Thực trạng và yêu cầu xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành quy hoạch đô thị và nông thôn hiện nay

Thứ hai, 10/02/2020 14:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Thực trạng chương trình đào tạo kiến trúc sư quy hoạch đô thị và nông thônThực tế đào tạo kiến trúc sư Quy hoạch hiện  nay chỉ chủ yếu tập trung tại một số trường Đại học công lập có bề dày đào tạo và có đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Hiện nay chỉ có Trường Đại học Kiến trúc HN và Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM có khoa Quy hoạch đô thị và nông thôn, là khoa chuyên ngành đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch đô thị - nông thôn, kiến trúc cảnh quan & Thiết kế đô thị. Các trường đại học khác có đào tạo kiến trúc sư công trình và quy hoạch (gộp), hầu hết không có chuyên ngành riêng về quy hoạch, mà chỉ cập nhật một số môn học về quy hoạch vào giảng dạy cho sinh viên. Thực tế này đã và đang đặt ra câu hỏi về tính chuyên ngành Quy hoạch đô thị trong đào tạo Kiến trúc sư hiện nay, liệu có cần đào tạo Kiến trúc sư có kiến thức tổng hợp hay cần phải đào tạo theo chuyên ngành sâu?

1.1. Cấu trúc chương trình đào tạo

Với các trường có chương trình đào tạo riêng về chuyên ngành Quy hoạch: trường đại học kiến trúc HN, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM – Được đánh giá như sau:

- Phù hợp với Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, trong công tác Quy hoạch xây dựng

- Phù hợp với đặc thù tại Việt Nam trong công tác Quy hoạch Xây dựng

- Chú trọng vào trang bị kĩ năng vẽ, thể hiện đồ án, chịu ảnh hưởng của xu hướng đào tạo Kiến trúc sư Công trình.

- Còn tồn tại “khoảng trống” về đào tạo KTS có tư duy phân tích và triển khai lập Quy hoạch chiến lược phát triển thành phố (đô thị)

Với các trường có đưa vào giảng dạy một số học phần về Quy hoạch: Nhóm này chủ yếu là các trường dân lập với chương trình được xây dựng nhằm đào tạo Kiến trúc sư có kiến thức tổng hợp về Kiến trúc, Nội thất và Quy hoạch. Một số đặc điểm chính:

- Chương trình chỉ trang bị những kiến thức sơ bộ về Quy hoạch đô thị. Bản chất mục đích đào tạo của các cơ sở này là đào tạo KTS công trình sau khi phù hợp với khả năng tiếp nhận công việc sau khi ra trường, do vậy kiến thức về Quy hoạch thường được cho là vĩ mô, ít ứng dụng thực tiễn.

- Các kiến thức về Quy hoạch có tổng hợp theo các Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị nhưng vẫn chịu ảnh hưởng bởi tư duy chủ quan hoặc chịu chi phối từ các chương trình hợp tác quốc tế dẫn tới nội dung học phần được giản lược và rút gọn, tích hợp nhiều kiến thức trong một học phần.

- Các kĩ năng về thực hiện đồ án Quy hoạch được trang bị ít, hầu như không có khả năng thực hành nghề sau khi tốt nghiệp.

1.2. Thời lượng và phân bố học phần

a) Nhóm trường công lập có chuyên ngành đào tạo Kiến trúc sư Quy hoạch

- Thời gian đào tạo nhanh nhất là 4 năm, thời gian đào tạo chung là 5 năm

- Thời lượng đào tạo từng môn học lý thuyết chuyên ngành từ 2-3 tín chỉ (tương đương 30-45 tiết); Thời lượng môn học đồ án chuyên ngành từ 2-3 tín chỉ thực hành (tương đương 60-90 tiết); Đồ án tốt nghiệp có thời lượng trung bình 10 tín chỉ (tương đương 300 tiết)

- Phân bố các môn học được phân bố rải đều trong 5 năm học

- Thời lượng đào tạo (số tín chỉ) tích lũy trong 1 năm học là khá nhiều. Tổng thời gian đào tạo đòi hỏi sinh viên phải thu nhận khối lượng kiến thức lớn.

