Hội thảo "Môi trường và định hướng kinh doanh cho các doanh nghiệp tư vấn khi hội nhập"

Wednesday, 07/12/2006 00:00
Acronyms View with font size
Ngày 6 - 7 - 2006, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam VECAS đã tổ chức cuộc hội thảo "Môi trường và định hướng kinh doanh cho các doanh nghiệp tư vấn khi hội nhập".
Tới dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Thương mại - Lương Văn Tự, bà Phạm Chi Lan - chuyên gia cao cấp Ban Tư vấn của Văn phòng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Cúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Hà Nội, đại diện các sở Xây dựng Hà Nội, Cà Mau, Cao Bằng, đại diện các công ty tư vấn mọi lĩnh vực toàn quốc và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Mở cửa hội nhập tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển. Thông qua việc phân công lao động khu vực và toàn cầu, tạo ra cơ hội mới cho cạnh tranh. Đây là động lực quan trọng cho phát triển. Thông qua việc tham gia thị trường quốc tế, tạo ra một không gian rộng lớn cho phát triển kinh tế. Sản phẩm của DN không còn bị giới hạn bởi không gian một quốc gia. Các luồng vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật công nghệ và cả nguồn nhân lực đều có cơ hội giao lưu, tham gia vào sự phân công lao động toàn cầu.
Gia nhập WTO là sân chơi chung cho thị trường toàn cầu. Là tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh, WTO hiện chiếm khoảng 90% giao dịch thương mại thế giới. Thông qua những quy chế của tổ chức thương mại này, DN buộc phải tuân theo những luật chơi chung đồng thời được bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của mình. Đặc biệt là không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. WTO mở ra cơ hội một cách toàn diện về thị trường hàng hoá, thị trường dịch vụ, thị trường vốn và thị trường lao động.
Tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự thành viên đoàn đàm phán Việt Nam với Hoa Kỳ về gia nhập WTO đã phát biểu: "Một trong những yêu cầu cao nhất của Mỹ cũng như các doanh nghiệp Mỹ là các vấn đề về Sở hữu trí tuệ, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thực hiện các quy định Sở hữu trí tuệ theo tiêu chuẩn WTO ngay khi đang còn đàm phán. Quốc hội đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2006. Trong một số lĩnh vực khác chúng ta cũng đã thực hiện nhanh hơn lộ trình cam kết như: mở cửa thị trường bảo hiểm nhân thọ, cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi thành 100% vốn nước ngoài trong công nghiệp.
Năm 2005, Quốc hội Việt Nam đã làm nỗ lực xây dựng và thông qua 29 luật. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành nước duy nhất có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh trước khi gia nhập WTO. Hệ thống pháp luật Việt Nam là một trong những mối quan tâm của các đối tác trong quá trình đàm phán.
Một loạt thách thức đối với VN được bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ, đưa ra: Phải chấp nhận luật chơi chung và tự sửa luật chơi cho phù hợp cam kết quốc tế. Phải mở cửa thị trường trong nước, chấp nhận cạnh tranh từ bên ngoài trên hầu hết các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, nhân lực…. Xét về năng lực cạnh tranh, hầu hết các DNNN đang rất yếu kém trên cả ba lĩnh vực: nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức sản xuất tốt để hạ giá thành, và khả năng tiếp thị sản phẩm.
Từ nay tới cuối năm 2006, Việt Nam sẽ gia nhập WTO. Gia nhập WTO là thử thách với mọi nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam. Thử thách này càng khắc nghiệt hơn khi chúng ta là một nước đang phát triển, đồng thời là nền kinh tế chuyển đổi. Một điều rõ ràng là để hội nhập thành công, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Đó là một tin mừng nhưng cũng là nỗi lo cho tất cả các doanh nghiệp vì gia nhập WTO sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp nhiều thách thức.

