến hành nghiên cứu rủi ro hư hỏng các công trình xây dựng sử dụng phương pháp xác suất.
- Nguyễn Văn Châu và Châu Trường Linh, bài báo Quản lý rủi ro kỹ thuật trong xây dựng tường chắn đất có cột VsoL-VSL tại công trình đường hai đầu cầu vượt đường sắt Km0+938,29 - Dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây. Trong bài viết này, các tác giả tập trung vào các rủi ro kỹ thuật có thể.
- Nguyễn Hồng Thái và Thân Thanh Sơn, bào báo Kinh nghiệm quốc tế về quản lý rủi ro của hình thức PPP trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và bài học cho Việt Nam.
- Thân Thanh Sơn, trong luận án tiến sĩ Nghiên cứu phân bổ rủi ro trong hình thức hợp tác công tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam. Tác giả đã tổng hợp được 51 rủi ro cụ thể.
- Trình Thùy Anh, luận án tiến sĩ “Nghiên cứu một số giải pháp quản lý rủi ro trong các dự án xây dựng công trình giao thông ở Việt Nam” đã nghiên cứu có tính khái quát cao cho tất cả các rủi ro qua 3 giai đoạn dự án giao thông, từ đó xây dựng một danh mục đầy đủ về các rủi ro dự án.
- Nguyễn Văn Châu, luận án tiến sĩ Quản lý rủi ro kỹ thuật trong xây dựng công trình giao thông đường bộ tại Việt Nam, đã tổng quan rủi ro và QLRR trong dự án xây dựng nói chung và các vấn đề lý thuyest về QLRR.
- Lưu Trường Văn và Trần Thanh Tùng, nghiên cứu kinh phí đầu tư xây dựng cảng biển là rất lớn nên việc đánh giá rủi ro tài chính của dự án sẽ giúp chủ đầu tư dự án tránh nguy cơ thua lỗ và đem lại thành công cho dự án.
- Lê Anh Dũng, Bùi Mạnh Hùng, trong tài liệu chuyên khảo Quản lý rủi ro trong doanh nghiệp xây dựng đã tìm hiểu các rủi ro và QLRR trong hoạt động xây dựng của doanh nghiệp xây dựng.
- Đinh Tuấn Hải và Phạm Xuân Anh, trong ấn phẩm Quản lý dự án trong xây dựng là một nghiên cứu khái quát và đầy đủ nội dung về quản lý rủi ro cho dự án đầu tư xây dựng công trình nói chung.
- Nguyễn Liên Hương, luận án tiến sĩ “Nghiên cứu vấn đề rủi ro và biện pháp quản trị rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng” đã nghiên cứu về rủi ro, quản trị rủi ro của các doanh nghiệp xây dựng đặt trong hoàn cảnh nền kinh tế thị trường có tính cạnh tranh cao. Tác giả tiếp cận vấn đề từ tổng quan chung về rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
- Nguyễn Thị Thúy và Đinh Tuấn Hải, nghiên cứu về rủi ro, QLRR trong quá trình thực hiện các dự án xây dựng phát triển đô thị và đề xuất giải pháp QLRR nhằm quản lý dự án một cách hiệu quả.
- Nguyễn Xuân Chính và Nguyễn Hoàng Anh, nghiên cứu về tính toán độ an toàn thiết kế các công trình xây dựng.
4. Kết luận
Bài viết này đã tổng quan về rủi ro và quản lý rủi ro trong lĩnh vực đầu tư xây dựng trên thế giới và Việt Nam. Từ các kết quả thu được có thể thấy, rủi ro và quản lý rủi ro đã được nghiên cứu nhiều, nhất là tại các nước phát triển do các nhà quản lý đã đánh giá được mức độ quan trọng của QLRR trong dự án đầu tư xây dựng. Trình độ quản lý rủi ro tại các nước phát triển cũng đạt được trình độ cao về phương pháp quản lý, kỹ năng quản lý và quy trình quản lý… Tại Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác các nghiên cứu về quản lý rủi ro chưa nhiều, và chỉ tập trung trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, các dự án giao thông, một số dự án áp dụng hình thức PPP. Như vậy vẫn còn một khoảng trống rất lớn trong nghiên cứu quản lý rủi ro tại Việt Nam cần được tìm hiểu trong thời gian tới.