- Thời lượng đào tạo về kiến thức chuyên ngành chiếm tỷ lệ thấp so với tổng thời lượng đào tạo chung

- Các môn học được xây dựng có tính ràng buộc về kiến thức, theo trình tự từ cơ sở đến chuyên ngành, từ tổng hợp đến chuyên sâu. Để tiếp cận khối kiến thức chuyên ngành, sinh viên được yêu cầu phải hoàn thành phần lớn các môn học giáo dục đại cương và kiến thức cơ sở ngành.

Thực tế này cho thấy sự cần thiết phải có sự điều chỉnh, cải tiến về thời gian chương trình đào tạo Kiến trúc sư Quy hoạch. Hiện nay, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM đã bắt đầu áp dụng chương trình tiên tiến theo chuẩn châu Âu về đào tạo Quy hoạch với đề án xây dựng gồm 4 năm đào tạo và đỏi hỏi 1 năm đào tạo kiến thức đại cương.

b) Nhóm các trường dân lập có giảng dạy một số học phần Quy hoạch

- Thời lượng đào tạo về kiến thức chuyeenngafnh chiếm tỷ lệ thấp so với tổng thời lượng đào tạo chung

- Các trường dân lập không có chương trình đào tạo riêng về Kiến trúc sư Quy hoạch, do vậy chỉ đưa vào một số môn học có liên quan đến Quy hoạch, cụ thể:

+ Học phần lý thuyết: Quy hoạch đô thị và nông thôn, Thiết kế đô thị và cảnh quan; Học phần đồ án: Đồ án quy hoạch chi tiết đơn vị ở, Đồ án thiết kế đô thị một khu vực.

+ Phân bố moonhocj tập trung vào năm thứ 3, hoặc năm thứ 4.

1.3. Phương pháp đào tạo, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất

a) Phương pháp đào tạo

Về phương pháp đào tạo, hầu như không có sự khác biệt lớn giữa các trường công lập với các trường công lập, cụ thể:

- Tuyển sinh đại học, các trường hầu hết đều xét tuyển theo khối V (Toán, Lý, Vẽ mỹ thuật) giống như đào tạo Kiến trúc sư.

- Phương pháp đào tạo theo mô hình truyền thống giữa giảng dạy lý thuyết kết hợp với thực hành (đồ án môn học), bao gồm:

+ Lên lớp: giảng viên giảng bài, hướng dẫn học viên thảo luận, làm bài tập và thực hiện các hoạt động khác.

+ Thực hành: giảng viên hướng dẫn học viên đi nghiên cứu, khảo sát, thực hiện đồ án chuyên ngành…

+ Tự học: học viên học tập theo hình thức cá nhân hoặc cặp/nhóm ở nhà, trong phòng họa thất, trong thư viện…để chuẩn bị nội dung lên lớp, củng cố kiến thức đã học, khám phá kiến thức mới, thực hiện những nhiệm vụ học tập khác được giảng viên giao.

- Đối với môn học đồ án, phương pháp truyền thụ chủ yếu áp dụng theo mô hình xưởng với từ 3-4 thầy cô hướng dẫn cho 3-4 nhóm 10-15 sinh viên. Vì vậy, có sự chưa tương đồng giữa các nhóm xuất phát ngay từ cách thức hướng dẫn và truyền thụ của các giáo viên khác nhau. Cùng với đó, các dạng đề tài thực hành đều là các giả thiết đã được “tuyệt đối hóa” bỏ qua nhiều khó khăn vướng mắc trong thực tế. Vì vậy, tính gắn kết thực tiễn chưa thực sự cao trong đào tạo nói chung.

b) Đội ngũ giảng viên

Đội ngũ giảng viên có sự khác biệt rõ ràng giữa khối các trường công lập và dân lập. Đây cũng là thực trạng chung của giáo dục đại học tại Việt Nam hiện nay. Trong nhóm các trường có mã ngành đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch, các số liệu điều tra cho thấy:

Đội ngũ giảng viên hầu hết có trình độ từ Thạc sĩ, chiếm tỉ lệ lớn, có khả năng giảng dạy và truyền đạt kiến thức. So với nghị quyết 14-2005/NQ-CP đều có số giảng viên đạt tiêu chuẩn.