Về cơ hội: Chúng ta sẽ mở rộng thị trường và có điều kiện tăng xuất khẩu trong đó có ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có công ăn việc làm và tiếp thu công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, phương thức kinh doanh theo thông lệ quốc tế; nâng cao tính hiệu quả và sức cạnh tranh cho nền kinh tế do phải vươn lên đểtự hoàn thiện mình, nâng dần khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình để chống lại sức ép cạnh tranh đến từ bên ngoài; sử dụng được cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để chống lại các tranh chấp thương mại mà phần thua thiệt thường rơi về phía ta bởi ta là nước nhỏ. Gia nhập WTO sẽ giúp ta sử dụng được cơ chế giải quyết tranh quyết của tổ chức này, qua đó có thêm công cụ để đấu tranh với các nước lớn, bảo đảm sự bình đẳng trong thương mại quốc tế.

Về thách thức: Chúng ta phải chịu sức ép cạnh tranh do phải giảm thuế, cắt giảm hàng rào phi thuế, loại bỏ trợ cấp, mở rộng thị trường dịch vụ, của sự thách thức của chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bố trí lại nguồn lực để đối phó với quá trình mở cửa cho các hàng hoá, doanh nghiệp của nước ngoài, thách thức của việc hoàn thiện thể chế về cải cách nền hành chính quốc gia bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển biến dần để thích ứng với cải cách đó, thách thức về nguồn nhân lực vì muốn hội nhập phải có một đội ngũ cán bộ đủ mạnh, xuyên suốt từ Trung ương đến các địa phương, cho đến các doanh nghiệp để hoạt động trong một nền kinh tế mở có sự tham gia của các yếu tố nước ngoài.
Muốn nắm bắt được cơ hội và đối phó được các thách thức các doanh nghiệp cần chuẩn bị các điều kiện để thực hiện nghĩa vụ WTO khi gia nhập; sẵn sàng nắm bắt các cơ hội tiếp cận thị trường, củng cố năng lực để đối phó với thách thức.
Cơ hội, thách thức là như thế. Thời gian hội nhập lại đến rất gần trong khi các doanh nghiệp ở ngành ta tuy đã được nhắc nhở từ lâu nhưng việc chuẩn bị so với yêu cầu còn xa mới đạt. Muốn đáp ứng được yêu cầu, phía các doanh nghiệp cần có sự cố gắng, vươn lên nhưng cũng cần có sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Nhà nước.

