Công nghệ Seraphin, giải pháp xử lý triệt để rác thải sinh hoạt
Qua nhiều năm nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm, nhóm nghiên cứu thuộc Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin đã hoàn thiện công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện đô thị Việt Nam, đó là công nghệ Seraphin. Mới đây, Công ty đã khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy Xử lý rác Đông Vinh Nghệ An, với tổng vốn đầu tư gần 37 tỷ đồng, phấn đấu đưa TP.
Vinh trở thành đô thị đầu tiên trong cả nước về xử lý triệt để các loại rác thải sinh hoạt thông qua việc ứng dụng công nghệ Seraphin. Công nghệ này là một giải pháp xử lý triệt để rác thải sinh hoạt đô thị mà không cần chôn lấp.
Một trong những đặc điểm của công nghệ Seraphin là có thể áp dụng tại các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt ở các đô thị Việt Nam. Đây là công nghệ do người Việt Nam đề xuất, phát triển và chủ động chế tạo thiết bị nhằm phục vụ nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt. Công nghệ này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế.
Với công nghệ Seraphin, các đô thị Việt Nam có thể xử lý đến 90% khối lượng rác để tái chế thành phân hữu cơ và nguồn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng. Chỉ còn 10% khối lượng rác là sạn sỏi, tro xỉ... phải chôn lấp nên có thể tiết kiệm được diện tích bãi chôn lấp rác thải vốn đang là vấn đề bức xúc ở các đô thị lớn.
Không chỉ dừng lại ở việc xử lý rác thu gom hàng ngày rác tươi, công nghệ Seraphin còn có thể xử lý được rác đã chôn tại bãi chôn lấp rác khô.
Với việc đầu tư phát triển, hoàn thiện giải pháp, chế tạo thiết bị và sau gần 2 năm hoạt động, nhờ công nghệ này, Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin đã khôi phục và đưa vào hoạt động Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương Thừa Thiên - Huế, đồng thời, từ giữa năm 2004 đến nay, đã tiếp nhận và xử lý toàn bộ rác thải của Thành phố Huế, đạt công suất 150 tấn/ngày và phần rác thải phải chôn lấp chỉ dưới 10%.
Đặc biệt, Dự án xây dựng mới Nhà máy Xử lý rác thải Đông Vinh đã chứng tỏ sự thành công của công nghệ này. Dây chuyền số 1 xử lý rác khô đã được vận hành từ tháng 6/2004, đạt 70 tấn/ngày, tách lọc rác khô thành mùn hữu cơ và nguyên liệu thô để sản xuất vật liệu xây dựng. Dây chuyền số 2 xử lý rác tươi đã đi vào hoạt động từ tháng 9/2004, với công suất xử lý 150 tấn/ngày.
Quá trình nghiên cứu và thực tế áp dụng đã cho thấy ưu điểm nổi bật của công nghệ Seraphin là khả năng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vì rác thải sinh hoạt được xử lý ngay trong ngày, chứ không chôn lấp rác tươi nên không còn mùi hôi và tuyệt đối không còn nước rỉ rác ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Thêm vào đó, vốn đầu tư cho nhà máy xử lý rác theo công nghệ Seraphin chỉ bằng 30 - 40% so với dây chuyền thiết bị tương tự nhập khẩu, trong khi thời gian từ khi đầu tư xây dựng đến khi đưa nhà máy xử lý rác vào hoạt động được rút ngắn đáng kể chỉ từ 6 tháng đến 1 năm. Riêng phần máy móc, thiết bị được chế tạo trong nước nên khâu bảo hành, bảo trì ít tốn kém và thuận tiện.
Theo các chuyên gia, mặc dù công nghệ Seraphin đã chứng minh được những ưu điểm nổi trội, song trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng cũng đã nảy sinh một số hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện. Cụ thể, để làm được phân compos từ rác, phải có diện tích nhà xưởng, hầm ủ lớn, vì thời gian ủ mùn hữu cơ kéo dài 30 - 40 ngày, dẫn đến chi phí xây dựng cơ bản lớn. Để khắc phục, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục đưa ra các thế hệ thiết bị ủ phân compos theo phương pháp ủ hiếu khí có đảo trộn và tạo môi trường tích cực cho vi sinh vật phân huỷ phát triển nhằm rút ngắn thời gian ủ mùn hữu cơ. Mặt khác, khả năng tiêu thụ phân bón compos còn phụ thuộc vào đặc điểm địa hình và tập quán canh tác của mỗi địa phương, nên cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nhằm tăng cường tiêu thụ loại phân này.
Nguồn tin: Báo đầu tư điện tử