Tỷ lệ giảng viên/sinh viên trong từng trường còn khác nhau, tuy nhiên tỷ lệ này đảm bảo theo quy định của Bộ giáo dục – đào tạo về chỉ tiêu quy đổi số sinh viên/giảng viên định mức. Theo đó, khối ngành về Kiến trúc và xây dựng có số sinh viên chính quy/giảng viên quy đổi là 1/20.

c) Cơ sở vật chất

Do đặc thù đào tạo, cơ sở vật chất trang bị cho hoạt động giảng dạy còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Phòng học: Phòng học gồm: Phòng học lý thuyết và phòng học đồ án. Phòng học lý thuyết cơ bản đang trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ giảng dạy. Tuy nhiên phòng học đồ án còn hạn chế về diện tích, không gian và trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy.

Giáo cụ giảng dạy: Ngoài các giáo cụ giảng dạy cơ bản đã được trang bị, những giáo cụ nâng cao như máy cắt mô hình còn chưa đáp ứng. Ngoài ra, thực tế hoạt động giảng dạy về Quy hoạch gặp nhiều hạn chế về lựa chọn địa điểm, các thông tin, bản đồ nền cho khu vực lập quy hoạch. Thực tế này dẫn tới chất lượng, tính sát thực với thực tế còn chưa cao trong đào tạo Kiến trúc sư quy hoạch.

1.4. Đánh giá chung

Cùng với sự phát triển của Việt Nam, trong những năm gần đây các trường có đào tạo về Kiến trúc sư Quy hoạch đã có nhiều chuyển  biến tích cực trong hoạt động đào tạo. Hàng năm, có hàng nghìn sinh viên tham gia vào môi trường nghề nghiệp về Quy hoạch và Quản lý đô thị trên cả nước. Thực tế này cho thấy vai trò tích cực của đào tạo về Quy hoạch. Trong những thành tựu cần được ghi nhận của công tác đào tạo hiện nay đó là: 

- Xây dựng được hệ thống môn học phục vụ đào tạo chuyên ngành Quy hoạch và Quản lý đô thị. Mặc dù còn nhiều tồn tại bất cập nhưng đang là cơ sở cho công tác nâng cao chất lượng giảng dạy.

- Các chương trình học đáp ứng các đòi hỏi về chuyên môn đào tạo, về thời lượng đào tạo; đã có sự thống nhất nhất định giữa các trường có chung ngành đào tạo. Đây là điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể chuyển tiếp hoặc đào tạo nâng cao.

- Phân bố môn học và thời lượng các môn học phù hợp với khả năng tiếp nhận của sinh viên theo từng cấp độ. Việc bắt buộc sinh viên phải hoàn thành các môn học ràng buộc đã nâng cao cho sự liên hệ giữa các môn học trong chuyên  ngành đào tạo.

Tuy vậy, chương trình đào tạo hiện vẫn đang còn tồn tại một số khó khăn, bất cập.

- Mặc dù các phát triển đô thị hiện nay cho thấy mức độ quan tâm, đòi hỏi tới các công tác quy hoạch và quản lý đô thị là rất lớn, nhưng công tác đào tạo còn hời hợt chưa tương xứng. Bên cạnh các cơ sở đào tạo đã có uy tín nhiều năm, như Đạihọc Kiến trúc HN, Kiến trúc TP.HCM, Đại học Xây dựng luôn nâng cao cải tiến thì phần lớn các trường còn lại (trường dân lập và một số trường công lập khác) còn chủ quan, bị động, đào tạo đại cương. Chương trình đào tạo lồng ghép, thiếu logic khiến cho kiến thức ngành bị bỏ trống, tạo tâm lí thái độ học tập chưa tốt. Đặc biệt chương trình đào tạo về Cử nhân Quản lý đô thị hiện đang có (rất)) ít cơ sở đào tạo, điều này dẫn tới các thiếu hụt về nhân lực, thiếu sự cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo.

