Hội thảo “Áp dụng BIM trong xây dựng: Hiện trạng, giải pháp và định hướng chính sách mới”

Saturday, 11/30/2024 18:32
Acronyms View with font size

Ngày 30/11/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Xây dựng tổ chức hội thảo “Áp dụng BIM trong xây dựng: Hiện trạng, giải pháp và định hướng chính sách mới”, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp và định hướng chính sách mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả áp dụng BIM trong xây dựng

Phát biểu khai mạc, Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Nguyễn Thái Bình cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm thông tin về chính sách BIM vừa ban hành và định hướng chính sách mới; công tác đào tạo, cấp chứng nhận BIM; công tác thiết kế, thi công dự án áp dụng BIM sử dụng cấu kiện bê tông tiền chế; thông tin về những bất cập liên quan đến quá trình đấu thầu, nghiệm thu tại một số dự án áp dụng BIM và đề xuất giải pháp, nhằm góp phần minh bạch, hiệu quả hơn dự án đầu tư xây dựng. 

Tại hội thảo, diễn giả, chuyên gia đến từ các trường Đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước trình bày nhiều tham luận về các chủ đề: Chính sách áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) hiện hành, định hướng đổi mới trong thời gian tới; thực trạng công tác đào tạo BIM trong thời gian vừa qua và một số đề xuất, kiến nghị; khó khăn, thách thức và giải pháp khắc phục trong công tác đấu thầu dự án áp dụng BIM; một số khuyến nghị liên quan đến công tác thiết kế, thi công dự án áp dụng BIM sử dụng cấu kiện bê tông tiền chế; Bài học kinh nghiệm từ Singapore trong công tác đấu thầu dự án áp dụng BIM; thực trạng công tác triển khai BIM cho công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật trong thời gian vừa qua và một số đề xuất, kiến nghị.

Trình bày tham luận “Chính sách áp dụng BIM hiện hành và định hướng đổi mới trong thời gian tới”, TS. Vũ Quyết Thắng - Viện Kinh tế Xây dựng tổng quan mục tiêu, lộ trình, những chính sách liên quan đến áp dụng BIM tại Việt Nam; đồng thời hướng dẫn xác định chi phí áp dụng BIM theo quy định tại Thông tư số 09/2024/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Trong khi đó, thông qua tham luận “Thực trạng công tác đào tạo BIM giao thông và hạ tầng (Horizontal BIM) trong thời gian qua và một số đề xuất, kiến nghị”, chuyên gia Phạm Ngọc Bảy - Viện Nghiên cứu và phát triển BIM Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra các đề xuất cải tiến và chính sách đào tạo BIM tại Việt Nam bao gồm: xây dựng giáo trình; biên dịch tài liệu quốc tế; đưa BIM vào chương trình học; tăng cường thực hành; xây dựng phòng thực hành BIM; tích hợp bài tập, đồ án liên quan đến BIM; kết nối doanh nghiệp; hợp tác với các công ty để hỗ trợ sinh viên thực tập; tổ chức hội thảo và khóa học thực tế; hỗ trợ từ nhà nước; sớm xuất bản các qui định về ADAC (phục vụ đào tạo BIM2, BIM3).

Áp dụng BIM giúp rút ngắn thời gian thi công, nâng cao hiệu quả các dự án

Tham dự hội thảo, đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai nhấn mạnh những trụ cột trong BIM (bao gồm công nghệ; quy trình; con người; chính sách), đồng thời đưa ra một số khuyến nghị ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công, đó là: Ứng dụng công nghệ (đặt mục tiêu cụ thể, xác định giai đoạn áp dụng, đánh giá năng lực nội bộ, lựa chọn công nghệ, triển khai); Tăng cường phối hợp (Tăng cường phối hợp giữa các bên, thiết lập môi trường dữ liệu chung, tổ chức họp định kỳ, xây dựng kế hoạch phối hợp); Đảm bảo thông tin đồng bộ và chính xác (sử dụng các tiêu chuẩn BIM trong nước và quốc tế đã được ban hành, áp dụng kiểm tra định kỳ, quản lý thông tin theo thời gian thực); Xây dựng quy trình chuẩn hóa, linh hoạt (xây dựng kế hoạch triển khai BIM (BEP), thiết kế quy trình linh hoạt, đào tạo liên tục);

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực (xây dựng đội ngũ chuyên môn cao, đánh giá năng lực hiện tại; tổ chức đào tạo bài bản); Tạo môi trường làm BIM chuyên nghiệp (thuê chuyên gia BIM làm cố vấn, đưa đội ngũ trẻ vào học hỏi, phát triển, xây dựng các vị trí BIM, định nghĩa rõ trách nhiệm và yêu cầu cho từng vị trí); đảm bảo nguồn lực phù hợp với dự án (xác định số lượng và vai trò nhân sự cần thiết, điều chỉnh quy mô, năng lực theo từng dự án; triển khai đào tạo trực tiếp theo dự án; tăng cường giám sát, hỗ trợ khi triển khai); hỗ trợ từ chính sách; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng BIM; tạo diễn đàn, hội thảo kết nối.

Tại hội thảo, Ban tổ chức cũng dành thời gian để các chuyên gia đến từ: Autodesk, Viện Nghiên cứu và phát triển BIM Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trường Đại học Giao thông vận tải... tham gia tọa đàm, trao đổi các nội dung về công tác đào tạo, cấp chứng nhận BIM, qua đó đề xuất thêm các giải pháp và định hướng chính sách mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả áp dụng BIM trong xây dựng.

Trần Đình Hà

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)