Nhà chống động đất từ bùn, tre và sợi
Thứ bẩy, 01/10/2005 00:00
Một nhóm nghiên cứu Australia đã phát triển một cách thức rẻ tiền và đơn giản để gia cố những ngôi nhà bằng gạch không nung truyền thống, giúp chúng chịu đựng rung lắc lòng đất.Loại nhà này đang là nơi trú ẩn của khoảng 1/3 dân số thế giới.
Khi động đất xảy ra, nó không chỉ tác động tới những toà nhà bằng gạch hoặc bêtông hiện đại, mà cả những ngôi nhà làm bằng gạch không nung. Ví dụ mới nhất là hai trận động đất xảy ra tại El Salvador đầu năm 2001, làm sập hơn 110.000 ngôi nhà bằng đất không nung như vậy.
Gạch không nung được làm từ bùn cứng, đôi khi có thêm rơm hoặc bổ sung cát. Để gia cố cho những ngôi nhà này, Bijan Samali, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hạ tầng xây dựng tại Đại học Công nghệ ở Sydney, và cộng sự đã khoan các lỗ qua gạch. Tiếp đó họ xâu chúng qua một sợi dây - có thể làm bằng những vật liệu bền vững như polypropylene - và lại lấp đầy lỗ bằng bùn. Sau khi bùn khô đi, họ sử dụng dây này để buộc chặt các đoạn tre thẳng đứng cách nhau nửa mét. Những chiếc cọc này lại được nối với các sợi dây nằm ngang.
"Tre đủ mềm dẻo để chịu đựng được một trận động đất, và đủ khoẻ để cố định cấu trúc gạch không nung, vì thế khi nó bị gẫy ra - điều không thể tránh khỏi trong một trận động đất lớn - các mảnh vỡ vẫn được gắn liền với nhau", thành viên nhóm nghiên cứu Dominic Dowling cho biết.
Dowling đã xây dựng các mô hình nhà nhỏ bằng nửa kích cỡ thật, với 1 bức tường và 2 góc nhà, và thử chúng trên một cái bàn bị rung lắc. Mô hình nhà xây theo cách truyền thống bị hư hại nghiêm trọng khi rung lắc đạt đến 70% cường độ chấn động trong trận động đất tại El Salvador 7,7 độ richter. Song cũng với rung lắc đó, mô hình được gia cố bằng tre lại hoàn toàn bình an vô sự. Các rung lắc với cường độ bằng 100% hoặc 125% so với cường độ trận động đất tại El Salvador chỉ gây ra những đứt gãy nhỏ trên mô hình gia cố này.
Hầu hết các kỹ sư động đất đều áp dụng những công nghệ cao để bảo vệ các toà nhà, và nhắm đến các quốc gia phát triển. Ít người nỗ lực tìm giải pháp để củng cố các ngôi nhà truyền thống tại các nước nghèo, lý do là họ phụ thuộc vào các loại vật liệu hoặc kỹ thuật đắt tiền, vượt ngoài tầm với của nhà xây dựng bình thường.
"Kỹ thuật mới có tiềm năng ứng dụng to lớn tại Nam và Trung Mỹ, Trung Á và Ấn Độ", kỹ sư cấu trúc Michael Griffith thuộc Đại học Adelaide, Nam Australia nhận định.
Samali và cộng sự giờ đây đang xây dựng các mô hình hoàn chỉnh nhà gạch không nung có kích cỡ nửa nhà thật để đưa vào thử nghiệm. Họ dự kiến công bố phát hiện vào tháng 9 tới, tại Hội nghị kỹ sư cấu trúc Australia.
Thuận An theo NewScientist