- Thời lượng và thời gian đào tạo cơ bản là thống nhất, tuy nhiên cá biệt vẫn có sự khác nhau. Đối với chuyên ngành về Quản lý đô thị, hiện nay, có sự khác nhau về thời gian đào tạo giữa hệ 5 năm tại Đại học Kiến trúc HN với hệ 4 năm tại Đại học Hồng Bàng. Số lượng tín chỉ các môn học là chưa đồng bộ, có sự khác nhau đến 10 tín chỉ. Đây là khó khăn không nhỏ khi có sự chuyển tiếp các bậc học, liên thông ngành học của sinh viên.

- Các môn học là đa dạng nhưng thiếu sự thống nhất giữa các trường có cùng ngành đào tạo (Kiến trúc sư Quy hoạch hoặc Cử nhân quản lý đô thị). Các môn học chỉ chủ yếu tập trung vào các khu vực loại hình theo Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Pháp lệnh nhà nước…Các lĩnh vực về kinh tế, xã hội – môi trường chưa được chú trọng dẫn tới sinh viên khi thực hành còn mơ hồ, thiếu khả năng biện luận, chỉ chủ yếu vào “thể hiện hình vẽ đẹp” chứ không đưa ra lý giải về sự cần thiết của tổ chức hoặc quản lý không gian đô thị.

- Phương pháp đào tạo chưa tạo được sự đổi mới, vẫn rập khuôn theo cách thức đào tạo Kiến trúc sư công trình, lối truyền thụ kiến thức của bậc Phổ thông trung học. Quy hoạch và quản lý đô thị là một lĩnh vực rộng, bao trùm lên một quy mô khu vực lớn, tác động tới nhiều cộng đồng dân cư, do vậy tính đặc thù trong phương pháp học và giảng dạy cần phải có sự cải tiến, nghiên cứu mới.

Chương trình đào tạo về quy hoạch đô thị & nông thôn còn nhiều bất cập; việc đổi mới chương trình hướng đến hội nhập quốc tế còn chậm, kiến thức nặng lý luận nhiều song vẫn thiếu tính thực tiễn của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, trong những năm gần đây, các nước trên thế giới và trong khu vực cũng đã có những thay đổi về quan điểm và nội dung đào tạo trong lĩnh vực quy hoạch đô thị. Trong nhiều năm đào tạo về Quy hoạch và Quản lý đô thị, tuy đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, nhưng thách thức còn nhiều, đó là trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên, phương pháp và nội dung giảng dạy. Cuộc sống thu nhập của các cán bộ giảng viên, sinh viên còn khó khăn, làm sao “có tầm” và “có tâm” để phục vụ công tác dạy và học chuyên nghiệp hơn.

2. Thực tiễn công tác quy hoạch đô thị tại Việt Nam

Trong những năm vừa qua, công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Bộ mặt các đô thị cũng như nông thôn Việt Nam ngày càng khang trang hơn. Hệ thống đô thị, làng cóm, nông thôn phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng. Đến nay, cả nước ta có trên 770 đô thị (tính đến tháng 6 năm 2014) trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 14 đô thị loại I, 11 đô thị loại II, 52 đô thị loại III, 63 đô thị loại IV, còn lại là các đô thị loại V. Dân số đô thị là 29,72 triệu người, chiếm gần 33,74% số dân toàn quốc. Đô thị đã đảm nhiệm được vai trò là trung tâm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của vùng lãnh thổ khác nhau trên cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thời gian qua cũng phát sinh nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị, nông thôn như:

- Hệ thống pháp luật nói chung còn thiếu để vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường nên nảy sinh nhiều tiêu cực. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, không đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng làm phát sinh những hậu quả xấu.

