Thái Bình hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng

Tuesday, 01/14/2025 15:11
Acronyms View with font size

Thái Bình sẽ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng, tạo nền tảng bền vững trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thái Bình ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 83/QĐ-TTg ngày 13/1/2025 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh). Xây dựng lộ trình tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra. Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực, chương trình, dự án theo nội dung quy hoạch đã được phê duyệt.

Thái Bình ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn

Theo kế hoạch, đối với các dự án đầu tư công, Thái Bình sẽ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, thành phố Hải Phòng, tạo nền tảng bền vững trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng cấp điện; cấp nước; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các trung tâm đô thị lớn được xác định trong Quy hoạch tỉnh. Huy động các nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo quy hoạch chung. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Bên cạnh đó, đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao quan trọng; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở y tế công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự chủ về đầu tư; tăng cường cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt chuẩn; đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội công lập; cơ sở cai nghiện; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực khoa học và công nghệ; các công trình, dự án thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt; quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hạ tầng số, hạ tầng viễn thông thụ động, hạ tầng bưu chính, hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin,...; bố trí quỹ đất, triển khai các dự án đầu tư xây dựng doanh trại, trụ sở cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời phát triển hệ thống cung cấp nước chữa cháy, các loại hình giao thông và hệ thống thông tin, liên lạc phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ,...

Thu hút dự án đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh

Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, Thái Bình xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư căn cứ vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển và phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực được xác định trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh, gồm:

- Xây dựng các công trình cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng bưu chính, logistics, cảng cạn;

- Xây dựng hạ tầng năng lượng; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp;

- Các dự án đầu tư phát triển vùng kinh tế biển, ven biển;

- Xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

- Các dự án xây dựng hạ tầng thương mại - dịch vụ hiện đại, dịch vụ chất lượng cao;

- Các dự án cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp, đô thị và nông thôn;

- Các dự án đầu tư phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và đảm bảo an sinh xã hội, thông tin và truyền thông;

- Các dự án về xử lý rác thải, nước thải và giảm ô nhiễm môi trường;

- Các dự án công nghiệp công nghệ cao, điện, điện tử, trung tâm dữ liệu tập trung; công nghiệp cơ khí chế biến, chế tạo, ô tô,...

Đồng thời, chú trọng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh (năng lượng, chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông thủy sản,…), sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao; dự án sử dụng lao động trình độ cao; dự án tạo nguồn thu ngân sách lớn và ổn định. Khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu quốc gia và toàn cầu, có năng lực tài chính mạnh, có khả năng đầu tư lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ.

Huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 814.000 tỷ đồng

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 13,4% bình quân hằng năm trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tỉnh Thái Bình cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 814.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò chủ đạo; nguồn vốn khu vực nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, định hướng để thu hút các nguồn lực khu vực ngoài nhà nước, cụ thể:

Đơn vị: Tỷ đồng

Nguồn vốn

Cơ cấu trong tổng vốn giai đoạn 2021-2030

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Tổng cộng

237.000

577.000

- Nguồn vốn khu vực nhà nước

21% (tương đương 49.800 tỷ đồng)

14% (tương đương 80.800 tỷ đồng)

- Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước

69% (tương đương 163.500 tỷ đồng)

70% (tương đương 403.900 tỷ đồng)

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

10% (tương đương 23.700 tỷ đồng)

16% (tương đương 92.300 tỷ đồng)

Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển; thu hút đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)