Đẩy nhanh tiến độ dự án nhà ở xã hội cho công nhân

Tuesday, 01/14/2025 14:21
Acronyms View with font size

Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước. Năm 2024, địa phương này thu hút gần 1,75 tỷ USD, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Với sự phát triển nhanh chóng về công nghiệp, nhu cầu về nhà ở của công nhân, người lao động ngày càng tăng cao, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành 28.500 căn nhà ở xã hội; trong đó có 19.500 căn nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế đang triển khai, nếu không có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tiến độ các dự án, mục tiêu này khó trở thành hiện thực.

Khu ký túc xá dự án Nhà máy Luxshare-ICT Nghệ An tại Khu công nghiệp VSIP, quy mô 2.055 phòng.

Số lượng còn khiêm tốn

Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An hiện có 322 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 185.088,05 tỷ đồng. Trong đó, có 224 dự án trong nước và 98 dự án FDI. Tổng số công nhân, người lao động đang làm việc ở các khu này hơn 46.000 người.

Thời gian qua, một số khu ký túc xá và nhà lưu trú công nhân được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Cụ thể, tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, Khu ký túc xá dự án Nhà máy Luxshare-ICT Nghệ An quy mô 2.055 phòng lưu trú, đáp ứng lưu trú cho khoảng 8.220 công nhân, hiện đã có 1.521 công nhân lưu trú. Khu ký túc xá của Công ty TNHH công nghệ Everwin Precision Việt Nam, diện tích 2,865 ha, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khoảng 1.200 công nhân. Nhà lưu trú công nhân Luxshare-ICT Nghệ An I, quy mô khoảng 0,33 ha, hơn 1.100 chỗ ở…

Tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Khu ký túc xá dự án Nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô-tô Ju Teng, đáp ứng lưu trú cho khoảng 20.000 công nhân đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi về nơi ở để công nhân, người lao động yên tâm làm việc. Tuy vậy, với hơn 46.000 công nhân, người lao động thì số lượng nhà ở này còn rất khiêm tốn.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Trưởng Phòng Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Tính đến nay Khu kinh tế Đông Nam có bốn dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động, đáp ứng chỗ ở cho gần 23.000 người. Thế nhưng, trong bốn dự án này, chỉ có một dự án đang triển khai thi công, đó là khu nhà ở xã hội cho công nhân tại xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, với diện tích 3,48 ha, do Công ty cổ phần địa ốc Kim Thi làm chủ đầu tư. Dự án đáp ứng chỗ ở cho gần khoảng 1.800 công nhân, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Đối với ba dự án còn lại, sau nhiều năm vẫn đang tiến hành các thủ tục đầu tư. Cụ thể: Dự án khu nhà ở xã hội cho công nhân tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, diện tích 3 ha do Công ty cổ phần Xi-măng Sông Lam làm chủ đầu tư, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 850 công nhân; dự án khu nhà ở xã hội cho công nhân tại xã Nghi Thuận và Nghi Long, huyện Nghi Lộc, diện tích 10,825 ha, do Công ty cổ phần điện mặt trời Miền Trung MK làm chủ đầu tư, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 9.970 công nhân; dự án khu nhà ở xã hội cho công nhân vị trí tại xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, diện tích 9,21 ha do Công ty cổ phần Thương mại quốc tế BMC làm chủ đầu tư, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 9.780 công nhân.

Việc các doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng các khu ký túc xá, lưu trú cho công nhân, người lao động công ty của mình chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, phần lớn công nhân đều phải thuê trọ ở ngoài. Việc phải thuê phòng trọ bên ngoài phát sinh một khoản chi phí lớn, kéo theo đó là điều kiện ăn ở, an ninh trật tự không bảo đảm.

Tại Khu công nghiệp VSIP ở huyện Hưng Nguyên, mỗi tháng anh Trần Văn Khôi (quê ở huyện Yên Thành) và anh Hoàng Văn Quân (quê ở huyện Diễn Châu) phải chi phí mỗi người hơn một triệu đồng/tháng để thuê phòng trọ (trong đó Công ty TNHH công nghệ Kersen hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng).