- Quá trình đô thị hóa gắn liền với công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Tuy nhiên, do chú trọng quá nhiều vào “công nghiệp hóa” cộng với chất lượng quy hoạch không cao, nên quá trình này đang bộc lộ nhiều bất cập đáng lo ngại. Cụ thể là số lượng các đô thị tăng lên nhanh chóng và sự gia tăng dân số đô thị thiếu kiểm soát với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị yếu kém. Đô thị hóa các làng truyền thống đe dọa nghiêm trọng đến quỹ di sản kiến trúc dân gian quý giá. Mát đất sản xuất nông nghiệp dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực cho các khu đô thị, thất nghiệp và đói nghèo ở nông thôn.

- Về quy hoạch, trên thực tế các địa phương chưa quản lý được việc mở rộng quá mức không gian đô thị, mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng đô thị, giữa bảo tồn và phát triển đảm bảo đô thị phát triển bền vững liên tục xảy ra. Hiện tượng các đô thị được nâng cấp khi còn thiếu các điều kiện theo tiêu chuẩn phân loại đô thị còn phổ biến, xu thế phát triển từ tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương đang như là một hội chứng trong phát triển đô thị ở nước ta. Việc lập các quy hoạch chi tiết, quy hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị nông thôn còn tràn lan, chưa có kế hoạch nên nảy sinh hiện tượng “quy hoạch treo” và khắp nơi đều có công trường xây dựng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và việc vận hành đô thị.

- Quản lý đô thị - nông thôn ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng của cơ chế bao cấp, chủ yếu dựa vào các nguyên tắc định sẵn, thiếu linh hoạt theo hướng thị trường, thiếu cách tiếp cận quy hoạch đa ngành, tình trạng chồng chéo trong quản lý phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ về tổ chức quản lý đất đô thị, bao gồm: quản lý địa giới hành chính và hồ sơ địa chính; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất; quản lý tài chính đất đai và giá đất đang được nhiều bộ ở cấp Trung ương quản lý, như Bộ TN&MT (quản lý tài nguyên đất đai và định giá đất); Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (quản lý đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh); Bộ Xây dựng (quản lý quy hoạch, sử dụng đất đô thị; phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng đô thị; quản lí thị trường BĐS); Bộ Tài chính (quản lý tài chính về đất đai và đền bù thiệt hại khi thu hồi đất). Ngoài ra, Bộ NN&PTNT quản lý phần đất nông nghiệp trong phạm vi đô thị.

- Vấn đề thị trường BĐS đô thị: Công tác quản lý thực hiện quy hoạch chưa có sự chú ý đúng mức cần thiết, chính quyền các đô thị và các nhà hoạch định chính sách chỉ quan tâm chủ yếu đến khâu lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch. Do đó, luôn luôn tồn tại sự cách biệt khá lớn giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển của đô thị, hay nói cách khác là quy hoạch không còn chức năng kiểm soát quá trình phát triển của đô thị.

3. Yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo chuyên ngành quy hoạch đô thị

Từ thực tiễn đô thị hóa và từ định hướng tổng thể phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn tới đang đặt ra đòi hỏi QHXD phải đáp ứng đa mục tiêu của phát triển kinh tế xã hội cũng như năng lực chuyên sâu của một số chuyên ngành: Nguồn lực chủ yếu hay chủ thể để thực hiện yêu cầu này là các KTS Quy hoạch và Kỹ sư Quản lí đô thị.