Về mặt các doanh nghiệp: Do phải lao vào việc hoạt động kinh doanh trong điều kiện ngày càng cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc hội nhập. Hoạt động xây dựng trong đó có tư vấn, xây lắp và vật liệu xây dựng rất đa dạng, từ khi đổi mới theo cơ chế thị trường đến nay đã có nhiều tiến bộ nhưng rõ ràng sức cạnh tranh còn kém hơn so với khu vực và thế giới, hao phí nhân lực còn cao, trình độ khoa học, công nghệ còn thấp, phương thức kinh doanh còn chưa theo kịp thông lệ quốc tế, việc kinh doanh chủ yếu còn ở trong nước chưa vươn ra thị trường nước ngoài bao nhiêu. Do đó, muốn hội nhập các doanh nghiệp xây dựng ở nước ta cần:
- Chủ động tìm hiểu về nội dung của hội nhập một cách sâu sắc, nắm được nội dung mà nước ta đã và sẽ ký kết để vào WTO nhất là đối với ngành xây dựng thông qua các hội thảo, huấn luyện ngắn ngày.
- Nâng cao sức cạnh tranh bằng cách: Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện để chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ mới, cách làm ăn theo thông lệ quốc tế, cách quản lý các dự án, đổi mới và trang bị các thiết bị máy móc cần thiết để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành.
- Xoá bỏ việc khép kín trong từng doanh nghiệp, mở rộng việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong một ngành, giữa các doanh nghiệp tư vấn thiết kế với xây lắp và vật liệu với nhau để việc hỗ trợ nhau trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng có hiệu quả, bổ sung các ưu điểm cho nhau thành một lực lượng đủ mạnh, đa dạng để có thể cạnh tranh với đối thủ từ nước ngoài.
- Tăng cường liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để được chuyển giao công nghệ và học tập cách làm ăn theo thông lệ quốc tế.
- Kiên quyết đẩy mạnh các hình thức xuất khẩu, trước tiên là hình thức xuất khẩu tại chỗ, làm thầu phụ cho các doanh nghiệp nước ngoài.
- Đẩy mạnh công nghệ thông tin, tiến tới tự lập được các phần mềm cần thiết cho việc sản xuất, hợp tác sản xuất phần mềm với nước ngoài, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng phần mềm không hợp pháp, một điều cấm kỵ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi hội nhập.
- Hâm nóng việc áp dụng, xây dựng hệ thống chất lượng theo ISO 9000 một cách thiết thực, có hiệu quả. Song song cần phổ biến áp dụng và xây dựng Hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000.
- Nhanh chóng nắm bắt các văn bản pháp quy mới được ban hành để đáp ứng của hội nhập. các văn bản được ban hành gần đây có phần nào dồn dập, nếu không quan tâm phổ biến, tổ chức vấn đề thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất đồng thời không thực hiện được cam kết quốc tế.
- Nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế để sẵn sàng đối phó với tranh chấp thương mại trên thị trường ngoài cũng như yêu cầu Chính phủ có biện pháp xử lý khi các đối tác nước ngoài ocs hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường Việt Nam bán phá giá, trợ cấp....
- Tích cực tham gia cổ phần hoá và đổi mới doanh nghiệp.
Ngoài sự cố gắng chủ động tìm hiểu, tự mình vươn lên để hội nhập cũng đề nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng trước và trong khi hội nhập.
1 Hỗ trợ doanh nghiệp các thông tin và kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế bằng cách tổ chức các lớp tập huấn về nội dung các quy định của WTO, yêu cầu của các đối tác và tóm tắt mặt bằng cam kết của nước ta để có sự chuẩn bị phù hợp. Ngoài ra cũng mong được bồi dưỡng kiến thức về pháp luật thương mại quốc tế đặc biệt là các kiến thức liên quan đến nhập khẩu vào thị trường nước ngoài và xử lý tranh chấp.
2 Được thông báo lộ trình hội nhập của ngành nghề ocs liên quan như xây lắp, tư vấn, vật liệu và nên cho các Hiệp hội, các doanh nghiệp góp ý về lộ trình đó để sau này được chủ động trong thực hiện và sát đúng với tình hình của ngành nghề.
3 Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp mới thành lập trong đó các doanh nghiệp tư vấn có yêu cầu cấp thiết vì hoàn cảnh ban đầu thường yếu kém.
4 Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn nhất là các doanh nghiệp tư vấn xây dựng phần lớn thuộc loại vừa và nhỏ bằng cách nới lỏng các điều kiện cho vay, đơn giản hoá các thủ tục cho vay và thế chấp.
5 Quan tâm việc đào tạo và phát triển đội ngũ lao động có kỹ thuật: nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình và phương thức đào tạo ở các cấp đại học, cao đẳng và dạy nghề theo hướng bám sát thực tiễn, gắn với yêu cầu của sản xuất kinh doanh. Khuyến khích sự liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các viện nghiên cứu với các doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn cho các học viên sau khi tốt nghiệp, đồng thời thiết lập quan hệ giúp đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn.
Cần quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ các Hội, Hiệp hội đẩy mạnh việc xã hội hoá giáo dục trong các doanh nghiệp để việc đào tạo ở đó được liên tục, thường xuyên tránh tình trạng dành các công việc đó cho các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm của các Bộ như hiện nay một số nơi đã làm.
6 Hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khâu nghiên cứu và phát triển R&D để giúp các doanh nghiệp nâng cao căn bản năng lực cạnh tranh. Việc này đòi hỏi nguồn vốn lớn và chiến lược thị trường thích hợp. Vì vậy vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực này là hết sức to lớn. Nếu cần Nhà nước ocs thể nghiên cứu giảm hoặc miễn một số thuế cho các doanh nghiệp để làm việc đó như một số nước đã làm ngay cả Mỹ - một nước kinh tế phát triển như vậy vẫn làm.
7 Tạo điều kiện cho các Hiệp hội doanh nghiệp hoạt động để làm nhiệm vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hội nhập, đấu tranh với đối tác nước ngoài để bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp khi cần thiết.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, thế mạnh các doanh nghiệp Việt Nam nằm ngay trong thách thức. Nhưng một thực trạng là cơ chế, chính sách còn hạn chế, thậm chí đang đè lên vai họ. Chính phủ phải "xắn tay" cùng doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, giúp họ tăng tốc và cất cánh.

Minh Tâm

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)