Tấm 3D là gì, ứng dụng ra sao?
Thứ bẩy, 01/10/2005 00:00
Báo SGTT đã giới thiệu về tấm 3D. Thời gian qua, SGTT nhận thêm câu hỏi của các bạn Nguyễn Trí Dũng, 181 Trần Hưng Ðạo, P.1, Sa Ðéc, Ðồng Tháp; Trần Văn Lân, 153/3 Nơ Trang Long, P.12, Q. Bình Thạnh; Bùi Huy Bích, 36 Bà Hạt, Q.10 và một số bạn khác về giá thành, độ bền, kết cấu nền móng… của căn nhà xây dựng bằng tấm 3D. SGTT mời ông PHAN TẤN QUỐC, phó giám đốc công ty cổ phần 3D trả lời bạn đọc.
Tấm 3D là gì? Phạm vi ứng dụng?
Tấm có kết cấu ba chiều, hình thành bởi các lưới thép đan vào nhau và kẹp vào giữa là tấm mốp EPS. Sườn tấm 3D được chế tạo từ thép kéo nguội, đường kính từ 2 - 3,8mm; mật độ ô lưới là 52 x 50mm xem ảnh minh họa. Toàn bộ thép được mạ kẽm để tránh gỉ sét. Khi gắn vào công trình sẽ tô vữa xi măng lên các mặt tấm 3D này.
Tấm 3D có thể dùng làm tường, sàn, cầu thang, mái, ô văng…và có 4 loại với độ dày khác nhau để lựa cho thích hợp. Bề rộng tấm 1,2m; chiều dài tùy chọn từ 2,5 - 6m. Tùy mục đích sử dụng mà có thể tô trát các mặt ngoài hay kết cấu nối bằng vữa xi măng - cát mác 75 - 100, bê tông - đá 1 x 2 mác 200 - 300 hoặc bê tông đá mi mác 150 - 200…
Tấm 3D thích hợp với nền đất yếu? Xây nhà bằng tấm 3D có rẻ?
Một m2 tường bằng tấm 3D dày 10cm hoàn thiện nặng 85 - 90kg tường gạch truyền thống 160 - 190kg, sàn dày 10cm nặng 150kg sàn bê tông truyền thống nặng 230kg. Như vậy công trình bằng tấm 3D chỉ nặng bằng khoảng 60% so với công trình tương tự xây bằng vật liệu truyền thống. Do đó tấm 3D thích hợp khi thi công trên nền đất yếu, cải tạo nhà cũ với chi phí gia cố móng tối thiểu, thuận tiện thi công ở vùng sâu, xa, trong hẻm hoặc đưa lên cao. Về chi phí, có thể giảm 10 - 20% chi phí thi công phần thô vì rút ngắn 30% thời gian thi công, tiết kiệm chi phí nhân công, cốp-pha, cây chống.
N.Tâm GHI