Đồ án quy hoạch là một công trình khoa học tổng hợp của kỹ thuật, kinh tế, xã hội và mỹ thuật. Các đồ án không những tạo dựng ra một không gian chức năng tiện nghi, an toàn, đẹp…mà còn phải phù hợp với kinh tế, văn hóa và môi trường. Người lào quy hoạch không những cần kiến thức của một Kiến trúc sư mà còn cần trang bị thêm kiến thức về Địa lí – Kinh tế  - Văn hóa - xã hội & Môi trường sinh thái. Các đồ án sau khi được phê duyệt trở thành các căn cứ pháp lí để triển khai các dự án tiếp theo. Công tác thực thi quy hoạch đòi hỏi có sự hỗ trợ và gắn kết đắc lực của khoa học quản lý đô thị.

Qua từng bước phát triển ngành quy hoạch đô thị - nông thôn đòi hỏi sinh viên bắt đầu từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Từ tổ chức sắp xếp những khu nhà sao cho tiện dụng, đảm bảo kĩ thuật và đẹp về thẩm mỹ đến phải đáp ứng các yêu cầu tính khả thi về kinh tế, phải am hiểu vawnhoas, lịch sử, đặc trưng của một vùng miền, phải thỏa mãn các điều kiện về sinh thái môi trường, hạ tầng kĩ thuật…

Việt Nam hiện đang trong thời gian chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế kéo theo sự thay đổi về mọi mặt trong đó có cả công tác quy hoạch xây dựng. Sự chuyển đổi từ quy hoạch đơn ngành thành tích hợp quy hoạch đa ngành. Hình thành một số phương pháp và nội dung quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng…Có sự thay đổi về nội dung và thứ tự của Quy hoạch đô thị trong hệ thống quy hoạch Kinh tế xã hội.

Định hướng xây dựng Chương trình đào tạo Quy hoạch đô thị và nông thôn trong trường đại học cần phải nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội và đáp ứng môi trường hội nhập quốc tế. Đó là:

Đào tạo trên cơ sở văn hóa Việt Nam: Trong thời kỳ hội nhập, đào tạo đại học nhất là về quy hoạch và quản lý đô thị đòi hỏi phải chú trọng yếu tố văn hóa, chú trọng các giá trị địa phương, truyền thống để tạo dựng các không gian đô thị và nông thôn Việt Nam vừ hiện đại vừa có bản sắc. Bản sắc địa phương ngày càng có vai trò quan trọng với tư cách vừa là mục tiêu vừa là nguồn nội lực phát triển của mỗi một quốc gia trong quá trình hội nhập với thế giới.

Đào tạo phải gắn với phát triển công nghệ thông tin: công nghệ thông tin là nền tảng thúc đẩy nhiều quốc gia chậm phát triển trong đó có Việt Nam vươn lên. Công nghệ thông tin là nền tảng cho cuộc sống sinh hoạt và hoạt động hành chính của đô thị. Kiến thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến tạo điều kiện sáng tạo không gian theo hướng hiện đại và cũng như khả năng thực hiện những ý tưởng sáng tạo đó.

Rèn luyện kỹ năng và phương pháp làm việc theo nhóm: Tập thể đóng một vai trò quan trọng trong công tác lập và thực hiện các dự án quy hoạch. Vì vậy việc tìm sự hòa hợp giữa ý tưởng của mình và những thành viên khác trong nhóm, rộng hơn khả năng bàn bạc, thương thuyết với các nhà lãnh đạo, các chuyên gia và cộng đồng dân cư địa phương là điều kiện cần thiết để có được thành công của đồ án.

Giáo dục về giá trị thẩm mỹ: Nhận thức đúng đắn về các giá trị thẩm mỹ trong không gian đô thị, nông thôn có vai trò quan trọng trong nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị. Sự sáng tạo và kiến thức thẩm mỹ trong thiết kế kiến trúc, quy hoạch được thể hiện trên toàn bộ đồ án tư ftoorng thể đến chi tiết biểu hiện qua cách tư duy, lối suy nghĩ, sự hoàn tất chu đáo công việc. Mỗi sinh viên là một tác giả tạo nên đô thị bằng chính khả năng và công sức của mình.