Còn chị Lương Thị Tuyết (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) và bạn mình, dù lương tháng chưa đến sáu triệu đồng, nhưng phải thuê căn phòng chỉ khoảng 10 m2 với giá 1,2 triệu đồng (chưa tính tiền điện, nước). Đối với các cặp vợ chồng đều là công nhân thì hầu hết phải thuê trọ ngoài.

"Nếu hai vợ chồng làm cùng công ty thì vẫn được bố trí ở ký túc, nhưng hai người ở hai khu riêng, rất bất tiện. Đó là chưa kể ở ký túc xá công ty thì không được nấu ăn, rồi con cái nữa nên vợ chồng em đành phải chấp nhận tốn kém ra thuê trọ ngoài…", anh Nguyễn Trọng Sáng (huyện Thanh Chương) chia sẻ.

Có hơn 46 nghìn công nhân, lao động đang làm việc tại Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An.

Nhiều điểm nghẽn chờ khơi thông

Chia sẻ về nguyên nhân khiến kết quả nhà ở xã hội cho công nhân cách khá xa so mục tiêu đề ra, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết: Tại một số khu công nghiệp nằm ngoài Khu kinh tế Đông Nam hoặc các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam nhưng có vị trí độc lập, không gắn liền với các khu chức năng dịch vụ, đô thị, việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân nằm liền kề khu công nghiệp còn bị động, phụ thuộc nhiều vào quá trình lập quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung xã và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Hầu hết các dự án nhà ở xã hội cho công nhân chủ yếu được triển khai xây dựng tại các khu vực chưa được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch xây dựng các khu chức năng đã được phê duyệt. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân, bởi việc kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối ngoại bị hạn chế.

Bên cạnh đó, các dự án nhà ở xã hội cho công nhân đã và đang triển khai thực hiện đều có vị trí tiếp giáp các trục giao thông chính như N5 và D4 trong Khu kinh tế Đông Nam, nhưng sau khi các tuyến đường này được nâng cấp thành các tuyến quốc lộ, việc đấu nối dự án với các tuyến quốc lộ này không nằm trong quy hoạch đấu nối, không bảo đảm về khoảng cách theo quy định hoặc thủ tục đấu nối kéo dài, dẫn đến các thủ tục liên quan tiếp theo cho dự án bị ảnh hưởng theo.

Ngoài ra, theo báo cáo của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn vay 120 nghìn tỷ đồng theo Chương trình thuộc Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" còn nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thủ tục pháp lý tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng có liên quan.

Từ thực tế nêu trên, để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam kiến nghị tỉnh cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội công nhân. Cùng với đó, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan chủ động hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đối với khu vực chưa có quy hoạch phân khu xây dựng, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định địa điểm thực hiện dự án nhà ở xã hội công nhân theo các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, hoặc quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung xã (đã có định hướng quy hoạch đất ở).

Bên cạnh đó, cần có phương án giải quyết về đấu nối giao thông đối ngoại cho các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp Nghệ An đã được cấp phép đầu tư trước khi các tuyến đường tiếp giáp dự án được nâng cấp lên quốc lộ; cần có giải pháp thúc đẩy giải ngân đối với nguồn vốn vay 120 nghìn tỷ đồng…

Liên quan đến giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có ba dự án đáp ứng điều kiện pháp lý để được tiếp cận vay vốn theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, ngày 11/3/2023, đó là: Dự án Khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam tại xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc do Công ty cổ phần địa ốc Kim Thi làm chủ đầu tư; dự án cải tạo Khu A Khu chung cư Quang Trung, thành phố Vinh do Công ty cổ phần Đầu tư đô thị Dầu khí Quang Trung làm chủ đầu tư và dự án cải tạo, xây dựng lại khu C, chung cư Quang Trung do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 30 làm chủ đầu tư. Trong ba dự án nêu trên, dự án do Công ty cổ phần địa ốc Kim Thi làm chủ đầu tư đang được Ngân hàng TMCP Bảo Việt Chi nhánh Nghệ An cấp tín dụng thương mại để thực hiện dự án với hạn mức tín dụng là 220 tỷ đồng; dư nợ tại thời điểm ngày 31/12/2024 là 81,14 tỷ đồng. Hiện tại, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa phát sinh dư nợ.

Source: Nhân dân điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)