Đất nước ta đã và đang chuyển đổi sang thời kì mới, thời kì phát triển và hội nhập, thời kì đô thị hóa với một tốc độ cao. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị & nông thôn còn nhiều bất cập đã hạn chế quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ảnh hưởng đến kinh tế, đất đai, môi trường, gây bất ổn trong xã hội. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách còn chưa hoàn thiện, lý thuyết chưa gắn kết với thực tiễn, đội ngũ cán bộ chưa đủ về số lượng cũng như chưa đạt yêu cầu chất lượng. Thực trạng quy hoạch, xây dựng & quản lý đô thị và nông thôn đang đòi hỏi đội ngũ KTS Quy hoạch, các nhà quản lý, các nhà chuyên môn của các lĩnh vực liên quan phải trang bị thêm những năng lực mới để giải quyết những vấn đề hết sức phức tạp và tổng hợp của công tác quy hoạch.

Từ thực tiễn quá trình đô thị hóa và từ định hướng tổng thể phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn tới đang đặt ra đòi hỏi QHXD phải đáp ứng đa mục tiêu của phát triển KT-XH cũng như năng lực chuyên sâu của chủ thể để thực hiện yêu cầu này là các nhà Quy hoạch và nhà Quản lý đô thị. Hiện nay, KTS quy hoạch đang được đào tạo là người thiết kế đô thị & KTS cảnh quan, đây là những chuyên sâu cần được xác lập thời lượng, nội dung trong đào tạo KTS hiện nay để có lực lượng đủ tri thức tham gia giải quyết yêu cầu thực tế. Theo nhu cầu của xã hội với phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam, do vai trò của KTS quy hoạch đã được mở rộng và chuyên sâu hơn là người tạo lập không gian – với vai trò của “Nhà quy hoạch đô thị” với chức năng chính là chuyển hóa các vấn đề Kinh tế & Xã hội (định tính) sang không gian đô thị (định lượng) là việc làm cần thiết mà các mô hình đào tạo tiên tiến đang áp dụng.

4. Kết luận

Từ các phân tích thực trạng về chương trình đào tạo KTS Quy hoạch đô thị & Nông thôn hiện nay, một số tồn tại cơ bản được nhận định:

- Mặt tích cực: (1) Các trường đã xây dựng hệ thống môn học phong phú phục vụ đào tạo đúng chuyên ngành. (2) Các chương trình xây dựng phù hợp với các quy định hiện hành về hệ thống đào tạo, thời gian; (3) Phân bố moonhojc phù hợp với khả năng nhận thức, tiếp nhận của sinh viên.

- Mặt hạn chế: (1) Vấn đề cải tiến chương trình đào tạo chưa được chú trọng tại các trường tư thục, dẫn tới thiếu hụt nhân lực cung cấp cho thị trường lao động; (2) Còn tồn tại cá biệt sự khác nhau về thời lượng đào tạo; (3) Thiếu thống nhất môn học giữa các trường và thiếu cập nhật các môn học liên quan tới kinh tế - xã hội và phương pháp luận; (4) Phương pháp truyền thụ còn rập khuôn, ít sáng tạo.

Qua các kết quả báo cáo, các đòi hỏi về việc gắn kết đào tạo với thực tiễn đã được nhận diện, bao gồm: (1) Định hướng xây dựng Chương trình đào tạo áp dụng nhu cầu thực tiễn; (2) Tự chủ đào tạo cho các trường nhằm tăng khả năng chủ động thích nghi với môi trường phát triển đô thị hiện nay; (3) Đào tạo phải gắn với phát triển khoa học, công nghệ; (4) Đào tạo cần gắn với các hoạt động nghề nghiệp thực tế, nhất là trong đội ngũ giảng viên, và đồ án môn học; (5) Đào tạo gắn với giáo dục về tính hiếu kì và sự nhạy cảm đối với các yêu cầu văn hóa; (6) Đào tạo với giáo dục về Suy nghĩ và làm việc theo nhóm.


(Nguồn: Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, Số  36/2019)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)